Mùa măng

30/09/2014 15:27

Khi những cơn mưa kéo dài nhiều ngày thấm ướt cánh rừng thì từ các thân cây le già trên các triền núi lại nhú lên những chồi măng đầy sức sống. Với người dân Kon Tum – măng chính là “lộc” của núi rừng ban tặng.

“Lộc” rừng

Từ tháng 5 đến nay, ngày nào cũng vậy, 4 thành viên của gia đình chị Y Khoai ở làng Kon Ra Ktu, phường Thống Nhất, TP Kon Tum đều tranh thủ dậy sớm mang gùi lên núi kiếm măng. Gia đình chị Y Khoai và bà con nơi đây đều tâm niệm, đây là lộc của núi rừng ban tặng cho dân làng, cho những người suốt cả cuộc đời mình gắn bó với núi, với rừng.

Không là lộc của núi rừng cho sao được, khi xong việc rẫy vườn, mỗi gia đình chịu khó kiếm măng đem bán mỗi ngày cũng lo được chuyện ăn, chuyện mặc cho cả nhà. Chị Y Khoai tâm sự: Cả nhà tôi đi từ lúc 4 giờ sáng đến khoảng 2 giờ chiều về, rửa lại cho sạch, xếp măng vào gùi rồi đem ra chợ bán, 4-5 nghìn đồng/xâu, cũng thu được khoảng 100 nghìn đồng.

Không chỉ riêng gia đình chị Y Khoai mà cứ đến mùa măng, nhà nào, làng nào cũng chộn rộn đi hái măng rừng, có nhà để bán, có nhà để ăn. Bởi vậy, vào thời điểm này, cứ chiều chiều, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ, những em bé… gùi những gùi măng nặng trĩu trên lưng, tay cầm những xâu măng đi bán dọc các nẻo đường, ở các chợ, Trung tâm thương mại… Tùy theo kích cỡ mụt măng lớn hay nhỏ mà mỗi xâu măng có số lượng khác nhau, thông thường là từ 2 – 5 mụt. Và, xâu măng nào cũng vậy, trắng nõn, đều tăm tắp, thân mụt măng này được xâu qua thân mụt măng kia bằng sợi dây lạt nhỏ được đặt khéo léo trong tàu lá chuối xanh to gùi ra chợ bán.

Những nụ măng trắng nõn là lộc của núi rừng. Ảnh: L.H

 

“Có thêm thu nhập nhưng cũng vất vả lắm cô. Để hái được măng, vợ chồng tôi đi bộ vào núi Chư Hreng từ sáng sớm với bộ đồ nghề (dao, cuốc, bao…) rồi băng rừng lội suối cả chục cây số đến quá trưa mới về. Đi lên thì đường dốc, đi xuống gùi theo măng nặng, đường mùa mưa còn trơn trượt nữa nên ngã lên ngã xuống là chuyện thường tình. Nặng nhọc, vất vả nhưng ai cũng cố gắng rảo nhanh chân về sớm cho kịp buổi chợ chiều, còn hôm nào về muộn không kịp đem ra chợ phải luộc bán buổi sáng hôm sau, vừa khó bán mà lại mất ngày công hôm sau không đi hái tiếp được” – chị Y Phương, làng Plei Rơ Hai I, phường Lê Lợi bộc bạch.

Tranh thủ mùa mưa nhiều, măng mọc rộ, không chỉ người lớn mà cả các em nhỏ cũng đi kiếm măng để tích góp ít tiền mua sắm các vật dụng chuẩn bị cho năm học mới. Theo em Y Thuận (SN 2000) ở làng Plei Rơ Hai II, phường Lê Lợi (thành phố Kon Tum) thì hôm nào cũng vậy, chúng em xuất phát từ 5 giờ sáng nhưng phải 8 giờ mới lên tới núi. Lâu nhất là thời gian đi tìm kiếm măng. Mấy năm trước, mỗi ngày, Y Thuận bẻ được 30 xâu măng nhưng mùa măng năm nay nhiều nhất cũng chỉ được 20 xâu, có ngày chỉ được hơn chục xâu. Khó kiếm, quãng đường đi xa hơn, vất vả vì đường mùa mưa trơn trượt, lắm lúc còn gặp nguy hiểm vì nhiều rắn rít ẩn nấp trong các lùm cây bụi… nhưng em luôn cố gắng để đỡ đần cho mẹ. Chịu khó thì mỗi ngày em cũng kiếm được trung bình từ 70-80 ngàn đồng. 

Hương vị núi rừng

Với nhiều người dân Kon Tum, mỗi mùa mưa về thì bữa cơm ấm cúng của gia đình không thể nào thiếu món măng le. Bởi, măng chính là loài rau sạch và từ những mụt măng trắng nõn, mũm mĩm ấy có thể chế biến thành bao nhiêu là món ngon. Thông dụng nhất, giữ được nguyên hương vị đặc trưng của măng rừng nhất trước hết phải kể đến món măng luộc chấm mắm nêm, nước mắm. Ngoài măng luộc, để đổi khẩu vị, từ măng có thể làm món măng xào, măng trộn; măng hầm vịt, gà, thịt heo… đều mang lại vị ngon, ngọt hấp dẫn.

Ngon miệng, dễ chế biến nên măng đã “đi vào” các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh và nghiễm nhiên trở thành đặc sản có tên trên những thực đơn sang trọng: măng kho thịt, gỏi măng, bún măng vịt, canh măng chua… Măng còn được nhiều quán phở Bắc “cách điệu” ngâm chua cùng với ớt, tỏi… để thực khách được nếm thử vị chua, giòn của măng khi ăn kèm với  phở Bắc…

Chế biến măng rừng. Ảnh: L.H 

 

Không chỉ chế biến được các món ăn từ măng tươi trong mấy tháng mùa mưa, nhiều nhà còn tranh thủ lúc được mùa măng, mua nhiều làm món măng chua, măng khô... để dành ăn quanh năm. Các thương lái vào mùa này cũng tranh thủ thu gom măng tươi nhập cho các lò sấy măng. Măng khô ở Kon Tum trở thành đặc sản, mềm, ngon đều từ gốc đến ngọn, luôn giữ được màu vàng bắt mắt nên ai đã được ăn một lần đều lưu luyến mãi. Theo các chủ lò sấy măng, măng le khi lấy về được bóc vỏ làm sạch, sau đó cắt bỏ phần gốc, đầu rồi luộc lên, khi măng đã ngả sang màu vàng nhạt cũng là khi măng đã chín, sẽ khứa ra thành miếng rồi xếp ngay hàng thẳng lối và ép nước ra, sau đó mới xếp lên lò sấy bằng than. Măng khô của mùa mới bao giờ cũng ngon hơn và có màu vàng đẹp mắt, để càng lâu thì măng sẽ ngả sang màu đen nên có đắt tiền hơn một chút (320.000đồng/kg vào đầu mùa măng này) nhiều người cứ đến mùa măng cũng phải mua một ít…

Và như đi vào tiềm thức, những ai từng gắn bó với Kon Tum, khi đi xa vẫn nhớ đến mùa măng. Chị bạn của tôi ở Kon Tum hơn chục năm trời, chuyển về đồng bằng công tác, cứ đến mùa măng lại dặn, nhớ làm giúp chị hũ măng chua ăn dần. Chị bảo, đi nhiều nơi, ăn nhiều món ăn khác lạ nhưng chẳng hiểu sao chị vẫn cứ nhớ mãi món măng chua nấu canh cá suối và món măng kho cá hấp bình dị mà sao ấm áp, sum vầy.

Ngay cả người Kon Tum, hết mùa măng tươi, nhiều nhà lại “trữ” măng khô. Đặc biệt là dịp tết, nhà nào cũng tìm mua vài cân măng khô, phần để gửi làm quà, phần để dành hầm chân giò, hầm gà trong mấy ngày tết mới yên tâm. Và rồi, trên những chuyến xe, những xâu măng  tươi, những cân măng luộc, măng khô, những hộp măng chua... đều trở thành món quà đặc sản chứa chan ân tình của vùng núi rừng khi người Kon Tum trở về thăm quê hay của những người miền xuôi lên đây công tác…                                                                            

Liễu Hạnh 

Chuyên mục khác