09/08/2019 06:02
Với nét hoang sơ, bình yên, từ lâu nay, làng Kon K’Tu, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước. Dựa vào lợi thế đó, ngoài việc sản xuất ruộng rẫy, dân làng còn “tập” làm du lịch, kiếm thêm thu nhập.
Là nông dân chính hiệu, những năm trở lại đây, cùng với một số hộ dân trong làng, vừa sản xuất, anh A Nun (làng Kon K’Tu) làm thêm nhà sàn truyền thống để đón khách đến tham quan và nghỉ lại. “Mới đầu bắt tay vô làm mình cũng bỡ ngỡ lắm, sau thì quen dần. Nay ở đây có khoảng 15 hộ làm du lịch cộng đồng rồi” – A Nun nói.
Để phục vụ du khách, ngoài việc chuẩn bị chỗ ở, nệm, chiếu đàng hoàng, vợ chồng A Nun còn chuẩn bị đầy đủ vật dụng nấu nướng truyền thống để du khách có thể cùng chủ nhà chế biến những món ăn như cơm lam, rượu ghè, lá mì chua, cá suối nướng… Anh bảo, không làm thì thôi, khi làm phải luôn trong tư thế sẵn sàng để phục vụ du khách một cách chu đáo nhất.
Ngoài ra, A Nun tự trang bị thêm cho mình kiến thức về lịch sử làng Kon K’Tu để sẵn sàng trở thành “hướng dẫn viên”, đưa du khách đi tham quan mọi ngõ ngách của làng, của núi hoặc trải nghiệm thú chèo thuyền độc mộc trên dòng sông Đăk Bla…
Đặc biệt, A Nun còn cùng với bà con trong làng tập luyện cồng chiêng, để trình diễn mỗi khi du khách có nhu cầu thưởng thức.
|
“Du khách đến đây đa số đều muốn trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa nên chúng tôi đáp ứng đúng nhu cầu của họ. Đặc biệt, giá cả ở đây rất vừa phải, chỉ từ 250-300 ngàn/ngày đêm, tùy vào thực đơn ăn uống theo yêu cầu; còn khi phục vụ cồng chiêng, khách sẽ trả thêm cho bà con” – anh Nun cho biết.
Hôm đến làng Kon K’Tu, chúng tôi cũng tình cờ gặp già A Ring Đeng (làng Kon Brắp Du, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy). Ông cho biết vừa dẫn đoàn khách tham quan trở về, tìm đến đây để trao đổi, học hỏi, chia sẻ thêm về cách làm du lịch cộng đồng.
Ở làng Kon Brắp Du, già A Ring Đeng được xem là người đi tiên phong trong việc làm du lịch. Hiểu được khách du lịch muốn khám phá văn hóa bản địa, ông vận động bà con giữ gìn nếp nhà rông; lưu giữ các lễ hội truyền thống của dân làng; tổ chức các lớp học cồng chiêng…, vừa để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa để thu hút khách du lịch, tạo thu nhập cho bà con.
Bản thân già cũng là một trong những “hướng dẫn viên” du lịch nhiệt tình, sẵn sàng giúp du khách tham quan, trải nghiệm theo hình thức du lịch sinh thái. “Nhiều du khách đến đây muốn trải nghiệm trong các khu rừng già, là người địa phương, tôi hiểu rõ các con đường rừng nơi đây. Tuy nhiên, trước mỗi chuyến dẫn khách đi tham quan, chúng tôi cũng phải chuẩn bị cẩn thận các vật dụng, đồ ăn, thức uống… đảm bảo an toàn cho khách” – ông chia sẻ.
Bên cạnh đó, tại căn nhà của mình, ông vẫn giữ nguyên bếp lửa trên nhà sàn, chuẩn bị nệm, thực phẩm sẵn sàng phục vụ các du khách ở lại. “Ở đây năm nào cũng đón cả chục đoàn khách, đoàn khách này về lại giới thiệu đoàn khách khác đến. Mình là nông dân, đón khách bằng sự nhiệt tình, chất phác nên nhiều người rất thích. Sau mỗi chuyến đón khách, ngoài việc có thêm thu nhập mình còn kết thêm nhiều bạn bè, nhận được niềm vui, hạnh phúc” – già chia sẻ.
Không marketing cũng chẳng rầm rộ quảng cáo, mấy năm trở lại đây, ngôi nhà của già Bloong Vẻ ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi trở thành điểm du lịch văn hóa truyền thống.
|
Tiếp đón du khách tận tình, chu đáo, già Bloong Vẻ còn sẵn sàng giới thiệu trên 100 vật dụng, nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Giẻ - Triêng do chính tay mình chế tác. “Ở đây, du khách tha hồ chụp ảnh, ngắm nhìn, dùng thử và có thể mua các vật dụng, nhạc cụ làm quà lưu niệm. Khách đến tham quan, mình hướng dẫn tận tình, khách cho bao nhiêu thì cho chứ mình không đòi hỏi” – già Bloong Vẻ nói.
Ngoài ngôi nhà của mình, già Bloong Vẻ còn dẫn khách thăm khắp làng. Ông hứng khởi giới thiệu ngôi nhà rông truyền thống; giới thiệu cho du khách nghề dệt thủ công đang được dân làng bảo tồn.
Ngày còn làm già làng, ông là “nhạc trưởng” của hơn 20 nghệ nhân, cùng các nghệ nhân lưu giữ, tập luyện các bài múa, hát sử thi; duy trì đội cồng chiêng, tổ chức lễ hội dân tộc khi khách có nhu cầu thưởng thức. Và bây giờ, ông vẫn tiếp tục tham gia vào đội cồng chiêng của làng; cùng dân làng lưu giữ những nghi thức, lễ hội truyền thống, sẵn sàng phục vụ khi du khách có nhu cầu.
Với tư duy nhạy bén, ông Lê Xuân Phục (làng Kon Skôi, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) sớm bắt tay làm du lịch sinh thái qua ý tưởng tận dụng khu vườn trồng thanh long ruột đỏ của gia đình.
Ông tận dụng đường lô, quy hoạch xen kẽ bờ, khoảnh trồng thêm hơn 2.000 cây ăn quả với trên 20 loại khác nhau. Để cho khách có chỗ ăn ở, ông xây dựng thêm căn nhà chòi với sức chứa khoảng 40 người và chuẩn bị đầy đủ chăn, gối, nệm… Bên cạnh đó, ông xây dựng thêm 2 phòng karaoke để phục vụ khách giải trí.
Ngoài ý tưởng tạo không gian ăn, ở, vui chơi khép kín, ông còn liên kết, phối hợp với đội cồng chiêng của thôn để phục vụ du khách. Ông bảo, làm việc gì cũng hướng đến giá trị văn hóa, bảo tồn văn hóa mới phát triển được du lịch. Cơ sở du lịch của ông đã đón nhiều đoàn khách đến tham quan, ở lại nghỉ dưỡng.
Mỗi người một cách làm, những người nông dân đã mạnh dạn thay đổi tư duy, biết khai thác hiệu quả lợi thế, đặc trưng của địa phương, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, không chỉ đem lại thu nhập cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng làng, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Kon Tum ngày càng phát triển.
Bình An