13/06/2019 06:08
Ngẩn ngơ trước thác
Nghe mọi người ngợi ca nhiều về những danh thắng ở huyện Kon Rẫy với không ít lời trầm trồ rằng, cảnh vật nơi đây đẹp như “công chúa ngủ trong rừng”, vậy là tôi quyết định sắp xếp làm cuộc hành trình về với nơi đây để được “mục sở thị”.
Được sự quan tâm và tạo điều kiện của UBND huyện, Phòng Văn hoá -Thông tin huyện Kon Rẫy, tôi có chuyến khám phá thác Đăk Snghé - một trong những thắng cảnh đẹp như tranh vẽ với non nước hữu tình, một chuyến đi đầy thú vị.
Không đi theo đường mòn ở xã Tân Lập, anh Trần Đình Trung - Phó phòng Văn hoá - Thông tin huyện đưa tôi theo hướng Tỉnh lộ 677. Đoạn đến địa phận thôn 8, xã Đăk Tờ Lung, xe rẽ trái vào tuyến đường giao thông nông thôn, rồi qua cầu sông Đăk Kôi để đi vào khu sản xuất của người dân nằm dọc theo một dải đồi của sông Đăk Snghé.
Ở gần khu vực hợp lưu của con sông Đăk Kôi và sông Đăk Snghé, tôi đắm mình trong cảnh vật, say sưa ngắm nhìn. Phong cảnh nơi đây thật là hữu tình, đất đồi thoai thoải được người dân khai thác trồng mì, cà phê, bắp... tạo nên những triền xanh bạt ngàn, hút mắt.
Tiếp nối với tuyến đường giao thông nông thôn kể trên là tuyến đường đi vào khu nhà máy thủy điện Đăk Ne trên sông Đăk Snghé. Khi gần đến khu nhà ở của người lao động thủy điện Đăk Ne, xe ô tô chở chúng tôi rẽ trái để tiếp tục leo núi ngược theo hướng sông Đăk Snghé.
Mặc dù mùa mưa, đường sạt lở nhiều nơi, nhưng xe ô tô, xe máy vẫn có thể đi lại. Cứ đi dọc theo sườn núi, ngược hướng dòng sông Đăk Snghé chưa đầy 30 phút, ở nơi này, từ trên cao nhìn xuống dòng sông, chúng tôi thấy thác Đăk Snghé hiện ra. Do không quen đường, đứng trên sườn núi, chúng tôi lóng ngóng mãi mới quyết định trượt xuống một vạt rừng non để tìm đường đến thác.
Lòng sông Đăk Snghé, khu vực thác, có chiều ngang rộng trên 100m, toàn là đá. Đứng từ dưới thác nhìn lên đầu thác, cảnh đẹp mê hồn.
Đầu mùa mưa, dòng sông Đăk Snghé nước chưa nhiều. Nhưng lượng nước từ trên cao (tầng thứ nhất) vẫn chia thành 3 dòng đổ xuống tầng thứ 2. Nước từ tầng thứ 2 lại nghiêng về bên hữu (hướng xã Tân Lập) thành một dòng và đổ xuống tầng thứ ba. Ở tầng thứ 3, dòng chảy khoét sâu vào đá, nước tung bọt trắng xóa. Chúng tôi không dám lại gần, vì dòng chảy mạnh, nước tung bọt ướt hết người và dễ trượt chân...
Lòng sông Đăk Snghé ở khu vực thác, dòng nước chảy xiết là nơi sinh sống của các loài cá quý hiếm như cá phá, cá niêng...
Cá niêng thì tôi từng được ăn và nghe nhiều rồi, nhưng cá phá quả là mới nghe và chưa được ăn bao giờ. Cá niêng có ở sông Đăk Psi, Đăk Snghé, Pô Kô cùng một số sông, suối khác ở Tây Nguyên và Quảng Nam, Quảng Ngãi. Cá phá ở tỉnh Kon Tum thì tôi mới nghe nói chỉ có ở sông Đăk Snghé.
“Ban đêm, người Xơ Đăng ở làng Kon Keng (xã Đăk Tờ Lung) thường vào khu vực thác này và thủy điện Đăk Ne cắm câu cá phá. Người dân từng câu được những con cá phá to từ 7-10kg. Giá 1kg cá phá hiện nay từ 300-500 ngàn đồng (tùy theo cá to hay nhỏ)” - tôi đang miên man trong dòng suy nghĩ thì anh Phạm Thế Cương - người chuyên mua cá phá phục vụ khách ở khu du lịch sinh thái Epic Spa cất lời chia sẻ.
Do giá trị kinh tế thu về cao nên người dân tăng cường đánh bắt loài cá này khiến chúng ngày càng trở nên khan hiếm.
Điều thú vị là khu vực thác rộng, mùa này, nước chỉ chảy bên hữu, còn bên tả là bãi đá rộng mênh mông có sức chứa hàng ngàn người cùng một lúc. Bề mặt ở các tầng thác, đá núi sạch nhẵn, có nhiều nơi tương đối bằng hoặc thoai thoải, rất thuận lợi cho du khách ngồi tụ tập, vui chơi.
Giữa cảnh hoang sơ của đại ngàn, thác nước đổ ào ào, bọt tung trắng xóa, chạm vào cái mát như “chảy trong từng đường gân thớ thịt”. Đến với nơi đây chắc chắn du khách sẽ có những bức ảnh tuyệt đẹp.
Anh bạn đi cùng tôi mơ mộng cho rằng, ở khung cảnh kỳ vĩ hoang sơ này, đạo diễn có thể làm trường quay cho nhiều bộ phim cổ trang có những yếu tố như đạo sĩ, thần tiên... thì thật là tuyệt vời.
|
Hướng nào cho khai thác du lịch
Sẽ thú vị và cuốn hút du khách hơn nếu hai bên dòng sông rừng được phục hồi hoặc có thể trồng những vườn cây ăn quả như sầu riêng, mít, bơ... Còn gì thú bằng, sau khi đến thác thưởng ngoạn, chụp ảnh kỷ niệm, du khách sẽ được ăn những trái cây rừng thơm ngon, sạch hay những con cá phá, cá niêng nướng chấm muối ớt thơm lừng, cá phá nấu mẻ, hấp quấn bánh tráng, nấu canh măng chua... những hương vị dân dã mà ai đã thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không quên.
Tất nhiên, đó là tôi hình dung khi khu du lịch thác Đăk Snghé đưa vào khai thác, kinh doanh du lịch. Và khi ấy, doanh nghiệp muốn kinh doanh bền vững và không ngừng phát triển mạnh, cần phải tính toán đến việc hỗ trợ người dân trồng lại rừng trên núi cao hay trồng cây ăn quả dọc theo triền sông và nuôi cá niêng, cá phá ở thác hoặc các hồ chứa thuỷ điện để phục vụ du khách.
Theo ông Võ Văn Lương - Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, không phải bây giờ UBND huyện mới tính đến việc phát triển du lịch ở thác Đăk Snghé. Trong Đề án phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc giai đoạn 2015-2020 được HĐND huyện Kon Rẫy thông qua vào cuối năm 2015, huyện có đặt ra vấn đề phát triển du lịch sinh thái thác Đăk Snghé và nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác trên địa bàn huyện. Song, do nguồn lực có hạn, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, UBND huyện đang tiếp tục khảo sát, tiến hành quy hoạch, tăng cường việc quảng bá và thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đầu tư phát triển du lịch sinh thái thác Đăk Snghé và nhiều điểm du lịch khác trên địa bàn nhằm góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Nếu khu du lịch sinh thái thác Đăk Snghé được đầu tư xây dựng bài bản kết hợp các điểm du lịch khác, nhất là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Epic Spa nước nóng thiên nhiên tại xã Đăk Ruồng sẽ thu hút được nhiều du khách từ Kon Tum lên và từ nơi khác đến theo các tour lữ hành khám phá Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen (Kon Plông) ắt không thể không ghé lại đây.
VĂN NHIÊN