Người nghèo tự nguyện xin thoát nghèo ở Đăk Tô

08/06/2020 13:00

Không muốn là gánh nặng cho Nhà nước, nên dù cuộc sống chưa thực sự no đủ, vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với ý chí, sự quyết tâm, lòng tự trọng, nhiều hộ nghèo ở Đăk Tô đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Đây là điều chúng ta rất trân trọng và là tín hiệu đáng mừng bởi sự thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS nơi đây.

Câu chuyện hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo trên địa bàn tỉnh cũng không nhiều. Bởi nguyên nhân chính xuất phát từ nhận thức của người dân, họ vẫn còn tính trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, những tấm gương tự nguyện xin thoát nghèo càng làm cho chúng ta trân quý.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh mới có hơn 80 trường hợp người nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Trong số này, Đăk Tô là địa phương có số hộ dân viết đơn xin thoát nghèo nhiều nhất với 49 hộ. Cho dù, hiện nay cuộc sống của người dân Đăk Tô có nhiều đổi thay, nhưng so với các địa phương khác trong tỉnh đời sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với truyền thống của vùng đất cách mạng, đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Đăk Tô vẫn quyết ra khỏi hộ nghèo để tự lực vươn lên bằng chính sức lao động của mình.

Chúng tôi càng khâm phục hơn khi được biết, toàn bộ 49 hộ dân của Đăk Tô viết đơn xin thoát nghèo trước đây đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nguồn vốn tích lũy không nhiều, thu nhập thấp, điều kiện sản xuất và kiến thức làm nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Nhưng sau khi được Nhà nước hỗ trợ, các hộ dân này đã ổn định sản xuất, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới, tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ kỹ thuật, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập của các hộ gia đình từ 20-40% so với trước kia. Dù biết, ra khỏi hộ nghèo đồng nghĩa với việc gia đình sẽ không còn được hưởng các chế độ về tiền điện, bảo hiểm y tế… nhưng họ đã tự nguyện tiên phong viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Chúng tôi tìm về xã  Đăk Trăm là 1 trong 2 xã có người viết đơn xin thoát nghèo nhiều nhất, với 18/49 hộ toàn huyện để tìm hiểu những tấm gương đó. Đến gia đình chị Y Loan (28 tuổi) và A Mạnh (thôn Đăk Trăm) là một trong những hộ đầu tiên tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo của xã Đăk Trăm. Trong căn nhà nhỏ vài chục mét vuông được dựng bằng ván gỗ, bên ngoài lợp tôn, trống huơ, trống hoắc, nhìn quanh nhà, chúng tôi không thấy vật dụng gì đáng giá ngoài duy nhất bộ bếp ga dùng để nấu ăn. Ở góc nhà là một vài bao lúa để phục vụ ăn uống của gia đình 4 người.

Chính quyền xã Đăk Trăm đến thăm hỏi gia đình Y Loan. Ảnh: PN

 

Chị Y Loan cho biết, năm 2018, gia đình chị vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã. Có 5 sào mì, 1 sào bời lời và 2 sào lúa, song do kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, cùng với ảnh hưởng của giá cả nông sản xuống thấp, dịch bệnh hoành hành nên thu nhập của gia đình từ nông nghiệp không cao. Ngoài ra, hai người con của chị vẫn còn nhỏ, nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, năm 2019, gia đình chị vẫn quyết định viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, tự lực vươn lên trong phát triển kinh tế, để Nhà nước dành các chế độ hỗ trợ thêm cho gia đình khác khó khăn hơn và được chính quyền địa phương chấp thuận.

“Mình thấy hai vợ chồng mình vẫn còn sức để đi làm trong khi có nhiều nhà có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, nhất là những người già, người tàn tật không có sức đi làm nên mình xin thoát nghèo để Nhà nước tập trung lo cho những người nghèo khó hơn mình”- chị Y Loan chia sẻ lý do xin thoát nghèo.

Cũng ở thôn Đăk Trăm, giống như Y Loan, chị Y Tuyết (sinh năm 1982) dù cuộc sống còn khó khăn nhưng chị vẫn tự nguyện xin thoát nghèo. Điều đáng nói, trong 5 người con (có 2 con đang học phổ thông) thì có 1 bị thiểu năng trí tuệ, 1 bị tim bẩm sinh. Điều kiện gia đình khó khăn là vậy nhưng không ỷ lại, chị vẫn quyết tâm viết đơn xin thoát nghèo. Để trang trải cuộc sống, ngoài việc tích cực chăm sóc, sản xuất 1 sào lúa, 5 sào mì, hơn 500 cây cà phê để lấy tiền lo toan cho cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học, thời gian rảnh rỗi, chồng chị đi làm thợ xây để kiếm thêm phục vụ cho cuộc sống gia đình. 

Y Tuyết tâm sự: Có sức khỏe thì còn làm ra tiền nên tôi bàn với chồng viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Bởi, tôi nghĩ, mình như vậy còn đỡ chứ nhiều gia đình còn nghèo khó, chật vật hơn.

Ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và phong trào thi đua “cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con nhận thức đúng về công tác giảm nghèo. Qua đó, bà con tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo và vươn lên khá giả, làm giàu chính đáng. Qua công tác tuyên truyền, ý thức của người dân từng bước được nâng lên, nhận thức rõ về việc nếu như nhiều hộ dân, hộ gia đình mà còn nằm trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ là gánh nặng cho Nhà nước, cho xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nhiều hộ gia đình trên địa bàn mặc dù có điều kiện kinh tế còn khó khăn song họ đã tự giác xin ra khỏi diện hộ nghèo.

“Việc có hàng chục hộ dân viết đơn tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo cho thấy công tác tuyên truyền đã đạt được hiệu quả rõ rệt. Điều đó cho thấy người dân đã nâng cao được nhận thức, tự lực, tự cường trong lao động, phát triển kinh tế. Nhờ đó, giai đoạn 2016 – 2019, bình quân mỗi năm xã đã giảm được trên 3% số hộ nghèo. Đến nay, xã chỉ còn 24,35% hộ nghèo và hộ cận nghèo chiếm 7,52%” - ông Trương Đình Tuệ phấn khởi nói.

A Thu nở nụ cười vui vẻ khi trò chuyện với phóng viên. Ảnh: PN

 

Tương tự hai trường hợp trên, xã Diên Bình có 6 hộ tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Chúng tôi tìm đến ngôi làng Đăk Kang Pêng, cách trung tâm xã gần 10km, để gặp vợ chồng chị Y Rơ Nê Lịch (43 tuổi), A Thu (46 tuổi) - hộ gia đình tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Căn nhà gia đình A Thu nằm ngay đầu làng nên cũng không khó tìm. Đón chúng tôi với nụ cười niềm nở, biết rõ vấn đề chúng tôi hỏi thăm, sau khi rót nước mời khách, A Thu nói ngay lý do xin thoát nghèo: Vợ chồng tôi còn sức khỏe, có thể lao động được, tạo ra thu nhập nuôi sống cả gia đình nên không thể cứ thuộc diện hộ nghèo mãi. Hơn nữa, gia đình tôi đã được Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu năm nay rồi, bây giờ muốn tự lực vươn lên để làm gương cho các con, cũng như bà con dân làng làm theo.

Tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình A Thu mới thấy sự quyết tâm của gia đình anh. A Thu biết rõ, khi thoát khỏi hộ nghèo thì mọi chế độ như miễn giảm học phí, được hưởng các chính sách ưu đãi cho hộ nghèo cũng không còn nhưng gia đình anh vẫn quyết định viết đơn xin thoát nghèo. Hiện gia đình anh A Thu có 9 người con đều phụ thuộc vào vài sào mì, 1 sào lúa, vài sào cà phê và gần 1 ha cao su. Con đông, lại đang tuổi ăn tuổi học nên ngoài việc chăm sóc cây trồng của gia đình, những lúc rảnh rỗi A Thu tìm kiếm thêm việc làm để tăng thu nhập nhằm trang trải cho cuộc sống. Điều đó cho thấy, việc tự nguyện xin thoát nghèo là việc làm cần biểu dương, khích lệ.

Rõ ràng, việc hàng chục hộ dân trên địa bàn tự nguyện xin thoát nghèo đã và đang tạo ra một tín hiệu khả quan trong công tác giảm nghèo ở Đăk Tô. Và điều đáng mừng là nhiều người dân đồng bào DTTS đã thay đổi được nếp cũ, không còn tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ mà chủ động tự lực vươn lên, tích cực giúp nhau trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Việc làm này về lâu dài, điều này sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ cho công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện vùng khó này.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác