14/10/2016 17:08
Hàng loạt điểm xung yếu bị sạt lở
Con đường bê tông đi vào khu sản xuất (rộng gần 100ha) của làng Kon Skôi, thôn 10 xã Đăk Ruồng, chạy dài từ đầu Trung tâm hành chính huyện vào khu sản xuất đã bị chia cắt từ nhiều năm qua vì bị sạt lở.
Con đường bê tông đang chạy thẳng tắp bỗng dưng bị cắt giữa chừng. Theo người dân phản ánh, từ đường bê tông ra tới mép sông (trước khi sạt lở) dài khoảng 15 mét, tuy nhiên, nhiều năm qua, mưa lũ khiến đoạn đường trên bị bức tử từng ngày, cho đến giờ con sông đã kịp “nuốt” trọn tới hết con đường. Để có lối vào khu sản xuất, người dân phải “nắn” đường.
Trước thực trạng trên, chính quyền xã Đăk Ruồng đã phải vận động và hỗ trợ 5 triệu đồng cho 1 hộ dân sống gần đoạn đường trên di dời đến nơi an toàn trước mùa mưa lũ.
|
Tại hiện trường, mép đường đất đá sạt lở dần theo kiểu hàm ếch (sạt dần bên trong lòng đất). Nền đất ướt, chỉ cần mưa to, đất theo nước tràn xuống sông, sạt lở xảy ra liên tục.
Mặc dù chính quyền và người dân đã có gắng ngăn ngặn bằng các giải pháp tình thế, khắc phục tạm thời, kết cấu mềm như rào chắn bằng kè, rọ đá, rào cây nhưng tình trạng sạt lở vẫn xảy ra.
Theo anh A Tiên - Trưởng thôn 10 xã Đăk Ruồng cho biết: Tình trạng sạt lở xảy ra nhiều năm qua, chính quyền và người dân cũng đã phối hợp ngăn chặn nhưng các giải pháp cũng chỉ chắp vá, không hiệu quả. Sạt lở mỗi năm một ít.
Trong khi đó tại khu vực đường A1 (ngã 3 giữa Kho bạc và Bảo hiểm Xã hội huyện), dưới sông sạt lở gần 100 mét, điểm sạt lở đã vào vỉa hè đường A1, cách mép đường khoảng 4 mét. Các mảng bê tông lớn kè bờ sông bị lũ cốn trôi xuống bờ sông, nằm rải rác dọc bờ.
|
Tại đường N1, khu đất cấp tái định cư của huyện Kon Rẫy, chiều dài sạt lở khoảng 300 mét. Điểm sạt lở đã vào vỉa hè đường N1, cách lòng đường khoảng 6 mét và tình trạng sạt lở vẫn đang tiếp tục xảy ra hàng ngày.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum khi đi kiểm tra hiện trạng sạt lở vào ngày 23/9 vừa qua thì: việc sạt lở trên tại huyện Kon Rẫy là nghiêm trọng vì “tất cả các điểm sạt lở trên đều ở các vị trí xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của khu dân cư, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng trong khu vực”. Nguyên nhân sạt lở là do mưa lũ.
Ông Đinh Ngọc Hải-Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết: Việc sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến đường vào khu sản xuất, nhất là mùa mưa, người dân đi lại rất khó khăn, nguy hiểm cho người và phương tiện khi vào khu sản xuất. Ngoài ra, khu vực này có nguy cơ ngập khi lũ lớn. Nhiều giải pháp đã được chính quyền xã và người dân đưa ra nhằm chống sạt lở nhưng cũng chỉ là tạm thời, không bền vững, xử lý theo thời điểm. Đề nghị các cấp các ngành có phương án, lập kế hoạch đầu tư hoàn thiện kè đoạn sông này để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân khu vực này.
Cũng liên quan đến vụ việc, ngày 27/9 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục khẳng định hầu hết các vị trí sạt lở xung yếu. Các vị trí này đều nằm trong dự án Kè chống sạt lở sông Đăk Pne huyện Kon Rẫy đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1418, ngày 10/11/2009. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa có kinh phí để đầu tư xây dựng.
Cấp bách phòng, chống sạt lở
Trước thực trạng sạt lở nghiêm trọng trên, ông Huỳnh Minh Chương - Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết huyện Kon Rẫy không đủ khả năng để ngăn chặn triệt để tình trạng này.
Ông nói: Giải pháp trước mắt được đề ra là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tính toán giải pháp, đề xuất dự toán để khắc phục tạm thời và báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định. Về lâu dài, để đảm bảo khu vực này không sạt lở, an toàn cho người dân đề nghị UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các bộ ngành Trung ương có liên quan huy động các nguồn vốn để lập dự án đầu tư bài bản. Nếu trông chờ vào ngân sách địa phương, theo tôi là khó vì mức đầu tư theo khái toán ban đầu khá lớn nên đề nghị các bộ ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ kinh phí.
Theo tính toán sơ bộ, nếu xử lý sạt lở ở 3 vị trí trên với tổng chiều dài 600 mét thì tổng kinh phí dự kiến lên tới 36 tỷ đồng. Tuy nhiên đây cũng chỉ là các giải pháp xử lý trước mắt tạm thời, để đảm bảo tính ổn định về lâu dài cho đời sống nhân dân toàn bộ khu vực trên và các công trình hạ tầng đã được xây dựng, đồng thời tạo cảnh quan khu vực đô thị thì cần một dự án lớn do Trung ương (theo tính toán dự án có tổng mức trên 200 tỷ đồng) thì huyện Kon Rẫy mới mong ổn định trong các mùa mưa lũ tiếp theo.
Trước thực trạng trên, ngày 13/10, đồng chí Nguyễn Hữu Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tình trạng sạt lở dọc sông Đăk SNghé, Đăk Pne, Đăk Bla (đoạn hợp lưu của 2 con sông Đăk Snghé và Đăk Pne).
Sau khi khảo sát tại các điểm sạt lở đường vào khu sản xuất làng Kon Skoi, đường N1, A1, đoàn kiểm tra đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Kon Rẫy về vấn đề trên.
Tại buổi làm việc, đại diện các bên đã ghi nhận tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở các vị trí xung yếu trên các dòng sông quanh Trung tâm hành chính huyện Kon Rẫy.
Phát hiểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Hải khẳng định: Quan điểm chung trước mắt là chống không để sạt lở tiếp. Chúng ta tính tới giải pháp kè đá, trồng cây, giữ ổn định cái nền, sau này tính tiếp…
Đồng ý với chọn giải pháp mềm bằng rọ đá như các thành viên trong đoàn kiến nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Hải cho rằng phải kiên cố nhưng tiết kiệm, không làm nợ.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hải cho rằng, nên để huyện là chủ đầu tư việc chống sạt lở. Đồng chí lưu ý huyện phải chọn đơn vị tư vấn có năng lực, có tâm huyết, chịu khó khảo sát kỹ, cùng huyện đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp điều kiện tỉnh nhà. Ngoài ra, huyện Kon Rẫy nên tăng cường trồng cây xanh trên vỉa hè vừa tạo cảnh quan vừa giữ đất, trồng dày ở khu vực không xây nhà, dưới lòng suối có thể trồng tre để giữ đất, chống sạt lở.
Cao Nguyên