Như đóa hướng dương

24/12/2019 13:01

Rời chợ phiên, chị Phương vội vàng chạy đến đường Huỳnh Thúc Kháng (huyện Đăk Hà) để trò chuyện và hướng dẫn một bác bị ung thư dạ dày tập thể dục. Trong ngôi nhà nhỏ, họ chia sẻ với nhau những điều tốt đẹp. Nắng chiều vàng vọt, giọng chị ấm áp, truyền cảm như giải tỏa mọi mệt mỏi, tiếp thêm nghị lực sống cho người bệnh. Lâu lâu, những nụ cười giòn giã lại vang lên làm cho không gian càng thêm ấm cúng, giúp cuộc đời bỗng nhẹ nhàng, bình yên đến lạ.

Thử thách của cuộc đời

Sau khi chạy xe hơn 20km, khoảng 8h sáng, chị Phương (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) đã có mặt ở chợ phiên để cùng với các bạn trẻ bán sản phẩm rau, củ, quả sạch, thức ăn thực dưỡng. Trong chiếc váy trắng nhẹ nhàng, dưới nắng ban mai, làn da chị Phương thêm ửng hồng. Chị cởi chiếc mũ bảo hiểm bước vào chợ, mái tóc đen nhánh, bay lất phất trong gió thu hút mọi ánh nhìn. Gặp ai, chị cũng niềm nở chào hỏi. Nụ cười tươi tắn luôn hiện trên môi như tỏa ra một niềm lạc quan, tiếp thêm năng lượng cho ngày mới.

Nhìn chị giờ đây, ít ai nghĩ rằng chị đang mang trong người căn bệnh ung thư, từng trải qua những cơn đau đến thập tử nhất sinh. “Trải qua lằn ranh giữa sự sống và cái chết, tôi mới nhận ra giá trị của cuộc sống. Đôi lúc tôi cũng thầm cảm ơn thử thách ấy, nhờ có nó mà tôi biết trân quý, biết cách sống thật nhẹ nhàng, ý nghĩa” - nhấp ngụm trà, chị Phương cười nhẹ nhàng.

Tuổi thanh xuân của chị Phương là những mảng màu vô cùng đen tối và nghiệt ngã. 28 tuổi, chị đón nhận giông bão khi cơ thể xuất hiện một khối u trong hốc mũi. Khối u ăn dần, lan rộng và tiếp tục “mọc” thêm một khối u nữa dưới khoang hàm. Nghĩ mình còn trẻ, chắc không phải u ác tính, chị vẫn lạc quan, luôn tự trấn an mình như vậy. Thế nhưng, khi nhận kết quả từ phía bác sĩ: đó là một khối u hạt mặt ác tính, nghĩa là bị ung thư, chị sụp đổ.

Chị Phương trở thành người truyền nghị lực sống tích cực cho mọi người. Ảnh: HT

 

“Tôi còn quá trẻ để đón nhận cái chết. Lúc đó, tôi run rẩy, rút chiếc điện thoại, tìm kiếm hàng loạt các từ khóa “bệnh ung thư có chữa được không”, “bệnh ung thư có thể sống được bao lâu” và đọc trong sợ hãi. Càng đọc càng hoang mang, tôi thu mình như con ốc, nhốt mình trong phòng, bần thần, lo lắng, sống trong tuyệt vọng” - chị Phương nhớ lại.

Phải mất một thời gian, chị mới bình tâm lại. Nghĩ về cha mẹ, nghĩ về tương lai, hạnh phúc, sức sống bỗng trỗi dậy mạnh mẽ. “Không được! Nhất định phải sống, nhất định phải vượt qua! Và tôi bắt đầu cuộc chiến với bệnh tật” - chị Phương kể câu chuyện của mình.

Không muốn cha mẹ, người thân phải cùng chịu khổ, ròng rã 6 tháng, một mình chị lặn lội trong Thành phố Hồ Chí Minh làm các xét nghiệm cũng như thực hiện hóa trị. Trải qua 6 lần hóa trị, lần nào chị cũng nôn ói liên tục, trong người như có lửa đốt không thể ngủ được, ven tay cháy vàng, đau nhức từng đường; 10 đầu ngón tay tê dại; tóc rụng, đầu trọc lóc. Bác sĩ cảnh báo rằng nếu không cố gắng điều trị, tiên lượng cực kỳ xấu, bệnh sẽ tái phát rất nhanh, khó có phương án để cứu được sự sống. Và đa số người bệnh chỉ sống được từ 2-3 năm, rất hiếm trường hợp qua được 5 năm.

Ra khỏi bệnh viện, lời nói của bác sĩ cứ văng vẳng trong tai, chị bước đi trong vô định. Bỗng một ý nghĩ lóe lên trong đầu, chị lao tới đường sách ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Còn vẻn vẹn 2 triệu đồng, chị dùng toàn bộ mua hết tất cả sách có liên quan đến ung thư: Phương pháp phục hồi ung thư tự nhiên, thiền định, đạo Phật, chuyển hóa tế bào ung thư, thực dưỡng...

“Không thể hành hạ mình bằng những suy nghĩ tiêu cực, tôi quyết đi theo các phương pháp đọc được qua sách để tìm lại sự bình yên cho cơ thể. Dẫu biết từ sách ra ngoài thực tế vẫn còn khoảng cách rất lớn nhưng tôi có niềm tin, và niềm tin đã đưa tôi đi đúng hướng” - chị lạc quan kể. 

Sống như hoa hướng dương

Trở về nhà, chị bắt đầu bằng việc thay đổi thói quen, nếp sinh hoạt. Mỗi ngày, chị lên lịch, đều đặn tập yoga, thiền, tập thể dục, day ấn huyệt và tự nấu những món ăn thực dưỡng. Chị luôn suy nghĩ theo hướng tích cực, lạc quan và duy trì việc đi ngủ đủ giấc, đúng giờ. Dần dần, chị cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trong cơ thể.

“Nếu như trước đây tôi mất ngủ triền miên thì sau khoảng thời gian vào nếp, tôi ăn ngon, ngủ được, sáng nào dậy cơ thể cũng tràn đầy năng lượng, cảm thấy rất khỏe khoắn. Sau 3 tháng, khi đi tái khám, các bác sĩ rất bất ngờ vì máu hồng, rất đẹp (lúc vào hóa chất máu bầm đen). Tôi vui mừng, phấn khởi và càng có niềm tin vào cuộc sống” - chị nói. 

Khi thấy mình đang làm chủ, “kìm” được bệnh tật, chị liền nghĩ đến một số người bạn cùng bị bệnh ung thư quen trong lúc điều trị. Chị tìm cách kết nối, chia sẻ cho họ cách ăn uống, tập luyện, truyền thái độ sống tích cực, lạc quan. Chị vui mừng khi nhìn thấy những người bạn từng ủ dột, chôn mình trong căn phòng tăm tối đang dần lấy lại nụ cười với cơ thể khỏe lên từng ngày.

Chị Phương có mặt tại chợ phiên để bán các sản phẩm do chính tay mình làm. Ảnh: HT

 

Chị tham gia vào các diễn đàn, cộng đồng thực dưỡng, cùng mọi người chia sẻ lối sống tích cực, cách ăn uống lành mạnh, đảm bảo sức khỏe. Chị cùng với một người bạn mở lớp dạy yoga; chị nấu và bán những món ăn thực dưỡng; chị tìm hiểu, chế biến ra bánh mỳ đen bằng men tự nhiên; chị kết nối với mọi người để cùng sẻ chia về các bài tập dưỡng sinh chữa bệnh… Tham gia nhiều hoạt động, cơ thể lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết. Bận rộn nhưng mỗi ngày với chị đều mới mẻ, thú vị, vui vẻ.

Mới đây, chị phối hợp cùng với các người bạn của mình mời các chuyên gia dinh dưỡng người Nhật về trao đổi phương pháp chế biến thức ăn thực dưỡng để giữ nguyên hương vị, chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Chị lên tận xã Hiếu, Măng Bút (Kon Plông) để tìm mua, tuyên truyền cho người dân duy trì việc trồng gạo lứt, các sản phẩm giàu chất dinh dưỡng.

Nhiều người nói chị như một đóa hoa hướng dương, luôn hướng về phía mặt trời, luôn tỏa nắng, tràn đầy nhựa sống. Nhiều người tìm đến để học “bí quyết” sống lạc quan, tích cực, vui vẻ. Và tất nhiên, chị niềm nở, sẵn sàng chia sẻ. Với những người trẻ, chị là tấm gương về nghị lực sống. Còn những người bị bệnh, người già, chị là điểm tựa, là nơi để tâm sự, chia sẻ.

Nhiều người ung thư tìm đến chị trò chuyện, để tìm cho mình một thái độ sống lạc quan. Và, mỗi ngày, sau hàng tá công việc, chị sẵn sàng đến tận nhà để trò chuyện, hướng dẫn cho họ cách ăn uống, tập các bài tập dưỡng sinh chữa bệnh.

Bác H ở đường Huỳnh Thúc Kháng là một trong những người bạn mới của chị Phương. Bác bị ung thư dạ dày. Bác rất quý chị. Bác bảo rằng, cho đến khi gặp được Phương, bác mới tìm ra lối thoát cho mình. “Phương nhẹ nhàng, lạc quan, luôn vui vẻ, tích cực. Phương luôn đồng hành, sẻ chia, chỉ cần nói chuyện thôi, tôi đã thấy cuộc sống của mình tươi đẹp hơn. Và đặc biệt, từ ngày ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của Phương, cơ thể tôi khỏe ra nhiều. Thật sự, tôi cảm ơn Phương rất nhiều” - bác H tâm sự.

Chiều muộn, nở nụ cười tạm biệt bác H, chị Phương lại trở về nhà để lên kế hoạch chuẩn bị cho những chuyến từ thiện hướng về vùng cao. “Chị gom góp số tiền bán bánh mỳ, thức ăn… để tổ chức các chuyến từ thiện. Sống một cuộc đời “khuyến mãi”, phải sống thật ý nghĩa chứ! Chị muốn cho đi nụ cười để mọi người cùng hạnh phúc” - chị Phương cười tươi, vẫy tay tạm biệt rồi hòa vào dòng người xe tất bật. 

“Cho đến khi bị ung thư, đón nhận thử thách của cuộc đời, tôi mới nhận ra giá trị cuộc sống. Đúng là sự sống hồi sinh từ cái chết, được ưu ái ban cho một cuộc đời khuyến mãi, tôi trân quý và luôn dặn mình sống thật ý nghĩa. Giờ đây, tôi dành câu chuyện của chính mình để truyền cảm hứng sống tích cực cho mọi người” - chị Nguyễn Thị Phương nói về câu chuyện của mình.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác