Nỗi niềm “shipper”

26/07/2019 06:28

Khi thị trường mua sắm hàng trực tuyến ngày càng phát triển cũng là lúc nghề vận chuyển, giao nhận hàng hóa đến tay người dùng dịch vụ (shipper) trở nên “hot”. Những tưởng công việc của họ chỉ đơn giản: lấy hàng, đi giao cho khách và lấy tiền. Nhưng không, tiền không dễ kiếm, nhân viên giao hàng phải đối diện nhiều rủi ro mỗi ngày…

Trăm nỗi khổ

11h trưa, chú Thượng Hưng Thảo (55 tuổi) vội vàng về kho lấy hàng. Sau một buổi sáng dong xe dưới cái nắng như đổ lửa, mặt chú đỏ ửng, mồ hôi ướt đẫm áo. Chưa kịp uống ngụm nước, chú Thảo xoay chiếc giỏ qua một bên, tranh thủ soạn hàng. “Buổi trưa mọi người thường ở nhà, phải tranh thủ đi giao mới kịp. Áp lực lắm, một ngày mà không giao được 80% đơn hàng là bị phạt 500 ngàn đó”- chú nói.

Gần 4 năm gắn bó với nghề, có cay đắng, ngọt bùi nào mà chú Thảo chưa nếm trải. Chú bảo, cái nghề này hay lắm, cười đó rồi khóc đó; uất ức, tủi hờn… đủ hết. Ai mà tự ái, không nín nhịn, không siêng năng khó mà làm được.

Công ty CP Dịch vụ giao hàng nhanh - nơi chú Thảo làm việc có 8 nhân viên giao hàng trên địa bàn thành phố và 1-2 nhân viên mỗi huyện. Mỗi ngày, các nhân viên giao hàng phải làm việc từ 7h30 và kết thúc lúc 18h30. Nhân viên giao hàng không có lương cứng, cứ 1 đơn hàng giao thành công sẽ được nhận 6.300 đồng. Thế nhưng không phải đơn hàng nào khách cũng nhận. Bởi vậy, rong ruổi cả ngày, tự lo tiền xăng xe, điện thoại… cao lắm cũng chỉ kiếm được 150-200 ngàn đồng.

Chú Thảo được phân công giao hàng tại một số tuyến đường trong thành phố và xã Đăk Rơ Wa. Trong suốt quá trình làm, chú không thể nhớ hết số lần bị khách “bom” hàng.

“10 đơn cũng có đến 2-3 đơn bị “bom”. Mình chạy cả chục ki lô mét đến để giao, họ ở trong nhà mà không nghe máy; có người còn khóa máy, chặn số… Có người bắt mình đợi cả tiếng đồng hồ dưới trưa nắng rồi vẫn không nhận hàng. Gặp trường hợp như vậy, mình phải chấp nhận đem hàng về chuyển trả lại chứ biết sao được. Ngày nào đen đủi, bị “bom” hàng liên tục là nản lắm, lắm lúc khóc ròng, nước mắt chan cơm” - chú Thảo trải lòng.

Tháo khẩu trang, lấy khăn lau lớp bụi đen xì bám trên mặt, Bùi Thị Phương Hoài (Công ty CP Dịch vụ giao hàng nhanh) kể: “Làm nghề này nhanh “tàn phai nhan sắc” lắm. Cứ chạy ngoài đường cả ngày, hứng đủ bụi, khói, nắng, mưa… Nhưng vì miếng cơm manh áo nên đành phải chấp nhận chứ biết làm sao”.

Nghề này, với nam đã vất vả, với nữ còn vất vả hơn. Bởi vậy, 2 năm nay, kể từ ngày đi làm, cân nặng Hoài cũng theo đà “tụt dần đều”. Hoài nói, đi làm dù được chủ động thời gian nhưng ăn uống thất thường. Nhiều lúc đơn quá tải, khách lại hối nên phải nhịn ăn trưa để giao cho kịp. Có hôm mệt quá, tối về chỉ uống mỗi hộp sữa cho có sức chứ ăn không nổi.

Không chỉ thiếu may mắn gặp phải các “thượng đế” khó tính, chạy xe trên đường, các nhân viên giao hàng cũng gặp phải nhiều rủi ro, sự cố. Hoài kể, nhiều lần do thùng hàng quá nặng, sức lại yếu, không đỡ xe được nên em bị ngã, bầm trầy tay chân. Trời nắng còn đỡ, trời mưa lấm lem, nhân viên nhiều lúc phải chịu ướt để hàng được khô. Rồi lúc xe bị hỏng giữa đường, phải dắt bộ vài cây số, khách hàng thì giục, nhân viên cũng chỉ biết ngậm ngùi cáo lỗi.

Không chỉ bị "bom" hàng, đôi khi nhân viên giao hàng còn bị khách “hành” kiểu khác. “Dù cửa hàng ghi rõ bưu kiện không được xem trước khi nhận thế nhưng nhiều khách hàng cứ một mực đòi mở ra xem. Lúc đấy, em đã nói rất rõ về điều kiện nhận hàng, gọi báo công ty… nhưng họ nhất quyết không chịu. Họ giật hàng, xé ra xem rồi trả lại, không chịu nhận. Em buộc phải trả tiền đơn hàng đó. Vừa mệt, vừa ấm ức, chạy xe mà nước mắt cứ chảy dài”- Hoài kể.

Sắp xếp hàng hóa cẩn thận trước khi đi giao. Ảnh: BA

 

Những niềm vui nho nhỏ

Gần 2 năm làm nhân viên chuyển, giao hàng cho Công ty CP Giao hàng tiết kiệm chi nhánh Kon Tum, anh Huỳnh Ngọc Thanh Long đã thành thạo công việc. Siêng năng, chăm chỉ, cẩn thận, anh luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất việc giao hàng tại địa bàn được phân công là các phường Trường Chinh, Thắng Lợi.

“Tôi khá may mắn khi gặp các “thượng đế” dễ tính. Nhiều người bị "bom" hàng liên tục, nhưng tôi thì ít, tầm 10 đơn thì bị 1-2 đơn thôi” – anh Long cười.

Bên cạnh những vất vả, khó khăn với nghề, anh Long bảo, anh có được nhiều niềm vui do nghề mang lại. “Tôi được rong ruổi, biết được các ngõ ngách trong thành phố và gặp gỡ được rất nhiều người. Cũng nhờ công việc mà có được nhiều bạn bè, khách hàng thân quen” – anh Long kể.

Cũng như anh Long, ở tuổi xế chiều, chú Thảo bám trụ với nghề cũng bởi yêu nghề và những niềm vui của nghề mang lại. Chú bảo, hàng ngày được đi, được gặp gỡ nhiều người giúp chú vui vẻ, hoạt bát hơn.

“Có nhiều người tính tình họ dễ thương lắm! Họ nhận hàng lịch sự rồi cảm ơn mình, chỉ vậy thôi là đã mát lòng, mát dạ, vui lắm rồi” – chú Thảo bộc bạch.

Ngoài niềm vui từ khách hàng, các anh em trong công ty giúp đỡ lẫn nhau cũng là động lực cho mỗi nhân viên bám trụ với nghề. “Anh em làm việc mệt nhưng mỗi lần gặp nhau lại tiếu lâm, quên hết cả nhọc nhằn. Mấy lần chúng tôi vì vội giao hàng cho khách, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bị Cảnh sát giao thông tuýt còi, mất toi mấy ngày lương. Không có tiền, mỗi người lại góp cho mượn một ít để đủ nộp phạt. Anh em keo sơn, sống tình cảm, tạo nên niềm vui mỗi ngày đi làm” –chú Thảo cười.

Với Hoài cũng vậy, dù công việc khá vất vả, nặng nhọc nhưng đổi lại có nhiều niềm vui. Là “bóng hồng” duy nhất trong công ty, Hoài được các đấng mày râu thường xuyên giúp đỡ chất hàng, cột hàng lên xe… Không chỉ thế, Hoài còn được ưu tiên giao ở vị trí thuận tiện trong thành phố là xã Đăk Cấm.

Trong quá trình đi làm, bên cạnh các khách hàng khó tính, Hoài cũng gặp được nhiều người tốt, nhiều khách hàng, sau khi nhận hàng còn cho quà mang về. “Có người cho em ít trái cây, người lại cho bó rau… Những món quà nhỏ ấy làm em thấy ấm lòng, vui suốt đường về”- Hoài rủ rỉ.

Trưa nắng, đứng ở các ngã tư, chúng tôi bắt gặp nhiều nhân viên giao hàng đang gấp gáp hoàn thành công việc. Trên những chiếc xe máy với hàng hóa cồng kềnh, ánh mắt họ sáng lên niềm vui bởi sẽ có thêm thu nhập để lo cho bản thân, cho gia đình. Và cũng với “con ngựa sắt” ấy, họ vượt nắng, thắng mưa, hạnh phúc bởi giúp khách hàng nhận được món hàng nhanh nhất...

Nhân viên giao hàng phải rong ruổi cả ngày ngoài đường. Ảnh: BA

 

BÌNH AN

Chuyên mục khác