01/12/2017 06:58
“Không có nhà rông, sao gọi là làng”
Đêm ấy, già A Cố mời chúng tôi ở lại nhà rông, uống rượu ghè, ăn chuột rừng nướng, cá suối nấu măng và nghe kể chuyện làm nhà rông. Cái lạnh của rừng già, cho dù chưa cắt da cắt thịt, nhưng vẫn theo gió núi len lỏi qua kẽ liếp nhà rông, khiến mọi người xích gần bếp lửa đang rừng rực cháy.
Lời già A Cố lúc to, lúc nhỏ trong tiếng củi thông nổ lép bép: Với bất cứ làng Xê Đăng nào, nhà rông luôn nằm ở vị trí đẹp nhất, hàng năm, những lễ hội vẫn diễn ra ở đó. Dù có lưu lạc đến đâu, dân làng vẫn dựng nhà rông, để cháu con mai sau biết ông bà mình có ngôi nhà chung như thế. Người Tà Rẻ (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) ở Xốp Dùi cũng vậy, dù là trong thời kháng chiến, gian khó là thế, bom đạn là thế, nhưng làng vẫn dựng được nhà rông, sau giải phóng, dời làng từ trên núi xuống, việc đầu tiên là dựng nhà rông, bởi đó là nơi thần linh trú ngụ.
|
Từ năm 2009, khi cơn bão số 9 quét qua, nhà rông của làng đã hư hỏng nặng, rồi tiếp đó dột nát thêm, dân làng không có điều kiện để sửa chữa hay làm mới. Mỗi khi làng có việc lại phải mượn sân trường học để tổ chức, uống vài ghè rượu, ăn mấy miếng thịt rồi ai về nhà nấy, không còn mùa “ăn năm uống tháng”, không còn những đêm xoang rộn rã. Người già buồn, người trẻ cũng buồn. Không có nhà rông, sao gọi là làng?
Trưởng thôn A Đoan đỡ lời: Cũng vì thế, năm nay, dân làng quyết định làm lại nhà rông mới. Dựng nhà rông là việc hệ trọng, nên sau khi đã có sự nhất trí của toàn thể dân làng, công việc chuẩn bị được bắt đầu và phải từ trước ngày dựng (dự kiến) từ rất lâu. Đầu tiên là kiếm sao cho đủ số lượng cây gỗ. Đích thân già làng A Cố dẫn lũ trai tráng trong làng đã vào tận rừng sâu cách làng gần 1 ngày đường để tìm cây. Để chọn cây làm cột chính, già A Cố đã phải đi mất mấy ngày, tìm cây suôn, thẳng, không có vết sẹo, u; chiều dài thân hơn 13 mét, đường kính thân hơn 40cm.
Đến lượt chọn lồ ô và nứa để làm khung mái và vách quanh nhà rông cũng vậy, già A Cố cứ dặn đi dặn lại đám thanh niên trong làng rằng, phải chọn cho được những cây thật đẹp, không non, cũng không được quá già.
Cột gỗ, lồ ô, nứa đã lựa chọn đủ sẽ được chuyên chở về tại địa điểm lựa chọn để cất nhà rông, phơi khô. Khi gần đến thời điểm dựng nhà rông, tranh mới được cắt về đủ, cũng phơi khô cho vàng óng lên, tuốt hết những sợi gãy, sợi ngắn xếp thành từng bó to thẳng thớm. Công việc chuẩn bị vật liệu kéo dài nhiều ngày tháng này cũng phân công cho từng nhóm đàn ông trong làng thực hiện.
Sau khi vật liệu được chuẩn bị, tập kết đầy đủ, già làng sẽ chọn ngày khởi công. Việc này cũng được dân làng bàn bạc kỹ, cuối cùng chọn ngày 1/9, vì theo dân làng, đây là ngày Tết Độc lập, khởi công dựng nhà rông mới của làng sẽ thêm phần ý nghĩa.
Sau lễ cúng, việc dựng nhà rông bắt đầu. Người làng bóc hết vỏ cây, đẽo những ngàm vuông ở các đầu cột để gác những cây gỗ làm đà sàn vào nhau. Trong khi đào hố dựng cột, người ta dùng những hòn đá tảng kê và thường phải vừa dùng nước tưới vào chân cột cho tăng thêm độ kết dính của đất, vừa cầu khấn mong cho mọi việc đều tốt đẹp, vui vẻ. Trong vòng 7 ngày phải nhanh chóng hình thành khung sàn, còn việc lắp ráp toàn bộ và hoàn thành việc dựng khung nhà cứ thực hiện dần dần cũng được.
Trong khi những người thợ buộc lồ ô, nứa cao dần lên, các vì kèo được xếp rất khéo léo, cùng với dây mây buộc chéo từng nút, thành hình hoa văn như tia sáng mặt trời, hình thành “ bộ khung xương” của mái nhà, một nhóm khác ở dưới đã chuẩn bị buộc tranh thành từng bó lớn, dùng sào dài chuyển lên trên cao, trải đều, rồi ép buộc chặt lại. Mái nhà rông được lợp từ dưới lên, cao 12 m, lại dốc, hai đầu hồi cũng nhỏ dần lên tận nóc nên những người thợ lợp mái tranh phải hết sức khéo léo, nhất là thời điểm dựng nhà rông đúng vào thời điểm gió núi bắt đầu về.
Sau hơn 1 tháng, nhà rông của làng Xốp Dùi cũng được hoàn thiện, lừng lững vươn cao giữa trời xanh trong niềm vui sướng, tự hào của dân làng. “Không thể tính toán được giá trị vật chất để làm nên nhà rông đâu. Vì để dựng nhà rông, toàn thể dân làng đều góp công, góp sức cả. Từ người già đến trẻ em, ai cũng tự thấy phần trách nhiệm của mình trong đó và tự giác thực hiện”- trưởng thôn A Đoan nói chắc nịch.
Nâng cần rượu trong ánh sáng mờ ảo của bếp lửa, già A Cố gật gù: Dân làng mừng một, già mừng mười. Nay già đã 79 tuổi rồi, dù tay cầm dao còn vững, nhưng ai biết được ngày nào sẽ về với Giàng? Nên làm được nhà rông mới thì già mãn nguyện lắm, từ nay, thần linh lại có nơi để trú ngụ.
Có nhà rông mới, bỏ tục lệ cũ
Càng về khuya, gió càng lạnh, ánh lửa hắt bóng người ngồi xúm xít xung quanh lên vách nhà rông. Nhìn những cái bóng chập chờn, tôi giật mình: Sao không thấy đầu trâu?
|
Tôi vẫn nhớ, cách đây 3 năm, khi vào Xốp Dùi, bước vào nhà rông dột nát, hư hỏng, tôi đã rất kinh ngạc khi nhìn thấy khá nhiều đầu trâu được treo trên vách, cũ có, mới có. Thầy Ngô Hữu Quốc- Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Xốp (ở cạnh nhà rông) cho hay: Dân làng ở đây thường đâm trâu để cũng thần linh, cầu thần linh phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, gia súc không bị dịch bệnh, lúa nhiều bông, chắc hạt; cúng trừ tà, đuổi ma...
Sau khi đâm trâu và hoàn tất các thủ tục cúng thần linh, đầu trâu lại được đem vào nhà rông treo, tất nhiên là phải có sự đồng ý của già làng. Mức độ giàu có của làng được nhìn qua số lượng đầu trâu treo trong nhà rông, càng nhiều thì càng chứng tỏ làng ấy giàu có.
Theo thôn phó A Chớp, mới nhìn cứ tưởng đầu trâu treo tự do, ai muốn treo sao thì treo, nhưng thực ra, đầu trâu của các gia đình nào, dòng họ nào cũng được treo riêng. Vì vậy, ngay cả các gia đình, dòng họ cũng ngầm so với nhau về đầu trâu nhiều hay ít, sừng trâu to hay nhỏ. Gia đình, dòng họ có nhiều đầu trâu hơn sẽ được xem như giàu có hơn.
Nhưng sao nay nhà rông mới lại không hề có đầu trâu? Tôi thắc mắc. Trưởng thôn A Đoan chất phác nói: Khi khánh thành nhà rông mới, già làng làm lễ cúng bỏ đầu trâu, sau đó đem bỏ hết vào rừng rồi. Bây giờ Xốp Dùi đã đổi mới nhiều, đời sống no ấm; không còn nhiều người tin chuyện ma rừng bắt người nữa, đau ốm thì đi Trạm xá xã, ra Bệnh viện huyện khám bệnh lấy thuốc, nên không còn mất trâu cúng đuổi ma, chỉ khi nào có lễ lớn, mới đâm trâu cúng thần linh thôi. Người già còn nói, ít đâm trâu thôi, cũng không nên treo đầu trâu trong nhà rông nữa, nói gì đến người trẻ.
Vì vậy, ngày mừng nhà rông mới, dân làng không tổ chức đâm trâu linh đình như những làng khác, mà trong làng, nhà nào có gì thì góp nấy, sau đó tập trung đến nhà rông, già làng cúng thần linh xong, mọi người cùng nhau tập trung uống rượu chung vui. Ai cũng hể hả: Từ nay làng mình có nhà rông mới để tổ chức lễ hội và hội họp rồi nhé. Sướng cái bụng lắm.
Niềm vui của dân làng Xốp Dùi được nhân lên khi UBND xã quyết định lồng ghép nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ 30 triệu đồng để làm sân thể thao trong khuôn viên nhà rông.
Câu chuyện cứ thế kéo dài mãi, tôi mơ màng chợp mắt bên bếp lửa ấm sực. Ở ngoài kia, gió núi quất ù ù, báo hiệu chuyển mùa. Chỉ cần cơn gió ào ạt kia lặng đi đôi chút, là lũ chồi non đang náu mình dưới lớp vỏ xù xì của những thân xà nu sẽ bừng nở, biếc xanh cả đất trời.
Và cũng trong sự mơ màng ấy, tôi thấy già A Cố cười mãn nguyện khi nhìn mái nhà rông cao lớn sừng sững giữa làng, như biểu hiện của sức tồn tại mãnh liệt bao đời của làng Xốp Dùi nơi đại ngàn hùng vĩ.
Thành Hưng