29/10/2019 06:01
Những “bệnh nhân” đặc biệt
Trưa nắng, tranh thủ lúc mọi người ở nhà, chị Thẩm Thị Mới - thú y viên phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum) gõ cửa từng hộ gia đình trên địa bàn phường để tiêm phòng chó dại.
Thấy người lạ, nhiều chú chó hung hăng chỉ chực nhảy xổ lên người, chị vẫn bình tĩnh nhờ sự giúp đỡ của chủ nhà và tiếp tục thực hiện công việc. “Làm việc này phải thao tác nhanh, đúng kỹ thuật chứ không là nguy hiểm lắm” - chị Mới chia sẻ.
Năm 2015-2016, sau khi được tập huấn bài bản, chị Mới được giới thiệu vào làm thú y viên. Dù biết trước công việc sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng chị vẫn quyết tâm làm. Chị kể: Ngày đầu tiên đi tiêm phòng, gặp nhiều con chó dữ cũng sợ toát mồ hôi. Lúc đấy tay chân chưa quen, cứ run lẩy bẩy, giờ thì quen rồi. Công việc nào không có khó khăn, gian nan, mình bình tĩnh, cố gắng là vượt qua thôi.
Làm thú y viên từ những năm 2001 (khi ấy phường Ngô Mây chưa tách khỏi xã Vinh Quang), chị Lường Thị Hiên - Trưởng ban Thú y phường Ngô Mây đã quá quen với những nguy hiểm, khó khăn mà nghề mang lại. Chị bảo, với những “bệnh nhân đặc biệt” này, làm việc lúc nào cũng cần có nghệ thuật.
|
Theo lời chị Hiên, động vật khi gặp người lạ thường sẽ rất hung dữ. Những lúc đó, thú y viên phải bình tĩnh, đồng thời phải có “chiêu” để làm quen, thân thiện với chúng. “Thông thường khi tiếp xúc với một con vật nào, tôi đều phải vuốt ve, gọi tên chủ nhà thường gọi để làm quen. Khi tạo được cảm tình, chúng sẽ đỡ hung dữ, lúc đó việc chăm sóc, tiêm phòng mới dễ dàng hơn” - chị Hiên chia sẻ.
Với mỗi loài vật, việc tiếp xúc, tiêm phòng đều có những nguy hiểm và vất vả riêng. Với chó, chỉ cần sơ sẩy là bị cắn, bị cào; với bò, không cẩn thận sẽ bị đá, bị húc; và trâu cũng vậy… “Thời điểm chưa tách xã, phường, có ngày trong 1 buổi sáng tôi phải tiêm phòng cho 300 con bò. Nhiều con bò nhát, thấy người lạ là bỏ chạy, húc, đá… mình phải tìm chỗ khuất, thậm chí đứng từ trên nhà sàn thò kim tiêm xuống để chích. Vừa rồi có 1 trường hợp ở xã Đăk Cấm trong lúc đi tiêm phòng cho bò bị bò húc gãy cả tay. Tôi may mắn từ lúc làm đến giờ chưa bị bò đá lần nào” - chị Hiên chia sẻ.
Không chỉ tiêm phòng, thời điểm xảy ra dịch lở mồm long móng, các thú y viên phải trực tiếp xuống tận nơi vừa tiêm thuốc, vừa tận hay hướng dẫn bà con cách rửa, vệ sinh miệng, móng cho bò. Hay mới đây, trên địa bàn phường xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, các chị phải trực tiếp xuống tận nơi rải vôi, phun thuốc khử trùng, làm vệ sinh, tiêu hủy gia súc mắc bệnh để dập dịch.
“Khi có dịch, đi tiêu hủy là khổ nhất! Lợn nặng cả tạ, khiêng rất nặng. Nhiều chị em không làm nổi, phải nhờ chồng đi cùng hỗ trợ. Mỗi lần có dịch, chúng tôi đi làm từ sáng sớm đến chiều muộn mới trở về nhà, nhiều lúc không kịp ăn cơm” - chị Hiên kể.
Đâu chỉ đi kiểm tra, phát hiện, dập dịch, sáng sớm nào chị Hiên cũng phải đi đến các lò mổ, kiểm tra, lăn dấu kiểm soát giết mổ. “Công việc vất vả nhưng rồi cũng quen dần. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?” - chị Hiên cười.
Lấy niềm vui làm động lực
Với đàn ông, công việc thú y cơ sở đã vất vả, với phụ nữ lại càng gian nan hơn gấp bội. Thời điểm có bầu con trai út được 1 tháng, phát hiện trên địa bàn phường có ổ dịch H5N1, chị Hiên vẫn phải xuống tận nơi kiểm tra.
“Lúc đi kiểm tra về, tôi bị sốt rất cao. Vào viện, các bác sĩ chẩn đoán có khả năng bị H5N1 rồi cho nằm phòng cách ly. Lúc đó tôi sợ lắm, phần lại lo cho đứa con trong bụng, may sao kết quả xét nghiệm không phải H5N1 và tôi vẫn giữ lại được đứa con” - chị Hiên chia sẻ.
Công việc những tưởng đơn giản lại vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Mỗi đợt có dịch, các chị phải đeo bình đi phun thuốc, khiêng lợn, bò đi tiêu hủy… “Với nhiều loại dịch, chúng tôi cũng sợ lây qua người lắm nhưng vì trách nhiệm, vì công việc phải thực hiện. Có lần đi tiêm phòng chó dại, tôi bị chó cắn, may mắn là không bị sao” - chị Lê Thị Bích Huệ - thú y viên phường Ngô Mây chia sẻ.
|
Lượng công việc nhiều, nguy hiểm, trách nhiệm cao nhưng chính sách hỗ trợ đối với nhân viên thú y còn quá ít ỏi. Trưởng ban thú y xã, phường như chị Hiên chỉ được nhận mức phụ cấp hệ số 1 (tức được 1.390.000 đồng/người/tháng); còn thú y viên như chị Mới, chị Huệ chỉ được nhận gần 560.000 đồng. Với mức phụ cấp này chỉ đủ để các chị trang trải một phần trong cuộc sống.
“Làm nhiều, trách nhiệm, nhưng chế độ còn thấp, các chị có nản không?”- chúng tôi hỏi. Chị Hiên cười, bảo: Bây giờ chế độ tăng rồi đấy, ngày trước tôi làm chỉ được 80.000 đồng/tháng thôi. Làm việc này phải yêu nghề, yêu động vật mới gắn bó được. Tháng 1/2019, 3 chị em được đóng bảo hiểm xã hội, ai nấy đều mừng” - chị Hiên chia sẻ.
Phải đi làm lúc trưa nắng, chiều tà, những đợt dịch phải làm quên ăn nhưng lúc nào các chị cũng lạc quan, vui vẻ. Các chị bảo, nhiều người dân, khi thấy thú y viên đến nhà rất hồ hởi, vui mừng.
“Vào làng, bà con quý lắm! Lúc thì họ cho quả bầu, trái bí; lúc lại cho vài lon gạo mới lấy thảo. Thời gian tiếp xúc không nhiều nhưng họ rất chân tình, nhiều người còn gọi điện hỏi thăm, hỏi cách chăm sóc trâu, bò khi bị bệnh. Công việc dù mệt nhưng thấy bà con vui vẻ, mọi khó khăn đều tan biến” - chị Hiên nói.
Nhận được thiện cảm của mọi người, các chị càng vui hơn khi trên địa bàn phường, xã ít xảy ra dịch bệnh, bà con chăn nuôi ngày càng phát triển. “Riêng phường Ngô Mây, đến nay đã có 1.075 con lợn, 425 con bò, hơn 5.000 con gà, vịt… Chúng tôi thường xuyên ở cơ sở, chủ động nhắc nhở bà con nên mấy năm nay, tại 2 làng đồng bào DTTS trên địa bàn phường không xảy ra dịch lở mồm long móng. Bà con phấn khởi mà chúng tôi cũng vui mừng lắm” - chị Hiên nói.
Chiều muộn, những thú y viên lại tranh thủ mọi người ở nhà, lên đường đi tiêm phòng. Đi đến đâu, các chị cũng thân thiện, nở nụ cười vui vẻ, xua tan những mệt mỏi, khó nhọc trong công việc.
Hoài Tiến