Nhếch nhác “rác” quảng cáo

20/12/2016 09:04

Quảng cáo, rao vặt dán ở bờ tường, cột điện, trên cây... là vấn đề tồn tại khá lâu và ngày càng có chiều hướng gia tăng, làm mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc trong dân. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được lực lượng chức năng xử lý triệt để...

“Rác” quảng cáo dán khắp nơi

Trên những tuyến đường của thành phố Kon Tum, chúng ta không khó để bắt gặp những tờ giấy quảng cáo, rao vặt được dán khắp nơi, từ tường nhà của người dân, cột biển báo giao thông, đến trụ điện, trạm biến áp... Đi bất cứ nơi đâu, mọi người cũng gặp, cũng thấy.

“Khổ chủ” đầu tiên phải kể đến là các hộp đựng công tơ điện, các trạm biến áp, tủ phân phối điện được đặt ven đường với “thượng vàng, hạ cám” các loại thông tin được viết, in, dán lên đó.

Những tủ điện luôn là vị trí hấp dẫn cho các đối tượng dán các tờ quảng cáo. Ảnh: T.H

 

Các cột điện và bờ tường nhà dân, trụ sở các cơ quan công sở… quảng cáo cũng “trăm hoa đua nở” với đủ các loại thông tin được dán, in lên bề mặt. Nào là tuyển dụng, khuyến mãi; rồi thì vá xe, khoan cắt bê tông, xử lý mối mọt, chống thấm dột, hút bể phốt, mua bán đất, cho vay tiền... Nói chung cái gì cần chào mời, rao bán người ta đều mang dán lên.

Rất nhiều tờ giấy quảng cáo dán chồng lên nhau, có cái vừa mới dán, có cái dán lâu ngày bị bóc hay mưa gió làm rách nham nhở... Tất cả những tờ quảng cáo như một “màng bảo vệ” quấn quanh các cột điện, phủ kín các bờ tường ở tất cả những địa điểm thuận tiện để truyền tải thông tin.

Đi trên đường Phan Đình Phùng, tôi để ý, dường như tất cả các cột điện hai bên đường đều có dán những mẩu quảng cáo, rao vặt. Không thiếu một thứ gì mà người ta không mang dán lên đó, song nhiều nhất là những mẩu quảng cáo về khoan cắt bê tông, thông hút hầm cầu, cho vay tiền trả góp... với hàng trăm số điện thoại in màu xanh, đỏ, đen dán chi chít lên thân cột điện, các tủ điện.

Ngay cả tuyến đường Lê Hồng Phong, đoạn từ ngã tư Bà Triệu – Lê Hồng Phong đến ngã tư Nguyễn Huệ -Lê Hồng Phong được phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) chọn xây dựng tuyến phố văn minh, vậy mà “rác” quảng cáo cũng được dán nhan nhản. Chúng không chỉ được dán trên cột điện hay trạm biến áp mà còn được in, dán cả lên tường nhà của các hộ gia đình. Có những bức tường người dân mới xây dựng xong, những đối tượng thiếu ý thức cũng không ngại ngần dán lên đó những tờ rao vặt...

Không chỉ ở các cột điện, hộp điện, rất nhiều cây xanh ven đường cũng trở thành tâm điểm cho các đối tượng đặt các biển quảng cáo, rao vặt. Nhẹ thì biển quảng cáo được dùng dây buộc vào cành, còn nặng thì đóng đinh, gá sắt vào thẳng thân cây...

Vị trí các đối tượng thường lựa chọn để dán những tờ quảng cáo “rác” nhắm đến thường là các tuyến đường có lưu lượng người qua lại đông đúc, khu vực có đông dân cư để thông tin quảng cáo dễ “đập” vào mắt người dân.

Những bức tường sạch sẽ, những cây cột điện vừa mới được dựng lên, tủ điện sáng bóng vốn đem lại diện mạo mới cho đô thị bỗng dưng loang lổ, nhằng nhịt vì "rác” quảng cáo.

Tình trạng mạnh ai nấy dán, treo tờ rơi, quảng cáo khắp nơi đang vô hình làm xấu bộ mặt đô thị.

Không chỉ ở điểm công cộng tập trung đông người, mà gần đây các đối tượng dán quảng cáo còn mở rộng địa bàn, dán cả đến ngõ nhỏ của khu dân cư, thôn, xóm.

Do đơn giản, tiện dụng lại ít tốn kém nên hiện tượng quảng cáo bừa bãi này có vẻ ngày càng phát triển. Các đối tượng chỉ cần đánh máy nội dung quảng cáo, rồi in ấn, phô tô ra hàng nghìn tờ đem dán khắp các đường phố, ngõ ngách, thế là xong.

Nan giải xoá “rác” quảng cáo

Phần lớn những đối tượng quảng cáo “rác” có quy mô kinh doanh, dịch vụ tương đối nhỏ lẻ, như các cơ sở khoan cắt bê tông, hút hầm cầu, tuyển người giúp việc, bán đất, sang nhượng quán...

Cách thức quảng cáo khá đơn giản này, hiệu quả mang lại thế nào chưa ai thống kê, nhưng hậu quả thì thấy rất rõ: mỹ quan đô thị bị xâm hại, nếp sống văn minh của người dân bị ảnh hưởng...

Chị Nguyễn Thị Quyên (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) than vãn: Nhà tôi ở mặt đường nên quanh năm suốt tháng phải chịu cảnh tờ rơi quảng cáo dán đầy tường. Có những hôm chỉ sau đêm ngủ dậy, thậm chí chỉ một giấc ngủ trưa tôi đã thấy xuất hiện thêm vài mẩu quảng cáo rao vặt mới toanh trên bờ tường nhà mình... Mình xé tờ này, ngày mai lại có tờ quảng cáo khác dán lên.

“Tường nhà tôi đang sạch sẽ, bỗng dưng người ta đem ngay mấy tờ giấy hút hầm cầu, khoan giếng, khoan cắt bê tông kèm theo số điện thoại to đùng, xanh xanh đỏ đỏ dán lên, tức lắm! Mình cũng gỡ bỏ nhiều lần, nhưng xóa mãi không hết, giờ đành sống chung với nó. Mình cũng để ý xem họ làm lúc nào để bắt tận tay nhưng vì họ làm vào lúc trưa hoặc tối nên mình đành bó tay” – anh Quý (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) bức xúc.

Một người bạn của tôi kể rằng, khi thấy những mẩu quảng cáo dán, in lên tường nhà, chị tức quá gọi đến số điện thoại trên đó, họ chỉ nói xin lỗi vì nhân viên mang dán nên họ không biết, có gì để họ nhắc nhở và yêu cầu nhân viên đến xoá bỏ. Tuy nhiên, đó chỉ là những lời bao biện, có đợi dài cổ thì cũng chẳng có ai đến gỡ đi mà chỉ có thêm những tờ khác tiếp tục được dán lên.

Thông thường, các tờ quảng cáo được các đối tượng dán vào ban đêm, chỉ để lại số điện thoại chứ không lưu lại địa chỉ cụ thể nên rất khó biết chính xác là ai. Trong khi đó, cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể không thể cử lực lượng tuần tra túc trực 24/24 tại tất cả các tuyến đường, con hẻm để ngăn chặn hành vi quảng cáo “rác” này.

Với mong muốn làm cho mỹ quan thành phố đẹp hơn, trong chuỗi hoạt động nhịp cầu thanh niên tình nguyện, năm nào các tổ chức Đoàn thành niên cũng phát động thanh niên, sinh viên ra quân tình nguyện bóc gỡ các mẩu quảng cáo, rao vặt sơn dán vô tội vạ, nhưng công sức của các tình nguyện viên bỏ ra vẫn chỉ là “muối bỏ biển” vì làm không xuể với số lượng quá lớn quảng cáo, rao vặt theo kiểu này.

Mặt khác, các cột điện vừa được bóc gỡ sạch sẽ lại trở thành mặt bằng lý tưởng để các đối tượng dán quảng cáo trộm nhắm đến, thế là xóa xong là họ lại tiếp tục in, dán lên, chỉ mấy ngày sau mọi chuyện đâu lại vào đấy.

Nhu cầu quảng cáo, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh là hoàn toàn chính đáng, song không thể “hồn nhiên” bạ đâu cũng in, cũng dán khiến cho mỹ quan thành phố trở nên nhếch nhác.

Thiết nghĩ, cùng với việc ra quân xoá bỏ “rác” quảng cáo, hạn chế vấn nạn này, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm góp phần nâng cao ý thức của người dân, để họ biết được hành vi phát tờ rơi, in, dán số điện thoại quảng cáo, rao vặt kiểu trên là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng nên tính đến việc tìm vị trí dành riêng cho quảng cáo, rao vặt để kiểm soát tốt hơn loại hình này...

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác