Sức bật vùng “rốn lũ”

28/10/2024 13:05

Dù bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão lịch sử năm 2009 nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, 15 năm qua, đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Mô Bành 2 (xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực lao động, phát triển sản xuất, tạo sức bật cho vùng “rốn lũ” đổi thay từng ngày.

Ký ức đau buồn

Thấm thoát đã 15 năm kể từ khi cơn bão số 9/2009 lịch sử càn quét, tàn phá vùng “rốn lũ” Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông). Mô Bành 2 là ngôi làng bị thiệt hại nặng nhất, chỉ bỗng chốc cả ngôi làng bị nước lũ san phẳng và làm 8 người dân bị thiệt mạng.

Đến nay, dù đã 15 năm kể từ ngày 29/9/2009 định mệnh ấy, người dân Đăk Na nói chung, người dân Mô Bành 2 nói riêng vẫn nhớ như mới xảy ra. Ngoài những người xấu số, nhiều người dân Mô Bành 2 cho rằng vẫn còn may mắn, bởi cơn lũ dữ ập xuống làng vào ban ngày, nếu xảy ra vào ban đêm thì thiệt hại về người chắc còn nặng nề hơn nhiều.

Đổi thay ở Mô Bành 2. Ảnh: P.N

 

Trong ký ức của người dân, trước đây, làng Mô Bành 2 là một trong những ngôi làng có điều kiện kinh tế phát triển nhất của xã Đăk Na. Cả làng có hơn 50 hộ đồng bào Xơ Đăng sinh sống dọc theo con suối Đăk Na, ở đây, đất đai phì nhiêu nên việc sản xuất của người dân rất thuận lợi. Thế nhưng, trận lũ lịch sử vào sáng ngày 29/9/2009 đã cuốn trôi đi tất cả tài sản của họ.

Hồi tưởng lại ký ức, ông A Mảnh- Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Mô Bành 2 kể: Đến nay, tôi vẫn còn nhớ rất rõ sự việc ngày hôm đó. Thời điểm năm 2009, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 nên trên địa bàn xã có mưa lớn nhiều ngày. Đến khoảng 6h sáng ngày 29/9 thì dân làng nghe những tiếng nổ lớn trên các ngọn đồi trước làng, sau đó nước và đất, đá bắt đầu ầm ầm đổ xuống. Thấy vậy, dân làng hô hào và cùng nhau tháo chạy lên những ngọn đồi cao phía sau làng, chỉ trong phút chốc cả ngôi làng đã bị lũ cuối trôi, vùi lấp hoàn toàn và có 8 người chết do bị lũ cuốn trôi. Thế là bao nhiêu năm gầy dựng, tích góp, của cải, tài sản của hơn 50 hộ dân chỉ trong phút chốc đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Họ chỉ còn lại hai bàn tay trắng.

“Mọi người chỉ kịp chạy thoát thân chứ không kịp lấy theo được vật dụng. Và chỉ trong chốc lát, mảng đất đá từ trên núi cao đổ sập xuống ngôi làng san phẳng mọi thứ và một số người không kịp chạy nên đã bị đất đá vùi lấp. Nhìn cảnh tượng đó thật đau xót”- ông A Mảnh buồn rầu nhắc lại.

Là một trong người dân bị thiệt hại nặng, anh A Nếp (39 tuổi, làng Mô Bành 2) nhớ lại: Trong cơn bão số 9 năm 2009, căn nhà trị giá gần 200 triệu đồng của gia đình tôi mới được xây xong ngay bên ven suối cùng nhiều tài sản giá trị đã bị cuốn trôi hoàn toàn. Gia đình tôi trở thành hai bàn tay trắng. May mà toàn thể gia đình kịp chạy thoát, tính mạng được an toàn.

Ngày mới ở Mô Bành 2

Trở lại Mô Bành 2 những ngày cuối tháng 10 này, nhìn phong cảnh yên bình hôm nay ít ai biết rằng đồng bào Xơ Đăng ở làng Mô Bành 2 từng trải qua một quá khứ đau buồn. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào Xơ Đăng nơi đây, làng Mô Bành 2 đã dần hồi sinh đổi thay từng ngày, tạo sức bật mới cho ở vùng tái định cư ngày càng phát triển.

Cao su của người dân làng Mô Bành 2, xã Đăk Na. Ảnh: P.N

 

Để giúp ổn định đời sống của hơn 50 hộ dân làng Mô Bành 2, năm 2010, từ các nguồn vốn, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã ưu tiên đầu tư xây dựng khu tái định cư mới, mỗi hộ dân được cấp 1 lô đất ở và hỗ trợ xây dựng 1 căn nhà. Cùng với đó, các hộ dân còn được hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất. Với tinh thần chịu khó, cuộc sống người dân ở làng Mô Bành 2 đã dần ổn định.

Ông Nguyễn Thanh Thủy- Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết, cơn bão số 9/2009 làm thiệt hại lớn cho người dân trên địa bàn, đặc biệt làng Mô Bành cũ bị nặng nề nhất. Được sự quan tâm của Nhà nước, huyện, xã đã huy động, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng khu tái định cư cho người dân Mô Bành 2 tại một khu đất mới, bằng phẳng an toàn hơn. Trong đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, nước sạch và nhà ở để người dân ổn định cuộc sống. Ngoài ra, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, xã đã ưu tiên thực hiện việc hỗ trợ sinh kế như cây con giống giúp người dân phát triển kinh tế.

Trong 15 năm qua, với sự hỗ trợ về mọi mặt của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của chính quyền địa phương, đồng bào Xơ Đăng ở làng Mô Bành 2 đã quyết tâm vượt qua khó khăn, ra sức lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới ổn định hơn. Đến nay, người dân Mô Bành 2 đã ổn định cuộc sống, đời sống ngày càng được cải thiện và nâng cao về mọi mặt.

Điều đáng mừng nhất là đồng bào Xơ Đăng nơi đây đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, sâm Ngọc Linh và phát triển chăn nuôi gia súc như trâu, bò. Cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của nhà nước cho người dân vùng tái định cư, đến nay, nhân dân làng Mô Bành 2 đã phát triển được tổng diện tích gần 30ha cao su, 17 ha cà phê, hơn 50ha mì và đặc biệt, rất nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh, loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao hiện nay.

Bà con đồng bào Xơ Đăng làng Mô Bành 2 trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc. Ảnh: P.N

 

Chia sẻ với chúng tôi, ông A Mảnh cho biết: Sau cơn bão số 9/2009, dân làng Mô Bành 2 mất hết tất cả. Được sự quan tâm, Nhà nước đã xây dựng khu tái định cư mới cho người dân. Dân làng không chỉ được hỗ trợ xây dựng nhà, làm đường, kéo điện, nước sạch đến tận từng nhà mà con hỗ trợ cây con giống, tập huấn kỹ thuật, tạo sinh kế để người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đến nay, cả làng đã có 120 hộ, với hơn 370 khẩu, cuộc sống ở nơi ở mới đã ổn định, đời sống người dân được nâng lên mọi mặt. Hiện nay, tỷ lệ hộ khá giàu của thôn chiếm khoảng 30% số hộ. Làng chỉ còn 48 hộ nghèo.

Với anh A Nếp, trong cơn bão số 9 năm 2009, toàn bộ tài sản của anh đã bị nước lũ cuốn trôi, gia đình anh về nơi tái định cư mới với hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực vượt khó, tích cực lao động và gia đình anh đã thành công với mô hình trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê, sâm Ngọc Linh.

Anh A Nếp cho biết, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của vợ chồng, gia đình anh đã vay vốn, đầu tư vào sản xuất cà phê, cao su, trồng rừng. Đến nay, gia đình có 3ha cao su đã cho thu hoạch, 8 sào cà phê, hơn 4ha mì, hơn 7ha rừng và hàng trăm cây sâm Ngọc Linh. Mỗi năm, gia đình anh thu lãi hơn 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Có nguồn thu nhập ổn định, năm 2020, gia đình đã xây dựng lại căn nhà mới trị giá hơn 300 triệu đồng và chăm lo cho hai con được đi học đầy đủ.

 Còn ông A Phan, làng Mô Bành 2 chia sẻ: Năm 2023, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ trồng hơn 1 ha rừng bạch đàn. Tôi thấy việc trồng rừng góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải tạo đất, bảo vệ môi trường sống và gia đình có được nguồn thu nhập sau này. Do đó, gia đình tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt diện tích rừng này để phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Chia tay dân làng Mô Bành 2, chúng tôi tin rằng, với ý chí và nghị lực vươn lên của bà con đồng bào Xơ Đăng, một ngày không xa, làng Mô Bành 2 sẽ trở nên trù phú, dân làng có cuộc sống ấm no và sung túc hơn. 

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác