07/01/2021 06:01
Anh Việt kinh doanh cá Koi từ năm 2015, là chủ nhân của quán cà phê trên đường Võ Nguyên Giáp (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum).
Theo chân anh Việt trong một lần giao cá Koi cho khách, chứng kiến sự cẩn thận của anh trong việc vận chuyển cá, từ việc nhẹ nhàng dùng vợt bắt cá đến việc nhỏ thuốc an thần vào chậu nước (dùng để đựng cá khi vận chuyển) nhằm giúp cá ổn định tinh thần trước khi qua môi trường nước mới, tôi cảm nhận được sự nghiêm túc khi làm nghề của anh.
Sau khi giao cá Koi xong cho khách, anh Việt mới dành thời gian trò chuyện với tôi. Anh Việt cho biết, khi xã hội ngày càng phát triển và cuộc sống của con người bận rộn, tất bật hơn, vì vậy, khi có thời gian rảnh, nhiều người thường có xu hướng muốn hòa mình gần gũi với thiên nhiên, và nuôi cá Koi làm cảnh là một trong những lựa chọn phù hợp. “Nuôi cá Koi không chỉ giúp tổng thể kiến trúc của nhà ở nổi bật với không gian xanh mà còn giúp gia chủ có thêm chỗ để trò chuyện với khách đến chơi, không gian để thư giãn, đọc sách, giải tỏa những căng thẳng và mệt mỏi sau mỗi ngày đi làm trở về. Nuôi cá Koi còn giúp các cơ sở kinh doanh như karaoke, nhà hàng, quán cà phê hay các cơ sở du lịch có thêm điểm nhấn và thu hút được nhiều khách đến”- anh Việt tâm sự.
|
“Cá Koi là loài cá như thế nào? Nuôi loài cá này có khó không và cần lưu ý những điều gì?” - tôi đặt câu hỏi.
Vừa dẫn tôi đi tham quan hồ cá anh Việt vừa vui vẻ trả lời, cá Koi thực chất là loài cá chép có xuất xứ từ Trung Quốc, được người Nhật Bản đem về lai tạo và phát triển. Nishikigoi dịch ra tiếng Việt là cá chép nhiều màu sắc. Loài cá này có tuổi thọ lên đến hàng chục năm, chúng rất thông minh và gần gũi với con người. Trên thế giới hiện nay ghi nhận có khoảng vài trăm loài cá Koi khác nhau. Để phân biệt các loài cá Koi với nhau người ta chia chúng thành nhiều dòng. Có thể kể đến các dòng: Doitsu Koi (dòng có màu da trơn được lai từ cá chép của Nhật Bản với cá chép của Đức), Metalic Koi (dòng có màu da kim loại), Utsuri Koi (dòng màu có da đen-trắng, da đỏ-đen và da vàng-đen), Kohaku Koi (dòng có màu da trắng-đỏ), Sanke Koi (dòng có màu da trắng-đỏ-đen nhưng màu trắng và màu đỏ chiếm phần lớn), Showa Koi (dòng có màu da trắng-đỏ-đen nhưng màu đỏ và màu đen chiếm phần lớn)…
Cá Koi là loài cá dễ nuôi nhưng người nuôi cần phải có kiến thức nhất định về cách nuôi và chăm sóc loài cá này. “Bản thân tôi đã từng thất bại vì không xử lý nguồn nước tốt khiến cá bị chết hay chăm sóc chưa đúng kỹ thuật nên cá không đạt trọng lượng theo yêu cầu. Qua nhiều lần đi học hỏi kinh nghiệm nuôi và kinh doanh cá Koi ở những thành phố lớn trên cả nước, tôi đúc kết được rằng, để nuôi cá Koi thành công cần 3 yếu tố quan trọng đó là: Nguồn gốc (nguồn gen) của cá, môi trường nước và chế độ chăm sóc của người nuôi” - anh nhấn mạnh.
Anh Việt thông tin, hiện nay, trên thế giới ngoài cá Koi có nguồn gốc từ Nhật Bản còn có cá Koi có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam… Trong đó, cá Koi có nguồn gốc từ Nhật Bản là cá có nguồn gen tốt, giá bán cá có độ dài từ 10cm đến hơn 100cm là từ 500.000 đồng đến vài tỷ đồng/con. Cá Koi có nguồn gốc Việt Nam là cá có chất lượng thấp hơn cá Koi của Nhật Bản, giá bán cá có độ dài từ 10cm đến 60cm từ 20.000 đồng đến vài chục triệu đồng/con.
|
Anh Việt dẫn tôi đến khu vực đặt những hệ thống cần thiết để vận hành một hồ nuôi cá Koi và giới thiệu, khi xây dựng hồ nuôi cá phải có hệ thống tạo oxy liên tục như sủi khí hay Bakki shower (lọc dàn mưa). Hồ cũng phải được thay nước và vệ sinh định kỳ 1 lần/tháng thông qua hệ thống lọc truyền thống gồm: lọc thô (giữ phân cá, chất cặn) và lọc vi sinh (chứa các vi khuẩn có lợi, xử lý sạch nguồn nước trước khi đưa trở lại hồ) hoặc thông qua hệ thống lọc tự động. Khi thay nước hồ, nếu dùng nước máy phải khử Clor trước khi đưa vào hồ và thực hiện theo nguyên tắc “bỏ 20% nước cũ, thêm 20% nước mới”, nếu dùng nước giếng thực hiện theo nguyên tắc “bỏ 30-40% nước cũ, thêm 30-40% nước mới.” Độ sâu thiết kế của hồ khoảng 0,8-1,5m. Mật độ nuôi tốt nhất khoảng 1-3 con/1m3 nước.
“Để lượng oxy trong hồ cá luôn dồi dào, người nuôi cá Koi nên xây dựng hồ cá có độ sâu lớn và nuôi cá với mật độ vừa phải; đồng thời, sử dụng máy tạo oxy có tích điện (hoạt động thêm 8-10 tiếng sau khi bị cúp điện) hoặc bộ tích điện riêng cho hồ cá”, anh Việt chia sẻ.
Anh Việt cho hay, đối với yếu tố cuối cùng là chế độ chăm sóc, người nuôi cá Koi cần quan tâm đến chất lượng thức ăn và chế độ ăn nếu muốn cá sống khỏe và phát triển nhanh. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại cám cho cá ăn với giá bán từ 10.000-300.000đồng/kg. Cá Koi là loài ăn tạp do vậy ngoài cám có thể cho cá ăn kèm côn trùng nhưng không quá 3 lần/ngày.
Những cơn mưa đầu mùa thường mang theo hàm lượng axit và bụi bẩn lớn, do vậy để bảo vệ hồ cá trước những cơn mưa như vậy, người nuôi cá có thể sử dụng mái che hoặc dùng thuốc xử lý môi trường nước. Đối với những tháng mùa lạnh (từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau), khi nhiệt độ ngoài trời và nước trong hồ giảm, cá Koi thường bị giảm sức đề kháng nên dễ bị mắc bệnh. Để giải quyết vấn đề này, người nuôi cá Koi phải giữ môi trường nước sạch, giảm chế độ ăn cho cá, không cho cá mới vào hồ, thường xuyên theo dõi biểu hiện của cá và nắm vững cách điều trị các loại bệnh mà cá thường gặp như: đốm trắng, sán da, sán mang, xù vảy, thối đuôi…
Cuộc trò chuyện giữa tôi và anh Việt thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại của khách hàng gọi đến nhờ anh tư vấn xây dựng hồ nuôi cá Koi. Từ lúc làm nghề đến nay, ngoài bán cá Koi, anh Việt còn tham gia tư vấn xây dựng, sửa chữa và nâng cấp cho gần 40 hồ nuôi cá Koi trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum.
Sau khi chia sẻ với tôi những thông tin bổ ích về cá Koi và cách nuôi loài cá này, anh Việt dẫn tôi đến tham quan trại nuôi cá Koi mà anh sắp đưa vào hoạt động ở phường Thắng Lợi. Trại cá có tổng diện tích hơn 300m2, quy mô 5 hồ nuôi và mỗi hồ nuôi được 40-80 con cá Koi. Cá Koi được nuôi trong trại đều được anh nhập trực tiếp từ các trại nuôi cá Koi ở Nhật Bản như Danichi Koi Farm, Omosako Koi Farm.
Đức Thành