01/10/2019 06:06
Xã Hiếu thông thương mở đường phát triển
Những ngày cuối tháng 9 này, chúng tôi có dịp trở lại vùng Đông Trường Sơn của huyện Kon Plông. Theo đường Trường Sơn Đông phẳng lì chạy ngang qua nhiều làng đồng bào DTTS nơi đây, chúng tôi mới thấy diện mạo nông thôn đổi thay từng ngày. Đường sá khang trang, những ngôi nhà sàn nối tiếp nhau dọc theo tuyến đường, các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ khá sôi nổi...
Trò chuyện với chúng tôi, chị Y Cam - Bí thư Chi bộ thôn Kon Plông (xã Hiếu) phấn khởi cho biết: Từ khi có đường Trường Sơn Đông đi qua, việc đi lại thuận lợi hơn trước rất nhiều nên bà con làm ăn ổn định. Có đường lớn, bà con dễ dàng hơn trong việc tham quan học hỏi các mô hình phát triển kinh tế, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, biết trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, bời lời để phát triển kinh tế. Khi có ai đau ốm nặng, người dân lấy xe máy chở người bệnh đến Trạm Y tế xã hoặc Trung tâm Y tế huyện để khám, điều trị bệnh kịp thời, nạn cúng bái, mê tín dị đoan đã giảm rất nhiều…
Bên ly trà buổi sáng đậm đặc, ông Phan Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Hiếu cho chúng tôi biết: Nhờ con đường Trường Sơn Đông đi qua xã 22km, nên các con đường xương cá về các thôn cũng được mở mang. Đến nay, toàn xã đã có 67,5km đường giao thông nông thôn. Trong đó, đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa, cứng hóa 17km, đạt 100%; đường trục thôn và đường liên thôn được bê tông hóa đạt chuẩn 7,42km, đạt 47,56%; đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa, trong đó đã bê tông hóa được 3,8km, đạt khoảng 30%; đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện 3,115 km, đạt 24,1%. Nhờ thông thương, nên kinh tế phát triển, kéo theo số hộ nghèo toàn xã giảm còn 408 hộ, chiếm 49,33% và 13 hộ cận nghèo, chiếm 1,57% tổng số hộ trong xã; so với trước khi chưa có đường Trường Sơn Đông giảm trên 30% hộ nghèo.
|
Ông Phan Thế Vinh cho biết thêm: Đường Trường Sơn Đông là một kỳ tích đối với xã Hiếu nói riêng và các xã có trục đường đi qua nói chung. Chính nó đã tạo điều kiện để cho các địa phương phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh-chính trị. Đặc biệt, con đường này đã tạo niềm tin rất lớn của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nhờ có đường, họ mới có cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa học-kỹ thuật, tiếp cận những thành tựu mới của xã hội văn minh, mới có đời sống vật chất và tinh thần ấm no, đầy đủ.
Sau một buổi làm việc với cán bộ xã và bà con nhân dân xã Hiếu, chúng tôi cùng ăn cơm trưa với bếp ăn tập thể của xã. Nhìn sức sống đang lên của người dân xã Hiếu, chúng tôi dự cảm một ngày không xa, những thôn làng đồng bào DTTS nơi đây sẽ bừng sáng.
Xã Ngọk Tem không còn ngõ cụt
Chia tay xã Hiếu, chúng tôi lại lên xe máy chạy bon bon trên con đường Trường Sơn Đông huyền thoại để đến với bà con DTTS xã Ngọk Tem. Vượt gần trăm ki lô mét, chúng tôi đến UBND xã Ngọk Tem trong ráng chiều tỏa nhẹ lên mái nhà rông nấp dưới những hàng cau xanh tốt bốn mùa.
Ngồi trong ngôi nhà mới xây khang trang nằm cạnh đường Trường Sơn Đông, bà Y Xây (53 tuổi), nguyên là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ngọk Tem kể cho chúng tôi nghe về một thời gian khó khi chưa có con đường Trường Sơn Đông qua đây: Ngày trước, mỗi lần từ xã ra huyện họp phải đi bộ trước một ngày và ở lại một đêm, hôm sau họp xong mới về được. Nguyên nhân là do đường sá không có, chỉ đi bộ theo con đường mòn rộng chưa đầy một mét. Sau này, Nhà nước đầu tư làm đường bê tông, nhưng cũng khó khăn lắm, mùa mưa nước ở các ngầm dâng cao, không thể đi được.
“Hồi đó, người dân không biết trồng cây gì để phát triển kinh tế cho gia đình đâu, mà chỉ nghĩ làm sao có cái ăn, cái mặc, không bị đói là tốt lắm rồi. Đường sá không có, nên trồng cây gì cũng không có người vào mua, biết bán cho ai. Rồi mỗi khi trong làng có người đau ốm, thanh niên trai tráng phải mấy người thay nhau khiêng người bệnh cả ngày mới ra tới Trung tâm Y tế huyện. Có không ít người đau bệnh khiêng đi được nửa đường thì phải quay về vì không qua khỏi” - bà Y Xây bộc bạch.
|
Ngồi trầm ngâm một lúc, bà Y Xây kể tiếp: Đó là ngày xưa thôi, chứ bây giờ bà con trong xã đã khác xưa lắm rồi. Dẫn chứng như gia đình mình hiện có tất cả 10,6ha đất sản xuất; trong đó, 3ha mì, 3ha cây keo lai, 2ha bời lời, 6 sào ruộng lúa, 1ha lúa rẫy, 1ha cây nghệ dược liệu. Nếu không có con đường Trường Sơn Đông chạy qua địa bàn xã, thì làm sao mình bán được số nông, lâm sản này. Nhờ đó, gia đình mình mới có thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng, mới có của ăn của để, mới xây dựng được nhà cửa khang trang, mới cho con cháu ăn học nên người.
Ông Trần Văn Thiện - Chủ tịch UBND xã Ngọk Tem dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn xã và cho biết thêm: Toàn xã hiện có 848 hộ, phân bố rải rác ở 11 thôn, trong đó có 7 thôn nằm dọc theo đường Trường Sơn Đông. Trước đây, cuộc sống của người dân trong xã hầu như sống biệt lập vì không có đường giao thông. Nhưng kể từ khi đường Trường Sơn Đông hoàn thành và đưa vào sử dụng cho đến nay, bà con nhân dân trên địa bàn xã đã mở rộng thông thương, giao lưu hàng hóa với trung tâm huyện và một số xã, huyện lân cận của tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, các ngành dịch vụ thương mại, buôn bán hàng hóa đã được người dân đầu tư để nâng cao thu nhập. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm qua các năm. Hiện nay, toàn xã còn 349 hộ nghèo, chiếm 41,16% và 228 hộ cận nghèo, chiếm 26,89% so với tổng số hộ trong xã theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20,5 triệu đồng/năm.
“Việc có đường Trường Sơn Đông như một cuộc cách mạng, nó đem lại một lợi ích vô cùng to lớn, mang tính chiến lược lâu dài. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn miền núi trên địa bàn xã đã thay đổi căn bản. Đó là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã phấn đấu xây dựng quê hương phát triển hơn trong tương lai” - Chủ tịch UBND xã Ngọk Tem Trần Văn Thiện nhấn mạnh.
Nhờ có con đường Trường Sơn Đông
Tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua 10 thôn thuộc địa phận xã Hiếu, xã Ngọk Tem và thị trấn Măng Đen của huyện Kon Plông. Trải qua hơn 10 năm đưa vào hoạt động, con đường này đã góp phần làm cho cuộc sống của hàng ngàn hộ đồng bào DTTS nơi đây đổi thay từng ngày. Giờ đây, người dân không còn oằn mình đi trên những con đường đất gồ ghề, lầy lội, bụi bặm vào mùa khô và trơn trượt vào mùa mưa nữa, thay vào đó, giao thông thuận lợi đã tạo nên “cú hích” lớn để các địa phương chuyển mình, nông thôn miền núi của các xã phía Đông Trường Sơn phát triển sản xuất, kéo theo hộ nghèo giảm mạnh.
|
Tiếp nối đường Trường Sơn huyền thoại, đường Trường Sơn Đông đoạn đi qua địa phận huyện Kon Plông đang cho thấy tầm quan trọng không chỉ trong quốc phòng - an ninh, mà nó còn là đòn bẩy để các địa phương phát triển giao lưu văn hóa, thông thương hàng hóa và cùng nhau thúc đẩy để phát triển kinh tế - xã hội bền vững mai sau.
Đi trên con đường Trường Sơn Đông thênh thang giữa núi đồi trùng điệp với bạt ngàn rừng xanh tươi tốt, bắt gặp những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi của đồng bào DTTS cùng nhau ra lập làng ở sát ven đường mới, những ngôi trường ríu rít tiếng học bài ê a của trẻ nhỏ, chúng tôi cảm thấy cuộc sống nơi đây càng ngày càng tươi đẹp hơn.
Trần Văn Phúc