Thợ điện vùng biên

23/06/2020 13:03

Những khuôn mặt rám nắng, đôi bàn tay chai sần, những bộ quần áo cam bạc màu dần theo thời gian... song vượt lên trên tất cả gian nan, vất vả, những người thợ điện vùng biên luôn nỗ lực vì một dòng điện thông suốt, an toàn.

Tất cả vì dòng điện thông suốt

Một ngày của Đội quản lý điện tổng hợp Mô Rai (huyện Sa Thầy) bắt đầu từ lúc tinh mơ. Sau bữa cơm sáng, đội trưởng Phùng Duy Hưng quán triệt từng công việc cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ trong ngày với tinh thần luôn sẵn sàng có mặt để xử lý tình huống bất ngờ có thể xảy ra cho từng thành viên. Trước khi xuất phát, anh em trong Đội kiểm tra kỹ lưỡng các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết, phục vụ công việc cho ngày mới. Hành trang mang theo ngoài dụng cụ “nhà nghề” còn bình nước, vài nắm cơm hay vài ổ bánh mì để lót dạ buổi trưa.

Địa bàn rộng, lưới điện chủ yếu đi qua các khu vực rừng núi, nhất là vùng lõi của Vườn quốc gia Chư Mom Ray nên công tác quản lý và vận hành hệ thống điện của những người thợ điện nơi đây rất vất vả, khó khăn.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn. Ảnh: TH 

 

Anh Phùng Duy Hưng chia sẻ: Đội quản lý điện tổng hợp Mô Rai chỉ có 5 người, gồm đội trưởng và 4 công nhân kỹ thuật, nhưng đảm nhận chức năng nhiệm vụ như của một đơn vị điện lực thu nhỏ. Hiện Đội đang quản lý và vận hành 98,5km đường dây trung thế, 31,6 km đường dây hạ thế, 39 trạm biến áp với gần 1.600 khách hàng sử dụng điện. Hằng ngày, anh em cứ như con thoi, lóc cóc trên chiếc xe máy đi hết từ làng này qua làng khác, bám theo từng tuyến đường dây để kiểm tra, phát quang, xử lý sự cố nhằm đảm bảo cho dòng điện thông suốt. Đồng thời, các công nhân của Đội còn làm nhiệm vụ tiếp nhận, giải đáp thắc mắc của người dân, ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện, tuyên truyền tiết kiệm điện. Thậm chí kiêm luôn cả việc sửa chữa đường điện sau công tơ và những thiết bị điện bị hư hỏng cho người dân trên địa bàn xã.

11h30, vừa giúp gia đình ông A Yer (làng Le, xã Mô Rai) sửa chữa xong đường điện trong nhà, mồ hôi nhễ nhại, chưa kịp uống miếng nước, nhận được tin báo mất điện, thế là anh Nguyễn Văn Sáu - công nhân của Đội quản lý điện tổng hợp Mô Rai vội vã chào chúng tôi để lên đường khắc phục sự cố.

Anh Sáu phân trần: “Anh em thông cảm, nhiệm vụ của bọn mình vậy, chỉ cần nhận tin báo mất điện hay có sự cố thì dù có nửa đêm cũng phải lên đường để kiểm tra, khắc phục. Việc cung cấp đầy đủ điện cho người dân, xử lý các sự cố mất điện luôn được anh em đặt lên hàng đầu”.

Cũng như các công nhân của Đội quản lý điện tổng hợp Mô Rai, công việc của tất cả các thợ điện phụ trách các khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh đều nhọc nhằn, vất vả. Đặc điểm chung các vùng biên giới là địa bàn rộng, giao thông cách trở, khí hậu khắc nghiệt, hệ thống lưới điện đi qua nhiều khu vực rừng núi, địa hình phức tạp. Khó khăn là vậy, nhưng vượt lên tất cả, mỗi ngày, họ đều lặng lẽ bám sát từng đường dây, kiểm tra kỹ lưỡng từng trạm biến áp… để vừa bảo đảm sự an toàn cho mình, vừa giữ cho dòng điện thông suốt.

Anh Ngô Trần Hữu Vương - Tổ lưới điện tại Ia H’Drai (trực thuộc Điện lực thành phố Kon Tum) tâm sự: Ngày nắng thì còn đỡ chứ ngày mưa thì vất vả lắm, nhất là những lần đi xử lý sự cố sau mưa bão. Đất đá sạt lở, cột đổ, lưới điện tê liệt, giao thông đi lại trắc trở, có khi anh em công nhân phải cuốc bộ hàng cây số, dầm mình dưới mưa để khắc phục từng cột trụ, đoạn dây... Nhiều khi vừa khắc phục xong sự cố nơi này, chưa kịp chạy về thay quần áo lại nghe có tin báo sự cố nơi khác lại phải tức tốc lên đường, quần áo cứ ướt rồi khô. Bất kể ngày hay đêm, chỉ cần có điện thoại hay thông tin người dân báo có sự cố là anh em lập tức lên đường, tranh thủ kiếm ổ bánh mì hay gói mì tôm, vài chai nước mang theo khi nào xong việc mới về.

Vượt lên tất cả, những người thợ điện luôn tận tụy đem ánh điện đến cho người dân. Ảnh: Sỹ Dũng 

 

“Theo quy định của ngành Điện, các sự cố thông thường phải khắc phục trong vòng 2 tiếng, nhưng ở vùng biên giới, nhiều khi chỉ lần theo tuyến tìm ra sự cố đã mất đến 40-45 phút rồi. Công việc áp lực, đòi hỏi phải hoàn thành nhanh nên nhiều hôm đến 3 - 4h chiều anh em mới được ăn trưa. Ăn cơm, uống nước trên cột điện cũng là chuyện thường xuyên với anh em thợ điện nơi biên giới” – anh Vương cười trải lòng.

Niềm vui của người dân - hạnh phúc của thợ điện

Mấy năm nay, hệ thống lưới điện vùng biên giới Ia H’Drai được đầu tư nhiều, vì vậy, các tuyến đường dây, số lượng khách hàng tăng nhanh. Cũng vì thế mà công việc của các anh em Tổ lưới điện tại Ia H’Drai vất vả, nhọc nhằn hơn. Thế nhưng, chứng kiến niềm vui của người dân mỗi khi dòng điện được kéo về từng nóc nhà, những “người lính” áo cam nơi đây thấy ấm lòng và thêm gắn bó với công việc, địa bàn.

Gắn bó ở địa bàn biên giới từ những ngày mới thành lập huyện, anh Tô Đông Nam - công nhân Tổ lưới điện tại Ia H’Drai chia sẻ: Tôi biết, người dân nơi đây thiệt thòi hơn nhiều địa phương khác vì lưới điện được đầu tư sau và chưa đồng bộ, đến giờ vẫn đang tiếp tục được xây dựng. Thế nên, mỗi khi có điểm dân cư nào được đóng điện, người dân vui sướng vì có điện sử dụng thì mình cũng vui lây.

“Mỗi lần chuẩn bị đóng điện, người dân háo hức lắm, gặp thợ điện là xúm xít lại hỏi đủ chuyện, rồi họ còn mua sẵn ti vi, nồi cơm điện, tủ lạnh; nhờ thợ điện lắp đặt sẵn hệ thống điện trong nhà chỉ chờ có điện để dùng. Nhiều người già cứ nắm tay chúng tôi cảm ơn rối rít. Cuộc sống của người dân dù còn nhiều khó khăn, nhưng bà con tình cảm lắm, nhiều lần anh em thợ điện đến giúp sửa chữa điện xong, người dân có quả bí, con gà cũng mang cho. Vì vậy mà ở đây tuy cuộc sống thiếu thốn, công việc khó khăn hơn, nhưng có những niềm vui khó có ở nơi nào sánh được” - anh Nam bộc bạch.

Những người thợ điện nơi biên giới đều chia sẻ rằng, càng ở những vùng khó khăn, bà con càng sống tình cảm và yêu quý thợ điện. Họ coi thợ điện như anh em trong nhà, bà con trong làng, trong xóm. Nhiều khi đi làm thiếu nhân lực mang vác vật tư, bà con sẵn sàng bỏ công việc để mang vác giúp, nhỡ bữa cũng được người dân nấu cơm cho ăn, đêm hôm lạnh lẽo có khi còn cho mượn áo mặc, chăn đắp. Những tình cảm ấy không phải ngẫu nhiên có được mà được xây đắp qua nhiều tháng, nhiều năm và bằng những hành động, việc làm cụ thể của những người thợ điện.

Điện về làng. Ảnh: Sỹ Dũng 

 

Anh Nguyễn Văn Sáu kể: Tôi gắn bó với vùng biên giới Mô Rai từ năm 2004, khi điện lưới Quốc gia mới bắt đầu được đưa về nơi đây. Những năm qua, chứng kiến dòng điện góp phần làm thay đổi đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, từng bước đẩy lùi cái đói, cái nghèo khiến tôi thấy vui và cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn. Vì thế, dù vất vả, khó khăn bao nhiêu, chúng tôi cũng luôn cố gắng để bà con không phải “đói điện”. Một ngày người dân không có điện là một ngày “đứng ngồi không yên”, thấy có lỗi với bà con.

Ông A Yer (làng Le, xã Mô Rai) vui vẻ cho biết: Trước đây, khi chưa có điện, cuộc sống của người dân buồn tẻ, lạc hậu, thiếu thông tin. Từ ngày có điện lưới quốc gia về thôn, tối đến nhà nào cũng có điện thắp sáng để phục vụ sinh hoạt, có tivi xem để nắm bắt tin tức thời sự, học hỏi khoa học, kỹ thuật để ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi…Có điện, nhiều nhà còn mua được máy xay xát, máy làm kem, đá để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Vì thế, bà con mình ai cũng quý mến thợ điện vì họ mang nguồn sáng cho cuộc sống của mình.

Quản lý, vận hành lưới điện vùng biên xa xôi và cách trở, nhưng vượt lên tất cả những khó khăn, thiệt thòi, những người thợ điện luôn tận tụy đem nguồn sáng, ánh điện đến cho người dân cũng như phục vụ nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh ở khu vực biên giới.

THÙY HƯƠNG

Chuyên mục khác