Miệt mài giữ nghề thổ cẩm

18/02/2021 06:02

Buổi sáng, khi ông mặt trời vừa nhô lên khỏi rặng núi trước làng, nhiều bà, nhiều chị người dân tộc Gia Rai ở làng Rắc, xã Ia Xiêr, huyện Sa Thầy miệt mài ngồi dệt thổ cẩm. Không chỉ có một hai người, ở làng Rắc có hàng chục chị em vẫn thường xuyên gắn bó và giữ nghề dệt thổ cẩm.

1. Thấy tôi đến thăm, chị Y Bloi ở làng Rắc mỉm cười thay lời chào. Tay vẫn không rời khung dệt, chị bảo tranh thủ lúc nông nhàn, dệt thổ cẩm để kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống. Nghề dệt gắn bó với chị như mối “duyên nợ”, nếu nghỉ vài ngày không dệt, chị cảm thấy trong lòng bứt rứt. 

“Nếu không chịu khó, không giữ được thói quen dệt thổ cẩm, đến một lúc, chị sợ mình sẽ không còn gắn bó với nó nữa. Nếu so với công việc khác như nhổ cỏ mì, nhổ mì, chăm sóc cà phê, cạo mủ cao su..., việc dệt thổ cẩm không có thu nhập bằng. Tuy nhiên, việc dệt thổ cẩm cho chị niềm vui, làm sống lại những kỷ niệm đẹp một thời, lưu giữ lại những trị truyền thống của người Gia Rai”- Chị Y Bloi trải lòng.

Chị Y Hlưm (ngoài cùng bên phải) dệt thổ cầm bằng sợi bông do mình làm. Ảnh: V.N 

 

Dõi mắt về một khoảng lặng xa xăm, chị Y Bloi ôn lại thời quá vãng: Ngày trước, người phụ nữ Gia Rai ở làng Rắc ai cũng biết trồng bông, xe sợi và dệt thổ cẩm. Cũng như các cô gái trong làng, khi mới mười mấy tuổi, chị đã tập tành học dệt thổ cẩm. Và rồi được mẹ, bà chỉ dạy, chị sớm dệt được thổ cẩm. Khi có chồng, chị dệt thổ cẩm thành thạo. Các bà, các mẹ sợ nhất là con gái kém cỏi, không biết dệt thổ cẩm, khó lấy được chồng. Bởi vậy, các bà, các mẹ thường sớm có ý thức dạy cho con cháu xe sợi, dệt thổ cẩm. Còn con trai thì được ông, cha dạy cho cách đan gùi, giỏ...; cách bẫy bắt con chuột trên rẫy, con thú trong rừng.

Tuy nhiên, theo thời gian, khi kinh tế phát triển, áo quần trên thị trường rẻ, các gia đình dùng tiền mua áo quần, chăn đắp... Việc dệt thổ cẩm trong làng của người phụ nữ Gia Rai ở làng Rắc giảm dần. Có thời điểm không còn người dệt. Trước nguy cơ nghề dệt bị thất truyền, nhiều chị em trong làng bảo ban nhau khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm. Theo đó, trong làng có khoảng 25-30 chị em phụ nữ khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm. Đây là con số đáng mừng so với một số làng việc dệt thổ cẩm của đồng bào DTTS gần như bị lãng quên. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là người dệt thổ cẩm chủ yếu là lớp người lớn tuổi, trong khi lớp trẻ vẫn còn thờ ơ với nghề dệt. 

Xem hoa văn và sắc màu các sản phẩm thổ cẩm của các chị em làng Rắc dệt, tôi nhận thấy thổ cẩm ở đây tuy không sặc sỡ, nhưng lại khá tinh tế và đa dạng. Có hàng chục kiểu hoa văn khác nhau, nhưng phổ biến nhất là những hoa văn hình vuông, thoi, tam giác, mắt chim, xoắn, chân rết, úp móc nhau... Sắc màu trên các hoa văn thường là hồng, vàng, tím, trắng... tươi sáng được kết hợp một cách hài hòa và trang nhã trên nền xanh đen, xanh thẫm. Các hoa văn này, tôi cũng thường thấy trên thân neo, gùi... của người Gia Rai. Tuy nhiên, các hoa văn trên tấm thổ cẩm tinh tế, uyển chuyển và đẹp hơn.

2.  Nghe tôi hỏi cặn kẽ về dệt hoa văn, bà Y Blét - một trong những người dệt đẹp, cởi mở: Khó nhất trong thổ cẩm là bắt chỉ dệt hoa văn. Muốn dệt được các hoa văn, người dệt phải hình dung rõ từng loại hoa văn và thể hiện nó qua việc bắt chỉ. Khi hình dung các hoa văn trong đầu và bắt chỉ được rồi, người dệt cứ thể mà dệt. Đánh giá một tấm thổ cẩm có giá trị, ngoài sợi chỉ mịn màng, còn phải ngắm các hoa văn có sắc nét, cân đối, hài hòa... trên nền vải hay không. Chỉ có những người gắn bó lâu năm với nghề, yêu nghề... mới có thể dệt được tấm thổ cẩm có hoa văn mang nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh. 

Hoa văn trên thổ cẩm của chị em làng Rắc khá tinh tế. Ảnh: V.N 

 

“Việc dệt nên một tấm thổ cẩm đẹp, có nhiều hoa văn thường mất nhiều thời gian. Bây giờ công việc nương rẫy nhiều, chị em thường chỉ tranh thủ dệt lúc nông nhàn và mất khoảng 1 tháng để dệt nên tấm thổ cẩm có hoa văn đẹp. Giá bán một tấm thổ cẩm có hoa văn đẹp dùng làm khăn choàng,  may váy, áo... chỉ khoảng 1 triệu đồng. Nếu chỉ nghĩ về hiệu quả kinh tế thì không dệt được đâu!”- bà Y Blét giãi bày.   

Thật vậy! Bây giờ chỉ cần vài trăm ngàn là có thể mua được bộ đồ đẹp bằng nhiều chất lượng vải khác nhau trên thị trường. So với vải hay áo quần từ các thương hiệu bày bán trên thị trường ở khu vực ngã ba Ia Xiêr, Trung tâm Thương mại huyện, chợ phiên Sa Thầy, thì sản phẩm thổ cẩm do các mẹ, các chị em ở đây dệt có giá cao hơn. Do vậy, việc sản xuất sản phẩm thổ cẩm ở làng Rắc được khôi phục, nhưng việc tiêu thụ còn gặp khó khăn. Vì thế, các sản phẩm thổ cẩm được các bà, các mẹ, các chị dệt chủ yếu là cho con cháu trong nhà và dùng làm hàng hóa để trao đổi. Nhiều mẹ, chị cung ứng sản phẩm cho Hợp tác xã Hoa Plang ở thị trấn Sa Thầy, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm còn chậm. 

Điều đáng mừng là kể từ khi nghề dệt thổ cẩm được khôi phục, người Gia Rai ở làng Rắc và các địa phương lân cận chú ý hơn cách ăn mặc theo trang phục truyền thống.

Trong các ngày lễ hội như mừng lúa mới, ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư, mừng năm mới..., người Gia Rai ở địa phương thường diện sản phẩm thổ cẩm. Việc dùng trang phục từ thổ cẩm, nhất là trong việc thực hiện các nghi thức trong lễ hội truyền thống như là cách để dân làng kết nối, giữ gìn và tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc mình. 

Đặc biệt, không chỉ mua chỉ, mua sợi len về dệt thổ cẩm, chị Y Hlưm (làng Rắc) còn tự trồng bông, se sợi dệt thổ cẩm. Miệt mài bên khung dệt, chị Y Hlưm tự hào khoe: Tấm vải thổ cẩm chị đang dệt đây là gia đình tự trồng bông, se sợi. Thổ cẩm bằng sợi bông mềm mại hơn thổ cẩm bằng chỉ, bằng len. Giá trị tấm vải thổ cẩm bằng bông cao hơn so sợi chỉ, sợi len.

“Tuy nhiên, việc trồng bông, se sợi dệt vải bằng phương thức thủ công truyền thống mất rất nhiều thời gian. Chị cũng lớn tuổi rồi, không biết mai này con cháu và người làng có ai còn trồng bông, se sợi và dệt thổ cẩm bằng bông nữa hay không?”- Y Hlưm chia sẻ. Nhìn cách trân quý thổ cẩm bằng sợi bông, tôi hiểu tấm lòng chị. Và sự lo lắng của chị Y Hlưm như là câu hỏi đặt ra từ thực tế.

Hẳn nhiên, trong quá trình phát triển, có nghề tiếp nối, phát triển và đi lên, nhưng cũng có nghề lụi tàn. Đó là quy luật. Tuy nhiên, tôi tin với ý thức phát triển nghề dệt và nếu như được các cấp chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chị trồng bông và đi sâu vào việc tạo ra các sản phẩm tinh xảo và đa dạng (áo, quần, ví, túi xách tay...) gắn với các điểm du lịch ở địa phương thì thổ cẩm sẽ có điều kiện để phát triển và các bà, các mẹ, các chị sẽ còn có cơ hội miệt mài bên thổ cẩm. 

Văn Nhiên

Chuyên mục khác