16/11/2021 13:12
Quên mình vì… mải “gieo chữ”
Chúng tôi đến Mường Hoong vào một ngày mưa rả rích. Con đường “xoắn ốc” độc đạo dẫn vào điểm trường chính nhễ nhại bùn đất, sương mù phủ kín cả ngôi làng. Khí trời lạnh ngắt. Và rồi, những câu chuyện về sự nghiệp “trồng người” của các thầy giáo khiến đoàn bị cuốn theo.
Tan giờ học, thầy Trần Anh Ninh (41 tuổi) tranh thủ gọi cho mẹ, hỏi thăm tình hình lũ lụt tại quê nhà. Sau vài lời chào hỏi, người mẹ già lại đau đáu nỗi lo và hỏi ngược lại cậu con trai “có ai chưa?”
“Có ai chưa?” là sự quan tâm mà mẹ thầy Ninh dành cho cậu con trai mỗi khi trò chuyện. Bởi bao năm qua, kể từ khi thầy Ninh xa nhà lập nghiệp, bà vẫn chưa nghe con trai mình nhắc đến chuyện lập gia đình.
|
Cũng phải thôi, gia đình thầy Ninh có tổng cộng 3 anh em, 2 người đã có gia đình, bố thì mất sớm chỉ còn người mẹ 65 tuổi một thân một mình, ngày qua ngày vẫn ngóng trông con trai mình ổn định để bà yên tâm.
Nhà thầy Ninh ở Quảng Trị, năm 2005, thầy tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng sau đó đến Kon Tum làm việc qua lời rủ từ một người bạn.
Thầy Ninh kể: Ngày ấy tuổi trẻ xông pha, muốn khám phá nhiều vùng đất mới, phần vì tôi thích dạy học cho những đứa trẻ vùng cao do trước đó chỉ toàn xem khó khăn của các em trên ti vi, muốn cùng các em vượt qua những vất vả ấy.
Năm ấy, hành lý của thầy chỉ có vài bộ đồ gói gọn trong chiếc ba lô cùng hành trang là kiến thức bộ môn thể dục, lòng yêu nghề, yêu những đứa trẻ vùng cao. Bỏ lại sau lưng ánh đèn phố thị, thầy thử sức mình với sự khắc nghiệt nơi vùng cao. Và huyện Đăk Glei là điểm đến mà thầy Ninh gắn bó suốt 16 năm qua.
Đặt chân đến vùng đất mới, thầy Ninh nhận nhiệm vụ tại xã Đăk Man, huyện Đăk Glei. Khác xa với cảnh phồn hoa phố thị, xã Đăk Man ngày ấy trừ quốc lộ, còn lại đa số là đường đất, xung quanh các điểm trường chủ yếu là rừng núi bao phủ, dân số ít, có khu dân cư số hộ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cũng chính vì trắc trở ở xã Đăk Man ngày ấy, mà số lần gửi thư về cho cô người yêu sinh viên cũng thưa dần, và mối tình đầu cũng dừng lại từ khi ấy.
|
Thời gian trôi nhanh tựa thoi đưa, sau 8 năm làm việc tại Đăk Man, có vô số câu chuyện buồn vui mà người thầy trải qua, nhưng có một nỗi đau đã đeo bám cơ thể thầy đến suốt cuộc đời đó là vụ tai nạn vào năm 2006.
Thầy Ninh vẫn còn nhớ như in vụ tai nạn năm ấy, vào một ngày chủ nhật đẹp trời, sau khi xuống thành phố chơi với bạn thì bất ngờ gặp tai nạn tại huyện Đăk Hà. Hậu quả một bên mắt bị hỏng hoàn toàn, nỗi đau đã khiến thầy sống thu hẹp mình vì mặc cảm, nhưng nhờ sự động viên của đồng nghiệp và gia đình, thầy vực dậy, vượt qua và tiếp tục bám núi “gieo chữ”.
Sau một thời gian gắn bó tại xã Đăk Man, năm 2013 thầy Ninh được phân công vào xã Mường Hoong công tác, nơi đây so với Đăk Man còn khó khăn gấp bội phần. Tuy là “lính phòng không”, nhưng thầy Ninh chưa bao giờ cảm thấy mình cô đơn vì xung quanh thầy là tiếng cười học sinh, là những đồng nghiệp luôn gần gũi, quan tâm nhau như người thân trong gia đình.
Ngày qua tháng lại, thoắt cái đã 16 năm thầy Ninh gắn bó với sự nghiệp trồng người ở huyện Đăk Glei. Tuổi thanh xuân, thầy đã gửi gắm vào nụ cười, chắp cánh tương lai cho các em, mà quên rằng, nơi quê nhà người mẹ già vẫn đang trông ngóng một nàng dâu hiếu thảo.
Nghe con gọi “ba ơi” rè rè qua điện thoại
Là đồng nghiệp với thầy Ninh, hơn 10 năm qua, thầy Lê Văn Linh đã có 10 năm “gieo chữ” nơi chân núi Ngọc Linh hùng vỹ.
10 năm, một khoảng thời gian không quá ngắn cũng không hẳn là dài, nhưng cũng đủ để thầy Linh cảm nhận được tình yêu của các em nhỏ vùng cao dành cho mình và không thể nào đo được nỗi nhớ, tình cảm của người vợ, các con trông ngóng ba về trong những ngày nghỉ.
Thầy Linh tâm sự, vợ chồng thầy có 2 cháu, 1 cháu 6 tuổi và 1 cháu 7 tuổi. Kể từ khi các cháu lọt lòng, số lần thầy Linh ngắm và trò chuyện với các con qua điện thoại nhiều hơn ngoài đời thực. Bởi nhà thầy ở huyện Kon Rẫy, cách xã Mường Hoong gần 160 km, nếu trời đẹp thì đi mất một buổi, còn trời mưa thì việc về nhà là bất khả thi. Một người có tay lái “cứng” với kinh nghiệm 10 năm vượt núi như thầy Linh, đôi lúc cũng nản lòng khi nghĩ đến con đường nhầy nhụa vào ngày mưa. Chính cái khắc nghiệt về khoảng cách địa lý đã khiến việc được ôm con vào lòng nhiều khi quá “xa xỉ” với ông bố trẻ 33 tuổi.
Thầy Linh kể, những ngày đầu đứa con lớn chào đời, thầy ở nhà với vợ được vài hôm rồi trở lại công tác, mọi việc chỉ biết trông cậy vào ông bà. Ngày đấy, công nghệ chưa hiện đại như bây giờ, chỉ có thể trèo lên cao nhất để dò sóng, với hy vọng được nghe tiếng con gọi “i…o”, nghe lời động viên từ người vợ và nghe tiếng thở phào của ông bà. May mắn, vợ thầy Linh cũng là giáo viên nên thông cảm cho sự vất vả của chồng mình. Hậu phương vững chắc là động lực giúp thầy Linh vượt núi “gieo chữ” hơn 10 năm qua.
10 năm dạy học là chừng ấy năm chiếc xe máy cũ đi cùng thầy. Không ít lần chiếc xe bị hỏng giữa núi rừng hoang vu và thầy cũng trở thành thợ sửa xe bất đắc dĩ. Thầy Linh thổ lộ, trong cốp xe thầy có rất nhiều dụng cụ sửa xe cơ bản, hễ xe hỏng ở đâu là sửa ngay tại đấy, chứ lâu lâu mới có thời gian về thăm con mà hỏng xe dắt bộ thì mất hết cả ngày trời.
Về thăm con đã ít, thầy Linh chưa từng đón sinh nhật cùng các con được một lần. Thầy Linh tâm sự: Những tháng có ngày sinh các con, các con cứ gọi hỏi dò “ba có về không”, tôi không dám hứa vì biết mình không về được. Vì ngoài thời gian dạy học, tôi còn phải cùng các giáo viên đi vận động học sinh ra lớp.
|
Ở vùng núi quanh năm mây mù bảo phủ, đời sống còn nhiều khó khăn, phụ huynh ít quan tâm đến chuyện học của con cái. Những tháng vào mùa vụ, con em theo ba mẹ lên rẫy làm nên thường xuyên vắng học, thầy cô phải vất vả tìm đến tận nhà, ngồi chung mâm cơm với phụ huynh để vận động họ cho con đến trường.
Thầy Linh kể, có nhiều lần đến vận động, phụ huynh nhiệt tình mang rượu ra mời, vì với bà con nơi đây, thầy cô giáo đến nhà như vị khách quý đến chơi. Không thể chối từ, thầy Linh cùng các thầy tiếp rượu phụ huynh. Dù là thế, thầy Linh cũng như các thầy cô vẫn không quên nhiệm vụ nhắc nhở các ba mẹ kèm cặp việc học hành con mình, nói về tương lai của việc học để các con phấn đấu học, sau này có cơ hội thoát nghèo. Sau những lần chung mâm cơm, các phụ huynh cảm nhận được tình yêu của các thầy cô nên nhắc nhở con em đi học đều đặn hơn.
Cũng chính những đêm vận động ấy, hai đứa con ở nhà vẫn mong chờ nghe tiếng ba mình qua điện thoại. Thương các con, dù có bận rộn, thầy Linh vẫn dành chút thời gian gọi về nhà để nghe tiếng con gọi “ba ơi” rè rè qua làn sóng điện thoại chập chờn.
Cô Y Hải - Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đăk Glei cho biết: Xã Mường Hoong và Ngọc Linh là 2 khu vực xa và khó khăn nhất của địa phương. Đa số giáo viên giảng dạy tại các trường ở 2 xã này đều xa gia đình. Năm học vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên có những giáo viên ít khi về thăm gia đình. Bên cạnh đó, phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em mình nên giáo viên thường xuyên vào nhà vận động để các em ra lớp. Dần dần phụ huynh và học sinh cũng đã nhận thấy tầm quan trọng của việc học nên việc duy trì sĩ số được nâng cao.
Khó có thể nói hết được những gian truân, vất vả của các thầy cô nơi đây. Qua câu chuyện của thầy Ninh, thầy Linh mới có thể hiểu được lòng yêu nghề, yêu học sinh vùng cao của thầy cô lớn đến dường nào.
Văn Tùng