Nhịp cầu nối đôi bờ vui

08/05/2019 06:23

Bao năm nay, người dân thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei) vẫn mơ ước có một cây cầu nối đôi bờ sông Pô Kô chảy qua địa bàn, vừa tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Và đến hôm nay, ước mong ấy của người dân nơi đây dần trở thành hiện thực khi cây cầu “mong ước” ấy đang được triển khai xây dựng…

Lâu rồi tôi mới có dịp trở lại Đăk Glei. Sau 3 giờ đồng hồ, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp rong ruổi trên cung đường Hồ Chí Minh, cuối cùng cũng đến được trung tâm thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei).

Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Bắc vào Kon Tum và Tây Nguyên, Đăk Glei trước đây là một trong những vùng căn cứ địa cách mạng. Nơi đây ghi dấu những chiến công oai hùng của đồng bào các dân tộc Kon Tum trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, góp phần cùng nhân dân cả nước hoàn thành công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Nằm ngay dưới chân đèo Lò Xo - nơi có đường Hồ Chí Minh đi qua, thị trấn Đăk Glei là trung tâm huyện lỵ của huyện Đăk Glei. Đường Hồ Chí Minh đi qua thị trấn Đăk Glei tạo ra sự kết nối trong hệ thống giao thông huyết mạch của đất nước, góp phần phá thế “ngõ cụt” của Kon Tum, mở ra cơ hội phát triển cho huyện Đăk Glei nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung. Cũng từ khi phá thế “ngõ cụt”, bộ mặt kinh tế - xã hội của thị trấn Đăk Glei ngày càng đổi thay khởi sắc.

Tuy nhiên, sự phát triển ấy mới chủ yếu nằm ở phía tây thị trấn Đăk Glei; còn ở phía đông của thị trấn này vẫn còn chậm, bởi sự ngăn cách của dòng Pô Kô chạy qua chia cắt hai bên thị trấn. Bởi thế mà người dân phía đông thị trấn Đăk Glei luôn mong ước có một cây cầu nối đôi bờ sông Pô Kô chảy qua địa bàn để thúc đẩy kinh tế - xã hội nơi đây phát triển.

Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã đề xuất các cấp cho phép triển khai xây dựng cây cầu để kết nối giao thông, tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đất này.

Chúng tôi trở lại thị trấn Đăk Glei khi dự án làm đường và cầu bê tông cốt thép nối hai bờ sông Pô Kô đang được triển khai xây dựng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, theo đồ án quy hoạch tổng thể, thị trấn Đăk Glei được mở rộng chủ yếu về hướng bắc và hướng đông, lấy dòng sông Pô Kô làm trung tâm và phân thành khu đô thị phía tây và khu đô thị phía đông của thị trấn. Hiện nay, sông Pô Kô (đoạn chảy qua địa bàn thị trấn Đăk Glei) chia thị trấn làm hai khu vực thường được gọi là khu Đông sông và khu Tây sông.

Hiện tại, trung tâm thị trấn và các cơ quan hành chính của huyện đều nằm ở khu Tây sông. Theo quy hoạch được duyệt, khu hành chính huyện sẽ nằm toàn bộ bên bờ Đông sông Pô Kô. Một số cơ quan hành chính sẽ được đầu tư xây dựng mới ở nơi đây nhằm phát triển đô thị về phía đông. Tuy nhiên, việc qua lại, giao thương khu Đông sông bao năm nay rất khó khăn do chỉ được kết nối với chiếc cầu treo 2,5 tấn (ô tô không qua lại được) xây dựng từ những năm 1980, đến nay đã xuống cấp.

Cây cầu treo duy nhất nối đôi bờ thị trấn Đăk Glei. Ảnh: VP

 

Điều đáng nói là mặc dù khó khăn về đường sá đi lại nhưng khu Đông sông tập trung rất đông dân cư. Hiện nay, khu vực này có gần 400 hộ với khoảng 1.000 nhân khẩu của thôn Đông Sông và thôn Đông Thượng sinh sống.

Bên cạnh đó, khu Đông sông có đến 6 cơ sở giáo dục gồm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện, Trường THCS thị trấn, Trường THCS xã Đăk Pét, Trung tâm Dạy nghề huyện và hai trường Tiểu học với tổng số hơn 1.500 học sinh (đa số học sinh đều ở phía bờ tây sông Pô Kô sang học). Hơn nữa, diện tích sản xuất của người dân thị trấn Đăk Glei đa phần nằm ở khu vực này.

Hàng ngày, từ các em học sinh đến đội ngũ cán bộ và người dân đi học, làm việc, lao động sản xuất giữa hai vùng này duy nhất chỉ có cầu treo đã bắt đầu xuống cấp. Người dân nơi đây cho biết, mùa khô thì xe ô tô tải có thể chạy vòng dọc theo mép đường sát sông, chọn chỗ băng qua dòng sông Pô Kô để vận chuyển hàng hóa, nông sản. Mùa mưa thì việc vận chuyển hàng hóa vô cùng khó khăn, toàn bộ phải vận chuyển bằng xe mô tô, nhưng phải qua cầu từng chiếc một.

 Anh Nguyễn Văn Thành (ở thị trấn Đăk Glei) chia sẻ: Việc vận chuyển hàng nông sản mùa khô đã khó, mùa mưa lại càng khó hơn. Giao thông đi lại không thuận tiện nên việc bán nông sản của bà con trong vùng cũng gặp khó khăn, thường xuyên bị tư thương ép giá…

Chia sẻ với chúng tôi, già làng Hà Sĩ Thử (ở thôn Đông Sông) mong mỏi chiếc cầu nối đôi bờ sông Pô Kô (đoạn qua địa bàn thị trấn Đăk Glei) sớm được xây dựng để việc đi lại của bà con trong vùng đỡ vất vả, góp phần xây dựng thị trấn Đăk Glei ngày càng phát triển.

Niềm mong ước của người dân ở thị trấn Đăk Glei sắp thành hiện thực khi dự án đường và cầu bê tông cốt thép qua sông Pô Kô (đoạn qua thị trấn Đăk Glei) chính thức được khởi động cuối năm 2018. Công trình do UBND huyện Đăk Glei làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum là đơn vị thi công.

Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, ông Võ Thanh Tùng - Giám  đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Giao thông Kon Tum (đơn vị tư vấn, giám sát) cho biết: Dự án được khởi công tháng 11/2018 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 9/2021 với tổng kinh phí đầu tư gần 50 tỷ đồng. Hiện nay, công trình đang thi công giai đoạn đầu (xây dựng mố cầu) và huyện Đăk Glei đang gấp rút hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện cho dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Chứng kiến Dự án đường và cầu bê tông cốt thép qua sông Pô Kô (đoạn qua thị trấn Đăk Glei) được triển khai xây dựng, chúng tôi vui cùng niềm vui với bà con nhân dân nơi dây. Bởi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng theo quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn Đăk Glei, tạo nền tảng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội huyện Đăk Glei.

Địa điểm xây dựng cầu nối 2 bờ sông Pô Kô ở thị trấn Đăk Glei. Ảnh: VP

 

Dự án đường và cầu bê tông cốt thép qua sông Pô Kô (đoạn qua thị trấn Đăk Glei) là công trình cấp 3. Cầu được xây dựng bê tông cốt thép dự ứng lực chữ I gồm 3 nhịp với tổng chiều dài 113,54m, bề rộng mặt cầu 12m. Tổng mức đầu tư dự án gần 50 tỷ đồng. VP 

 

VĂN PHƯƠNG

Chuyên mục khác