Những gian hàng ký ức

04/10/2022 13:11

Bước vào những cửa hàng bán các sản phẩm mây tre đan lát, cảm giác như được trở về miền ký ức. Ở đó, mỗi người bán đều có những câu chuyện của riêng mình. Song, họ đều có điểm chung: là cầu nối để sản phẩm mây tre, đan lát đến khắp mọi nơi.

Trong không gian nhộn nhịp, tấp nập ở chợ Duy Tân, cửa hàng “Hai Lúa” của bà Nguyễn Thị Thanh Mai như trở thành nơi dừng chân của kí ức. Không rộn ràng, tấp nập người mua kẻ bán, thi thoảng mới có một vài người ghé đến cửa hàng. Người tìm mua các sản phẩm thủ công, người đến ngắm nhìn các món đồ quen thuộc trong gian nhà của chính mình nhiều năm về trước.

Cửa hàng đơn giản bày bán các sản phẩm đan lát bằng mây, tre nhưng lại trở thành điểm nhấn ở phố thị tấp nập. Những chiếc gùi lớn, nhỏ, thưa, dày; những chiếc nia, thuyền độc mộc, và cả những chiếc mẹt, chiếc đơm cá... tất cả đều được bày biện gọn gàng, bắt mắt. Quá quen thuộc với những lời trầm trồ khen ngợi, bà Mai không ngạc nhiên trước sự thích thú của mọi người. Bà đon đả nói rằng, nhiều người đi chợ, bận rộn nhưng cũng tranh thủ ghé vào xem. Nhiều người còn chụp hình, lưu lại những khoảnh khắc với những vật dụng bằng mây tre mà ngày xưa họ thường hay dùng.

Bà Mai giới thiệu các sản phẩm đan lát. Ảnh: H.T

 

Ở tuổi già, khi mọi người nghỉ ngơi, bà Mai lại mở cửa hàng bày bán các sản phẩm đan lát bằng mây, tre. “Chẳng phải chỉ để có thu nhập, căn bản, để phục vụ đam mê của mình” - bà Mai thủ thỉ. Và, để phục vụ đam mê, bà phải bỏ đến 50-70 triệu đồng để nhập các sản phẩm từ Thành phố Hồ Chí Minh và tìm mua các sản phẩm của người DTTS ở địa phương. “Mỗi lần mua được những trái bầu khô, những cái nong, cái nia của bà con ở làng là tôi mừng lắm. Tôi mua để bán lại,  trưng bày ra cửa hàng, mình và mọi người cùng ngắm nhìn” - bà Mai bộc bạch.

Khi mở cửa hàng, bà nghĩ rằng, đồ nhựa lên ngôi, không mấy ai còn chuộng các sản phẩm thủ công. Đặc biệt, so với đồ nhựa, đồ đan lát bằng mây tre lại có giá thành cao hơn, bởi độ tỉ mỉ và để làm nên một sản phẩm phải tốn nhiều công sức. Đã xác định trước nên bà không phàn nàn bán được nhiều hay ít. “Doanh thu là tiếng cười với lời khen thôi. Mọi người cứ ghé vô đây, mua thì ít nhưng khen thì nhiều. Chỉ cần thấy họ chung đam mê với mình, còn yêu thích các sản phẩm thủ công là vui rồi” - bà Mai xởi lởi kể.

Cửa hàng của vợ chồng bà Hoa hay mua các sản phẩm mây tre do người DTTS trên địa bàn làm ra. Ảnh: H.T

 

Thu nhập mỗi ngày chỉ là nụ cười, nhưng nắng cũng như mưa, bà Mai mở quán đều đặn. Cửa hàng “Hai Lúa” mở cửa buổi sáng, buổi chiều trở về, bà lại bày bán các mặt hàng y chang ở đường Trần Khắc Chân. Mở cửa, lại sắp xếp, bày biện, người mua thì ít, người ghé thăm, hỏi chuyện thì nhiều, nhưng với bà, tiếng cười, những câu chuyện, tình thân thương cũng chính là “thu nhập”.

Gắn bó với việc bán các sản phẩm mây, tre, đồ thủ công gần 20 năm, ngược lại với bà Mai, nhiều lúc, bà Đỗ Thị Thu Hoa - chủ cửa hàng Hoa Tín trên đường Lê Hồng Phong đã tính đến chuyện “nghỉ hưu”, sang lại cửa hàng. Nhưng rồi, cái duyên gắn bó với các sản phẩm mây, tre chưa dứt, bà lại mở bán để “mua” nụ cười, niềm vui cho mình và mọi người.

Vào gian hàng của bà Hoa, chẳng khác nào đang du hành về miền ký ức. Không khác gì một bảo tàng sản phẩm thủ công, gian hàng có đầy đủ từ chiếc nỏ, mặt nạ, tượng nhà mồ, gùi, nia, thúng, đơm, mẹt cho đến chiêng, trống. Nhiều sản phẩm đã ngả màu, in dấu thời gian, nhưng chưa có dấu hiệu của sự hư hỏng.

Đa dạng các sản phẩm thủ công bằng mây, tre. Ảnh: H.T

 

20 năm về trước, mở cửa hàng, bà Hoa nghĩ thu nhập chỉ được ba cọc ba đồng, ít người mua. Nhưng, trái với suy nghĩ ấy, khi cửa hàng mọc lên, người dân từ các nơi tấp nập ra vào, tìm mua các sản phẩm thủ công. “Họ mua liên tục, dần dần, tôi cứ nhập hàng rồi bỏ sỉ lại cho các huyện. Tôi còn gửi hàng vào bán tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mà người dân trong đó, lại cực kỳ ưa chuộng các sản phẩm mây tre do người dân địa phương làm ra” - bà Hoa chia sẻ.

Trong cuốn sổ đã nhuốm màu thời gian, bà Hoa ghi rõ những bạn hàng của mình. Ngoài những làng nghề cung cấp sản phẩm ở các tỉnh phía Bắc, với các sản phẩm địa phương, đa số, bạn hàng đều là đồng bào DTTS ở các làng, các xã trên địa bàn tỉnh. Có người chuyên cung cấp giỏ cà xế, người hay bán gùi, người chuyên cung cấp nia, thúng, rổ; người lại bán đơm, lồng chụp. “Các sản phẩm của bà con mình làm rất khác so với mọi nơi. Những năm trước, 1 mùa mưa, bà con mang đến bán 500-700 cái nia, cả trăm cái gùi, đơm cá các loại. Nhưng mấy năm trở lại đây, người dân ít làm. Bà con tâm sự, vì làm một cái nia, cái gùi mất nhiều công sức nên họ đi làm thuê lấy công, được nhiều tiền hơn. Người siêng, vào mùa mưa họ mới tranh thủ làm, bán để kiếm thêm thu nhập”-  bà Hoa chia sẻ.

Không phải vì hiện đại mà người dân thôi dùng các sản phẩm bằng mây tre.  Sau 20 năm gắn bó, bà Hoa nói rằng, những điều xưa cũ, những sản phẩm thủ công luôn có người ưa chuộng. Và đặc biệt, khi các sản phẩm được làm tinh xảo, đẹp hơn, tỉ mỉ hơn thì luôn được người dân, từ đồng bào DTTS đến người Kinh tìm mua. Bởi thế, bà nói những cái nia, cái thúng không bao giờ ế. Vào mùa thu hoạch lúa, người dân ở các làng đồng bào DTTS vẫn tìm đến để mua, phục vụ cho công việc và trong đời sống của mình.

Sản phẩm nia được bà Hoa mua của người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Ảnh: HT

 

Từ lượng khách đến cửa hàng, bà Hoa chia sẻ rằng, không chỉ người già, trung niên, ngày nay, lớp trẻ rất thích các sản phẩm từ mây, tre. Nhiều người tìm đến cửa hàng, ai cũng trầm trồ, nhìn ngắm, rồi mua. Người mua để trang trí quán cà phê, quán ăn; người mua để trang trí, làm góc địa phương trong nhà, trong lớp học. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều người ở Măng Đen tìm đến mua sản phẩm bằng mây, tre để trang trí homestay, khách sạn.

Hàng ở làng nghề thủ công các nơi không thiếu, nhưng bà Hoa vẫn đau đáu tìm mua các sản phẩm do đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh làm ra. Bà tự nhận rằng, xét về góc độ văn hóa, bà không thật sự hiểu nhưng nhìn vào sản phẩm, bà biết được sản phẩm của địa phương hay từ nơi khác nhập về. “Các sản phẩm thủ công do đồng bào DTTS ở Kon Tum làm rất khác, cách đan tỉ mỉ, chắc, rất bền và đảm bảo. Đồng bào DTTS đi mua hàng, họ cũng chọn mua các sản phẩm ở địa phương mình” - bà Hoa chia sẻ.

Đồng cảm với chia sẻ trên, tôi giới thiệu tổ hội nghề nghiệp đan lát ở xã Đăk La, huyện Đăk Hà, bà Hoa rất vui mừng. “Với các sản phẩm này, có tiền chưa chắc đã có hàng mua. Cháu cứ nói bà con, có sản phẩm, mang xuống tiệm, tôi sẽ mua hết” - bà Hoa nhắc đi nhắc lại.

Dạo khắp các khu chợ, cửa hàng bán các sản phẩm thủ công đan lát bằng mây tre như bà Mai, bà Hoa rất ít. Nhưng, đó cũng có thể là “mầm”, là hy vọng đưa các sản phẩm mây tre của địa phương đi xa hơn.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác