Phát triển mô hình trồng chanh dây

16/06/2019 06:51

Những năm gần đây, bà con nông dân ở các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, thành phố Kon Tum triển khai trồng chanh dây. Mô hình bước đầu cho hiệu quả kinh tế vì cây chanh dây hợp với điều kiện thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao.
Giống chanh dây tím được bà con lựa chọn vì có khả năng sinh trưởng mạnh, cho năng suất cao và có tiềm năng xuất khẩu sang các nước Châu Âu.

 

Để đầu tư 1 ha chanh dây cần khoảng 70-80 triệu đồng, gồm: giống, phân bón, trụ, dây kẽm, hệ thống tưới tiêu…

 

Theo anh Trí Phương, chủ vườn chanh dây 7 ha tại xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà), kỹ thuật trồng cây chanh dây không quá phức tạp; chỉ cần đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, bón phân đủ, kiểm soát được sâu bệnh hại là cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

 

Thời gian từ khi trồng đến thu hoạch khoảng từ 6 đến 7 tháng. Khi quả chuyển sang màu tím nhạt là lúc chủ vườn thu hoạch, năng suất bình khoảng 70 tấn/ha/năm.

 

Anh Lê Mạnh Hùng, ở xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) đầu tư 7 sào chanh dây từ năm 2018. Sau vụ thu hoạch, trừ chi phí anh lời khoảng 70 triệu đồng.

 

Vào thời điểm hiện tại, giá thu mua chanh dây tại vườn dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg; chanh dây đẹp xuất khẩu sang Châu Âu (vỏ dày, quả bóng đều) có giá khoảng 40.000 đồng/kg.

 

Chanh dây có hương thơm nồng, vị chua ngọt, giàu vitamin, có lợi cho sức khỏe nên được nhiều cơ sở sản xuất thu mua làm nguyên liệu chế biến, sản xuất thức uống giải khát.

 

Cùng với cây cao su, cà phê, cây ăn trái thì chanh dây đang là một lựa chọn để bà con nông dân đầu tư phát triển kinh tế. Với chanh dây, có thể trồng xen canh với các loại cây trồng khác, thời gian từ trồng đến thu hoạch không dài và có thể tận dụng các vật liệu tại chỗ để làm giàn, phân chuồng để chăm bón... Tuy nhiên, theo các kỹ sư nông nghiệp, khi đầu tư, bà con nông dân cần lưu ý về kỹ thuật như: chọn đúng giống, phát hiện sâu bệnh kịp thời; chăm bón, tưới tiêu đúng thời điểm để vườn chanh dây không mắc bệnh, cho năng suất cao.

Ngọc Mạnh

 

Chuyên mục khác