Nhà nông không hóa chất - Bài 1: Táo bạo chuyển hướng làm ăn

12/10/2018 08:24

​Trước thực trạng thuốc trừ sâu, chất bảo vệ thực vật, chất kích thích, cám tăng trọng… tràn lan, chẳng biết tự bao giờ, việc làm nông không hóa chất lại khó đến thế. Vậy nhưng, nhiều người lại chọn cái khó để tiến đến thành công và hướng đến một nền nông nghiệp an toàn.

Từ sử dụng hóa chất, thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi, trồng trọt, họ bất ngờ chuyển hướng “nói không với hóa chất” để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, người thân, người tiêu dùng.

Nuôi heo bằng thảo dược

Nuôi heo công nghiệp gần chục năm, chị Phạm Thị Tuyến ở thôn 13, xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) bỗng quay “360 độ”, xây dựng lại chuồng trại, bắt tay chuyển sang nuôi heo bằng thảo dược. Với chị, đó là hướng “cải cách” với tư duy chăn nuôi mới, khoa học, an toàn.

Chị Tuyến lấy 3 đôi dép tổ ong được ngâm trong một bể nước nho nhỏ màu xanh nước biển mà theo chị là dung dịch khử trùng đưa cho chúng tôi mang trước khi bước vào chuồng heo. Trong tiếng nhạc du dương ru đàn heo nằm xếp lớp say giấc, chị Tuyến rón rén bảo: “Chăm chúng kì công lắm! Một ngày phải mất 5 nhân công cho chúng ăn, dọn dẹp, phòng bệnh... mới được thế này đấy”.

Chị Tuyến trồng chuối làm thực phẩm cho heo. Ảnh: H.T

 

Có kinh nghiệm nuôi heo gần chục năm nay, vậy mà đầu năm 2017, việc nuôi heo của chị Tuyến lại bị nhiều người cho rằng: làm nổi, gàn dở, điên rồ. Bởi lẽ, giữa cái thời việc chăn nuôi công nghiệp với cám tăng trọng, thức ăn hỗn hợp cho heo siêu nạc… đem lợi nhuận cao, chị Tuyến lại bỏ ngang để làm cái việc chẳng mấy ai làm: nuôi heo bằng thảo dược.

Có vẻ lạ! Chị Tuyến dẫn chúng tôi đi sâu vào bên trong, sẵn mấy buồng chuối cau chín để sẵn bên đường luồng, chị bẻ từng trái, bỏ vào 1 ô chuồng, đánh thức những chú heo béo săn chắc. Đấy! Vườn chuối cau kia chỉ để phục vụ bọn nó.

Rồi chị lại bắt đoàn thay đôi dép, dẫn ra vườn mục sở thị chuồng nuôi giun quế. Chẳng phải nuôi cho gà, cho vịt, mấy con giun ngọ nguậy đó là thức ăn chính cho đàn heo. “Người ta vẫn nói ăn như heo, con giun nhỏ thế, 200 con heo ăn bao nhiêu cho đủ?”. Chị cười ồ: “Mỗi ngày một con chỉ ăn nửa lạng thôi. Ngoài cho ăn giun, tôi xay bắp, đậu nành, gạo… làm cám cho chúng ăn theo bữa”. Lại chỉ vào đám cây hoàn ngọc mọc tốt um, chị bảo: thức ăn mỗi ngày của bọn chúng đó. Cây này là thảo dược, phải trồng thường xuyên mới đảm bảo đủ cung cấp.

Khó tin nhưng heo nhà chị khá “Vip” khi một tháng có 5 – 7 ngày được ăn nghệ trộn mật ong. Rồi lại ăn chanh, đường… như người. “Tôi trồng 2 sào nghệ nhưng không đủ, phải mua thêm bên ngoài. Khi nuôi không cám, không thuốc như thế này, phải cho chúng ăn thêm mật ong, nghệ để đủ chất, chống bệnh tật. Nói chung phòng bệnh hơn chữa bệnh” – chị Tuyến bảo.

Chăn nuôi công nghiệp không phải tốt hơn sao, nuôi như thế này vừa vất vả, nhọc nhằn? – tôi nhấn mạnh. Chị chỉ cười rồi thủ thỉ, một phần có đam mê chăn nuôi, phần khác lại muốn có nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình cũng như người tiêu dùng nên chị tìm hiểu trên internet, trên các chương trình nông nghiệp cũng như qua sách vở rồi làm theo.

Tuy nhiên, từ sách vở đến thực tiễn cũng là một quá trình. Chẳng ngại khó khăn trong khâu chăm sóc, chuồng trại, điều khiến chị “ớn” nhất là không có niềm tin của người tiêu dùng.

Lạ lẫm! Hoài nghi! Mà đúng hơn là chẳng ai tin chị nuôi heo bằng thảo dược! Cũng đúng thôi, bởi từ trước đến nay, ở cái tỉnh lẻ này, ngoài heo làng, nuôi heo rừng, nuôi heo công nghiệp, chẳng có ai dùng dược liệu để nuôi loài… ăn tạp, ăn nhiều này.

Heo đưa ra chợ bán, khách hàng ghé đến, lật lên, để xuống, chê bán giá cao, rồi bỏ đi. Những quầy hàng thịt khác thì cười ồ, rồi xì xào: “Ôi dào! Nói cho hay, heo mà nuôi bằng thảo dược!”. “Nản ghê gớm em! Heo nuôi tốn công, tốn sức gấp 4 lần nuôi heo công nghiệp mà thịt bán ra giá hơi cao thì chẳng ai mua. Ban đầu, ròng rã 3 tháng trời, mỗi tháng lỗ 10 triệu” – chị lẩm nhẩm tính.

Đâm lao phải theo lao, heo lớn, chị cứ xẻ thịt bán. Những người hiểu, người biết cách chị làm, họ động viên, chị được tiếp thêm động lực. Được người quen biết đến, giới thiệu, thịt heo của chị từ sạp hàng lụp xụp ở góc chợ dần có “mặt” ở cửa hàng rau an toàn ở góc đường Hoàng Văn Thụ (thành phố Kon Tum). Như nắng hạn gặp mưa, cuối cùng con đường cũng được mở sau những bế tắc, chị Tuyến có thêm niềm tin để tiếp tục chăn nuôi heo thảo dược.

Rồi hữu xạ tự nhiên hương, với chất lượng cao, giá thành hợp lý, cơ sở nuôi heo của chị Tuyến được siêu thị Coopmart biết đến và ký hợp đồng mua hàng năm. “Bây giờ mỗi ngày tôi xẻ thịt 1 con, vừa cung cấp cho siêu thị, vừa bán bên ngoài. Năm trước lỗ nhưng năm nay đủ thu, chi rồi” - chị cười giòn.

Được nơi uy tín tiêu thụ sản phẩm, chị Tuyến vui mừng và càng quyết tâm với con đường mình đã chọn. Và niềm vui nối tiếp niềm vui khi 2 tuần nay, một cửa hàng rau sạch tại Thành phố Hồ Chí Minh đang quảng bá và đã đặt hàng mua thịt heo của chị. Dù mỗi tuần chỉ đặt 20kg nhưng chị tin, sắp đến, những người tiêu dùng thông minh sẽ lựa chọn thực phẩm đảm bảo sức khỏe.

 “Nói không với thuốc hóa học”

Sau 10 năm gắn bó với việc trồng rau, đầu năm 2016, vợ chồng bà Võ Thị Hoàng ở thôn Kon Ktu 2, phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) bất ngờ chuyển sang trồng ổi lê Đài Loan với quyết tâm “nói không với thuốc hóa học”.

Con trai bà Hoàng dẫn khách đi tham quan vườn ổi. Ảnh: H.T

 

Ổi chỉ cao ngang đầu nhưng mỗi cây, quả lớn, quả nhỏ chi chít được bọc ni lông cẩn thận. Hái một quả căng mọng, rửa với nước cho trôi vết bụi bẩn, đưa cháu gái cầm ăn, bà Hoàng nói chắc như bắp: “Ngày nào cháu tôi cũng ăn ổi. Ổi này ngoài dùng phân sinh học, vợ chồng tôi đảm bảo không dùng bất kể một loại thuốc hóa học nào”.

2 sào đất trồng ổi này trước kia được gia đình bà Hoàng trồng rau. Tuy nhiên, vì thấy trồng rau vất vả, lại phải sử dụng thuốc hóa học tránh sâu bệnh mới có lời nên khi tuổi xế chiều, vợ chồng bà đổi ý, chuyển sang trồng ổi. “Tình cờ con rể đem về 50 cây ổi lê Đài Loan cho trồng thử. Chẳng chăm bẵm gì nhiều, chưa đầy 1 năm ổi đã cho quả nên vợ chồng tôi quyết làm” – bà Hoàng nói.

Mồ hôi đổ xuống, cây trồng xanh tươi, nghĩ vậy bà làm chứ chẳng hề có kinh nghiệm gì trong việc trồng ổi. May mắn cây không phụ công người chăm bẵm, vườn ổi ra quả quanh năm, quả nhỏ vừa lớn, cây đã tiếp tục ra búp, đậu quả. Dù không cho thu nhập “khủng” cùng lúc nhưng việc bán ổi đủ cho bà có của để dành.

Chưa tính đến hiệu quả kinh tế, bà Hoàng cứ gật gù vì đám ổi “cứu đất” vườn. “Trồng ổi, không sử dụng bất cứ chất hóa học nào, vợ chồng tôi yên tâm mà vui vẻ lắm. Trước hết là cứu đất khỏi hư, khỏi cằn, hơn nữa, đảm bảo nguồn nước cho gia đình” – bà Hoàng cười nói.

Cũng bởi vậy, từ làm cho vui cửa vui nhà, bà nhân rộng, trồng đến 300 gốc ổi lê Đài Loan, ổi nữ hoàng. Hàng ngày, ngoài thời gian làm cỏ, tưới nước, bà tranh thủ đi bọc từng quả ổi cẩn thận để tránh sâu bọ khiến ổi hư hỏng.

Không giới thiệu, quảng bá rầm rộ nhưng vườn ổi nhà bà lại trở thành điểm đến của nhiều người thích trái cây sạch. Có người đến mua dăm ba ki-lô-gam (kg); người đến mua vài chục kg làm quà biếu… Bà cứ thế lai rai bán.

Có đợt, bận việc không thể hái mỗi ngày, bà để dồn, hái vài chục kg đem ra chợ bán. Thoạt đầu, nhiều người tưởng ổi sử dụng thuốc, còn e dè mua. Sau, ăn ổi vừa giòn tan, ngon, ngọt lại được “bảo hành” sức khỏe, “bảo hành” sâu, hư… nên họ rủ nhau mua. “Có hôm ngồi chưa đầy nửa tiếng ổi đã hết vèo” – bà khoe.

Bà bảo, nhiều người đi buôn có tìm đến mua sỉ nhưng bà không bán. “Bán sỉ khỏe hơn nhưng  sợ về họ bán không hết lại tẩm hóa chất ảnh hưởng đến uy tín của vườn với sức khỏe người dùng”- bà nói.

Những quả ổi căng, giòn, ngọt mang lại thu nhập ổn định hàng tháng nhưng với bà Hoàng, vui nhất chính là hiểu giá trị, niềm vui của sản xuất trong việc đảm bảo sức khỏe.

Thấy niềm vui từ vườn ổi của mẹ, con trai bà Hoàng đã phát triển vườn trái cây (gồm ổi, xoài, mít, me thái…) không sử dụng thuốc hóa học rộng khoảng 2ha. Mẹ chuyển hướng, con có đường làm ăn. Vậy là, đến nay, gia đình bà Hoàng đã và đang đi theo con đường “nói không với hóa chất” để đem lại thu nhập và niềm vui cho gia đình, người tiêu dùng.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác