Rủ nhau đi lấy “lộc” rừng

26/01/2017 13:59

Cũng như mọi năm, sau vụ lúa, mì; người dân Đăk Glei bước vào một “mùa” thu hoạch mới - mùa hái đót. Với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, đót là “lộc” rừng giúp họ có thêm thu nhập để chuẩn bị đón tết.

Những ngày giáp tết, dọc các tuyến đường trên địa bàn huyện Đăk Glei, đâu đâu cũng thấy đót được phơi kín hai bên vệ đường. Năm nay, mùa đót thuận lợi đem lại niềm phấn khởi cho bà con.

Chúng tôi có mặt ở làng Đăk Đoát (xã Đăk Pét) khi trời mới tờ mờ sáng, tiết trời miền sơn cước lạnh buốt, cả làng còn chìm trong màn sương giăng mờ ảo, ấy vậy mà người làng đã í ới gọi nhau vào rừng. 2- 3 người một nhóm, cơm đùm cơm nắm, mang theo dây, gùi, rựa, tốp đi bộ, tốp xe máy đi chặt đót.

Thôn trưởng Đăk Đoát - A Mrát cho biết: Hái đót ở tận rừng sâu nên người dân phải đi thật sớm. Năm nay, giá đót chỉ 4.000-5.000 đồng/kg, nhưng đót là “lộc” của trời cho, không phải trồng, không phải chăm sóc, chỉ siêng năng vào rừng chặt đót là kiếm được tiền nên mọi người ai cũng ham. Nếu chăm chỉ, mỗi người một ngày có thể kiếm được từ 25-30kg đót, như vậy là có trong tay khoảng 100.000 – 150.000 đồng rồi.

Người dân phơi đót bên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: TH

 

Theo chân A Mrát lên rừng lấy đót, chúng tôi mới biết, việc lấy đót chẳng hề dễ dàng. Đót thường hay mọc ở các sườn núi, khe đá nên rất khó lấy và người lấy cũng phải đối diện với nhiều nguy hiểm. Cùng với diện tích rừng ngày càng thu hẹp thì đót cũng ngày càng ít hơn, nên người dân phải đi hết rừng này sang rừng khác để lấy.

A Mrát bảo: Lá đót sắc lẹm, lơ mơ là bị cứa đứt tay liền, nếu muốn thu hoạch nhanh mà không bị đứt tay phải là người điệu nghệ. Thông thường, người ta phải ôm bụi đót rồi đạp ngã xuống, tay cầm bông đót, tay nắm chiếc lá cuối ngọn giật ngược chiều thân cây, ngọn đót sẽ tách rời, nhưng phải cẩn thận để không làm gãy cuống bông.

Sáng đi rừng, chiều về, người dân mang đót bán cho các cơ sở thu mua, cầm tiền trong tay, thế là họ biết ngay ngày hôm đó kiếm được bao nhiêu. Dù vất vả, cực nhọc, nhưng người dân ai cũng phấn khởi bởi nguồn “lộc” rừng này đã góp phần cải thiện thu nhập cho rất nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Đăk Glei.

Hạ bó đót nặng trịch từ trên xe xuống đặt lên bàn cân, quệt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, A Thinh (làng Đăk Pôi, thị trấn Đăk Glei) dụi dụi mắt nhìn cân rồi sung sướng reo lên: Ồ, 70kg, hôm nay mình trúng quả rồi.

Đót đẹp nên anh được người mua trả 5.000 đồng/kg, vị chi hôm đó A Thinh kiếm được 350.000 đồng. “Tuy việc lấy đót có cực một chút, nhưng mình ráng chịu khó là có tiền để dành đến tết mua quần áo, giày dép cho con và trang trải thêm cho cuộc sống. Từ đầu mùa đến giờ mình kiếm được hơn 1 triệu đồng rồi, chắc đến tết phải có vài triệu đồng đủ để sắm tết” - A Thinh bày tỏ.

Đót mang lại khoản thu nhập đáng kể cho người dân. Ảnh: TH

 

Nghe người dân kể, nhà nào chăm chỉ, mỗi mùa đót có thể kiếm được từ vài triệu đến gần chục triệu đồng, một khoản tiền không nhỏ đối với người dân miền núi Đăk Glei.

Đót không chỉ góp phần tăng thu nhập cho người dân, mà còn giúp đem lại nguồn lợi nhuận không nhỏ đối với những tiểu thương chuyên mua đót. Đót được các thương lái thu mua, phơi khô, tuyển chọn rồi bán lại cho các cơ sở ở nơi khác để họ làm chổi đót.

Mỗi mét đót khô (lấy dây thừng cột lại từng bó có chu vi một mét) có giá bán khoảng 270.000 – 300.000 đồng, nên nhiều hộ kinh doanh ở Đăk Glei và tiểu thương ở nơi khác cũng tranh thủ mùa đót đến thu mua, phơi đót kiếm lời.

Với ở đồng bào Giẻ - Triêng ở Đăk Glei, cây đót không chỉ cho bông để mỗi năm người dân lại có thêm mùa no ấm, mà lá đót còn được sử dụng để gói một loại bánh nếp truyền thống gọi là bánh Goát được dùng trong mỗi dịp lễ tết, đám tiệc của gia đình, thôn làng.

Lên huyện miền núi Đăk Glei mùa này, nhìn đâu đâu cũng thấy đót, thấy rộn ràng cảnh người đi hái, đi mua, bán đót. Trông lên những vạt rừng, đót đang kỳ trổ bông xanh thẫm, pha sắc tím đẹp nao lòng. Đót khô ngả màu vàng ruộm được phơi khắp sân nhà, ven đường và ẩn sau là những nụ cười hạnh phúc của người dân. 

Lộc rừng ở Đăk Glei không chỉ đót, tuỳ theo mùa, rừng lại cho bà con nhiều loại “lộc” khác nhau, có lúc mùa khai thác sâm dây, có lúc lấy măng, có khi lấy nấm, có khi lấy sơn tra...Hái “lộc” rừng, tuy không phải là nghề chính, song đã giúp bà con kiếm thêm thu nhập và giải quyết việc làm lúc nông nhàn.

Hương Nga

Chuyên mục khác