23/07/2018 13:03
Gian nan đời thợ
Trong một ngày đầu tháng 7, trời vừa hửng nắng, chúng tôi đến công trường xây dựng các nhà phụ trợ của Thủy điện Đăk Bla. Do nhiều ngày qua mưa nên cả công trường ở đây im ắng, chỉ có một vài người thợ đang tháo giàn giáo, chuẩn bị cho những công đoạn tiếp theo, nếu thời tiết vài ngày tới thuận lợi họ lại bắt tay vào việc.
Anh Nguyễn Văn Thành ở thôn 4 xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum - một người thợ đang tham gia thi công trình ở đây chia sẻ: Làm nghề này trèo cao, vác nặng, “đội nắng, đội mưa”; nhưng làm riết quen rồi, mọi việc với chúng tôi trở nên bình thường. Cực nhất với cánh thợ chúng tôi là vào mùa mưa, vì công việc khó khăn, nguy hiểm và vất vả gấp bội. Gần tháng nay, thời tiết Kon Tum “trở chứng” mưa nhiều, một số công trình xây dựng chắc chắn không thể hoàn thành đúng tiến độ. Có hôm vừa mới đến nơi làm, thì trời đổ mưa, chủ thầu cho nghỉ, coi như hôm đó cả tốp thợ phí công lại mất tiền xăng mà chẳng có thu nhập được gì.
Cùng tâm trạng lo lắng vì trời mưa, anh Huỳnh Văn Nên (quê ở Bình Định) bộc bạch: Đúng ra hôm nay, khi bắt đầu tháo giàn giáo, theo kế hoạch chúng tôi sẽ tiến hành tô các bức tường mặt ngoài, nhưng do trời cứ mưa hoài, nên nhiều người thợ phải nghỉ. Thường các công đoạn làm dầm, xây tường, tô tường… khi làm vào trời mưa rất dễ bị trôi vữa hồ. Nếu mưa nhiều quá mà chủ vẫn cứ cho thợ tiến hành xây dựng thì chất lượng công trình không được đảm bảo. Tôi ở xa lên đây làm lại gặp lúc tiết trời mưa nhiều, nghỉ hoài thì không biết tiền đâu để gửi về cho vợ con ở quê nữa.
Ngoài trời lại lất phất mưa. Mặt mày lấm lem bụi vì vừa chà nhám tường để kịp quét sơn phần bên trong của công trình, anh Lê Văn Bốn một thợ sơn cho biết: Công trình tôi làm đang trong giai đoạn hoàn thiện chỉ còn sơn nữa là xong, mà gần nửa tháng nay mưa nên mọi công việc “chựng lại”. Trời mưa đâu thể bắc giàn giáo mà chà nhám tường bên ngoài để sơn. Khi mưa thời tiết rất ẩm tường không khô, khi chà, trít rất dễ bị bong tróc làm ảnh hưởng đến chất lượng của ngôi nhà.
Lân la hỏi thợ xây ở mấy ngôi nhà đang xây dựng ở các phường nội thị của thành phố Kon Tum, tôi được biết thu nhập bình quân/ngày đối với lao động làm nghề thợ xây được tính dựa trên tay nghề do chủ thầu đánh giá. Một thợ phụ được trả công từ 180.000-200.000 đồng/ngày, còn đối với thợ chính được trả từ 280.000 đến 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, trời mưa công việc không nhiều, chỉ làm được một số công việc lặt vặt nhỏ hoặc làm các phần bên trong nếu công trình đã cơ bản hoàn thành phần thô. Ngày công tuy cao, nhưng thu nhập của người thợ xây không ổn định; có lúc cả tuần, đến nửa tháng, họ không có việc làm.
Có gần 20 năm kinh nghiệm nhận các công trình xây dựng, ông Nguyễn Văn Bình - một chủ thầu công trình xây dựng ở khu vực phường Thắng Lợi nói: Có nhiều công trình xây dựng trong tình trạng vừa thi công vừa thiết kế, không bản vẽ… Mọi sự tuỳ chủ. Cứ thế “thuận mắt ta ra mắt người”. Lúc ấy, thường thì chủ nhà tham khảo “mốt” nhà của người quen làm trước đó, hoặc tham khảo vài kiểu nhà của người ta, rồi thêm bớt theo ý của mình để một kiểu mới theo họ là phù hợp; vì vậy, chủ thầu và thợ xây phải tự nâng cao tay nghề mới biết cách để mà chiều theo ý chủ, nếu không sẽ bị phàn nàn.
“Còn để bảo đảm tiến độ thi công công trình mà không phụ thuộc quá nhiều về thời tiết thì chủ thầu phải biết các cân nhắc, tiến hành cách công đoạn xây dựng một cách linh hoạt. Nhiều năm làm trong nghề này, khi nhận các công trình tôi thường cho thợ làm các phần bên ngoài trước, tới mùa mưa thì tập trung vào làm các công việc bên trong. Như vậy, họ sẽ luôn có việc làm, vì tôi cũng từng trải qua đời thợ nên có nhiều đồng cảm với họ” - ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục “bật mí” với chúng tôi về cách chỉ huy công trình của mình với vẻ tự tin.
Những rủi ro khó lường
Dù có cẩn thận đến đâu thì những tai nạn, rủi ro vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với người thợ xây; chỉ cần một chút lơ đễnh là tai nạn có thể ập đến với họ bất cứ lúc nào.
Mối nguy hiểm lớn nhất với thợ xây thường xuất phát từ giàn giáo và đón tời. Hiện nay, loại giáo được các chủ thầu sử dụng phổ biến nhất trong thi công công trình là giáo cây, giáo sắt và giáo treo (những tầng giáo được kết nối bằng các thanh sắt). Giáo sắt hoặc giáo treo có độ an toàn cao nhưng đầu tư tốn kém hơn và chỉ bắc được ở nhưng nơi có không gian phù hợp; giáo cây thì ít tiền, nhưng không an toàn. Dù là loại giáo gì đi nữa, nếu người làm không cẩn thận đều rất dễ xảy ra tai nạn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
|
Một mối nguy hiểm không kém nữa mà cánh thợ xây hay gặp là lúc đón tời hay đón các nguyên vật liệu như gạch, đá, cát, xi măng và các dụng cụ khác từ dưới đưa lên.
Trước đây, khi xây từ tầng 2 trở lên, mọi vật liệu đều được vận chuyển thủ công thì nay hầu hết đã được thay bằng tời máy. Khi người thợ đón tời ở tầng trên, không may dây tời hoặc dây néo tời giữ góc chữ A bị đứt sẽ lôi cả người xuống. Không chỉ người ở trên cao gặp nguy hiểm mà ngay cả người ở dưới đất cũng gặp những nguy hiểm khó lường. Trong xây dựng đã có không ít trường hợp giàn giáo bị sập hoặc rơi tời từ trên cao xuống gây ra thương vong.
Dạo qua một số điểm nhà dân đang bước vào khâu hoàn thiện, điều chúng tôi dễ nhận thấy là dù làm việc dưới đất hay trên giáo các thợ xây đều không hề có bảo hộ lao động, dù đang làm việc chênh vênh trên độ cao từ vài mét lên tới cả chục mét, nhưng hầu hết họ không thắt dây an toàn.
Lý giải về việc này, Nguyễn Bảy (quê ở Bình Định) - một thợ hồ lâu năm trong nghề cho biết việc thắt dây an toàn sẽ khiến người bị gò bó không linh hoạt trong công việc; vì người thợ phải liên tục đứng lên, ngồi xuống, nhặt gạch, đón vữa và di chuyển, cho nên không mấy ai thắt dây an toàn khi làm việc, dẫu biết như thế là nguy hiểm.
Chính sự chủ quan, mất an toàn trong lao động cho nên tai nạn có thể đến với người thợ bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa mưa. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về cơ quan quản lý và chế độ, chính sách bắt buộc với thợ xây cũng như nhiều lao động tự do khác. Do không có sự ràng buộc nào với chủ thầu và chủ nhà, nên khi gặp tai nạn, thợ xây phải gánh chịu tất cả những thiệt thòi. Cách tốt nhất để hạn chế tai nạn là chính bản thân người thợ phải có ý thức phòng tránh, cẩn thận trong công việc xây dựng.
Đành là vì “kế sinh nhai” ai cũng phải cố gắng lao động, nhưng quả thật, khi chứng kiến người thợ xây làm việc bản thân tôi hoàn toàn thán phục sức chịu đựng, kiên trì và cả sự nhọc nhằn mà họ phải trải qua.
Nhìn những làn da sạm đen vì cháy nắng, những bàn tay chai sạn vàng lên màu vôi vữa, những chiếc lưng áo ướt sũng mồ hôi… và những người thợ đứng chông chênh trên giàn giáo, tôi mới cảm nhận hết sự hiểm nguy, cơ cực của đời thợ xây.
Chia tay những người thợ, tôi còn nghe ông Bảy nói với theo: Đi làm từ ngày còn xanh tóc, giờ bạc trắng rồi đã bao giờ tôi thấy mặt ngang, mũi dọc cái bản hợp đồng lao động nó thế nào đâu.
Chính những điều ông Bảy nói, khiến tôi chạnh lòng, suy nghĩ mông lung trên đường về.
Dương Lê