09/10/2017 18:00
Đối với người dân thôn Măng Rao, xã Đăk Pét (huyện Đăk Glei), đã nhiều năm qua, mỗi khi mùa mưa đến họ có thêm một “nghề” mới đó là “nghề hái măng rừng”.
Từ trước tới nay, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên cuộc sống mưu sinh của người dân thôn Măng Rao hết sức nhọc nhằn. Bù lại, thiên nhiên đã ban tặng họ những sản vật của rừng. Và, ngày nay những sản vật này đang trở thành "lộc rừng" nuôi sống họ. Măng rừng là một trong những sản vật đó.
Mỗi khi mùa măng rừng tới (khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm), khi những cơn mưa ùa về trên những cánh rừng, chính là lúc các bụi nứa, bụi le già bật lên những mầm măng rừng tràn đầy sức sống, người dân nơi đây lại nhộn nhịp với mùa măng rừng, một mùa mưu sinh mới lại bắt đầu với tên gọi thân quen "mùa hái lộc rừng”.
|
Gọi món quà thiên nhiên ưu đãi này là “lộc rừng” cũng không sai. Bởi những bụi nứa, bụi le, lồ ô rừng bao lâu đâm sâu vào lòng đất hút chất dinh dưỡng, nhờ đất rừng mà từng ngày lớn lên. Mùa khô những cây le, cây nứa trông xơ xác, nhưng khi mùa mưa đến, các loại cây này lại xanh um như được khoác một chiếc áo mới; những búp măng từ trong lòng đất cứ thế đua nhau nhô lên khỏi mặt đất làm quà biếu cho người dân nơi đây.
Một ngày đầu tháng 10, khi sương sớm còn bủa vây dãy núi Ngọc Linh, tôi tình cờ gặp những người phụ nữ dân tộc Giẻ - Triêng ở thôn Măng Rao cơm đùm, cơm nắm kéo nhau vào rừng hái măng.
Chị Y Thoãi ở thôn Măng Rao cho biết: Mùa này, việc nương rẫy đã hoàn thành, mưa xuống, măng lên, bà con dân làng trong thôn Măng Rao ngược vào rừng hái măng. Măng le, măng nứa chỉ to bằng cái cán rựa đi rừng, mỏng và mềm nên bẻ loại này cũng đơn giản. Tiếp đến là công việc bóc vỏ. Công việc này đòi hỏi người bóc phải có nhiều kinh nghiệm nếu không lông măng bám vào người sẽ rất ngứa.
Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, hầu như gia đình nào trong thôn Măng Rao cũng có người vào rừng "hái măng". Dân làng ví mùa này là mùa đi hái “lộc rừng”.
“Nhờ có những mùa măng như thế này mà gia đình mình có đồng ra đồng vào, con cái có sách vở đến trường học chữ. Khi mới đầu mùa măng, mỗi xâu 6 - 10 búp măng, tùy măng lớn nhỏ bán được 10 ngàn đồng. Giờ giữa mùa, măng đang rộ nên giá bán mỗi xâu chỉ còn 5 ngàn đồng” - chị Y Thoãi tâm sự.
Một người phụ nữ đi cùng nhóm chị Y thoãi cho biết thêm, mỗi ngày người dân ở đây đi vào rừng bẻ măng bán cũng được từ 200 - 300 ngàn đồng nên cũng có "đồng ra, đồng vào", nhờ vậy cuộc sống của người dân bớt khó khăn hơn. Ở huyện Đăk Glei mỗi khi mùa măng đến, ở thôn, làng nào cũng có một vài người vào rừng bẻ măng về phơi khô để dành ăn, hoặc bán. Riêng thôn Măng Rao là hầu như nhà nào cũng đi vào rừng bẻ măng, bóc vỏ, luộc, xâu chuỗi để mang đi bán.
Nhọc nhằn “nghề hái măng rừng"
Nói thì đơn giản vậy, nhưng "nghề hái măng rừng" cũng lắm vất vả. Muốn "hái" được măng, người dân phải dậy đi từ sáng sớm, rồi nhọc nhằn leo núi, đi xuyên rừng. Giờ rừng bị tàn phá, cây nứa, lồ ô bị chặt hạ rất nhiều nên măng cũng hiếm dần. Muốn hái được nhiều măng người dân phải vào tận rừng sâu, có khi đi cả ngày mới được một gùi măng mang về, bóc vỏ, đem luộc, chẻ lạt xâu thành chuỗi rồi bán.
Bà Y Glẽ người có nhiều năm kiếm sống bằng công việc hái măng rừng trong thôn Măng Rao chia sẻ: Đi tìm măng vất lắm, có khi mới 5 - 6h sáng là bắt đầu đi vào rừng, gói cơm, mang nước đi theo, nhiều hôm bị trượt chân ngã không may va phải cây bị chảy máu, bị đau chân nhưng vẫn phải cố đi tiếp để chiều có măng ra chợ bán, lấy tiền đong gạo, mua sách vở và tiền đóng học cho con; ngày lấy được nhiều thì bán được khoảng 400.000 đồng. Măng bây giờ không nhiều như những năm trước nên tìm hái cũng khó khăn hơn.
“Mấy ngày nay, tôi phải ra đi vào rừng ở huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) mới có măng. Giờ rừng ở Đăk Glei đã hiếm măng lắm rồi. Sáng sớm ở thôn Măng Rao người dân đi hái măng chia nhau ra đi. Người theo đường tuần tra vào tận huyện Ngọc Hồi, người thì ra tận huyện Phước Sơn đến trưa chiều mới về. Những người đi hái măng rừng hầu hết đều là phụ nữ, còn đàn ông ở nhà chăm con, nấu ăn… Trong quá trình vào rừng hái măng, gai, gốc nứa cứa làm chân tay bị cào xước, chảy máu; rồi sau đêm mưa, rừng ẩm ướt nên vắt nhiều, bám vào chân người hút máu; lại ruồi vàng, rết cắn là chuyện bình thường... Nhưng dù gì thì măng cũng được coi là “lộc rừng”; tuy nhiên, "lộc rừng" này chỉ kéo dài được 3 đến 4 tháng là hết nên phải cố gắng; vì với người dân trong thôn Măng Rao thì đây là nguồn thu nhập chính trong những ngày nông nhàn...” - bà Y Glẽ kể cho tôi nghe về sự vất vả của nghề "hái măng rừng" mà bản thân đã trải nghiệm.
Theo chị Y Thoãi, măng hái về, nếu đem bán ngay thì ít có người mua mà giá lại thấp, còn nếu qua chế biến sẽ được giá hơn. Cách chế biến măng đơn giản nhất là lột sạch vỏ, đem luộc, dùng que nhọn đâm thủng ngang các búp măng với nhau thành từng xâu rồi đem ra chợ bán. Khi thời tiết thuận lợi, nắng to, măng bán không hết hoặc chưa được giá thì sau khi luộc, dùng dao róc mỏng, đem phơi thành măng khô nhập cho các đại lý. Măng rừng ở Đăk Glei ngon, lại không có hoá chất độc hại nên hiện rất được nhiều người chọn mua làm quà biếu cho người thân hay gửi về quê.
Mùa này, về các khu chợ ở huyện Đăk Glei, hoặc dọc các đường đi, người ta bày bán rất nhiều măng. Hình ảnh những phụ nữ trên lưng mang những gùi măng nặng từ trong thôn ra chợ đã trở thành quen thuộc với người dân nơi đây cũng như khách phương xa.
Vào thôn Măng Rao mùa này, những bếp lửa luộc măng bập bùng trong ánh nắng chiều nhập nhoạng. Mùi măng hăng hăng, ngòn ngọt thoang thoảng quyện theo những ngọn khói trên những nóc nhà của bà con. Với người dân nơi đây, dù công việc đi hái măng trong rừng sâu khá vất vả, nhọc nhằn nhưng cũng rất có ý nghĩa, bởi thu nhập từ những gùi măng đã phần nào đỡ đần gia đình trong những lúc khó khăn để đợi chờ mùa thu hoạch mới…
Đắc Vinh