Nhà nông không hóa chất - Bài 2: Trí thức bỏ phố về làng

18/10/2018 07:09

Từ chối những công việc, cơ hội học tập tại các thành phố lớn, nhiều bạn trẻ tìm về Kon Tum bắt tay làm nông nghiệp sạch. Có tri thức, có quyết tâm, các bạn dần trở thành những “hạt nhân” nòng cốt, từng bước đưa các sản phẩm nông nghiệp hội nhập thị trường...

Chớp cơ hội… làm nông

23 tuổi, nhiều bạn trẻ đang còn theo học tại các trường đại học hoặc chập chững tìm cho mình cơ hội việc làm, Võ Lâm Vũ đã trở thành giám đốc chi nhánh một công ty của Nhật Bản tại Măng Đen (Kon Plông). Đồng thời, làm chủ trang trại rộng 3ha, trồng hơn 40 loại rau củ tại thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông.

Đầu năm 2012, ba mẹ Vũ ra sức ngăn cản khi cậu con trai quyết bỏ học ngành Quản trị Kinh doanh, rời quê hương Hậu Giang để đến Kon Tum… làm nông. Một vùng đất mới mẻ, lại mơ hồ về nông nghiệp, mọi người sợ Vũ suy nghĩ nông nổi và thất bại.

Võ Lâm Vũ khẳng định nông nghiệp sạch là hướng đi bền vững, mở ra cơ hội hội nhập (ảnh nhân vật cung cấp).

 

Vũ thì khác, rất quyết tâm, rất bản lĩnh. “Năm ấy, huyện Kon Plông quy hoạch vùng rau hoa xứ lạnh và cây trồng gắn với du lịch sinh thái, mình cùng vài người thân tìm đến khảo sát, nắm tình hình. Thị trường đang cần rau hữu cơ, đất Măng Đen lại chưa bị hóa chất tác động nhiều, quá nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển nông nghiệp sạch, mình chớp cơ hội”- Vũ kể.

Sau nhiều năm làm việc tại một công ty nước ngoài ở Thành phố Hồ Chí Minh, chàng trai Nguyễn Xuân Trường (28 tuổi) quyết tâm về lại quê hương Mô Rai, huyện Sa Thầy để gắn bó với cây cuốc, đất đỏ lấm lem.

Khi tôi hỏi điều kỳ diệu nào khiến anh bỏ cơ hội làm việc lý tưởng để làm nông, Trường cười: Mình có nguồn đất của bố mẹ dồi dào, mình muốn làm nông nghiệp theo hướng mới, đảm bảo an toàn sức khỏe, bảo vệ môi trường.

Tư duy mới, không ngại khó, không ngại khổ là những gì nhận thấy ở các bạn trẻ khi bắt tay vào làm nông nghiệp. May mắn có nguồn đất của bố mẹ nhưng anh Trường phải đối mặt với muôn vàn gian nan: cải tạo đất, chọn giống, tìm thị trường…

Bắt đầu…

Dưới tên đăng ký của ba mẹ (ba mẹ Vũ là 1 trong 37 hộ đầu tiên được thu hút đến định cư tại vùng quy hoạch ở Kon Plông), Vũ được cấp 1 sào đất và dựng nên một cái lều ở tạm. Bắt đầu mọi thứ bằng con số 0 nhưng Vũ vẫn rất kiên định: Nông nghiệp sạch là hướng đi bền vững, mở ra nhiều cơ hội hội nhập.

Vũ kết bạn, giao lưu với bạn bè làm nông nghiệp sạch. Vũ cũng chẳng ngại ngần đi đến các trang trại ở Đà Lạt, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… để học kinh nghiệm và mở cơ hội tìm kiếm thị trường.

Vừa học hỏi, Vũ kết hợp trồng thử nghiệm cà rốt, bắp cải, cà chua, xà lách hoàn toàn không hóa chất. Đất chai, khí hậu lạnh, cây trồng không lên, nguồn nước khan hiếm… vô vàn khó khăn nhưng không đánh gục được ý chí của chàng trai trẻ.

Vũ đem những sản phẩm thử nghiệm chào hàng cho các cửa hàng rau sạch, làm quen thị trường. Và chỉ sau đó, Vũ nhận được nhiều đơn hàng hợp tác từ Quảng Ngãi, Đà Nẵng.

“Các cửa hàng rau sạch nói riêng và thị trường nói chung rất chuộng nguồn rau sạch ôn đới, đó chính là điểm mạnh để phát triển” – Vũ nói.

Chứng minh được nông nghiệp sạch là hướng đi đúng đắn, năm 2015, Vũ được UBND huyện Kon Plông hỗ trợ lập dự án để mở rộng diện tích. Vũ được cấp thêm 3ha đất để thực hiện ý tưởng và chia sẻ cho các hộ cùng vào định cư (khoảng 37 hộ) phát triển nông nghiệp sạch.

Giải quyết được khó khăn: quỹ đất, Vũ tiếp tục duy trì, sản xuất cung ứng theo hợp đồng của khoảng 10 đơn vị đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đăk Lăk…

Từ cơ hội này mở ra cơ hội khác, năm 2016, Vũ bắt tay làm việc với một công ty của Nhật Bản về rau hữu cơ. Ròng rã hơn 1 năm trời cùng với các chuyên gia Nhật Bản khảo sát, đánh giá, thực hiện, Vũ được bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh để điều hành sản xuất những sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy trình công nghệ của người Nhật, phục vụ cho cộng đồng người Nhật tại Việt Nam. Đặc biệt, khi sản phẩm chinh phục được khách hàng khó tính – Nhật Bản, Vũ nhanh chóng mở rộng được thị trường.

Đến bây giờ, Vũ vẫn tiếp tục thực hiện các ý tưởng của mình. Vũ nói, Vũ có quy trình sản xuất, có chuyên gia, có kinh nghiệm, chính những yếu tố đó đã từng bước đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ. Và cũng chính từ hướng đi của chàng trai trẻ, nhiều người (mà trước mắt là các hộ tại thôn Kon Tu Rằng) đã thay đổi tư duy sản xuất theo hướng mới.

Không chọn làm rau, anh Trường nuôi ước vọng sản xuất những loại trái cây an toàn, có truy xuất nguồn gốc để tạo lòng tin người tiêu dùng và đưa sản phẩm xuất khẩu, vươn ra thị trường ngoài nước.

Anh Nguyễn Xuân Trường bỏ công việc lý tưởng quyết tâm làm nông nghiệp sạch. Ảnh: H.T

 

Với ý tưởng đặt ra, bản thân anh luôn nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất, ngay từ khâu chọn giống, xuống giống, chăm sóc.

“Nay trái cây trên thị trường rất nhiều, tuy nhiên, nhiều người vẫn lo lắng, không dám sử dụng vì sợ trái cây bị tẩm thuốc. Mình muốn đưa ra thị trường những sản phẩm tốt, an toàn cho người sử dụng” - anh Trường nói.

Anh Trường cải tạo 5ha đất, vào Bến Tre nhập hơn 4.000 cây giống: cam, quýt, bưởi, mít, ổi không hạt, sầu riêng, chôm chôm, nhãn… (khoảng 200 triệu) về trồng.

Thật khó trong khâu phòng trừ sâu bệnh, nhưng anh Trường tìm cách xử lý, quyết không sử dụng hóa chất, vừa để đảm bảo chất lượng, vừa “cứu đất”. Suốt một thời gian dài mất ăn mất ngủ với vườn cây, anh cũng mày mò, tìm ra cách tự ủ phân vi sinh; tự làm các loại bẫy, cách phòng trừ sâu bọ và dày công làm cỏ để vườn cây phát triển tự nhiên nhất.

Là các loại cây dài ngày, dù chưa có thu nhập nhưng nắm trong tay kinh nghiệm, sức kiên trì, anh Trường nhờ bố mẹ vay vốn, mua thêm 10ha đất để mở rộng trang trại lên 15ha.

Không dừng ở các loại cây có múi, anh tiếp tục trồng đa dạng các loại: sầu riêng Musangking, chôm chôm Thái, nhãn, ổi… và vươn ra liên kết làm vườn ươm, trồng các loại cây rừng.

Cũng như Vũ, vừa làm, anh Trường vừa tìm thị trường tiêu thụ. Khi các loại cây đang cho trái bói, nhiều người đã tìm đến hỏi mua. Tuy nhiên, anh cho biết, việc bán lẻ cho những lái buôn khá bấp bênh, chưa kể, vì lợi nhuận, sản phẩm sạch có thể bị “phù phép” bởi hóa chất thành sản phẩm kém chất lượng.

Để sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng, hiện tại, khi cây chưa cho quả ổn định, anh đã tìm hiểu, làm truy xuất nguồn gốc sản phẩm để nhập cho các cửa hàng trái cây sạch ở Gia Lai, Kon Tum, đồng thời khẳng định thương hiệu và cố định thị trường bán lẻ.

Nắm bắt được thị trường, nhận thức về một nền nông nghiệp trong tương lai, những bạn trẻ bắt tay với nông nghiệp sạch, từng bước tìm hướng đi cho bản thân và thay đổi tư duy sản xuất từ bao đời của nhà nông.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác