Người Bắc Giang ở Plei Kần

26/10/2018 13:04

Rời ngôi nhà luôn rộn rã tiếng cười ở thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi), suốt chặng đường trở về, tôi miên man nghĩ mãi về hành trình lập nghiệp của gia đình bà Phạm Thị Bàng. Dù hành trình ấy phải trải qua nhiều gian nan, nhưng đang có “cái kết có hậu” nơi vùng đất cực Bắc Tây Nguyên đầy nắng gió...

Ngôi nhà nằm ngay một ngã ba lớn, thuộc tổ dân phố 6, thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) hôm nay có khách. Vợ chồng chủ nhà, bà Phạm Thị Bàng và ông Ngô Văn Hồng cứ áy náy bởi chuyện để khách phải ngồi trò chuyện ở gian bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

"Con cái sống riêng cả, chỉ có 2 ông bà, ở đây vừa là nhà ở, vừa là cửa hàng nên bề bộn lắm. Mấy chú thông cảm"- bà Bàng nhỏ nhẹ.

Trang trại chăn nuôi heo của gia đình bà Phạm Thị Bàng được xây dựng khoa học, đảm bảo môi trường. Ảnh: H.L

 

Mọi người cười xòa. Thế rồi, vừa bận rộn bán hàng, tư vấn sử dụng thuốc thú y, 2 vợ chồng bà vừa kể cho chúng tôi nghe về những ngày gian khó, vất vả đã qua, kể từ khi gia đình ông bà rời quê hương Bắc Giang đi lập nghiệp nơi xứ người.

Hành trình vượt khó vươn lên trên quê hương thứ 2 của vợ chồng bà Phạm Thị Bàng là một hành trình dài. Mà như anh Nguyễn Văn Sự - Chi hội trưởng Chi hội đồng hương Bắc Giang ở huyện Ngọc Hồi hóm hỉnh giới thiệu có thể viết thành... sách. 

"Tôi nhớ là vào giữa năm 1985, một nhà họ hàng xa có anh em ở tỉnh Lâm Đồng về thăm, không biết trong bữa cơm có chồng tôi tham dự họ đã trao đổi với nhau những gì, mà khi về nhà nét mặt chồng tôi lộ vẻ trăn trở, suy nghĩ. Rồi bất ngờ ông nói với tôi: Hay là ta đi vào Lâm Đồng làm ăn? Tôi nghe mà giật mình. Hôm ấy là một ngày đẹp trời!" - bà Bàng kể.

Tôi nghĩ ông nói đùa, nhưng tôi cũng không phản đối, dù trong bụng lo lo. Nơi xứ người, lạ đất lạ nước, biết rồi mọi chuyện sẽ như thế nào? Từ nhỏ đến giờ chúng tôi có đi ra khỏi cái lũy tre làng đâu. Ở quê nghèo đói một tý nhưng rau cháo nuôi nhau, có anh em, họ hàng, tắt lửa tối đèn, vào trong ấy, nghe nói mỗi nhà ở cả 1 quả đồi, gặp nhau cũng khó, không giống như quê mình, chạy qua chạy lại.

Ai ngờ ông nói đi là đi thật. Ông thuyết phục rằng, nghe nói trong đó đất rộng người thưa; rằng trong đó đất đai màu mỡ, phì nhiêu, hom sắn thả xuống cũng mọc thành cây, hạt lúa thả xuống cũng cho bông, không chật chội, khó khăn như ở quê mình. Rằng vợ chồng mình có sức khỏe, cứ kiên trì, cần mẫn làm lụng thì sẽ khá lên thôi. Rõ khổ, tôi cũng biết là vậy, nhưng vẫn không thôi lo lắng...

Ông Ngô Văn Hồng đỡ lời vợ: Sau khi quyết định, tôi rời xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang vào huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng lập nghiệp. Có ít tiền dành dụm được, vợ chồng tôi mua miếng đất dựng nhà tạm, bắt đầu hành trình chinh phục vùng đất mới.

Ông Ngô Văn Hồng (bên trái) luôn tất bật với công việc. Ảnh: H.L

 

Ngày đầu tiên đặt chân đến vùng đất Đạ Huoai, tôi thấy nơi đây còn hoang sơ, heo hút. Thú thật, lúc bấy giờ vợ chồng tôi vừa lo lắng với công việc phía trước, vừa quay quắt nhớ gia đình, quê hương. Gạt mọi tâm tư sang một bên, 2 vợ chồng lao vào làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm.

Với đôi bàn tay và đức tính chăm chỉ, siêng năng, được sự chia sẻ, giúp đỡ của các gia đình cùng quê đi trước, 2 ông bà chặt cây rừng làm nhà; phát lau lách, khai hoang đất trồng lúa, mì. Tối đến, bên bếp lửa, anh em đồng hương tụ tập bàn chuyện làm ăn. Sống ở vùng quê mới, mọi người yêu thương, đùm bọc nhau thật lòng...

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉ sau 5 năm, vợ chồng bà Bàng - ông Hồng đã có hàng chục héc ta đất rẫy, sản xuất theo phương thức lấy ngắn nuôi dài. Ông bà vừa trồng lúa, mì, bắp, vừa trồng cà phê, cao su. Khó có thể kể hết những gian nan ngày ấy, nhất là chuyện mày mò học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cao su, cà phê.

"Ấy là một câu chuyện dài chú ạ. Cái anh nông dân vùng Bắc Bộ như mình, từ cha sinh mẹ đẻ đến lúc lớn lên, đi bộ đội, lấy vợ, sinh con cũng chỉ biết lúa má, ngô khoai chứ biết gì đến cà phê, cao su. Chưa nhìn thấy luôn ấy chứ. Thế mà đùng một cái lại phải lo làm đất, đào hố, bón phân, tỉa cành... Khó đáo để. Phải học thôi. Được cái tính cần cù, chịu khó nên cũng nhanh" - ông Hồng thủng thẳng kể.

Sẵn có nghề thú y, ông vừa phát triển chăn nuôi ở gia đình, vừa giúp người dân trong vùng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, vì vậy ông Hồng rất được người dân địa phương quý mến.

Thế nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, bởi đến năm 2003, lần thứ 2 ông bà lại thực hiện cuộc di cư lớn: lên huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum lập nghiệp.

Đến bây giờ, khi nhắc lại, chưa bao giờ bà Bàng thấy ân hận với quyết định lên Kon Tum của 2 vợ chồng hồi năm 2003. Nghĩ cũng lạ, khi rời Bắc Giang vào Lâm Đồng, bà đã lo lắng, trăn trở rất nhiều, thậm chí là không chịu đi, ông phải kỳ công thuyết phục, nhưng khi từ Lâm Đồng rời đến Kon Tum, bà lại quyết định chóng vánh, nhẹ nhõm.

Theo bà, đó là gia đình bà có duyên với vùng "đất lành chim đậu" này.

Ở quê mới, nơi xác định gắn bó nốt phần đời còn lại, ông bà tiếp tục dùng số tiền bán đất đai, nhà cửa ở Lâm Đồng để mua 3ha đất rẫy trồng cao su, cà phê; đầu tư trang trại chăn nuôi bò, dê, heo...

Trên 30 năm rời quê hương Bắc Giang, dù là ở Lâm Đồng trước đây, hay là ở tỉnh Kon Tum hiện nay, vợ chồng bà Phạm Thị Bàng luôn chí thú và khoa học trong làm ăn. Theo lời giới thiệu vui của anh Nguyễn Văn Sự, vợ chồng bà Bàng - ông Hồng luôn áp dụng thành công mô hình "liên kết 2 nhà", ấy là nhà nông và nhà... buôn (bán).

"Anh em hay đùa như vậy là vì ngoài trồng cà phê, cao su, phát triển chăn nuôi, tôi còn mở một cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Sẵn có tay nghề và kinh nghiệm nhiều năm, tôi thường khám và chữa bệnh gia súc, gia cầm cho bà con trong vùng" - ông Hồng cười.

Về thu nhập của gia đình tôi thì cũng bình thường thôi, vài trăm triệu đồng mỗi năm - bà Bàng nhún nhường - Ở Kon Tum, có những gia đình quê Bắc Giang làm ăn, buôn bán giỏi lắm, kinh tế vững, có nhiều đóng góp cho quê hương.

Sống vui, sống khỏe, sống có ích nên năm nay tròn 60 tuổi nhưng ông Hồng, bà Bàng còn mạnh khỏe lắm. Mọi việc đều làm băng băng. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi luôn bị ngắt quãng bởi có khách hàng đến mua thức ăn gia súc hoặc nhờ ông tư vấn sử dụng thuốc thú y.

Và đặc biệt, dù khi cuộc sống còn gian khó hay như bây giờ đã khá giả, thì bản chất sống của vợ chồng bà vẫn chẳng thay đổi, vẫn chân thành, đôn hậu, gần gũi; luôn rộng lòng giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Bản thân ông Hồng là chi hội phó chi hội đồng hương Bắc Giang ở huyện Ngọc Hồi, luôn năng nổ với công tác hội, được anh em nể trọng.

Yêu quê hương mới nhưng không vì thế mà quên quê cha, đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ông bà kể nhiều về những việc làm của Hội đồng hương; về tình cảm dành cho quê hương, anh em "ngoài Bắc". Ông bà thường dạy con cái, nếu không biết trân trọng quê hương, không trân trọng quá khứ, cuộc sống của con người sẽ không còn ý nghĩa gì.

Thuộc thế hệ thứ hai sinh sống, lập nghiệp trên đất Kon Tum, các con của ông bà cũng không làm cho cha mẹ phải phiền lòng. Được cha mẹ rèn dạy tính tự lập từ nhỏ nên cả 3 anh em đều sớm tìm được hướng đi cho riêng mình, và đến nay cả 3 đều đã trưởng thành, có gia đình riêng, cuộc sống hạnh phúc.

Rời ngôi nhà luôn rộn rã tiếng cười của vợ chồng bà Phạm Thị Bàng, suốt chặng đường trở về, tôi cứ miên man miên man nghĩ mãi về hành trình lập nghiệp của gia đình bà Phạm Thị Bàng. Dù hành trình ấy phải trải qua nhiều gian nan, nhưng đang có “cái kết có hậu” nơi vùng đất cực bắc Tây Nguyên đầy nắng gió...

Hồng Lam

Chuyên mục khác