29/10/2018 20:39
Không hiểu sao, cứ nhắc đến những người lính Biên phòng, tôi lại thấy bồn chồn; từ thẳm sâu như có điều gì đó dội lên, thôi thúc tôi khoác ba lô, vượt đèo, băng núi để đến với các chiến sĩ Biên phòng ở các xã khu vực biên giới.
Lần này, hành trình của tôi là về với Đồn Biên phòng 673 - đơn vị đóng chân trên địa bàn xã Đăk Long (huyện Đăk Glei) - một chuyến đi mang nhiều cảm xúc với những trải nghiệm thú vị.
Và rồi, trước mắt tôi lại hiện lên hình ảnh Thượng tá Hoàng Ngọc Thắm - Đồn trưởng Đồn Biên phòng 673 đứng nơi đầu dốc vẫy tay chào giữa cơn gió thổi lồng lộng trong một chiều vùng biên giới vào cuối mùa Thu.
Ấy là một chiều cuối tháng 10.
Thời tiết nơi đây đang “trở mình”, dấu hiệu chuyển mùa rõ rệt, trời đất vùng biên Đăk Long bỗng se se lạnh, thỉnh thoảng lại có những cuộn gió thốc tới, hất tung lá vàng. Chiếc xe cọc cạch vượt qua con đường độc đạo vào Đăk Long, đến cổng Đồn Biên phòng bỗng nhiên chiếc xe trở chứng tắt lịm.
Tôi đứng nhìn theo con đường cứ hun hút chạy lên hướng Bắc, nó nối thông với đường tuần tra biên giới rồi ra sát ngoài biên, nhìn sang bên kia là cụm bản Văng Tắt, huyện Sản Xay, tỉnh Attapư của nước bạn Lào.
Những cái ôm, những cái bắt tay thật chặt nói thay tình cảm của anh em ở Đồn Biên phòng 673 dành cho khách. Thiếu tá, Đồn phó Nguyễn Minh Hùng còn khá trẻ cười cười: Nghe tin các anh đến, anh em cứ mong mãi...
Những người lính Biên phòng "nơi đầu sông đầu suối" giản dị mà thân thuộc vậy đấy.
Với Đồn Biên phòng 673, tôi vốn có nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có. Và cho đến bây giờ, tôi vẫn còn ngán ngại những ngày luồn rừng, vượt núi truy quét vàng tặc, lâm tặc.
|
Ở các đồn khác thì tôi không rõ lắm, chứ riêng ở Đăk Long trước đây các đối tượng từ nơi khác đến lén lút khai thác vàng, gỗ trái phép… làm cho tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới Đăk Long thường “nóng”.
Những dãy núi chạy dài trên biên giới Việt Nam – Lào có mấy khi vắng bóng những "chuột chũi" đào khoét, cưa cắt. Vì vậy, các chiến sĩ của Đồn Biên phòng 673 luôn luôn phải ở trong tư thế truy quét không ngừng nghỉ mới bảo đảm bảo được an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thượng tá, Đồn trưởng Hoàng Ngọc Thắm về nhận nhiệm vụ đúng vào những ngày "nóng" nhất - tháng 12/2017; tiếp đó là Thượng tá, Chính trị viên Nguyễn Văn Ngự, rồi Thiếu tá, Đồn phó Nguyễn Minh Hùng, Đại úy, Đồn phó nghiệp vụ Bùi Xuân Chiến cũng lục tục từ các đơn vị khác được điều động về.
"Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là nhanh chóng ổn định tổ chức, tư tưởng, siết chặt đội hình, an tâm công tác. Thật tình, đều là "lính chiến" cả, có ai mà không trải qua rèn giũa, nên mọi chuyện cũng nhanh chóng đi vào nề nếp anh ạ" - Đồn trưởng Hoàng Ngọc Thắm rủ rỉ như vậy.
Nghe cứ nhẹ như không, nhưng tôi biết, đó là một "cuộc chiến" khó khăn. Đau khi phải xử lý sai phạm của đồng đội mình; gian nan khi phải chiến thắng chính mình. Vượt qua gian khó là chuyện thường, nhưng vững lòng những "viên đạn bọc đường", những cạm bẫy "ngọt ngào" để lấy lại niềm tin về một "lá chắn thép nơi biên cương" không phải là một chuyện đơn giản.
Tôi khẽ nắm bàn tay anh. Bàn tay thô ráp, xù xì nhưng mạnh mẽ, cứng cáp của gã trai vùng biển Thanh Hóa, từng nằm đồn cắm làng nhiều xã biên giới, và bây giờ đây đang "ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân" tại mảnh đất biên giới Đăk Long.
Cuộc trò chuyện kéo dài về nhiều vấn đề, từ công việc, sinh hoạt hàng ngày, đến tuyên truyền, vận động nhân dân, kể cả những tâm tư, tình cảm sâu kín. Có những vấn đề lời nói hay văn bản đều không thể thể hiện hết được, có những điều chỉ có thể cảm nhận từ trái tim mình. Nhưng các anh tin nhân dân và Tổ quốc sẽ nhận biết, ôm vào lòng, sẻ chia và tiếp sức cho người lính ở những chặng đường phía trước.
Ngồi bên tôi, Đại úy, Đồn phó nghiệp vụ Bùi Xuân Chiến ít nói lắm. Suốt buổi chiều, anh chỉ nói mấy câu. Có những việc, tôi biết anh không thể cung cấp cho chúng tôi. Mà cũng đúng, ở nơi biên giới, không có đất cho những lời lẽ văn hoa, vì chúng không thật cần thiết. Những thứ phù phiếm khác cũng vậy, chúng luôn xa lạ với những người lính Biên phòng.
Từ đáy lòng, tôi thật sự khâm phục "lính 673" (và tất nhiên, cả những đồn khác), bởi họ không chỉ đơn thuần là làm nhiệm vụ cầm súng bảo vệ biên cương Tổ quốc, mà họ phải làm "tất cả những gì có thể làm"- như lời nói vui của Đồn trưởng Hoàng Ngọc Thắm.
Đồn Biên phòng 673 quản lý địa bàn xã Đăk Long (huyện Đăk Glei) với 9 thôn, có 1.310 hộ gia đình (5.509 khẩu) và 24,1km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Địa bàn thì rộng, tình hình trật tự trị an diễn biến phức tạp đang là những khó khăn thách thức không nhỏ đối với các chiến sĩ ở đây.
Những năm qua, ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, cán bộ, chiến sĩ ở đây đã không ngừng tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Đồn và cấp ủy, chính quyền xã Đăk Long trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự, an ninh chính trị địa bàn.
Đấy, như Thiếu tá A Tỉnh bây giờ, đã được bầu vào cấp ủy đảng và là Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Long. Gặp anh tại lễ khởi công nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách ở thôn Vai Trang, anh cũng chỉ kịp bắt tay, rồi túi bụi với "Công việc cứ cuốn đi, kể cả công việc của địa phương và công việc của Đồn Biên phòng 673; cả hai nhiệm vụ đấy bản thân phải phấn đấu hoàn thành tốt. Nhiều lúc giật mình tôi tự hỏi mình, thế mình là cán bộ xã hay là sĩ quan Biên phòng ?"- anh tếu táo.
"Nói vui vậy thôi, chứ nhiệm vụ nào cũng nhằm góp phần giữ gìn bảo vệ an ninh chính trị khu vực vùng biên giới xã Đăk Long- nơi đơn vị làm nhiệm vụ" - Thiếu tá A Tỉnh bộc bạch.
Trạm xá quân dân y kết hợp vẫn hoạt động tốt, tổ chức khám và chữa bệnh cho hàng ngàn lượt người. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, Trạm xá quân dân y kết hợp đã tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho 4.424 lượt người; phối hợp tổ chức 12 đợt tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh.
Thực hiện chương trình “Bộ đội biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 673 đã cùng với nhân dân làm đường giao thông nông thôn; dọn vệ sinh thôn, làng, vệ sinh trường học; tu bổ, sửa chữa nhà rông văn hóa, vận động nhân dân đóng góp kinh phí sửa chữa cổng chào các thôn; vận động xây dựng gia đình văn hóa, cho con em đến trường học chữ…
Nhắc tới chuyện học ở Đăk Long, tôi nhớ rằng, từ năm 1997 trở về trước, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 673 chính là những thầy giáo dạy chữ cho các cháu và bà con dân làng.
Trong ký ức của nhiều người dân Đăk Long, Bộ đội Biên phòng 673 làm thầy giáo từ năm 1992 đến năm 1997, khi ngành Giáo dục có đủ giáo viên vào mở lớp. Các thầy giáo mang quân hàm xanh đã tổ chức được 25 lớp, trong đó có 16 lớp từ lớp 1 đến lớp 4, với gần 600 cháu biết đọc biết viết.
Tin yêu "bộ đội 673", nhiều hộ gia đình ở Đăk Long làm lễ kết nghĩa với cán bộ, chiến sĩ của Đồn. Với sự giúp đỡ của "anh em kết nghĩa", một số hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở xã Đăk Long mạnh dạn thực hiện các mô hình sản xuất mới, như mô hình trồng bời lời ở thôn Đăk Ák, Dục Lang; mô hình cà phê tại thôn Măng Tách.
Chính vì vậy, không có gì bất ngờ khi người dân Đăk Long nói "mình tin và làm theo bộ đội 673 vì các anh thường nói điều hay, lẽ phải".
Đang trò chuyện thì tiếng kẻng vang lên...
Ngoài sân đã nghe rậm rịch bước chân. Những chiến sĩ làm nhiệm vụ tuần tra chuẩn bị xuất phát. Nào, ba lô trên vai, súng trên tay, quần áo, tư trang sẵn sàng...
Chiến sĩ trẻ A Khiêu rập gót chân, ưỡn ngực chào theo quân lệnh. A Khiêu ở xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, nhập ngũ đầu năm 2017. Nhìn chàng trai người H'Lăng vạm vỡ, nhanh nhẹn, ăn nói chất phác, tôi nhận ra ẩn chứa đằng sau cặp mắt sáng là một trái tim nóng. Trực cảm của người viết đã nói cho tôi điều đó.
Ánh nắng chiều muộn hắt xuống sân Đồn, bóng núi thâm thẫm, mênh mông... Chỉ còn vài tháng nữa là A Khiêu xuất ngũ để về với cô bạn gái có giọng hát mê người ở nhà. Và lại sẽ có một lớp người trẻ tuổi được nhập vào "ngôi nhà 673" để rèn luyện. Mùa nối mùa đơm hoa kết trái, người nối người bảo vệ biên cương...
Thành Hưng