10/10/2016 09:06
Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi về xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy) đúng lúc cơn mưa rừng vừa kết thúc. Mới giữa buổi chiều nhưng do mây đen bao phủ trên bầu trời báo hiệu một cơn mưa nữa sắp ập đến nên dễ cho người ta cái cảm giác như trời sắp tối.
Tiếp đón chúng tôi trong phòng làm việc, trong câu chuyện miên man, Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr - A Bền cho biết: Trên địa bàn xã có nhiều khu rừng mồ mả, nhiều người vẫn quen gọi là rừng ma nằm rải rác ở một số thôn làng. Những khu rừng này là nơi đồng bào Gia Rai chôn cất người chết. Thường thì sau khi làm lễ bỏ mả, người thân không lui tới chăm sóc nữa nên những ngôi mộ bị cây cối mọc um tùm; có nhiều cây to đến mức vài người ôm không xuể...
Dẫn chúng tôi đi "mục sở thị" một số “rừng ma” cán bộ văn hóa xã Ya Xiêr A Yh hối thúc: Nhà báo đi nhanh chứ để trời lại mưa nữa thì không chụp hình được đâu. Vội vã vậy mà chúng tôi đến “rừng ma” làng Rắc cũng vừa lúc trời bắt đầu đổ mưa.
|
Để xe phía ngoài, chúng tôi đi bộ qua một con đường đất nhỏ hẹp, nhìn vào “rừng ma”, cây cối um tùm bao phủ, âm u. Ở đây, có cây cao vút, tán cây choán rộng cả một vùng, ước chừng tuổi nó cũng đã hàng chục năm, thậm chí có cây lên đến hàng trăm năm tuổi.
Bước vào “rừng ma”, tôi cảm thấy rờn rợn sống lưng; những thanh âm của từng cơn gió nhẹ làm lá rừng xào xạc khua mái tôn từ những nhà mồ, ngỡ như có ai đó chui ra từ sâu thẳm. Lâu lâu lại có tiếng chim kêu quang quác, rời rạc, mùi xú uế bốc lên lợm cả người… Tất cả đã tạo nên một bầu không khí u linh, rờn rợn.
Phía bên ngoài của khu “rừng ma”, những nhà mồ còn mới có bốn cọc chôn xung quanh với các bức tượng còn đủ hình dáng, mái tôn còn nguyên; có nhà mồ còn được bao bọc lưới B40 rất chắc chắn.
Tiến vào sâu bên trong chừng trăm mét, rừng càng thêm âm u; bởi ở đây chỉ toàn những nhà mồ lâu năm đã làm lễ bỏ mả nên không ai lui tới, cây cối mọc um tùm. Có nhà mồ, chỉ còn bốn cây cọc xung quanh, khắc tượng đàn ông, đàn bà, vật nuôi… đã mối mọt nham nhở, khiến cho cảm giác nơi này càng thêm lạnh lẽo, thâm u.
Tiếp tục tiến sâu thêm; nhiều nhà mồ đã trơ trọi, cây cọc rào và mái nhà mồ mục nát, còn trên nền nhà mồ thì xoong nồi, ghè, gùi, chén, chai lọ, rìu, quần áo… nổi lên nằm chen với lá rừng và những cây cọc rào đã mục nát. Đây đó, những con heo thả rông dùng mõm ủi cả những ngôi nhà mồ lâu năm.
|
Thấy chúng tôi tò mò về những ghè rượu, chén, bát, gùi, rìu… nằm nổi trên mặt đất, anh A Yh giải thích: Đó là những vật dụng mà khi còn sống, người đó hay dùng, khi chết đi, người thân chia của cho họ và mang lên đặt trên mộ.
“Những năm trước đây, ở các khu "rừng ma" trên địa bàn xã Ya Xiêr tượng nhà mồ nhiều lắm, nhưng vài năm gần đây bị người lạ vào đào trộm nên đã ít dần. Những người đào trộm tượng nhà mồ đem về gọt giũa lại rồi bán cho các quán cà phê, quán ẩm thực Tây Nguyên, những địa điểm du lịch… để họ trưng bày.” - A Yh nói.
“Những tượng nhà mồ thường cao từ 1,6 đến 2,5m hoặc hơn nữa; sau khi làm lễ bỏ mả, người thân chôn tượng nhà mồ bên mộ nhằm thể hiện sự nhớ nhung đối với người đã chết. Mỗi tượng có những ý nghĩa riêng.
Ví dụ như người chết là đàn ông, thì tượng khắc người đàn ông để cho người thân đến đây nhìn cho đỡ nhớ. Còn tượng khắc về người đàn bà đau khổ là biểu hiện sự đau khổ của người vợ khi người chồng mất đi. Hoặc có tượng là cảnh sinh hoạt vui vẻ của con cháu, có nghĩa là làm theo lời căn dặn của người trước lúc chết không muốn cả nhà buồn. Bên cạnh đó, nhà mồ Ja Rai cũng có nhiều loại như: nhà mồ đực (pơsát tơlo), nhà mồ cái (pơsát ana), nhà mồ mái (pơsát giet)” - A Yh cho biết thêm.
Rời làng Rắc, trên đường trở ra thị trấn Sa Thầy, chúng tôi tranh thủ ghé lại làng Lung đoạn trước điểm trường tiểu học làng Lung, A Yh chỉ rừng cây rậm rạp trước mặt, bảo xưa đây cũng là “rừng ma”. Bây giờ người ta ít chôn ở đây, nhưng đây là xứ sở người chết, người làng không mấy ai dám bước vào - A Yh nói.
Lúc bấy giờ trời đã chạng vạng tối. Bước vào khu "nhà ma" hoang tàn, chúng tôi thấy nhiều cây cổ thụ to, gốc và rễ cây đã “nuốt” trọn cả nhà mồ có lẽ đã chôn hàng chục năm trước. Những cây này thường là cây gòn và cây gạo - hai loại cây mà đồng bào Gia Rai ở đây thường trồng trên đầu nhà mồ để làm dấu…
Đang chăm chú quan sát, chúng tôi bỗng nghe tiếng khóc vẳng ra từ một ngôi mộ. Tiến lại gần, tại một ngôi mộ được che bằng tôn cao chừng 1m, xung quanh được bao bọc lưới B40, chúng tôi thấy có một người phụ nữ trạc 50 tuổi ngồi khóc bên di ảnh người chồng. Bà tên Y Nhí mang cơm ra cho người chồng quá cố tên A Lũy "ăn tối".
A Yh cho biết: Theo phong tục của người Gia Rai nơi đây, mặc dù người đã chết, nhưng cứ đến mỗi bữa trưa và chiều tối hàng ngày, người nhà vẫn phải mang cơm, nước, thức ăn ra tận mộ để cho người chết ăn. Và cứ 1 tháng là phải mang rượu, thịt ra để người chết ăn, uống một lần.
Người Gia Rai quan niệm, người dù đã chết đi nhưng chưa làm lễ bỏ mả thì linh hồn họ như vẫn còn sống. Cho đến khi nào làm lễ bỏ mả (gọi là pơthi), lúc đó người chết đã đầu thai kiếp khác nên không cần phải cho người chết "ăn" nữa và cũng không cần phải thăm nom. Thường sau khi người chết khoảng 3 năm, gia đình sẽ làm lễ bỏ mả. Với những gia đình khá giả có thể kéo dài 5 năm hoặc 10 năm tùy theo điều kiện kinh tế.
Người Gia Rai không có tục thiên tác như người Giẻ Triêng hay Hlăng nhưng lại có “mồ chôn chung”. Nghĩa là, những nhà mồ dài là của cả tộc họ, hoặc của một gia đình nào đó.
Trong nhà “mồ chôn chung”, có cái chôn riêng biệt nhưng có cái chôn cả hai vợ chồng, thậm chí cả con cái cũng chôn chung vào một quan tài. Đó là do những gia đình này khó khăn, không có đủ tiền làm quan tài nên đành phải đào lên chôn chung như thế.
“Mồ chôn chung” là chuyện ngày trước. Người dân bây giờ tiến bộ rồi, không còn tình trạng này trên địa bàn xã nữa đâu - A Yh khẳng định.
Rời những “khu rừng ma" ở Ya Xiêr, trên đường về, những ý nghĩ cứ miên man trong tâm trí tôi, dẫu còn nhiều điều cần gạn đục khơi trong, nhưng chuyến đi đã thật đem lại cho chúng tôi những hiểu biết nhất định về quan niệm nhân sinh, về lễ bỏ mả (lễ pơthi) và về văn hóa nhà mồ, tượng mồ của người Gia Rai ở xã Ya Xiêr.
Đắc Vinh