12/02/2020 06:35
Mặt trời vừa hắt những tia nắng đầu tiên qua ngọn cây cà phê, anh Phan Mạnh Hà (thôn 3, xã Đăk Mar) cùng với 2 thanh niên khỏe mạnh hối hả kéo máy, rải ống, lắp đặt hệ thống béc phun tự động, chuẩn bị tưới cho hơn 1ha cà phê của gia đình.
Anh Hà chia sẻ: Vụ trước, người dân ở đây thu hoạch cà phê sớm nên cũng vào vụ tưới sớm hơn thường lệ. Đợt đầu, nhà tôi tưới từ trong Tết Nguyên đán, đây là đợt tưới thứ 2. Do đường vào rẫy của nhà hơi khó đi lại thêm chỗ đặt máy xa, đường ống dài nên tôi đổi công với mấy anh em trong xóm giúp chuyển máy, kéo ống cho đỡ vất vả. Nếu như nước nôi thuận lợi thế này thì chắc chừng chưa đến 2 ngày là nhà tôi tưới xong vườn cà.
Sau một hồi tất bật kê máy, rải ống, gắn béc phun, anh Hà quay khởi động chiếc máy bơm. Chiếc máy gầm lên, tiếng nổ giòn tan, nước chạy ào ào theo đường ống dẫn vào hệ thống cột béc tưới phun ra như cơn mưa rơi rào rào trên tán lá gặp gió đẩy ra xa bay lất phất như mưa xuân.
Xung quanh vườn nhà anh Hà, các chủ vườn khác cũng đang hối nhau khẩn trương lắp máy bơm tưới nước cho vườn cà phê kịp bung hoa đợt 2. Rồi gần như đồng loạt, cả khu rẫy rộng mênh mông vang rền tiếng máy nổ. Trên các mảnh vườn, những chiếc béc tưới xoay tròn bung nước trắng xóa như làm dịu đi bầu không khí khô khốc giữa mùa khô. Lác đác có những mảnh vườn hoa nở trắng như bông tuyết, mà theo anh Hà giải thích là các chủ vườn tranh thủ nguồn nước dồi dào nên đã tưới sớm hơn.
|
Rong ruổi trên “con ngựa sắt” ngắm những đồi cà phê vào độ bung hoa và chín quả là thú vui được tôi duy trì suốt bao năm qua. Từ Đăk Mar, tôi xuống Đăk Ngọk rồi vòng theo dòng thủy lợi đến xã Hà Mòn - địa phương luôn dẫn đầu huyện Đăk Hà về diện tích, năng suất cà phê. Con kênh dẫn nguồn nước hồ Đăk Ui phục vụ sản xuất nông nghiệp của các xã Đăk Ngọk, Đăk La, Hà Mòn và thị trấn Đăk Hà mùa này luôn đầy ắp nước, ào ào chảy đưa nước về tưới tắm cho các loại cây trồng của người dân.
Trên đường, chốc chốc tôi lại phải né những chiếc xe công nông, xe kéo chất trên thùng đầy nhóc nào máy bơm, ống tưới, dầu máy, phân bón chạy ì ạch rồi rẽ vào những con đường mòn, sau đó thì mất hút giữa những rẫy cà phê.
Với dân trồng cà phê, mùa tưới có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó quyết định rất lớn đến năng suất, sản lượng của vụ cà phê. Họ phải canh chính xác thời điểm tưới để đảm bảo cho vườn cà phê bung hoa nhiều nhất, đều nhất và cây cà phê hấp thu được dưỡng chất tốt nhất, có như vậy quả mới đậu nhiều và chín đều lúc thu hoạch. Thế nên, nhiều năm, có khi tưới trùng vào đúng thời điểm Tết Nguyên đán thì từ mùng 2, mùng 3 Tết, các gia đình đã phải hối hả giục nhau đi tưới. Mỗi vụ cà phê, người dân thường tưới khoảng 3 đợt, năm nào hạn nhiều thì mới phải tưới sang đợt thứ 4. Vì vậy, vào mỗi đợt tưới, người dân hầu như “đóng đô” ngoài vườn canh lấy nước, bơm tưới.
Phụ chồng chuyển xong đường ống sang lắp vào điểm nối với các cột béc kế tiếp, chị Hồ Thị Ninh (thôn Thống Nhất, xã Hà Mòn) phủi phủi tay kéo chiếc khăn bịt mặt vui vẻ chào khách. Đôi mắt thâm quầng vì mấy ngày mất ngủ, chị kể: Nhà tôi trồng gần 4ha cà phê, suốt mấy hôm nay 2 vợ chồng gần như ở hẳn ngoài vườn để bón phân, thay nhau trực máy tưới cho vườn cây kịp bung hoa. Các cụ xưa dạy làm nông “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, với người trồng cà phê nước càng đặc biệt quan trọng bởi cà phê là loại cây trồng cần nhiều nước, tưới đủ nước, tưới đúng thời điểm là đã nắm chắc một phần thắng lợi.
“Chưa biết thời gian tới thế nào, nhưng được cái từ đầu vụ tới giờ nguồn nước phục vụ cho việc tưới cà phê trên địa bàn xã Hà Mòn khá thuận. Tôi chỉ mong trời thương từ giờ đến cuối vụ cho mưa thuận gió hòa để cà phê đạt sản lượng bù cho vụ năm ngoái thất thu” - chị Ninh chép miệng giãi bày.
Trước đây, người trồng thường áp dụng phương pháp tưới dí (tưới vào từng gốc cà phê) là chủ yếu nên sau khi lắp bơm xong phải kéo ống đi từng gốc cà phê để tưới, canh khi nào đủ nước thì kéo đi gốc khác, vừa vất vả, vừa tốn công sức. Bây giờ, hầu như nhà nào cũng lắp béc tưới tự động, khởi động máy xong chỉ việc đợi khi nào đủ thời gian tới (4 - 6 tiếng) thì kéo ống chuyển sang lắp dàn khác, đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.
|
Tưới dí tốn nước hơn, nhiên liệu cũng nhiều hơn mà cách tưới này lại làm trôi mất một phần phân bón, trong khi đó tưới bằng béc phun đem lại nhiều tiện ích hơn như tiết kiệm nước, tiết kiệm được nhiều công sức lao động. Mặc khác, phương pháp tưới béc tự động theo kiểu phun mưa từ trên cao xuống tỏa đều trên bề mặt lá, giúp rửa trôi các mầm sâu bệnh, kích thích hoa bung nở đều. Chính vì vậy mà những năm gần đây, phần lớn người trồng cà phê ở Đăk Hà đầu tư lắp đặt hệ thống béc phun tưới nước tự động. Một số hộ, hợp tác xã còn áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa quanh gốc) để tiết kiệm lượng nước tưới.
Để đảm bảo đủ nước tưới, từ đầu mùa khô huyện Đăk Hà đã xây dựng phương án quản lý, điều tiết nguồn nước một cách hợp lý, khoa học, triển khai hình thức tưới luân phiên. Đồng thời, các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân tưới nước tiết kiệm, tránh lãng phí để đảm bảo nguồn nước tưới lâu dài.
Năm trước, thủ phủ cà phê Đăk Hà mất mùa, nhưng người trồng không vì vậy mà buông xuôi, bởi đây là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu chính của các gia đình. Thời gian này, họ dành rất nhiều công sức, tâm huyết tưới tắm cho các vườn cà phê với hy vọng về một vụ mới bội thu.
Người ta nói “làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, thế nhưng người Đăk Hà thường bảo người trồng cà phê cả năm đều “ăn cơm đứng”. Này nhé, sau vụ thu hoạch là phải nhanh chóng bắt tay vào việc dọn gốc, cắt tỉa cành khô, sâu bệnh để tập trung nguồn dinh dưỡng cho cây phân hóa mầm hoa. Khi đất bắt đầu khô, lá cà phê héo rũ, mầm hoa xuất hiện đầy đủ thì người nông dân bắt đầu tưới nước, bón phân, rồi lại trừ sâu, cắt chồi, tỉa cành... Quanh năm suốt tháng, người trồng bám chặt vườn cây.
Tôi say sưa ngắm các triền đồi cà phê, có vườn cây đang bung hoa trắng, có vườn nụ hoa còn đang ủ kín chờ nguồn nước mát lành để tiếp thêm nguồn sinh lực cho những nụ hoa còn e ấp bung nở. Đợt hoa thứ 2 không ra nhiều như đợt đầu nhưng cũng đủ làm cả không gian ngập tràn hương hoa, thu hút lũ ong bướm tìm về tình tự giao duyên.
Thiên Hương