27/03/2017 08:29
Đưa nghề từ Bình Định lên
70 tuổi, bà Trần Thị Liên ở thôn Phương Quý I, xã Vinh Quang ngày ngày vẫn miệt mài cùng con dâu xay bột, làm và giữ nghề tráng bánh tráng. Với bà, dù bây giờ cái nghề này chỉ đủ ăn nhưng bà không bỏ vì nhờ nó bà mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay.
Ngày mới giải phóng, vào Kon Tum làm kinh tế mới, lạ lẫm đường đi lối lại, đất cát lại chưa có, bà Liên liền nghĩ ra việc làm nghề truyền thống ở quê hương Phù Mỹ, Bình Định để nuôi sống bản thân và gia đình.
|
“Ở quê tôi nhà nhà làm bánh tráng nhưng lên đây hầu như không có chỗ nào làm, người dân cũng ít ăn bánh tráng lắm. Thoạt đầu cũng lo sợ việc làm bánh tráng không thể nuôi sống được mình nhưng rồi tôi cứ làm. Dạo đó, tôi là một trong những người đầu tiên làm nghề này đấy, dần dà rồi người dân mấy thôn, làng nơi đây mới làm theo” – bà Liên nhớ lại.
Thời gian đầu, việc tiêu thụ bánh tráng khá khó khăn, sau khi làm xong, bà phải gánh từng ràng bánh tráng ra chợ hỏi bạn hàng và bỏ mối. Hữu xạ tự nhiên hương, dần dà, bánh bà làm ngon, chất lượng đảm bảo nên nhiều người tự tìm đến tận nơi để mua.
Từ chỗ làm một vài trăm cái, thì đến nay có thời điểm bà Liên làm đến 700-800 cái bánh tráng/ngày. “Mỗi ngày, ngoài đồng mắm đồng muối thì cũng dư chút ít. Từ mấy cái bánh tráng gạo đó mà tôi mua được đất đai để trồng trọt và xây dựng được nhà cửa ổn định như ngày hôm nay đấy” – bà Liên khoe.
Cũng như bà Liên, khi từ Phù Cát (Bình Định) lên ở định cư tại thôn Phương Quý 1, xã Vinh Quang, cô Võ Thị Mận kiếm sống và nuôi gia đình bằng nghề làm bánh tráng. Cô nói rằng, lúc ấy, vì điều kiện khó khăn, hơn nữa, chân ướt chân ráo vào mảnh đất mới, chưa biết làm nghề gì nên cô nghĩ tạm thời làm bánh tráng để kiếm sống.
Thế rồi, cái nghề truyền thống ở Phù Cát chẳng mấy chốc mà phát triển ở mảnh đất cực bắc Tây Nguyên này. Và rồi, cùng với những đám rẫy, những cái bánh tráng gạo nướng lên ăn có vị giòn giòn, béo béo đã giúp cho cô Mận xây dựng được nhà cửa ổn định, nuôi con lớn khôn, học hành đàng hoàng.
Có riêng gì những người từ Bình Định lên đây, chẳng biết tự bao giờ, cứ nhắc đến Vinh Quang, người dân ở Kon Tum lại nghĩ ngay đến làng nghề làm bánh tráng.
|
“Cũng đúng thôi vì trước đây ở các thôn Phương Quý 1, Phương Quý 2, Trung Thành, hầu như nhà nào cũng làm bánh tráng Bình Định. Nhiều người từ xa về cứ tìm đến đây để tìm hiểu và mua bánh tráng; nhiều du khách cũng tìm tới chụp hình, tham quan” – ông A Hậu - Chủ tịch UBND xã Vinh Quang nói.
Nối nghề
Đưa nghề làm bánh tráng truyền thống từ Bình Định lên Kon Tum, sau khi làm một thời gian, một số hộ tiếp tục truyền nghề cho các con của mình. Và cô Huỳnh Thị Cảnh ở thôn Phương Quý 1 là một trong những người con dâu nối nghề thành công.
Lên Kon Tum từ thuở nằm nôi nên dù được sinh ra ở Bình Định nhưng cô Cảnh không biết đến nghề làm bánh tráng. Mãi đến năm 20 tuổi, khi lấy chồng, cô mới được mẹ chồng truyền cho nghề này.
“Khi lên Kon Tum, nhà mẹ chồng tôi cũng làm và phát triển nghề làm bánh tráng. Ngày về làm dâu, tôi được mẹ chồng hướng dẫn cho cách làm bánh tráng. Và đến nay, nghề này gắn bó với tôi đã được 35 năm rồi” – cô Cảnh cho hay.
Đến nay, mỗi ngày, cô Cảnh tráng từ 500-600 cái bánh dày 2 lớp; có thời điểm tết, cô làm đến 700-800 cái bánh 2 lớp/ ngày. Cô nói rằng, nghề này dù lui cui làm không nghỉ tay nghỉ chân nhưng nhẹ nhàng, không phải dãi nắng dầm mưa như những nghề khác. Hơn thế, dù thu nhập mỗi ngày cũng chỉ từ 100-150 ngàn đồng tùy thuộc vào việc làm nhiều bánh hay ít nhưng có thời gian để chăm sóc gia đình, trông cháu và nuôi thêm heo, gà, trồng thêm rau sạch để cải thiện đời sống trong gia đình.
Cũng như cô Cảnh, chị Thanh Thu ở thôn Phương Quý 1, xã Vinh Quang cũng được mẹ chồng truyền cho nghề làm bánh tráng. Chị nói rằng, dù chị bắt đầu làm bánh từ những năm 13-14 tuổi nhưng phải đến năm 20 tuổi, lấy chồng, được mẹ chồng truyền thêm “bí quyết”, chị mới theo và làm nghề tráng bánh tráng. Và đến nay, dù có thêm rẫy, thêm đất để trồng cao su nhưng mỗi ngày chị vẫn cùng mẹ chồng loay hoay xay bột, tráng bánh rồi bỏ mối cho các chợ.
Làm bánh tráng nhìn đơn giản nhưng lại chẳng giản đơn. Mùa nắng, việc tráng bánh, phơi bánh còn dễ. Mùa mưa, người làm bánh tráng cũng không yên. “Trời mưa là cứ phải chạy mưa liên tục. Những hôm mưa dầm mình phải sấy bánh bằng củi, than, vất vả lắm. Nhiều khi mưa dầm mưa dề, mình đành phải nghỉ làm” – cô Cảnh nói.
Nghề làm bánh tráng không quá vất vả, không sợ bị ứ hàng nhưng đòi hỏi người làm phải kiên trì, nhẫn nại, ngồi hàng tiếng đồng hồ bên cạnh lò lửa nóng để tráng nên những chiếc bánh mỏng, dày đủ kích cỡ.
Hơn thế thu nhập từ việc làm bánh tráng không cao nên làng nghề bánh tráng ở xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum chẳng còn nhộn nhịp như trước.
Bây giờ, khắp xã chỉ còn vài chục hộ ở thôn Phương Quý còn mặn mà với nghề. Ngày trước, có hộ mỗi ngày làm đến cả nghìn cái bánh tráng nhưng nay đa số nghề này chỉ trở thành nghề phụ, nhiều gia đình vẫn tập trung vào trồng cây công nghiệp, buôn bán… để phát triển kinh tế gia đình.
“Bánh tráng được làm từ các cơ sở trong xã đảm bảo chất lượng nên rất được ưa chuộng. Hiện tại thì chúng tôi cũng chưa có định hướng gì để phát triển nghề này. Nếu sau này mở hướng phát triển du lịch, việc phát triển làng nghề bánh tráng cũng sẽ là một trong những yếu tố thu hút khách từ nhiều nơi đến tham quan” – ông A Hậu cho hay.
Bình An