13/08/2021 06:05
Tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo
Với đồng bào các DTTS ở xã Đăk Tờ Re, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, họ vẫn còn tính trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lười lao động. Thế nhưng, đó là chuyện của những năm về trước, còn giờ đây, bà con đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, trên địa bàn xã đã có hàng chục hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Dù biết, ra khỏi hộ nghèo đồng nghĩa với việc gia đình sẽ không còn được hưởng các chế độ như về tiền điện, bảo hiểm y tế… nhưng họ vẫn quyết tâm xin ra khỏi hộ nghèo. Trong 2 năm (2019,2020), xã Đăk Tờ Re đã có gần 50 hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Theo chân cán bộ giảm nghèo xã, chúng tôi tìm đến một số hộ gia đình tiên phong tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo trên địa bàn. Tới thôn 8, chị Y Đưi (32 tuổi) đón chúng tôi trước cửa căn nhà cấp 4 rồi tươi cười mời khách vào nhà. Căn nhà nhỏ khoảng 30 mét vuông được xây dựng kiên cố, mái lợp tôn do nhà nước hỗ trợ xây dựng cho hộ nghèo vài năm trước. Bên trong căn nhà trống huơ trống hoắc, nhìn quanh nhà, chúng tôi không thấy vật dụng gì đáng giá. Căn nhà là nơi ăn chốn ngủ, sinh hoạt của 6 người trong gia định chị Y Đưi.
|
Theo chia sẻ của Y Đưi, gia đình chị có 4 người con, cả gia đình sống nhờ vào hơn 1ha mì và 1 sào lúa. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nên hàng ngày vợ chồng chị phải đi cạo lấy mủ thuê để lấy tiền trang trải cuộc sống. Dù vậy, gia đình chị vẫn tự nguyện xin thoát khỏi hộ nghèo.
Y Đưi tâm sự: Mình thấy hai vợ chồng mình vẫn còn sức khỏe có thể làm thêm được. Không như nhiều hộ khác trong thôn, có hộ hoàn cảnh khó khăn hơn mình nhiều, nhất là những người già, người tàn tật không có sức đi làm nên vợ chồng mình bàn bạc rồi quyết định viết đơn xin thoát nghèo nhường phần của mình để Nhà nước tập trung lo cho những người nghèo đó.
Tương tự, cũng tại thôn 8, gia đình A Thinh (51 tuổi) cũng quyết định viết đơn xin thoát nghèo. Vợ chồng A Thinh có 7 người con, trong đó có 4 người con đã lập gia đình. Hiện nay, vợ chồng anh đang nuôi 3 người con ăn học, trong khi đó cuộc sống chủ yếu trông chờ vào 3 sào mì, 3 sào lúa và hơn 800 gốc cà phê. Hiện nay, cuộc sống gia đình có lúc còn thiếu hụt, nhưng vợ chồng anh vẫn quyết định xin thoát khỏi hộ nghèo. Bởi theo anh A Thinh, mình còn sức khỏe, chịu khó lao động và có thể đi làm thuê để kiếm thêm được.
A Thinh chia sẻ: Mình biết, nếu xin thoát nghèo thì sẽ mất nhiều chế độ ưu đãi cho hộ nghèo như về bảo hiểm y tế, con cái học hành không được hỗ trợ sách vở và các chính sách hỗ trợ khác…nhưng mình không thể ỷ lại hay trông chờ mãi vào nhà nước được. Mình phải tự quyết tâm, vươn lên thôi, vì vậy, mình quyết định viết đơn xin thoát nghèo.
Hiệu quả của sự kiên trì vận động
Phải nói rằng, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung và ở xã Đăk Tờ Re nói riêng còn khá nặng về tư tưởng trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, bởi Nhà nước ta đã và đang có rất nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ cho các hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống, nếu thoát nghèo sẽ mất nhiều chế độ, chính sách ưu đãi. Do đó, để làm thay đổi nhận thức đã ăn sâu vào suy nghĩ, tiềm thức của bà con là điều không hề dễ dàng mà đòi hỏi sự kiên trì trong công tác vận động.
Hai năm gần đây, có hàng chục hộ viết đơn xin thoát nghèo là kết quả của sự kiên trì, linh hoạt trong công tác vận động mà đảng ủy, chính quyền và các hội đoàn thể xã Đăk Tờ Re đã làm được.
|
Chia sẻ điều này, ông Huỳnh Quốc Thái - Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re cho biết: Để thay đổi nhận thức, cũng như cách nghĩ cách làm của bà con, chúng tôi đã đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, chúng tôi phân công thành viên UBND phụ trách từng thôn; tham mưu đảng ủy xã phân công, phân nhiệm cho đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ và huy động sự tham gia của các hội, đoàn thể tích cực đến từng hộ nghèo, tuyên truyền vận động để bà con tích cực lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Qua công tác tuyên truyền, ý thức của người dân từng bước được nâng lên, nhiều người dân đã hiểu, thay đổi nếp nghĩ cách làm, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình nên đã tự nguyện viết đơn thoát nghèo.
“Việc có hàng chục hộ dân viết đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo cho thấy công tác tuyên truyền đã đạt được hiệu quả rõ rệt. Điều đó cũng cho thấy người dân đã nâng cao được nhận thức, thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm và trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đó là hiệu quả của sự kiên trì trong công tác vận động”- ông Huỳnh Quốc Thái cho hay.
Rõ ràng, việc hàng chục hộ đồng bào DTTS tự nguyện xin thoát nghèo đã và đang tạo ra một tín hiệu khả quan trong công tác giảm nghèo ở xã Đăk Tờ Re. Và càng mừng hơn là bà con đã dần thay đổi được nếp suy nghĩ cũ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ mà chủ động tự lực vươn lên, tích cực giúp nhau trong phát triển kinh tế hộ gia đình để vươn lên thoát nghèo bền vững.
PHÚC NGUYÊN