Rừng xanh theo bước chân anh

03/01/2018 07:20

​Sột soạt... Một tốp người đang lặng lẽ xuyên rừng, ánh mắt căng ra mỗi khi phát hiện con đường mòn mảnh như sợi chỉ ẩn dưới cỏ dại. Sột soạt... Áo xanh mang phù hiệu Kiểm lâm ướt đẫm mồ hôi, họ đã đi như thế cả ngày nay. Mấy ai biết được rằng, từ những chuyến đi miệt mài ấy mà rừng Ngọc Hồi đang dần yên bình...

1. Tháng 12, lẽ ra vùng biên Ngọc Hồi đã nắng sạm da mặt, bụi đỏ mù trời, vậy mà mấy ngày nay khí trời mát dịu, đôi khi lất phất mưa bay. Lấy tay áo gạt mồ hôi chảy thành dòng trên mặt, anh Huỳnh Dũng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi động viên: Ta đang ở tiểu khu 165, thuộc địa bàn xã Đăk Nông, ráng đi thêm một đoạn nữa, ra đến đường lớn rồi sẽ nghỉ.

Mấy cậu kiểm lâm trẻ nhấm nháy: Anh ấy là tay đi rừng sừng sỏ đấy. Gắn bó với Hạt Ngọc Hồi từ khi mới vào ngành, nếu bịt mắt, thả anh ấy giữa rừng cũng đi đúng đường ấy chứ.

Phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn Lào tuần tra rừng khu vực đường biên. Ảnh: T.H

 

Chuyện này thì tôi biết. Từ năm 2001, sau khi tốt nghiệp đại học, xin vào ngành Kiểm lâm, anh đã được điều về Hạt Ngọc Hồi, từ kiểm lâm viên phụ trách địa bàn, làm văn phòng, làm hạt phó, rồi hạt trưởng, 17 năm qua, dấu chân anh đã in khắp những cánh rừng biên giới...

Cho đến bây giờ, mình vẫn nhớ chuyến đi rừng đầu tiên vào năm 2001 ấy các cậu ạ - tiếng anh Dũng nhỏ nhẹ - Mới chân ướt chân ráo về nhận nhiệm vụ, được "sếp" phân công tham gia ngay đợt tuần tra dọc tuyến biên giới với nước bạn Lào. Biết mình là lính mới, "sếp" động viên, tuần tra rừng là nhiệm vụ thường ngày đối với nhân viên kiểm lâm; nạn phá rừng, khai thác gỗ trái phép, hay cháy rừng được phát hiện, ngăn chặn kịp thời đều phụ thuộc phần lớn vào những chuyến tuần tra, kiểm soát này.

Thế là khoác ba lô lên đường. Hồi ấy chưa có kinh nghiệm, mua đôi giày vừa in với cỡ chân, nếu đi ở đường bằng thì "ngon ăn", nhưng đi đường rừng, leo núi thì đúng là bi kịch. Chỉ được mấy cây số, chân bắt đầu đau, vượt qua 30 cây số đường rừng thì mười ngón chân bật máu.

Xong đợt tuần tra, đến lúc quay trở về từ hướng Đăk Nông, cắt rừng qua Đăk Dục, Đăk Xú, mắt nhắm mắt mở thế nào lại mất hướng. Thế là lạc rừng, đành bám theo suối mà đi, lương thực dự trữ lại hết, đói vàng cả mắt. May sao, đến chiều tối gặp một cái chòi rẫy, có ông già ở lại canh lúa, thế là được mời ăn cơm với thịt khô, sáng hôm sau, theo chỉ dẫn của ông già, bọn tớ lội suối tìm được đường ra. Về đến Hạt, tớ bắt được trong người, trong quần áo gần 30 con vắt - anh Dũng kể, giọng tỉnh bơ.

Đi bên cạnh tôi, Bế Nguyễn Quang Tuyến - kiểm lâm địa bàn xã Đăk Nông tâm sự: Đi lạc là chuyện "thường ngày" của tụi em. Có những chuyến tuần tra vào tận rừng sâu, kéo dài đến 10 ngày, nửa tháng. Việc tuần tra phải di chuyển nhiều nơi, nhiều khu rừng, ăn mì tôm thay cơm là chuyện thường. Nhiều khi hết lương thực phải hái rau quả rừng, măng rừng chống đói…

Tuyến còn trẻ, nhận nhiệm vụ ở xã Đăk Nông từ tháng 9/2015. Công việc của một kiểm lâm viên địa bàn như Tuyến luôn bộn bề, đòi hỏi sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao. Vì vậy, Tuyến gần như xa nhà biền biệt. Không tuần tra thì cũng bám chốt, không vùi đầu vào kế hoạch, phương án thì cũng bám làng, bám hộ tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Những câu chuyện kể rì rầm trong chuyến đi ấy theo tôi cả vào giấc ngủ mê mệt, khi đã về đến Hạt. Và tôi biết, mình đã được sống một ngày thật sự có ý nghĩa với những người giữ rừng ở vùng biên giới Ngọc Hồi...

2. Tôi giật mình tỉnh giấc khi trời còn tối đen. Ngoài sân nghe rậm rịch tiếng bước chân, vài ánh đèn pin xé toạc màn đêm. Kiểm lâm viên Đào Văn Đại với sắc phục nghiêm chỉnh tới gần cười cười: Anh em đang chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ đêm nay. Giờ này ở các chốt cũng đã sẵn sàng rồi.

Đứng trước thềm, nhìn những chiếc xe ngược xuôi trên đường Hồ Chí Minh, đèn pha sáng rực, máy rú ầm ĩ, tôi hồi hộp tự hỏi trong dòng xe cộ tấp nập ấy, liệu các anh có phát hiện được chiếc xe phạm pháp?

Anh Dũng dẫn tôi vào phòng làm việc, ngồi chưa yên chỗ, đã bận tít mù với chiếc điện thoại. Các điểm chốt báo về - anh giải thích ngắn gọn.

A lô! Chốt Gia Tun báo cáo, tình hình yên!... A lô! Chốt Kà Nhảy báo cáo, không có sự cố nào...

Trong năm 2017, với quyết tâm giải quyết các điểm nóng, như phá rừng trái phép ở Đăk Ang, Sa Loong; vận chuyển lâm sản trái phép dọc đường tuần tra biên giới, các tuyến đường N5, NT 18; cất giấu, mua bán lâm sản trái phép ở Đăk Dục; khai thác gỗ trái phép ở Đăk Nông, Đăk Xú, Bờ Y..., huyện Ngọc Hồi đã thành lập hẳn 8 chốt liên ngành, chốt chặn tất cả các điểm xung yếu.

Xem ra, các anh có thể yên tâm với hệ thống chốt liên ngành này rồi nhỉ? Tôi ướm hỏi. Anh xua xua tay: Chỉ là bề nổi thôi, mang tính răn đe, còn muốn giải quyết các điểm nóng triệt để thì cần phải có tai mắt của quần chúng. Phần đông bà con vẫn yêu rừng, ghét người phá rừng, nhưng muốn bà con thành "tai mắt" cho mình thì phải được bà con tin... Bản thân mình, những năm bám địa bàn, dày công lắm mới có mạng lưới thông tin "riêng". Đến bây giờ, mỗi khi rảnh rỗi, mình lại la cà vào các thôn làng uống rượu ghè, ăn lá mì muối chua với bà con.

Mình thường nói với anh em, làm cái anh "gác rừng" mà không có tai mắt của quần chúng thì khác gì "bịt mắt bắt dê", rừng núi mênh mông, mỗi nhân viên kiểm lâm phải "gánh" cả ngàn héc ta rừng, sức người quản sao cho nổi. Ấy là chưa kể bây giờ lâm tặc tinh vi và manh động lắm, khi bị phát hiện sẵn sàng chống trả để tẩu thoát. Nếu không có sự giúp sức của quần chúng nhân dân thì rừng không thể nào yên.

Lực lượng liên ngành tuần tra khu vực xã biên giới Đăk Nông. Ảnh: T.H

 

Mà muốn dân giúp sức, thì phải kiên trì và chân thành. Điều đáng mừng là anh em đều hiểu và thực hiện tốt, dần dần được bà con tin tưởng. Chuyện vận động bà con các làng Đăk Ba, Nông Kon (xã Đăk Dục) giao nộp hơn 33m3 gỗ cất giữ trong nhà là một ví dụ. Cũng từ thành công ấy mà bây giờ "điểm nóng" về cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép Đăk Ba, Nông Kon đã hạ nhiệt - anh Dũng bộc bạch.

Vậy là ở đây, cán bộ kiểm lâm đã và đang thay đổi dần nếp nghĩ của nhiều con người, nó có ý nghĩa nhân văn hơn những con số...

Phải! Những con số thì chỉ cần xem báo cáo là có đủ. Trong năm 2017, đã tổ chức 47 đợt kiểm tra, truy quét, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời 82 vụ vi phạm; các "điểm nóng" được kiểm soát chặt chẽ; tình trạng phá rừng làm nương rẫy cơ bản được giải quyết; không để xảy ra vụ cháy rừng nào...

Còn nhiều những con số đáng kể khác nữa, nhưng với tôi, việc gặp gỡ, trò chuyện với những con người ở đây vẫn thú vị hơn. Đã từ lâu, do đặc tính công việc và cả vì một số nhược điểm, tiêu cực trong ngành, kiểm lâm thường bị "điều tiếng". Trong mắt một số người, kiểm lâm là những người lạnh lùng, chỉ biết chặn bắt, phạt, tịch thu, nếu đương sự không chịu hối lộ! Một quan niệm làm đau lòng những người kiểm lâm chân chính. Đau lòng vì bản thân bị oan, cũng vì ở một số nơi, đã có cán bộ mang sắc phục kiểm lâm phải ra trước vành móng ngựa!

Những người giữ rừng ở biên giới Ngọc Hồi, bằng những nỗ lực bền bỉ trên nhiều “mặt trận”, đang từng bước làm thay đổi quan niệm ấy. 

Cuộc trò chuyện ngắt quãng vì một kiểm lâm viên bước vào: Anh Dũng, có thông tin mới đây. Chi cục điện báo anh, 2 giờ chiều nay về họp.

Hạt trưởng Dũng vội cáo lỗi để đi thu xếp công việc, dặn bộ phận văn phòng chủ động xây dựng kế hoạch trực tết. Tôi biết, lâm tặc thường lợi dụng những ngày tết, thời tiết phức tạp để hành động, vì vậy bám cơ sở, trực chốt và tuần tra rừng trong những ngày này là chuyện thường, hầu như không có cái tết nào anh em kiểm lâm được sum vầy với gia đình.

Từ phòng anh Dũng đi ra, tôi gặp một tổ tuần tra đang chuẩn bị lên đường. Lúc này trời cũng hửng sáng. Sột soạt. Anh em thắt lại dây giày, xốc quai ba lô trên vai. Vậy là ngày hôm nay, trên một cánh rừng nào đó nơi biên giới, sẽ có một tốp người lặng lẽ bước, ánh mắt căng ra mỗi khi phát hiện con đường mòn mảnh như sợi chỉ ẩn dưới cỏ dại, áo xanh mang phù hiệu Kiểm lâm ướt đẫm mồ hôi. Họ đã và sẽ đi như thế ngày này qua ngày khác.

Và tôi tin rằng, rừng Ngọc Hồi sẽ mãi xanh theo những bước chân miệt mài của các anh.

 Thành Hưng

Chuyên mục khác