Thấp thỏm sống trong hành lang đường bộ

03/07/2023 06:11

Nhiều năm nay, gần 100 hộ dân ở 2 thôn Măng Khênh và Đông Lốc (xã Đăk Man, huyện Đăk Glei) luôn sống trong nỗi bất an, lo lắng, bởi nguy cơ mất an toàn do sạt lở, tai nạn, điện giật… có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đăk Man là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đăk Glei. Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh và hệ thống đường điện 500kV đi qua địa bàn đã và đang tạo sức bật cho Đăk Glei phát triển. Từ khi con đường Hồ Chí Minh được xây dựng và đưa vào sử dụng đã góp phần tích cực không chỉ trong giao thương mà còn giúp cho bà con đồng bào dân tộc nơi đây có nhiều đổi thay hơn. Tuy nhiên, cũng từ đó, một số hệ lụy khiến người dân bất an, lo lắng về sự an toàn khi sống dọc đường Hồ Chí Minh và dưới đường dây lưới điện cao thế này.

Hiện nay, trên địa bàn xã Đăk Man có cả trăm hộ dân sống trong hành lang an toàn đường bộ và ở dưới đường điện 500kV. Số hộ này chủ yếu tại 2 thôn Đông Lốc và Măng Khênh. Đây là hai thôn nằm dọc đường Hồ Chí Minh, có địa thế cao, dốc, dễ bị sạt lở, đường lại có nhiều cua dốc, trong khi nhà dân xây dựng dọc hai bên đường, nếu xe mất thắng sẽ lao vào nhà, tính mạng người dân bị đe dọa.

Nhiều hộ dân ở Đăk Man sống trong hành lang đường bộ, có nguy cơ sạt lở. Ảnh: H.N

 

Trong tổng số 318 hộ của thôn Đông Lốc và Măng Khênh, thì có hơn 90 hộ dân sống trong hành lang an toàn đường bộ và dưới đường điện cao thế. Trong đó, thôn Đông Lốc 47/141 hộ nằm trong hành lang đường bộ, nguy cơ sạt lở và thôn Măng Khênh có 45/177 hộ có nhà nằm trong hàng lang đường bộ, nguy cơ sạt lở và nằm dưới đường dây điện cao thế của đường dây 500kV. Người dân cảm thấy bất an và mong muốn được di dời đến khu tái định cư mới để sinh sống an toàn hơn.

Để hiểu rõ những tâm tư, nguyện vọng của người dân, phóng viên Báo Kon Tum đã vượt 150km từ thành phố Kon Tum lên đèo Lò Xo tìm hiểu thực tế cuộc sống của người dân nơi đây. Gặp chúng tôi, chị Y Hái (38 tuổi, thôn Đông Lốc) bày tỏ nỗi lo của mình. Chị Y Hái cho biết, ngôi nhà cấp 4 của chị được xây dựng bên đèo Lò Xo đến nay đã được 12 năm. Căn nhà nằm ngay khúc cua gấp của đường Hồ Chí Minh, bên hông là con suối mỗi năm đang ngày đêm lấn sâu vào phần đất của gia đình. Chị cho biết, căn nhà nằm trong hành lang an toàn đường bộ, có nguy cơ sạt lở cao nên không được xây dựng. Sống ở đây, gia đình chị rất bất an và chị đã từng chứng kiến có xe ô tô bị mất lái, suýt lao vào nhà mình nhưng may tài xế bình tĩnh đã đánh lái tránh được.

“Tôi ở đây đã hơn chục năm nay, cứ đến mùa mưa bão, tình trạng sạt lở diễn ra, nước tràn vào nhà khiến cuộc sống vất vả, khó khăn. Gia đình tôi mong mỏi được di dời lên một khu tái định cư an toàn, cao ráo để an cư, không còn phải sống thấp thỏm như bây giờ”- chị Y Hái nói.

Nhiều hộ dân thôn Đông Lốc sống trong khu vực hành lang an toàn đường bộ . Ảnh: HN

 

Tương tự, cạnh nhà chị Y Hái là căn nhà của bà Y Nhật được xây dựng cách đây đã mấy chục năm và cũng thường xuyên bị nước ngập khi mưa bão. Cứ mỗi lần như vậy, gia đình bà phải dắt díu nhau chạy lũ. Hết mưa bão, bà lại bỏ công dọn dẹp nhà cửa. Cuộc sống đến nay chưa yên ổn nên gia đình bà cũng khao khát được di dời đến khu tái định cư mới.

“Ở đây thấy bất an và bấp bênh quá, chúng tôi mong rằng nhà nước bố trí cho chúng tôi ở nơi ở mới an toàn hơn để yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, không phải sống trong cảnh lo âu như hiện nay”- bà Y Nhật cho biết.

Cũng cùng trong nỗi lo ấy, gia đình ông A Thẻ (60 tuổi, thôn Đông Lốc) cũng khổ sở mỗi khi mùa mưa đến. Căn nhà cấp 4 của gia đình ông nằm phía ta luy âm, ngay sát mặt đường Hồ Chí Minh. Mấy chục năm nay, căn nhà cấp 4 đã xuống cấp nhưng ông Thẻ cũng không thể sửa chữa, xây dựng vì nằm trong hành lang an toàn đường bộ. Theo ông Thẻ, đã nhiều năm nay, cứ vào mùa mưa bão, khi có mưa lớn là ông không dám ở nhà, phải di dời lên những hộ dân ở phía trên cao ở nhờ. Vì nhà ông nằm ở phía thấp hơn con đường, lại nằm ngay cạnh bên vực của con suối nhỏ, mùa mưa nước từ trên cao chảy qua đường Hồ Chí Minh tràn cả vào nhà khiến đồ đạc bị ướt, hư hỏng.

“Mỗi khi có mưa lớn, tôi rất lo sợ vì không biết nhà sẽ bị sập lúc nào. Vì thế, tôi mong rằng nhà nước sớm bố trí, di dời đến khu vực an toàn hơn để người dân chúng tôi không phải lo âu, bất an”- ông A Thẻ đề nghị.

Nhiều hộ dân ở thôn Đông Lốc cảm thấy bất an dưới đường điện cao thế. Ảnh: H.N

 

Trong khi đó, gia đình chị Y Bầu lại thấp thỏm nỗi lo sợ điện giật. Lý do chị Y Bầu lo lắng vì căn nhà chị xây dựng dưới đường dây điện 500kV. “Sống ở đây bất an lắm. Có lúc chập điện, âm thanh phát ra xẹt xẹt, khiến gia đình rất sợ. Sống 12 năm nhưng gia đình chưa được cấp sổ đỏ do nằm dưới điện lưới. Gia đình cũng mong muốn được di dời đến khu tái định cư ở cho an toàn”- chị Y Bầu tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Bản- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Man cho biết: Nhiều năm qua, hơn 90 hộ dân ở 2 thôn Măng Khênh, Đông Lốc đề nghị được di dời đến khu tái định cư. Những hộ này sống trong vùng hành lang an toàn đường bộ, vùng có nguy cơ sạt lở, dưới gầm cầu hoặc dưới đường dây điện 500kV. Cuộc sống của họ mất an toàn, rủi ro cao và nguy hiểm. Vì thế, việc di dời những hộ này đến khu tái định cư là cấp thiết.

“Từ kiến nghị của người dân, ngành chức năng cũng đã khảo sát và UBND xã Đăk Man cũng đã giới thiệu mặt bằng để xây dựng khu tái định cư nếu được phê duyệt”- ông Hoàng Văn Bản cho biết thêm.

Liên quan đến tình trạng này, người dân thôn Đông Lốc và Măng Khênh cũng nhiều lần kiến nghị, đề nghị tỉnh, huyện quan tâm giải quyết kiến nghị về dự án tái định cư cho người dân nằm trong nguy cơ sạt lở, hành lang an toàn đường bộ và mất an toàn của lưới điện cao thế… 

Bà Đinh Thị Y Ngọc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Glei cho biết: Đối với các hộ dân xã Đăk Man sống vùng hành lang đường bộ đã được UBND huyện chỉ đạo chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành huyện khảo sát, triển khai các giải pháp đảm bảo tính mạng cho nhân dân, đồng thời, tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định. Được biết, vấn đề kiến nghị của người dân Đăk Man cũng đã được UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định.

Sống trong lo âu, thấp thỏm, mất an toàn trên đỉnh đèo Lò Xo, hơn lúc nào hết, người dân thôn Đông Lốc và Măng Khênh mong muốn được Nhà nước quan tâm, sớm bố trí khu tái định cư tại nơi mới an toàn hơn để yên tâm lao động sản xuất và ổn định cuộc sống.

Hà Nam 

Chuyên mục khác