Mùa nhọc nhằn của thợ điện

14/08/2017 20:49

​Nhọc nhằn có lẽ đó là từ khái quát tương đối đầy đủ về những vất vả, cực khổ và cả hiểm nguy đối với những người thợ điện trên địa bàn tỉnh. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, họ luôn sẵn sàng nhận lệnh, nhanh chóng lên đường, vượt mọi khó khăn với quyết tâm khắc phục sự cố trong thời gian ngắn nhất để nối thông dòng điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Khó khăn và gian khổ

Hôm ấy là ngày nghỉ, đoán chừng anh Nguyễn Văn Vũ – Tổ trưởng Tổ trực xử lý sự cố (Điện lực thành phố Kon Tum) được nghỉ nên chúng tôi hẹn anh cà phê một chút để chuyện trò chia sẻ về công việc. Ấy vậy mà vừa mới được “dăm câu ba điều”, ly cà phê bưng ra chưa kịp nhấp môi thì nghe có tin nhắn, vậy là anh đành cáo lỗi: Có sự cố, tổng đài 19001909 nhắn tin đến, thôi mình phải đi làm cho kịp. Anh em thông cảm, công việc của bọn mình nó vậy, điện thoại là phải thường trực 24/24, cứ nhận được thông báo là lên đường bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, đến bữa nhiều khi cũng chỉ ăn vội chiếc bánh mì, suất cơm hộp hay gói lương khô để tranh thủ thời gian xử lý sự cố... Vào mùa mưa, sự cố xảy ra liên miên, dày đặc không lường trước được. Làm cái anh thợ xử lý sự cố là luôn phải chạy đua với thời gian để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho khách hàng một cách nhanh nhất, sớm nhất.

Công nhân điện lực Đăk Hà đang sửa chữa hệ thống điện. Ảnh: T.H

 

Nói rồi, anh tất tả phóng xe lên đường. Chứng kiến nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người thợ điện, nghe các anh kể về cuộc sống, công việc mới thấy đối với những người thợ điện có lẽ không chỉ có trách nhiệm mà còn cả lòng say nghề, yêu nghề và sự hy sinh thầm lặng. Với tôi, ấn tượng nhất về hình ảnh những người thợ điện là những khuôn mặt rám nắng, đôi bàn tay chai sần, những bộ quần áo cam bạc màu dần theo thời gian...

Còn nhớ, trận mưa dông hôm trung tuần tháng 7 vừa qua kéo theo mưa lớn, sấm sét và sét đã đánh trúng hệ thống dây trung thế vị trí trước cổng Công ty CP Đường Kon Tum gây mất điện một số phường nội thành và khiến hơn 1.800 khách hàng của thành phố Kon Tum bị ảnh hưởng. Sự cố xảy ra vào khoảng 15h, ngay sau khi mưa dứt, các anh bắt tay ngay vào việc khắc phục đến hơn 19h mới xong. Tuy nhiên, hôm ấy do mưa dông lớn làm nhiều tuyến đường dây hạ thế và dây sau công tơ của khách hàng bị đứt nên sau đó các anh em công nhân của Điện lực thành phố Kon Tum lại phải chia ra từng nhóm để sửa chữa, mãi đến hơn 23h mọi việc mới hoàn tất, lúc đó anh em mới được về nhà. Quần áo ướt rồi khô, ăn uống qua loa, những chiếc xe máy lóc cóc chạy hết từ điểm này sang điểm khác, ai cũng mệt mỏi rã rời, nhưng các anh cứ miệt mài xử lý từng sự cố một theo dòng tin nhắn, xong mỗi điểm, họ lại thở phào nhẹ nhõm.

Huyện Kon Plông là một trong những địa bàn khó khăn bậc nhất của tỉnh, ở đây, công việc của những người thợ điện càng vất vả và gian khổ hơn. Khí hậu Kon Plông tương đối khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài, thường bị ảnh hưởng của mưa bão nên việc quản lý, vận hành đường dây điện gặp rất nhiều khó khăn do hệ thống lưới điện hầu như đi qua các vùng rừng núi. Khi có gió mạnh hay mưa dông thường gây chập điện, mất điện liên tục; trong khi đó, ở vùng rừng núi, địa hình chia cắt, giao thông cách trở khiến việc tìm kiếm điểm phát sinh sự cố và khắc phục sự cố vô cùng khó khăn.

Hơn 13 năm gắn bó với nghề thợ điện, anh Thái Văn Tuấn - Đội trưởng Đội lưới (Điện lực Kon Plông) đã khắc phục không biết bao nhiêu sự cố trên các tuyến đường. Anh Tuấn chia sẻ: Khổ nhất là những lần đi xử lý sự cố sau mưa bão gây sạt lở, đổ cột, lưới điện tê liệt, giao thông đi lại trắc trở; có khi anh em công nhân phải cuốc bộ hàng cây số, dầm mình dưới mưa để khắc phục từng cột trụ, đoạn dây... nhằm sớm đưa dòng điện thông suốt đến mọi nhà. Nhiều khi vừa khắc phục xong sự cố nơi này, chưa kịp về nhà thay quần áo lại nghe có tin báo sự cố nên đi tiếp luôn, khổ nỗi ở Kon Plông địa bàn các xã nằm rất xa nhau, nhiều điểm dân cư nằm tít trên núi cao, đường điện đi qua rừng thẳm, suối sâu... Thế nên, để gắn bó lâu dài với nghề điện có lẽ phải có sự đam mê, không ngại vất vả, áp lực công việc, bởi công việc gần như luôn trong tinh thần sẵn sàng trực chiến, cứ nghe có điện thoại hay tin nhắn thông báo sự cố thì dù là nửa đêm gà gáy gì cũng phải lên đường, băng rừng lội suối, những bữa ăn vội bên cột điện, giữa rừng già đã trở thành quen thuộc.

Mùa mưa bão khi gió lớn, lốc, lũ đổ về, hệ thống lưới điện chịu nhiều tác động; nhiều cột điện, đường dây có khi bị cuốn quật ngã. Và mỗi khi gặp sự cố dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người thợ điện đều phải vác ba lô đồ nghề lên đường, có mặt sớm nhất tại hiện trường để khắc phục sự cố một cách nhanh nhất. Bởi các anh đều hiểu nếu chậm cấp điện trở lại sẽ gây nhiều cản trở cho hoạt động bình thường của người dân và các cơ quan hành chính, kéo theo sự thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng tới sinh hoạt của rất nhiều người.

Niềm vui thầm lặng

Có thể nói, công việc của những người thợ điện phải đối mặt với những áp lực, nguy hiểm khác nhau, nhưng họ luôn có mặt trên từng cây số để bảo trì, xử lý sự cố về điện một cách nhanh nhất; họ lặng lẽ đánh đu trên các cột trụ, bám sát từng đường dây, kiểm tra kỹ lưỡng từng trạm biến áp, cẩn thận với từng ốc vít… để vừa bảo đảm sự an toàn cho mình, vừa thông suốt cho dòng điện. Họ đã trải qua bao nỗi buồn, vui cùng với những đường dây, những cột trụ trên khắp các vùng quê; trong sự vất vả, cực khổ họ cũng có những niềm hạnh phúc.

Công nhân ngành điện khắc phục sự cố lưới điện tại xã Đăk Ring. Ảnh: T.H

 

“Càng ở những vùng khó, bà con càng sống tình cảm và quý thợ điện, họ coi chúng tôi như con cái trong nhà vậy. Lúc đi làm thiếu nhân lực mang vác vật tư, bà con đều xúm lại giúp; nhỡ bữa được bà con nấu cơm cho ăn, lạnh rét được người dân cho mượn áo mặc... Tôi còn nhớ, mùa mưa năm 2014, sự cố sét đánh làm cháy biến áp tại thôn Đăk Phía (xã Ngọc Réo); tuy nhiên, để đưa được trạm biến áp mới vào phải qua suối, kéo lên đồi mà phương tiện, máy móc đều không thể vào được, anh em thì không đủ người. Vậy là già làng huy động hơn 40 người dân cùng với xe bò, xe kéo ra để đưa máy vào. Suốt hơn 1 ngày mới lắp đặt xong biến áp mới, nhưng anh em công nhân luôn được bà con giúp đỡ, động viên tinh thần, mang cơm, nước ra tiếp tế để anh em tập trung làm việc; mệt nhọc mà ai cũng thấy ấm lòng” –anh Hoàng Trần Hiếu, công nhân Điện lực Đăk Hà trải lòng.

22 năm gắn bó với nghề, anh Ngô Văn Kính – Tổ trưởng tổ đo đếm (Điện lực Đăk Tô) thuộc từng thôn làng, từng ngõ xóm như trong lòng bàn tay. Anh gắn bó với người dân Đăk Tô, Tu Mơ Rông từ những ngày gian khó đến giờ, anh được bà con coi như người làng, người nhà mỗi khi anh đến các thôn làng. Theo anh Kính, để được dân tin, dân quý, dân giúp thì đối với cán bộ nhân viên ngành Điện, nhất là những người làm nhiệm vụ ở vùng khó luôn phải 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân và một điều không thể thiếu đó là sự chân tình. Trong quá trình làm việc, gắn bó, vui có, buồn có; thậm chí là có cả tình huống "éo le”, nhưng đọng lại, vẫn là tình cảm chan hòa, mộc mạc giữa nhân dân với thợ điện.

Đặc trưng công việc thì khá giống nhau, nhiệm vụ của người thợ điện thì ở đâu cũng vậy; thế nhưng, tình cảm với người dân thì mỗi người lại có cách xây dựng khác nhau và họ cũng có cách khác nhau để cảm nhận niềm vui, hạnh phúc.

Còn với anh Tô Đông Nam – công nhân Tổ lưới điện tại Ia H’Drai gắn bó với địa bàn từ những ngày mới thành lập huyện, anh hiểu người dân nơi đây thiệt thòi hơn, đến giờ điện lưới mới đang từng bước xây dựng đưa điện lưới Quốc gia đến các thôn làng. Mỗi lần chứng kiến sự kiện điện lưới được đưa đến từng điểm dân cư, kéo đến từng nóc nhà, bà con vui sướng, anh cũng vỡ oà trong niềm vui ấy.

“Mỗi lần chuẩn bị đóng điện, gặp thợ điện là bà con xúm lại hỏi rất nhiều. Rồi khi điện bừng sáng, trẻ con thì reo hò, người lớn thì hớn hở, mình cũng thấy vui lây, lâng lâng hạnh phúc như khi nhà mình có điện. Thế nên, ở đây tuy cuộc sống thiếu thốn, công việc khó khăn hơn nhưng lại có những niềm vui khó có gì sánh bằng” – anh Nam giãi bày.

Biết rằng “làm dâu trăm họ” thì chẳng dễ chút nào; vẫn có những lúc, những nơi một số người dân chưa thực sự thông cảm, chia sẻ với công việc của những người thợ điện; vẫn có những khách hàng chưa hài lòng với ngành Điện; thế nhưng, xét trên bình diện rộng, dù ở địa phương nào, khu vực nào, những người thợ điện hôm nay cũng luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng hầu hết người dân.

Dẫu có nhiều khó khăn, vất vả, có cả thiệt thòi, hy sinh cho công việc, nhưng với những người thợ điện việc đảm bảo cấp điện thông suốt liên tục là niềm vui của họ. Mỗi mùa mưa đi qua, họ lại lặng lẽ đón nhận và khắc phục từng sự cố để đưa dòng điện an toàn, ổn định nhất đến mọi khách hàng.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác