Những con đường, cây cầu "Ý Đảng lòng dân"

11/06/2023 13:05

Trong thời buổi “tất đất tấc vàng”, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh vẫn bỏ qua lợi ích cá nhân, tự nguyện hiến cả nghìn mét vuông đất để làm đường, xây cầu. Nhờ đó, đường được mở rộng, cầu được xây dựng nhanh góp phần cho đô thị trở nên văn minh, vùng nông thôn trở nên khang trang.

Những ngày qua, nhất là từ khi Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum có quyết định tặng bằng khen vì có công hiến đất làm đường, hai gia đình ông Lê Triều (86 tuổi) và bà Bùi Thị Thông (70 tuổi, cùng trú tại khối 9, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) luôn tấp nập người đến chung vui, chúc mừng. Người dân ai nấy bày tỏ sự cảm phục bởi tinh thần biết hy sinh lợi ích cá nhân để góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.

Cuối năm 2022, UBND huyện Đăk Tô triển khai xây dựng tuyến đường Âu Cơ nối dài (đoạn từ Nguyễn Văn Trỗi đến Nguyễn Thị Minh Khai, thuộc thị trấn Đăk Tô). Tuyến đường có tổng chiều dài là trên 227m, với tổng mức đầu tư trên 8 tỷ đồng. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng để thực hiện dự án là trên 4.100 m2 của 19 hộ dân, với giá trị bồi thường hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó, riêng tiền hiến đất, cây trồng của người dân đã chiếm đến gần 842 triệu đồng.

Cầu được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân thôn 6. Ảnh: P.N

 

Trong đó, riêng hai hộ là bà Bùi Thị Thông và ông Lê Triều có diện tích bị ảnh hưởng trên 1.200 m2, với giá trị bồi thường trên 272 triệu đồng, là 2 hộ tiên phong  tự nguyện viết đơn hiến đất và không nhận tiền bồi thường.

Ông Triều cho biết, dù kinh tế gia đình không quá khá giả, nhưng khi chính quyền địa phương thông báo về việc gia đình ông có diện tích đất bị ảnh hưởng khi thi công tuyến đường Âu Cơ nối dài, cả gia đình ông đều đồng thuận việc hiến toàn bộ số đất trên cho chính quyền địa phương. Gia đình ông Lê Triều đã tự nguyện hiến với tổng diện tích hiến 541,7 m2 với tổng giá trị đền bù hơn 100 triệu đồng.

Tương tự như ông Triều, cuộc sống gia đình bà Bùi Thị Thông cũng không khá giả gì, gia đình bà chủ yếu phụ thuộc vào diện tích sản xuất đất nông nghiệp, nhưng khi nghe chính quyền vận động hiến đất mở đường, bà đã không do dự và tiên phong tự nguyện hiến hơn 660 m2, giá trị bồi thường trên 150 triệu đồng.

Ông Lê Triều hiến đất mở đường. Ảnh: P.N

 

Bà Bùi Thị Thông chia sẻ: Tôi cũng trăn trở trước khi đưa ra quyết định hiến đất bởi kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ, đắn đo giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, bà đã quyết định hiến số đất trên cho chính quyền địa phương để con đường được mở rộng khang trang, tạo vẻ đẹp cho phố thị.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Tô cho biết: Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 2 hộ trên là đúng. Họ xứng đáng được khen thưởng. Nhờ dân hiến đất mà con đường làm nhanh hơn, hiện đã thông tuyến, chờ trải thảm là xong. Việc này giúp tiết kiệm được ngân sách nhà nước, góp phần chỉnh trang đô thị, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí đô thị loại 4. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức trao quyết định và tuyên dương 2 hộ này.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thiện, việc mở rộng, nối dài tuyến đường Âu Cơ có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của thị trấn, góp phần tích cực đưa thị trấn Đăk Tô trở thành đô thị loại IV vào cuối nhiệm kỳ 2020 -2025. Thông qua việc thực hiện các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng, có thể thấy tinh thần đồng lòng, chung sức của nhân dân đối với công cuộc xây dựng, phát triển của thị trấn là hết sức nhiệt tình, sẵn sàng hiến tài sản, ngày công.

Rời thị trấn Đăk Tô, xuôi về thôn 6, xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy), chúng tôi chứng kiến từng đoàn xe thu hoạch nông sản chạy bon bon từ rẫy qua cầu bê tông để về nhà, gương mặt lộ rõ nụ cười vui tươi. Dân vui vì từ lúc cây cầu thôn 6 được Nhà nước đầu tư vào năm 2020, hết nỗi lo nông sản bí đường vận chuyển. Cây cầu này được xây dựng nhanh có sự đóng góp rất lớn của người dân, khi có 8 hộ tham gia hiến 8.160m2, trị giá hơn 216 triệu đồng. Đây là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng của người dân. Vì lợi ích chung của xã hội, họ sẵn sàng bỏ qua lợi ích cá nhân. Nhờ đó, dự án triển khai nhanh và đưa vào hoạt động sớm, giúp bà con thuận lợi trong việc vận chuyển nông sản, đi lại.

Trong số 8 hộ dân hiến đất, cây cối thì gia đình ông Nguyễn Ngọc Hùng (47 tuổi thôn 6, xã Tân Lập) là một trong những hộ hiến nhiều nhất. Gia đình ông Hùng đã hiến 2.600m2 đất đang canh tác hàng trăm cây cà phê để phục vụ việc xây cầu, mở đường. Và điều khiến chúng tôi càng trân trọng việc làm của ông Hùng bởi, gia đình ông cũng không khá giả, chỉ đủ ăn, nhưng với trách nhiệm cộng đồng, ông đã không ngần ngại hiến hàng nghìn mét vuông đất cùng hàng trăm cây cà phê để phục vụ dự án được triển khai.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, khi chính quyền có chủ trương kêu gọi nhân dân hiến đất xây cầu tôi đã bàn bạc, thống nhất với vợ con. Việc làm này mang lợi ích cho cộng đồng, khu dân cư để phát triển kinh tế, mình có thể hy sinh một chút vì cộng đồng. Vì vậy, để cầu sớm được xây dựng, gia đình tôi đã hiến hơn 2.600m2 đất cùng nhiều cây cối hoa màu đang trồng.

Chính việc làm tự nguyện hiến đất của ông Hùng cùng nhiều người dân khác trong thôn nên cây cầu bắc qua sông Đăk Pne ở thôn 6 đã được triển khai nhanh chóng, thuận lợi và hoàn thành trước kế hoạch, tạo thuận lợi cho người dân đi lại vận chuyển hàng hóa dễ dàng.

Cây cầu mơ ước của người dân thôn 6 đã thành hiện thực. Ảnh: PN

 

Trở lại thôn 6 hôm nay, không còn cảnh đi bộ qua chiếc cầu treo lắc lẻo phập phồng lo sợ nữa mà thay vào đó là chiếc cầu bê tông cốt thép vững chãi nối liền đôi bờ. Khi cây cầu hoàn thành, khó có thể tả hết niềm vui mừng của người dân thôn 6, bởi, hơn 20 năm qua, cả trăm hộ dân tại đây gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, giao thương, vận chuyển hàng hóa, nông sản cũng vì con sông Đăk Pne ngăn cách. Muốn đi ra bên ngoài hay giao thương buôn bán đều phải lội qua sông, đi bộ qua cầu treo; các loại phương tiện phải đi đường vòng gần 15km. Điều đáng nói là bên này sông (khu vực thôn 6) có hàng nghìn ha hoa màu của hàng trăm hộ dân của xã Tân Lập đang canh tác cũng gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc và vận chuyển. Muốn vận chuyển nông sản phải chở bằng thuyền qua sông hoặc phải đi đường vòng xa gần 15 km. Thậm chí, đã có nhiều năm, đến mùa thu hoạch mì, bà con mới thu xong nhưng gặp phải trời mưa liên tục, xe không vào chở kịp được đành phải để thối trên rẫy. Thế là bao công lao một nắng hai sương, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lại mất trắng chỉ vì đường khó khăn, không có cầu qua sông để các phương tiện có thể đến thu mua vận chuyển.

Thế nhưng, kể từ khi chiếc cầu bê tông cốt thép kiên cố bắc qua dòng sông Đăk Pne được xây dựng hoàn thành, nỗi vất vả đó đã không còn. Hiện nay, những chiếc xe cứ bon bon nối đuôi nhau qua cầu mới; những đứa trẻ tung tăng đi đến trường trên cây cầu mới…Những hình ảnh đó đến nay đã trở thành hiện thực mà người dân thôn 6, xã Tân Lập vẫn cứ tưởng là mơ. Ai ai cũng mừng vui.

Gặp chúng tôi tại quán nước ngay đầu cầu Quốc lộ 24, ông Nguyễn Văn Kiều (thôn 6) nở nụ cười hiền, nét mặt tươi vui khi nghe chúng tôi hỏi thăm về cây cầu. Ông Kiều bày tỏ niềm vui mừng khi được Nhà nước quan tâm xây cho cây cầu bê tông cốt thép này và niềm nở trò chuyện với chúng tôi như mới gặp người thân. Không chỉ bản thân ông mà hàng trăm người dân thôn 6 cũng vô cùng vui mừng khi mong ước bao năm nay đã thành hiện thực.

Những việc làm hiến đất mở đường của người dân trên địa bàn tỉnh không chỉ thể hiện trách nhiệm cộng đồng mà đó còn là việc làm thể hiện truyền thống của dân tộc Việt Nam. Và cũng nhờ những việc làm ấy mà những con đường, cây cầu  của “ý Đảng lòng dân”  đã và đang được tiếp nối trên mọi miền.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác