03/11/2014 08:05
Cùng với kơ-nia, pơ-lang là loài cây rừng đặc trưng của Tây Nguyên, được nhắc nhở và đi vào thơ ca nhạc hoạ rất nhiều.
Nếu kơ-nia được biết đến do hình dáng hùng vĩ độc đáo của nó thì pơ-lang được yêu thích từ màu hoa đỏ thắm diễm lệ giữa ngàn xanh. Nếu ví kơ-nia là biểu tượng sức mạnh vạm vỡ của các chàng trai Tây Nguyên, thì pơ-lang chính là biểu trưng cho vẻ đẹp mặn mà khoẻ khoắn của những cô gái yêu kiều xứ núi.
|
Có người bảo pơ-lang là cây gạo, là hoa mộc miên ở vùng Bắc bộ, thế thì đích thị nó đã là loài hoa của thi ca, nghệ thuật, của tâm tưởng con người từ xưa xa lắm rồi. Hình ảnh cây gạo đầu làng, hoa gạo đỏ tươi lặng lẽ một góc trời quê, chong một sắc buồn vời vợi trong mắt người mong đợi, hay thăm thẳm phương trời trong nỗi nhớ của người đi xa… đã thành những vần thơ, những giai điệu nhạc, những đường nét sắc màu trong tranh vẽ của bao hồn nghệ sĩ.
Xung quanh cái màu đỏ rưng rức ngóng mong ấy là câu chuyện về sự tích hoa gạo: Đôi trai gái nọ yêu nhau. Ngày cưới bỗng dưng trời mưa to gió lớn làm cuốn trôi hết lễ vật của chàng trai. Chàng trai tức giận bèn trồng một cây nêu cao làm đường lên kiện Trời. Ngày đi, chàng cột vào tay cô gái giải lụa đỏ thay lời thề nguyền sẽ quay về lại cùng nàng, và cũng là để khi ở trên trời cao nhớ nàng chàng dễ nhìn thấy. Oái oăm thay, Trời giữ chàng lại trên thượng giới làm Thần Mưa cho mưa gió thuận hoà hơn. Cô gái nhớ thương mòn mỏi bèn leo lên cây nêu cao, đứng mãi đấy, mong vén mây tìm chàng. Ngày qua tháng lại, cây nêu mọc rễ đứng chơ vơ ngóng đợi giữa trời, tua vải đỏ trên tay nàng biến thành những bông hoa đỏ thắm như có ý mong chàng ở nơi cao xa kia trông thấy! Ấy là cây hoa gạo!
Có người bảo pơ-lang có hai loại: hoa đỏ và hoa trắng. Thật ra loại hoa trắng gọi là cây klor, hoa đỏ mới là pơ-lang. Da cây klor và pơ-lang đều có gai đen nhọn nên dễ nhầm, chỉ phân biệt ở màu hoa. Thành phố Kon Tum có một làng đồng bào Ba Na tên là Kon Klor (làng cây Klor) bên cầu treo Kon Klor, vì trước đây quanh làng có rất nhiều cây klor mọc hoang.
Có một loại cây rừng khác, người Ba Na gọi là tơ-đáp, vì cùng một màu hoa đỏ thắm nên có người nhầm là hoa pơ-lang. Hoa tơ-đáp cũng nở vào mùa cuối năm, cũng nổi lên giữa nền xanh thẳm Tây nguyên một màu đỏ thắm. Vỏ cây tơ-đáp xơ xùi lên thành vảy trắng mốc chứ không láng da và nổi gai nhọn như pơ-lang. Cành nhánh tơ-đáp không mọc đối xứng quanh thân cây chính như pơ-lang. Hoa tơ-đáp xoè bung ra thành một chùm gồm rất nhiều cánh nhỏ dài hướng lên trời, trong khi hoa pơ-lang như bàn tay trẻ con, xoè hình phễu, tựa chiếc ly uống nước, đầu hoa toẽ ra năm cánh mỏng mịn màng đỏ thắm ôm lấy chùm tua nhị đực viền quanh một nhuỵ cái ở chính giữa. Rõ ràng hai loại khác xa nhau, chỉ giống ở màu đỏ, tuy nhiên nhìn kỹ thì hoa tơ-đáp đỏ thắm hơn một tí, còn pơ-lang có phần nhạt hơn, nghiêng sang hồng.
Chặt cành tơ-đáp dâm vào đâu cũng sống, rồi phát triển thành cây, nên thường được bà con làm hàng rào những ngôi mộ mới chôn nơi nghĩa địa. Có phải vì thế mà tơ-đáp không được “yêu quý” như pơ-lang chăng? Còn pơ-lang mọc tự nhiên, vì sống cộng sinh giữa đại ngàn ven bãi bồi sông suối, phải cạnh tranh quang hợp, nên pơ-lang luôn vút cao thẳng tắp, đến vài mươi mét.
Cứ thế, pơ-lang đỏ rừng rực một màu như thắp lửa giữa ngàn xanh. Nhiều bài viết cho rằng pơ-lang nở vào tháng 3, chớm mùa mưa Tây Nguyên. Thật ra cây gạo ở miền Bắc mới ra hoa vào cữ tháng 3, còn pơ-lang Tây Nguyên thì nở vào cuối đông, khoảng tháng Chạp. Người Ba-na có câu: “Hơgâm ploong plang rang noh dĩ sơnăm nao xang truh”! Hoặc: “Pơ yan hơ-le”! (Thấy pơ-lang nở biết “mùa mới” về! – “Mùa mới” tức mùa xuân, mùa Tết, mùa chuẩn bị cho vụ rẫy nương năm mới).
Gỗ pơ-lang được người dân ưa thích vì nó mềm, dai, bền, nhẹ, dùng làm đế gùi và những vật gia dụng khác, đặc biệt là dùng làm cây Gũh để trang trí hoa văn trên cột Gưng dựng nơi sân nhà rông vào mùa lễ hội. Pơ-lang còn có dược tính tốt, vỏ và rễ chữa được chứng đau bụng, đầy hơi, sát trùng...
Ngày nay, rải rác trong khu vực nội thành thành phố Kon Tum, ở địa bàn các phường Thắng Lợi, Thống Nhất, Trường Chinh… may mắn còn một ít cây pơ-lang, hằng năm lặng lẽ đơm hoa thắm một góc trời. Nếu không khéo tuyên truyền gìn giữ có lẽ thời gian nữa muốn biết cây pơ-lang chắc phải đi tìm ở những nơi… xa lắm!
Bài hát “Em là hoa pơ-lang” của nhạc sĩ Đức Minh đã đi vào cảm thức mọi người một cách sâu sắc: -“Tây Nguyên ơi, hoa rừng bao nhiêu thứ, cánh hoa nào đẹp nhất rừng Tây Nguyên? Ơi ơi… Anh có nhớ buôn làng, nhớ người con gái, nhớ cánh hoa pơ-lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên?... Quê hương ơi, Tây Nguyên ơi, Anh ơi… Em sẽ là hoa pơ-lang, hoa đẹp nhất, thứ hoa buôn làng quý… Tây Nguyên này bao nhiêu cô gái đều là hoa pơ-lang”!...
Đặc biệt xúc động là chuyện người con gái anh hùng, liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm cũng đã từng say mê hát bài hát này để động viên tinh thần bộ đội trên đường hành quân từ Bắc vào Nam. Hoạ sĩ Phạm Mùi viết: “Sau một tuần hành quân, chúng tôi ai cũng bắt đầu thấy mệt mỏi rã rời. Thế mà Thuỳ vẫn cùng ca sĩ Thanh Đính hát phục vụ toàn đoàn trong những lúc dừng nghỉ chân bên đường… Bài Thuỳ hay hát là “Em là hoa pơ-lang”. Hoa pơ-lang như thế nào hồi đó tôi chưa từng biết. Vậy mà qua giọng hát của Thuỳ thôi thấy loài hoa ấy hiện lên trong trắng sáng ngời và ngát hương. Còn người con gái trong ca từ… cứ hiển hiện trong tôi là hình ảnh của Thuỳ…”!
Pơ-lang đáng yêu và nổi tiếng như thế, nhưng cũng cùng chung “số phận” với cây kơ-nia, nó không nằm trong “tầm ngắm” của các nhà thiết kế cây xanh đô thị. Quanh các vùng đô thị Tây Nguyên ngày nay khó tìm gặp bóng dáng pơ-lang để lưu truyền và giới thiệu cùng khách tham quan. Mà nói chi đến khách, ngay cả người tại chỗ cũng còn chưa tận tường nên có nhiều nhầm lẫn nữa là...
Chỉ nhờ vào những bài thơ và các ca khúc lấy cảm hứng từ pơ-lang đã nâng dìu cảm xúc mọi người bay bổng đến với núi rừng Tây Nguyên đẹp một màu huyền thoại…
Tạ Văn Sỹ