06/08/2018 07:05
1. Tôi ngồi ngắm những hàng gạch lót nền đã mòn vẹt, nổi những đường vân lạ mắt trong căn nhà cũ kỹ của gia đình ông Nguyễn Thủ (16 Phan Chu Trinh, thành phố Kon Tum). Tin được không, ngôi nhà của gia đình ông xây dựng trong những năm 70 của thế kỷ trước, nhưng cái nền gạch - với những viên gạch nổi vân ấy, lại có từ những năm 1930.
Ông Nguyễn Thủ nhấp ly rượu thuốc, giọng khề khà: Cái nhà này được dựng lên từ nền nhà cũ của ba má để lại chứ không phải nhà gốc đâu. Tôi nghe kể lại, cái nền gạch này được lót đúng năm 1930, tức là nó hơn tôi mười mấy tuổi lận. Sau này, do nhà cũ bị sụp, tôi mới cùng cha lên Ngô Trang (thuộc xã Đăk La, huyện Đăk Hà bây giờ) mua lại nếp nhà gỗ, vận chuyển về và dựng căn nhà bây giờ.
Nghe ông Thủ kể, lại ngắm những hàng gạch lót nền nổi những đường vân kỳ lạ ấy mà tôi cứ tiếc hùi hụi.
May mắn thay, anh Đào Xuân Ninh - Tổ trưởng Tổ dân phố 3 (phường Thắng Lợi) nhớ ra và dẫn tôi đến một căn nhà trên đường Thi Sách. Ấy là căn nhà của cụ bà Nguyễn Thị Hóa (93 tuổi), hiện đang ở cùng con gái là bà Lê Thị Linh (69 tuổi).
Tỉ mẩn lau chùi từng chiếc cột nhà đã lên nước đen bóng, từng cánh cửa cũ kỹ, bà Linh kể: Căn nhà này do cha tôi là cụ Lê Ngợi và mẹ là cụ Nguyễn Thị Hóa làm từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. "Hồi ấy mà làm được ngôi nhà này cũng "dữ" lắm đó"- bà Linh cười hiền.
Bây giờ cụ ông Lê Ngợi đã mất, bà Linh ở cùng mẹ và em gái. Ngôi nhà cũ kỹ, rêu phong có mặt tiền rộng rãi trên đường Thi Sách sầm uất như một nét điểm xuyến độc đáo, hoài cổ.
“Ngó vậy chứ căn nhà hiện đại ngày nay chưa chắc sánh bằng, mùa mưa lạnh thế nhưng ở trong nhà thấy ấm áp vô cùng còn mùa khô nắng đổ lửa, ngột ngạt vậy mà bước vô trong nhà là thấy mát lạnh liền”- bà Linh vừa vuốt ve cây cột gỗ cà chít vừa "khoe".
2. Được anh Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi giới thiệu, tôi tìm đến ông Nguyễn Quốc Thịnh - Tổ trưởng Tổ dân phố 2 (phường Thắng Lợi). Chỉ thoáng suy nghĩ, ông nhớ ra còn 1 căn nhà vườn cổ duy nhất trên đường Yết Kiêu. "Tôi không biết ngôi nhà ấy có từ bao giờ, nhưng chắc chắn là lâu lắm rồi, bây giờ vẫn còn vững và đẹp. Để tôi dẫn chú đi" - ông sốt sắng.
Nằm trên diện tích hơn 1.000m², ngôi nhà vườn tại số 6 Yết Kiêu gắn liền với 4 thế hệ gia đình chị Ngô Thị Mỹ Lệ. Gian giữa rộng nhất được dành làm nơi thờ tự tổ tiên, 2 gian đông - tây là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của gia đình. Ngôi nhà trước đây do cụ ông Ngô Chi và vợ dựng nên từ những năm 50 của thế kỷ trước.
Chị Lệ - cháu nội của cụ Ngô Chi - kể, từ những năm đầu thế kỷ XX, ông bà nội từ dưới xuôi tìm đường lên sinh sống ở Kon Tum, xây dựng ngôi nhà vườn này. "Năm làm nhà thì tôi không nhớ chính xác; theo lời các cụ, khi tôi sinh ra (năm 1959 - PV) thì ngôi nhà đã làm được khá lâu rồi"- chị Lệ cho hay.
|
Nhờ sự tài hoa và tinh tế của cụ ông Ngô Chi mà ngôi nhà vừa mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt, vừa mang phong cách kiến trúc nhà biệt thự với phòng ở rộng, tiện nghi. Kết cấu nhà "3 gian 2 chái", đúng "chuẩn" thời bấy giờ; cột, kèo, xà, rui, mè... đều bằng gỗ, chủ yếu là gỗ cà chít (cột, kèo) và gỗ dâu (rui, mè); mái lợp ngói vảy; gian giữa để thờ cúng, tiếp khách; 2 gian buồng để ngủ.
3. Tôi mê mẩn ngắm hàng hiên rộng rãi với những cây cột lên nước đen bóng; bộ cửa gỗ hai cánh bị đạn, mảnh pháo găm thủng lỗ chỗ mà thầm thấy may mắn. "Nét xưa còn lại chút này", dù trải qua bao thăng trầm nguy biến, do gia đình chị Lệ không bức xúc về nhà ở, điều kiện kinh tế cũng khá giả, thêm vào đó là ý thức giữ gìn tinh hoa kiến trúc do cha ông để lại nên tới tận thời điểm này căn nhà cơ bản còn nguyên vẹn.
|
“Cũng đã có không ít người đến gạ mua với giá cao nhưng gia đình đều cương quyết từ chối. Tiền bạc thì quan trọng thật đấy, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện bán chác gì cả. Với gia đình tôi, căn nhà này là báu vật không thể bán mua. Tôi sẽ để lại cho con cháu mình” - dẫn chúng tôi ngắm căn nhà đã nhuốm màu rêu phong, chị Lệ quả quyết.
Nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện, hay đủ quyết tâm, để giữ gìn lại ngôi nhà cổ xưa của cha ông!
Đứng trước ngôi 2 tầng khang trang trong con hẻm nhỏ đường Trần Hưng Đạo (phường Thắng Lợi) mà tôi thấy ngẩn ngơ. Đâu rồi căn nhà già nua lợp ngói âm dương rêu phong, hàng cột gỗ gần trăm năm tuổi lên nước bóng láng... Bỗng dưng tôi thấy mình đã mất đi một thứ gì đó quý giá lắm.
Tôi như thấy bóng dáng bà cụ Hai đã hơn 80 tuổi, miệng nhai trầu bỏm bẻm, đôi tay xương xẩu rờ trên cây cột cái đã bóng lên vì thời gian: Cây cột ni bằng tuổi tôi đó, hàng tháng trời ba tôi lên rừng đẵn gỗ, rồi dùng xe bò kéo về dựng nhà...
Sau này, mấy lần con cháu rục rịch muốn bán bớt đất để làm nhà "tây", cụ bà không cho. Cụ nói: Bay muốn đập, muốn sửa thế nào cũng được, nhưng phải để sau khi bà về với tổ tiên đã...
Ấy vậy mà đã 3 năm. Bây giờ bà Hai đã thành “người thiên cổ”, ngôi nhà vườn cổ đã không còn trụ lại được. Người con trai út của cụ bà quyết tâm phá bỏ, làm nhà mới. "Tôi đã suy nghĩ rất nhiều mới phá bỏ ngôi nhà ấy, nói thật là cũng tiếc lắm, vì nó là di sản mà cha ông để lại cho mình, nhưng không thể bắt cả gia đình ở mãi trong căn nhà đã cũ ấy nữa"- anh lý giải.
Biết là vậy, nhưng sao tôi vẫn thấy nhói lòng!
4. Có thể nói không quá rằng, những ngôi nhà vườn cổ ở thành phố Kon Tum là "nét xưa" hiếm hoi còn sót lại trong “cơn bão” đập phá và cơi nới nhà cổ ở thành phố trẻ đang trên đà phát triển này.
Theo Kiến trúc sư Đỗ Hoàng Liên Sơn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng), khác với những nhà vườn ở Huế - được "định danh" bởi thú chơi cây cảnh - những nhà vườn ở Kon Tum mang nét riêng của một ngôi làng của những cư dân lam lũ, tất bật với việc nhà nông.
Đặc trưng của nhà vườn là hòa điệu một cách trọn vẹn giữa con người và thiên nhiên. Hầu hết các nhà vườn ở Kon Tum đều gắn với những mảnh vườn trồng rau màu quanh năm xanh tốt, mùa nào thức nấy.
Kiến trúc của nhà vườn thường là "3 gian 2 chái", từ cột, kèo, xà, rui, mè... đều làm bằng gỗ, mái lợp ngói; gian giữa để thờ cúng, tiếp khách; 2 gian buồng để ngủ; 2 chái nhà thường để chứa nông cụ và nấu nướng; xung quanh nhà là vườn rau, cây ăn quả.
Kiến trúc này không chỉ tạo nên sự gần gũi với thiên nhiên cây cỏ mà còn thể hiện nét văn hoá đặc sắc của người dân di cư trên vùng đất của nhà sàn; đồng thời cũng tạo nên nét tương đồng giữa các nhà vườn, vốn là biểu hiện của sự đoàn kết, gắn bó, quây quần của cả một cộng đồng được tạo dựng từ thời cha ông khai hoang lập ấp để chống lại thú dữ, thiên tai, địch họa...
Đáng tiếc rằng, dưới áp lực của cơn sốt đất đai, nhà ở và tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, nhiều nhà vườn đã bị "băm nát"; bị thu hẹp không gian, phá vỡ kết cấu nhà vườn vì chia lô, bán nền… Không ít nhà vườn đã bị con cháu đập đi để xây dựng nhà tầng, nhà ống theo xu thế mới.
Theo lời chị Lệ thì cách đây vài chục năm, trên các tuyến đường Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Đào Duy Từ hay Trần Hưng Đạo (thuộc khu vực phường Thắng Lợi) vẫn còn khá nhiều nhà vườn, tuy cũ kỹ nhưng vững chãi nằm nép mình bên hàng rào dâm bụt, xung quanh nhà là vườn rau xanh tốt. Bây giờ, tìm đỏ mắt mới thấy vài ba căn còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc nhà vườn xưa, vì đã bị ép vào hẻm sâu, nằm nép dưới những ngôi nhà bê tông cốt thép.
Khi ông nội mất, đã dặn ba tôi dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào nữa cũng phải gìn giữ cho bằng được căn nhà, và đến giờ gia đình tôi đã làm được điều ông dặn. Căn nhà không chỉ là nơi ở, sinh hoạt mà nó còn là nét văn hóa truyền thống, là tấm lòng và niềm tự hào với tổ tiên, dòng tộc. Nhưng tôi lo là sau này con cháu không tiếp tục giữ gìn được nữa, nếu như tỉnh không có một chính sách bảo tồn thỏa đáng, và như vậy thì vài ba nhà vườn còn lại sẽ biến mất rất nhanh- chị Lệ lo lắng.
Về phần mình, tôi cũng đồng tình rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận nhà vườn Kon Tum trên góc độ là di sản văn hóa tinh thần mới mong có những chính sách bảo vệ giữ gìn tôn tạo hợp lý.
Bài, ảnh: Thành Hưng