Tái sinh rừng trên đất đồi

23/08/2021 13:06

Nếu không tận mắt thấy, tai nghe thì tôi vẫn chưa tin những quả đồi ở xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) đang phủ lên một màu xanh mướt. Từ những quả đồi tưởng như mãi mãi khô cằn, giờ đây đang hồi sinh dưới sức sống của cây rừng.

Xoay quanh câu chuyện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ”, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tờ Re - Trần Quốc Bảo tự hào khoe với chúng tôi một vài tấm gương “khoác áo” xanh cho đất đồi ở xã Đăk Tờ Re.

Chuyện người tái sinh rừng cây h’man (lõi thọ)

Những trận mưa rào cuối tháng 7 khiến con đường vào vườn rừng h’man của anh Chu Quốc Quảng ở thôn Kon Jri Peng trở nên nhọc nhằn hơn bội phần. Theo chân một người thân của anh Quảng, tôi cùng cô đồng nghiệp đi xe máy băng qua con đường trải đá cấp phối hiện rõ những vết lún thành 2 rãnh của bánh xe tải, hoang mang khi lội qua con suối ngập ngang đầu gối, rồi tiếp tục ì ạch bò lên con dốc thẳng đứng - đây cũng là lối mòn duy nhất để đến khu sản xuất của gia đình anh Quảng.

Lán của anh Quảng nằm trên đỉnh đồi, nơi có thể cảm nhận được từng cơn gió lồng lộng thổi, có thể hòa mình vào bầu không khí trong lành và là nơi để anh Quảng thực hiện ước mơ tái sinh rừng.

Là người dân tộc Tày, Chu Quốc Quảng theo bố mẹ vào Kon Tum lập nghiệp từ khi còn bé. Tuổi thơ của anh Quảng chỉ quanh quẩn cùng những vườn mì, những lần cùng bố mẹ khai hoang đất đồi trùng trùng bụi tre, le rậm rạp. Và đó là cách để gia đình anh Quảng phát triển kinh tế, vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no hơn trên đất khách nếu không muốn ở lại với cái nghèo.

Sau nhiều năm nỗ lực, gia đình anh Quảng đã có gần 10ha đất để canh tác. Ở những nơi đất đồi có độ dốc thấp, gia đình anh Quảng phát triển cây bời lời, điều, cây ăn trái và trồng mì. Còn những vùng đất dốc cao, thường xuyên xảy ra sạt lở, xói mòn vào mùa mưa, anh Quảng chủ động trồng cây rừng. Đến nay, anh Quảng đã phát triển hơn 2ha cây h’man.

Anh Quảng tâm sự: Người dân nơi đây đa số sống dựa dẫm vào rừng, nhưng lại không biết giữ gìn rừng mà lạm dụng khai thác gỗ trái phép, biến những khu rừng già thành rừng tre, le bao phủ. Giờ đây, tôi muốn trồng cây rừng để phục hồi hệ sinh thái rừng, để sau này có thể tạo sinh kế bền vững dưới tán rừng, đất đồi sẽ không còn bị xói mòn, lũ quét nữa.

Đến nay anh Quảng đã trồng hơn 2 ha cây h’nam trên những quả đồi trọc. Ảnh: V.T

 

Anh Quảng biết đến cây h’man như một cái duyên. Năm 2019, trong một lần vào rừng, đứng dưới tán cây h’man cổ thụ, thấy hạt từ cây rơi xuống đều nảy mầm, nên anh đã đưa ra ý tưởng chuyển đổi những đồi mì dốc thành khu rừng h’man. Lúc bấy giờ, anh Quảng chỉ mang hạt h’man về để trồng ven đường suối, xung quanh ranh giới khu vườn. Sau một thời gian, thấy cây h’man phát triển rất nhanh, năm 2020, thanh niên người Tày này đã quyết định thu gom hạt trên rừng về ươm giống tại nhà và đem cây giống trồng xuống những quả đồi dốc, với mong muốn phủ xanh đồi trọc.

Tôi đã toát mồ hôi hột khi theo anh Quảng tham quan đồi cây h’man. Dưới chất đất khô cằn sỏi đá, từng hàng cây h’man thẳng tắp bung chồi xanh. Mới gần 1 năm, có cây h’man cao ngang mặt người. Đứng trên đỉnh đồi, nhìn vườn cây h’man của anh Quảng xanh mướt trải dài xuống tận chân đồi và phủ xanh sang quả đồi đối diện.

Khát vọng kinh tế từ rừng trồng

Tôi thử hỏi đùa anh có hối hận khi chuyển từ trồng mì sang trồng rừng không, anh Quảng lắc đầu, cười hiền: Trồng rừng sau này cho hiệu quả kinh tế cao, giúp đất giữ được phù sa, hơn nữa chi phí trồng tương đối thấp, công chăm sóc cũng đơn giản.

Cây h’man là loại thân gỗ lớn, phổ biến trên thị trường, có giá trị kinh tế tương đối cao. Cây h’man được chăm sóc tốt, khoảng 6-8 năm sẽ có đường kính trung bình khoảng 30cm là có thể thu hoạch. Theo giá thị trường hiện tại, 1 khối gỗ h’man có giá khoảng 10-15 triệu đồng, như vậy hơn 2ha cây h’man của anh Quảng có thể cho thu nhập kha khá.

Tiếp tục tìm hiểu thêm về việc phát triển cây h’man ở địa phương, chúng tôi đến nhà ông A Phen ở thôn Đak Ơ Nglăng. Ông A Phen là một lão nông đã tận dụng hạt cây h’man về ươm trong bầu và bán cho người dân.

Ông A Phen kể, người già trong thôn nói cây h’man lớn nhanh, gỗ dùng tốt, làm cột nhà rông mối mọt không ăn. Trong vườn nhà ông có 1 cây h’man được trồng từ năm 2000. Năm 2015, cây h’man cho hạt và ông bắt đầu lấy hạt ươm cây giống. Thoạt đầu, toàn bộ số cây giống được ông trồng thử nghiệm trong vườn. Cây phát triển rất nhanh, mỗi năm ông trồng thêm một ít, đến nay ông đã phát triển hơn 600 cây h’man trên diện tích gần 1ha đất của gia đình.

Trung bình mỗi năm ông Phen bán được hơn 1.000 cây giống h’man. Ảnh: V.T 

 

Bà con trong thôn Đak Ơ Nglăng ai thấy vườn cây h’man của ông A Phen cũng “thèm”, nhiều người hỏi ông mua giống cây để trồng. Năm 2019, ông A Phen quyết định mở một vườn ươm nhỏ để ươm giống cây h’man với quy mô 1.000 cây. Tháng 5 hằng năm là mùa cây h’man rụng hạt, ông A Phen tranh thủ nhặt hạt ươm giống để bán cho người dân trồng vào mùa mưa. Sau hơn hai tháng ươm hạt trong bầu, cây giống đã cao hơn 1 gang tay, người dân trong thôn mua sạch, với giá bán 10.000 đồng/1 cây.

Cây dễ sống, bà con ưa chuộng, năm 2020, ông Phen tiếp tục ươm và bán thêm 1.000 cây h’man giống cho bà con trong thôn. Tiếng lành đồn xa, nhiều chủ vườn ở các nơi khác tìm đến hỏi mua cây giống của ông A Phen. Theo đó, từ đầu năm đến nay, ông A Phen ươm và bán được 1.500 cây h’man giống cho khách gần, xa.

“Mọi năm phải bán cả năm trời mới hết 1.000 cây h’man, năm nay, mới nửa năm đã bán hết 1.500 cây và hiện không còn cây giống để bán. Bà con trong thôn đa số mua nợ, cuối năm bán nông sản trả sau. Tôi cũng tạo điều kiện để bà con trồng trong mùa mưa cho cây phát triển tốt. Thời gian gần đây, có rất nhiều người hỏi mua cây h’man giống, năm sau tôi sẽ ươm với số lượng nhiều hơn nữa” - ông A Phen phấn khởi nói.

Cùng khát vọng làm giàu từ cây rừng, nhưng anh Điêu Ngọc Biên ở thôn Đak Pơ Kong lại vừa trồng bạch đàn vừa trồng h’man. Với mong muốn lấy ngắn nuôi dài, trên diện tích 20ha đất nông nghiệp của gia đình, đầu năm 2018, anh Biên đã mạnh dạn chuyển đổi 10ha đất trồng mì bạc màu sang trồng cây bạch đàn U6. Đến nay, vườn cây đã cao hơn 10m, đường kính trung bình đạt 10cm.

Anh Biên tâm sự: Trồng cây bạch đàn U6, chi phí tương đối rẻ, giá một cây giống là 2.500 đồng, chỉ bón phân năm đầu, còn những năm sau phát dọn cỏ là cây phát triển tốt. Năm nay, thấy chính quyền địa phương khuyến khích trồng rừng, gia đình tôi tiếp tục chuyển đổi thêm 3ha đất trồng mì sang trồng cây h’man.

“Tôi dự tính, trong hai năm tới, sẽ chuyển toàn bộ diện tích trồng mì còn lại sang trồng rừng. Tôi đã thấy được hiệu quả từ việc trồng rừng của những nông dân quê tôi, tỉnh Phú Thọ. Ngoài đấy, người dân bảo vệ rừng như bảo vệ chính sức khỏe, cuộc sống của con người vậy” - anh Biên bày tỏ.

Câu chuyện trồng rừng của những nông dân xã Đăk Tờ Re đang góp phần lan tỏa, củng cố thêm niềm tin vào việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVI về việc phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh trồng thêm 15.000 ha rừng.

Văn Tùng

Chuyên mục khác