22/10/2018 07:01
Đường đi không dễ
Năm nay, vườn chanh sạch nhà anh Nguyễn Văn Tuân, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy được mùa. Thế nhưng, khác với kỳ vọng của mình, dù loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng anh vẫn phải chấp nhận cảnh bán lẻ lèo tèo ngày dăm ba ký.
Bao nhiêu năm xoay đủ đường để gắn bó, anh đã quá hiểu những rủi ro, khổ cực mà cái nghề nông này mang lại. “Khởi đầu khó khăn về vốn, khi thu hoạch, giá cả lại bấp bênh. Bởi vậy, nhiều người dù cố gắng xoay xở vẫn ngậm ngùi chấp nhận thất bại” – anh Tuân nói.
|
Không riêng gì anh Tuân, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, hầu như đều có những cánh tay nông dân giơ lên, hôm thì ý kiến trước giá heo xuống đỉnh điểm; hôm phản ánh chanh dây đổ đống không người mua; rồi bí Nhật cắt cho bò ăn… Mà đâu chỉ có những hộ làm nông tự phát, nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch không tìm được thị trường cũng đành ngậm ngùi “chìm” theo giá. Hay các hợp tác xã nông nghiệp không chịu được sức ép thị trường, đành phải giải thể. Giải cứu nông sản, đến bao giờ? Cái cần, chính là việc hỗ trợ ra sao để người làm nông nghiệp yên tâm, có thể đứng vững với nghề vốn đã có từ lâu đời.
Không chỉ có những “lão nông tri điền”, có thể nhận thấy, thời gian gần đây, khởi nghiệp bằng nông nghiệp sạch – là con đường mà nhiều bạn trẻ hướng đến. Với tư duy mới, óc sáng tạo, chấp nhận gian khó, những bạn trẻ tìm cho mình những hướng đi mới với nhiều tiềm năng. Thế nhưng, dù dự án được vạch ra rõ ràng, rành mạch nhưng lại gặp phải những rào cản lớn về vốn, quỹ đất.
Đơn cử như Duy, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cậu bạn quyết định vào Kon Plông khởi nghiệp từ trồng rau rừng. Đối mặt với muôn vàn khổ cực nhưng điều khó khăn nhất với Duy chính là quỹ đất. “Để phát triển lâu dài, em có đăng ký thành lập công ty TNHH Moai Măng Đen chuyên sản xuất, cung ứng rau rừng. Em có ý tưởng nhưng vì quỹ đất hạn hẹp nên mọi việc vẫn đang gặp khó” – Duy nói.
Nhanh nhạy, tư duy, chịu khó học hỏi, không chỉ đón đầu mô hình sản xuất, tìm được chỗ đứng trên thị trường, Võ Lâm Vũ còn giải được bài toán về nhân lực trong việc sản xuất hữu cơ. Theo đó, ngoài việc thuê các nhân công, Vũ thu hút 25 bạn trẻ trí thức từ các nơi về vừa học, trải nghiệm, làm việc thực tế tại trang trại. Qua đó, không chỉ giải quyết được vấn đề về nhân công mà còn giúp các bạn trẻ hiểu về nông nghiệp hữu cơ, có cơ hội bắt tay vào phát triển từ nông nghiệp.
Thế nhưng, bên cạnh những rào cản từng bước được giải quyết, đến nay, Vũ vẫn loay hoay đi tìm sự đầu tư, hỗ trợ về nguồn vốn. “Đầu tư nhà màng, phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao cần rất nhiều vốn, nhưng hiện tại, việc tiếp cận với các nguồn vốn lớn rất khó khăn. Em có tham gia ý tưởng khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh, thành phố lớn nhưng cơ hội về vốn vẫn chưa thực sự mở” – Vũ chia sẻ.
Mở đường cho nhà nông
Rõ ràng, với những khó khăn, thách thức đặt ra, để có thể phát triển, hội nhập, nhà nông cần lắm sự đồng hành, mở đường từ chính sách, thủ tục cho đến việc tạo cơ hội để tiếp cận thị trường một cách bài bản.
|
Trước những vấn đề đặt ra, ông Trần Văn Chương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để có một nền nông nghiệp phát triển, việc đồng hành cùng nhà nông là cần thiết. Chính vì vậy, Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong đó có các chính sách hỗ trợ như hướng dẫn thực hiện sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế, tiêu chuẩn hóa sản phẩm; hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, đăng ký/công bố sản phẩm, tư vấn luật, quản lý sản xuất bằng hệ thống tem điện tử thông minh SmartLife,… Đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp; triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để các cá nhân, hợp tác xã nông nghiệp phát triển.
Các chính sách được đặt ra, nhưng điều cần nhất chính là việc thực hiện đến nơi đến chốn. Bởi lẽ, thực tế, nhiều cá nhân, hợp tác xã vẫn tự bơi, tự tìm chỗ đứng cũng như gặp bế tắc trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Và để tránh “điệp khúc” kêu gọi “giải cứu” nông sản, về lâu dài, có lẽ cần có hướng quy hoạch sản xuất nông nghiệp nghiêm ngặt, hiệu quả.
Ngoài những câu chuyện về quỹ đất, vốn, thị trường, một điều đáng bàn, với các sản phẩm chất lượng của làm nông không hóa chất, đưa ra thị trường vẫn bị đánh đồng. “Các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn lại không cạnh tranh được với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Đó cũng là một trong những rào cản lớn để phát triển”- anh Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề này, ông Chương cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn người sản xuất nhỏ lẻ đăng ký sản xuất an toàn theo Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản, thực phẩm trên địa bàn để loại bỏ các sản phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, Sở cũng tập trung xây dựng các mô hình, kết nối chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn trên các địa bàn huyện, thành phố.
Nông nghiệp sạch là một hướng đi mới được nhiều người lựa chọn. Đứng trước những thách thức và cơ hội, hơn ai hết, một thế hệ nông dân mới luôn cần có những người bạn đồng hành, cùng chung tay tháo “gỡ” những nút thắt, mới có thể rộng đường phát triển bền vững.
Hoài Tiến