06/09/2019 13:01
Đã 17 năm qua, kể từ khi lòng hồ Thủy điện Ya Ly tích nước (2002), người dân trong vùng ngập lòng hồ đã dần quen với sự lên xuống đầy vơi của con nước theo mùa và quá trình tích nước của Thủy điện Ya Ly.
Hàng năm, hồ Thủy điện Ya Ly tích nước từ cuối tháng 8, tích dần cho đạt mức dâng ở cao trình 515m vào cuối tháng 11.
Lúc này, không gian lòng hồ trở nên bát ngát, mênh mông, những vách núi cao trầm mặc, in bóng lung linh xuống mặt hồ tạo nên cảnh đẹp huyền ảo như bức tranh thủy mặc. Xa xa, từng đàn cò trắng chao liệng trên mặt nước, tôm cá bơi lượn lờ.
Và thời khắc này là lúc người dân vùng bán ngập lòng hồ Thủy điện Ya Ly vào mùa đánh bắt thủy sản.
Những con thuyền lướt nhẹ trên sóng nước, những lời nói, tiếng cười trên một vùng sóng nước mênh mông… như báo hiệu niềm vui thu hoạch của những ngư dân các làng chài xung quanh vùng bán ngập lòng hồ Thủy điện Ya Ly…
|
Anh Rơ Chăm Tuy, ở thôn Kà Bầy, xa Sa Bình (huyện Sa Thầy) cho biết: Từ khi có lòng hồ này, cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi đây đã có những đổi thay nhất định. Theo sự vận động của chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội, người dân tự giác chuyển đổi ngành nghề đánh bắt thủy sản, chăn nuôi gia súc và sản xuất trên đất bán ngập. Việc đánh bắt thủy sản trên lòng hồ góp phần giải quyết cái ăn cái mặc, tăng thu nhập cho một bộ phận người dân. Đã từ rất lâu rồi, mỗi khi lòng hồ tích nước, người dân chúng tôi lại tíu tít rủ nhau chèo xuồng bủa lưới, giăng câu…
Là người dân có 17 năm trong nghề đánh bắt thủy sản ở khu vực lòng hồ mỗi khi đến “mùa nước nổi”, Huỳnh Văn Cảnh ở thôn Kiến Xương, xã Ya Ly (huyện Sa Thầy) chia sẻ: Thời gian qua, gia đình tôi không phải lo cái ăn cái mặc, ngoài sản xuất nông nghiệp, gia đình tôi có thêm nghề khai thác thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Ya Ly, bình quân mỗi ngày thu được từ 200 – 300 nghìn đồng từ tiền bán tôm, cá. Theo con nước vơi đầy, cứ mỗi năm đánh bắt hai mùa vào tháng giêng đến tháng 3 và từ tháng 8 đến tháng 11. Đánh bắt thủy sản giờ đây đã trở thành nghề chính của gia đình tôi.
Tôi bỏ ra một đêm để theo ông Cảnh tận mắt chứng kiến người dân khu vực lòng hồ Thủy điện Ya Ly đánh bắt thủy sản.
Giữa lòng hồ rộng lớn, ghe của ông Cảnh chầm chậm buông lưới. Sau đó, ông gắn đèn điện chiếu sáng buông thẳng xuống mặt nước để “dụ” cá. Loài “cá cơm nước ngọt” khi nhìn thấy ánh sáng sẽ bơi đến để tìm thức ăn. Ánh sáng từ chiếc đèn pin không chiếu rọi ra xa mà được ngư dân để nằm sàn sàn trên bề mặt nước để thu hút từng đàn cá cơm đua nhau bơi vào. Cứ thế, lũ cá cơm “ăn sáng” bơi vào hết đợt này đến đợt khác, trông thật đã mắt.
Cứ cách khoảng 1 giờ đồng hồ thì ông Cảnh bắt đầu cất lưới lên, công việc cứ lặp đi lặp lại cho đến khi trời hửng sáng mới dừng. Ánh đèn pin chiếu đến đâu, mảnh lưới vớt lên những mẻ cá nặng trĩu. Đàn cá gặp cạn, nảy mình liên tục trên tấm lưới.
Dường như mùa tích nước cũng đang tạo nên niềm vui, sự thích thú trong lớp trẻ và dần thấm vào từng giác quan của lớp thanh thiếu niên ở vùng bán ngập khi cùng cha mẹ đánh bắt thủy sản trên sông nước.
|
Em A Quỳnh ở xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum) khoe: Từ đầu mùa tích nước đến giờ, em bán gần 15kg cá đủ loại, đủ mua sách vở, chuẩn bị cho năm học mới. Mùa tích nước, bọn trẻ chúng em chèo xuồng cùng người lớn xuống hồ giăng lưới, đặt lờ kiếm cá. Thú nhất là lúc chúng em ngồi nghe tiếng cá đớp mồi.
Những người có kinh nghiệm trong nghề cho biết, tùy vào đặc thù của từng vùng nước mà ngư dân có cách “đón luồng” cá để thu được thành quả cao nhất. Có ghe khai thác một đêm được 30-40kg, nếu trúng luồng cá.
Tuy nhiên, với những người nông dân một nắng hai sương canh tác trên vùng bán ngập lòng hồ Thủy điện Ya Ly, mùa tích nước bên cạnh niềm vui có thêm khoảng thu nhập từ đánh bắt thủy sản, còn có nỗi lo âu thu hoạch lúa và hoa màu trước khi tích nước lòng hồ.
Nói đến mùa tích nước, ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Bình Nam, xã Sa Bình thoáng chút trầm ngâm, cho biết: Trồng trọt trên vùng bán ngập phải biết tính được thời điểm nước cạn, nước đầy. Trước đây, bà con nông dân chúng tôi chỉ dám gieo bắp để nhanh cho thu hoạch và tránh lúc con nước lên bất ngờ. Thời điểm lòng hồ tích nước, dù lúa còn xanh, mì còn non, chúng tôi cũng phải thu hoạch, nên giá trị cây trồng bán ra không cao, vì không đủ thời gian chín. Như cây mì, chất lượng bột chỉ đạt 70%. Sau một thời gian quan sát, bà con chúng tôi mới canh đúng thời điểm nước lên xuống để tính vụ gieo trồng. Hiện nay, trên vùng bán ngập, chúng tôi đã trồng cây hàng năm như mì, bắp. Tuy nhiên, canh tác trên vùng bán ngập, gặp nhiều rủi ro hơn, không lường trước được…
Dù muốn hay không, người dân vùng ngập lòng hồ Thủy điện Ya Ly phải sống chung với mùa tích nước. Ngoài tiềm năng về thủy điện và đánh bắt thủy sản, lòng hồ Thủy điện Ya Ly còn có tiềm năng rất lớn đó là du lịch và nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, cư dân sống xung quanh khu vực lòng hồ chủ yếu là đánh bắt cá chứ chưa kết hợp với nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phát triển các loại cây rừng ngập nước như đước, tràm, sú, vẹt, dừa nước... để làm phong phú thêm thảm thực vật và chống sạt lở lòng hồ.
Hy vọng, trong tương lai không xa, lòng hồ Ya Ly sẽ được tận dụng và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, để rồi, mỗi mùa tích nước, lòng hồ Thủy điện Ya Ly lại đón thêm những du khách đến với vùng đất Kon Tum nhiều nắng, nhiều gió và ấm nồng tình người này.
Dương Lê