Mùa xuân ấm

12/02/2018 07:00

Khi “trời sắp tết hay lòng mình đang tết”, mỗi người thường có cái nhìn bao dung hơn, suy nghĩ nhiều hơn, sâu hơn về hạnh phúc, những giá trị đời người. Lúc này, việc thiện nguyện xuất phát từ sự thôi thúc trong lòng mỗi người thực hiện, tham gia với mong muốn chia sẻ niềm vui, sự đủ đầy, may mắn đến với người khác...

1. Tôi muốn gọi đó là một chuyến đi làm từ thiện! Và thật sự, tôi đã tham gia một chuyến đi từ thiện hết sức ý nghĩa trong những ngày mà tết nhất đã áp sát sau lưng.

Nhưng cô Trưởng nhóm - người đã ngỏ ý nhờ tôi kết nối với chính quyền địa phương để việc làm thiện nguyện được "danh chính ngôn thuận" lại không muốn dùng cụm mỹ từ "đi làm từ thiện".

Nếu có viết "cái gì đó" thì hãy viết những trải nghiệm của bản thân trong chuyến đi, không nên nhắc đến cô làm gì, vì cô không thích thành "người có điều kiện đi tặng quà tết" - cô nói một cách khéo léo.

Đến và đi bằng tấm lòng của mình - cô chia sẻ - chứ không phải "đi làm từ thiện" như người ta vẫn gọi - là cách làm của mọi người trong nhóm. Như mấy em đây (cô trìu mến nhìn về phía mấy cô cậu thanh niên đang tất bật ngược xuôi chuyển quà từ trên xe xuống), dù tết nhất đến rồi, công việc bận rộn, nhưng chỉ cần một lời nhắn qua facebook, thế là thu xếp lên đường ngay, với tâm niệm đến để chia sẻ, để động viên chứ không phải là "cho".

Mùa xuân ấm hơn vì những tấm lòng

 

Làng Tăng Pơ, xã Đăk Ring (huyện Kon Plông) hôm ấy vui lắm. Dù trời mưa rả rích, hơi lạnh của đại ngàn làm da tím tái, nhưng bà con đã có mặt từ khá sớm.

Trưởng thôn A Triệu cầm danh sách trên tay chạy ngược chạy xuôi quán xuyến mọi việc. Nhoáng cái, mấy bạn trẻ trong nhóm thiện nguyện đã xuýt xoa bên những em nhỏ, mắt ửng đỏ. Tôi loáng thoáng thấy có cô gái nhanh tay cởi khăn len của mình quàng vào cổ bé gái. Tin tôi đi, nếu ai nhìn thấy hẳn sẽ vô cùng ấm lòng.

Không qua trung gian, không trao theo quy trình "đọc danh sách - lên nhận quà", nhóm thiện nguyện tíu tít chuẩn bị, sắp xếp những phần quà, trao tận tay người nhận. Cô đứng giữa những người già, những em nhỏ khoác áo mưa chống lạnh mà 2 mắt rưng rưng, rồi lập cập trao những phong bao lì xì đầu năm, những chiếc phong bao được cất giữ một cách cẩn thận và được trao một cách trân trọng.

Nhìn cảnh ấy, tôi tin rằng, cô và mọi người đến với dân làng bằng sự chân thành, không "làm màu". Theo lời kể thì lý do cô quyết định chọn về Đăk Ring tặng quà tết (qua lời giới thiệu của một người quen) là vì biết đây là vùng đất heo hút, đời sống của bà con nơi đây còn rất khó khăn. Và vì vậy, sự đồng cảm, chia sẻ sẽ làm cho ngày xuân ấm áp hơn.

Mà đúng là Đăk Ring heo hút thật, khó khăn thật. Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn, chỉ có con đường độc đạo nối với “bên ngoài” là Tỉnh lộ 676, tiếng là đường nhựa nhưng hẹp và dốc. Hồi chiều qua, đi từ Măng Đen vào, đầu óc tôi cứ căng như dây đàn bởi con đường dốc lên dốc xuống thăm thẳm, lớp lớp mây mù giăng trên những đầu núi; rồi vượt suối, qua ngầm, những cơn gió lạnh băng xộc ra từ những hẻm núi sâu táp cóng mặt mũi.

Trên đường về, tôi nghĩ mãi về lời tâm sự của cô Trưởng nhóm: Mỗi người thường có cái nhìn bao dung hơn, suy nghĩ nhiều hơn, sâu hơn về hạnh phúc, những giá trị đời người khi "trời sắp tết hay lòng mình đang tết". Lúc này, việc thiện nguyện xuất phát từ sự thôi thúc trong lòng mỗi người với mong muốn chia sẻ niềm vui, sự đủ đầy, may mắn đến với người khác.

2. Thôn 9, xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai là một thôn nghèo, nằm heo hút bên lòng hồ thủy điện Sê San 4. Thôn có 136 hộ thì có tới 94 hộ thuộc diện nghèo- thôn trưởng Hà Văn Hơn xác nhận.

Cái sự nghèo ở thôn 9 này cũng có nguyên do của nó, chứ không phải bà con lười lao động đâu đấy - trưởng thôn Hà Văn Hơn phân bua - Các hộ gia đình trong thôn hầu hết là người Thái, Mường từ Thanh Hóa vào đây lập nghiệp trong những năm 2007-2008, cuộc sống chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ nhận khoán chăm sóc vườn cây cao su cho doanh nghiệp. Mà các anh biết đấy, suốt thời gian dài, mủ cao su xuống giá, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân trong thôn.

Nhưng có một điều lạ là, những năm đầu khó khăn là thế, lận đận là thế, nhưng không có ai rời bỏ nơi này mà đi, bởi ai cũng tin rằng, đất không phụ người, với sự cần cù, chịu thương chịu khó và ý chí vươn lên, cùng sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, cuộc sống sẽ tốt dần lên. Nhất là bây giờ, 2 "nút thắt" lớn nhất là đường giao thông và điện lưới phục vụ sinh hoạt, sản xuất đều đã được tháo gỡ rồi, cuộc sống cũng ổn định hơn.

Đấy, như tay Lương Văn Lê kia kìa - thôn trưởng Hơn chỉ người đàn ông đang gạt chân chống xe máy ngoài sân - từ huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào đây năm 2009. Vợ chồng nhận khoán 2ha cao su, vay 55 triệu đồng mua 2 con trâu và 2 con bò để phát triển chăn nuôi, ngoài ra còn tận dụng đất bờ lô hợp thủy trồng được 3 sào lúa ruộng, 2 sào lúa rẫy, 1ha mì. Cuộc sống khá hơn thấy rõ - thôn trưởng Hơn rủ rỉ.

Và thôn nghèo hôm nay đón một nhóm thiện nguyện "đặc biệt". Gọi là đặc biệt bởi vì họ còn rất trẻ, lại từ tận đẩu tận đâu lặn lội vào đây tặng quần áo ấm, gạo, dầu ăn, bánh kẹo tết cho dân làng.

Đến thôn trưởng Hà Văn Hơn cũng ngạc nhiên: Đường sá xa xôi, mấy anh chị lại lặn lội vào tận đây làm chi cho cực? Tôi cười xòa: Nếu ai cũng nghĩ vậy thì buồn lắm anh ơi.

Những gói hàng, chủ yếu là áo ấm và chăn đắp, chất đầy trên chiếc xe tải nhỏ bắt đầu được chuyển xuống. Bà con cũng xúm vào chuyển giúp. Vừa làm vừa bắt chuyện, nhoáng cái đã râm ran cả lên. Thôi thì đủ cả, từ chuyện chăm sóc vườn cây, như tỉa cành, chống cháy, đến chuyện học hành của con em, rồi chuyện chuẩn bị tết.

Ờ, nghèo thì nghèo, nhưng tết tới thì ăn tết chứ. Cả xóm nuôi được mấy con heo rồi; mai mốt xúm vào sửa sang nhà cửa, để xập xệ vậy coi sao được; rồi bán ít bắp, ít mì sắm đồ mới cho mấy đứa nhỏ, mua ít bánh mứt, thế là có tết. Có tiếng ai đó nói oang oang, làm tiếng cười bung lên.

Những chiếc áo ấm được trao tận tay cho người lớn; những bịch bánh kẹo được phát cho trẻ em. Các chàng trai, cô gái phố thị tưng bừng bên đàn em nhỏ đang hứng khởi với món quà được nhận. Cũng chính họ, suốt mấy đêm liền đã thức trắng để phân loại áo ấm ủng hộ từ nhiều người, giặt giũ sạch sẽ, ủi, gấp phẳng phiu. Của cho đáng quý, nhưng cách cho còn quý hơn.

Gần trưa, thời tiết có ấm hơn, nhưng từng đợt gió núi thổi qua làm ngay cả người lớn mặc hai ba lớp quần áo còn đôi khi run vì lạnh. Thế là những chiếc áo dày dặn được mở ra, khoác lên vai, có tiếng cô bé tíu tít khoe: Vừa như in ấy mẹ. Rồi cười thích thú. Tiếng cười trong trẻo ấy như cơn gió mùa xuân xua tan đi gió lạnh...

Chúng tôi rời thôn 9 khi gió núi mang theo hơi lạnh về đêm của núi rừng bắt đầu thổi ràn rạt trên mái những ngôi nhà vách thưng ván lúp xúp ven đường. Nhìn trưởng thôn Hà Văn Hơn vẫn vẫy tay chào, xung quanh ông, những em nhỏ nhảy nhót vui đùa, tôi chợt mong rằng, sẽ có thêm nhiều việc làm ý nghĩa dành cho người nghèo, để nơi nơi đều là mùa xuân ấm...

Bài, ảnh: Hồng Lam

Chuyên mục khác