09/10/2018 07:00
Nhiều sản phẩm đặc trưng
Nhắc đến xã Đăk Ring, nhiều người liền gọi với cái tên thân thương: xứ sở măng nứa.
Không phải ngẫu nhiên người ta gọi vậy, bởi lẽ nơi đây có đến hơn 500ha măng nứa mọc tự nhiên. Và đặc biệt hơn, măng nứa nơi đây nức tiếng về chất lượng: thơm, ngon.
“Tiếng lành đồn xa, người này giới thiệu người kia nên măng nứa ở đây nức tiếng lắm. Nhiều lúc trong mùa bà con vẫn không có măng bán”– ông Mai Xuân Hậu – Chủ tịch UBND xã Đăk Ring chia sẻ.
|
Thời điểm này, Đăk Ring đang giữa mùa măng nứa. Trên những cánh rừng măng bạt ngàn, bà con tìm vào hái những mầm măng chưa nhú khỏi mặt đất.
“Măng như vậy là ngon nhất, vừa ngọt, vừa đậm hương thơm thanh nhẹ” – chị Y Xai, thôn Tăng Pơ cho biết.
Trước đây, cũng như bà con trong làng, chị Y Xai chủ yếu tự đi hái măng về, phần ăn tươi, phần phơi khô ăn dần. Sau này, nhiều người từ nơi khác đến thấy măng ngon mua về ăn rồi làm quà biếu, có cầu ắt có cung, cứ vào mùa, người dân nơi đây lại lên rừng hái măng về bán, kiếm thêm thu nhập.
Măng nứa mọc phân tán ở hầu hết các thôn trên địa bàn xã. Trong đó, diện tích nhiều nhất ở thôn Đăk Doa, Tăng Pơ, Ngọc Rinh… Những tháng mùa mưa (thường từ tháng 8 đến tháng 10 dương lịch) là thời điểm măng mọc nhiều. Khoảng thời gian đó, bà con vừa đi làm rẫy, vừa tranh thủ bẻ măng về, tự phơi khô rồi bán.
“Vào mùa, hầu như gia đình nào cũng đi hái măng về bán. 1kg măng nứa khô được bán với giá từ 150-170 ngàn đồng. Vào mùa, có người đi hái kiếm được 200-300 ngàn đồng/ngày” – chị Y Xai cho biết.
“Dù măng không phải là sản phẩm kinh tế chủ lực của xã, nhưng đó là sản phẩm đặc trưng, có thể xây dựng thương hiệu. Với lợi thế về chất lượng măng cũng như diện tích trải dài, hiện chúng tôi đang có định hướng xây dựng, phát triển thành sản phẩm đặc trưng của xã đấy!”- ông Hậu nói.
Theo lời ông Hậu, vừa qua, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiến hành khoanh vùng sơ bộ 500ha măng nứa. Cùng với đó, xã cũng có định hướng giao cho cộng đồng quản lý, có hương ước bảo vệ và khai thác chung.
Đặc biệt, vừa qua, xã đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 1 chiếc máy sấy măng và máy hút chân không.
“Được hỗ trợ máy, bà con phấn khởi lắm! Hiện tại, chúng tôi đang xem xét, cân nhắc, giao về cho một cộng đồng thôn, làng có sản lượng khai thác măng ổn định để nâng cao chất lượng sản phẩm”- ông Hậu cho biết.
Nếu Đăk Ring nức tiếng về măng nứa thì xã Ngọc Tem được nhiều người nhắc đến với đặc trưng về chuối rừng.
Trước đây, ngoài việc khai thác quả tự nhiên, dùng dần trong gia đình hoặc bán lẻ cho các hộ kinh doanh, thương lái, người dân nơi đây dường như còn “hờ hững”, chẳng mấy ai nghĩ đến việc sẽ phát triển loại cây có quả với nhiều tính năng: trị tiểu đường, đau lưng… thành sản phẩm đặc trưng của xã.
Khi được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện định hướng, phát triển thành sản phẩm đặc trưng của xã, người dân mới dần hiểu ra việc cần phát triển loại cây này một cách bền vững.
“Sản phẩm chuối rừng ở xã được rất nhiều người ưa chuộng, tìm mua. Trước mắt chúng tôi đã phối hợp, khoanh vùng khoảng 500ha chuối rừng; đồng thời định hướng, tuyên truyền bà con khai thác một cách hiệu quả, chỉ khai thác những buồng chín, không chặt phá bừa bãi để đảm bảo lợi ích bền vững. Đặc biệt, trong thời gian đến, khi có kế hoạch, xã sẽ giao cho các hộ dân quản lý, phát triển, nâng cao giá trị của sản phẩm” – ông Trần Văn Thiện - Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem cho biết.
Ngoài măng nứa Đăk Ring, chuối rừng Ngọc Tem, hiện tại huyện Kon Plông còn có định hướng tạo thương hiệu cho cà phê xứ lạnh Măng Đen tại 6 xã: Đăk Long, Măng Bút, Hiếu, Pờ Ê, Đăk Tăng, Măng Cành; và các sản phẩm đặc trưng khác như tiêu rừng, sim…
Nhìn từ gạo đỏ Măng Bút
Cũng như măng nứa Đăk Ring hay chuối rừng Ngọc Tem, trước đây, gạo đỏ Măng Bút cũng chỉ bó hẹp trong các căn bếp của đồng bào Xơ Đăng nơi đây, chưa có tên trong “danh sách ẩm thực”.
Hơn 200ha trồng cây gạo đỏ nơi đây đều thuận theo tự nhiên, nói không với hóa chất và có hàm lượng dinh dưỡng cao, nên vài năm trở lại đây, gạo đỏ Măng Bút từ sản phẩm làng đã được chọn thành sản phẩm đặc trưng, khắp nơi biết đến là đặc sản. Đặc biệt, nhiều sản phẩm từ gạo đỏ Măng Bút xuất hiện nhiều trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
|
Từ năm 2015, rượu gạo đỏ do Công ty TNHH MTV Hoàng Vũ sản xuất đến tay người tiêu dùng. Với hương vị thơm, ngon, sản phẩm này không chỉ được dùng để đãi khách quý mà còn được nhiều người lựa chọn để làm quà biếu, tặng.
Hay Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Măng Đen lại khai thác, cho ra thị trường sản phẩm bánh tráng gạo đỏ. Và điều đáng mừng, sản phẩm này vừa thông dụng, dễ sản xuất, vận chuyển và sức mua khá cao.
Không chỉ dừng lại ở đó, với sự hỗ trợ của huyện, bột gạo đỏ Gaba Măng Bút đã được “trình làng” với các công dụng: điều hòa huyết áp, giảm stress, lợi tiểu, tác dụng thanh lọc…
“Qua quá trình thu hút, tập trung xây dựng thương hiệu gạo đỏ Măng Bút, các sản phẩm từ gạo đỏ Măng Bút đã được người tiêu dùng biết đến và tiếp nhận. Chúng tôi đang cố gắng kết hợp với các cơ sở chế biến dược liệu tại Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành nghiên cứu, kết hợp gạo đỏ với các thực phẩm khác tạo ra đa dạng các sản phẩm từ gạo đỏ, mang giá trị dinh dưỡng cao” – ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết.
Có được thương hiệu, từng bước có được chỗ đứng trên thị trường, tuy nhiên, việc giữ gìn và phát triển lâu dài luôn là cái đích hướng đến. Chính vì vậy, không để người dân sản xuất theo hướng tự phát, UBND huyện đã có kế hoạch hỗ trợ khoanh vùng, thành lập 1 hợp tác xã, thu hút người dân sản xuất tập trung gạo đỏ với diện tích hơn 5ha.
Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng hướng dẫn bà con đẩy nhanh thời vụ, thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, rút ngắn thời gian sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm; có hướng hỗ trợ máy cày cho hợp tác xã phát triển…
Nhìn từ gạo đỏ Măng Bút để thấy, đưa một sản phẩm từ làng, xã trở thành sản phẩm đặc trưng, được nhiều người biết đến không phải là điều dễ dàng.
Ngoài khó khăn trên, hiện tại, trên địa bàn huyện chưa có các khu chế biến sản phẩm, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng gặp không ít khó khăn. Đồng thời, việc giải quyết, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm đặc trưng cũng là một trong những nan giải.
Rõ ràng, để thực hiện hiệu quả chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” thì phía trước còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cũng nhìn từ gạo đỏ để thấy rằng, việc phát triển các sản phẩm từ làng thành đặc trưng là hoàn toàn có thể. Đặc biệt, với sự cố gắng, đồng thuận của người dân, sự vào cuộc, hỗ trợ của các cấp chính quyền, địa phương, khó khăn sẽ giảm, hiệu quả sẽ tăng.
Đôi khi nhiều người biết đến, tìm đến, nhớ đến một vùng đất chỉ vì nơi đấy có sản phẩm đặc trưng. Chính vì vậy, huyện Kon Plông đã, đang và sẽ không ngừng nỗ lực, đồng hành cùng các địa phương, cùng bà con để định danh được sản phẩm đặc trưng, tăng thu nhập bền vững cho bà con trên địa bàn.
Liễu Hạnh – Hoài Tiến