Miên man eo cá lòng hồ Ya Ly

11/08/2020 13:01

Lòng hồ thủy điện Ya Ly có nhiều loại cá có giá trị kinh tế như lăng nha, anh vũ, thát lát, bống tai tượng... Cá lòng hồ dù là cá tự nhiên hay cá nuôi đều nổi tiếng thơm ngon. Được sự hỗ trợ của chính quyền, nhiều hộ dân làng Chờ phát triển mạnh nghề cá, từng bước xây dựng thương hiệu để đưa cá lòng hồ Ya Ly đi xa.

Lấy cá nuôi cá

Không hiểu sao, tôi lại có duyên nợ với xã Ya Ly, huyện Sa Thầy. Cứ lâu không đến lại thấy nhớ, lại thấy như mình đang thiếu một cái gì đó. Đành rằng làm nghề báo là phải đi, phải đến nơi có nhiều nguồn thông tin để viết; nhưng đến với Ya Ly, tôi như thấy mình được trở về.

Lần này về với xã Ya Ly, tôi không đến thăm các vườn cây ăn quả, các vườn cà phê, cao su xanh tốt... để được trò chuyện, để được thả lòng cùng các nông dân chân chất, hào sảng mà là đến thăm sông nước lòng hồ.

Mọi năm vào thời điểm này, khu vực vùng bán ngập lòng hồ ở xã Ya Ly mênh mông nước, nhưng năm nay do nắng hạn, lượng mưa ít, mực nước lòng hồ xuống thấp, nhiều nơi, lòng hồ cạn phơi đáy. Tuy nhiên, tại eo bến làng Chờ, xã Ya Ly nước sâu như một cái vịnh vẫn còn bảo đảm cho việc nuôi cá. Các hoạt động đánh bắt và nuôi thủy sản vẫn diễn ra nhộn nhịp.

Trên một nhà bè, chị Hà Thị Hường (người gốc Huế) có thâm niên trong nghề đánh bắt cá lòng hồ chia sẻ: Ít có năm nào thời tiết diễn biến bất thường như năm nay. So với mọi năm, mực nước lòng hồ năm nay thấp hơn từ 4-5 mét. Trời không mưa, cá thiếu nguồn nước để sinh sản, việc đánh bắt cá thua mọi năm. Cứ kiểu này, gia đình em chuyển sang nuôi cá như các thành viên trong Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản lòng hồ thủy điện Ya Ly.

Hóa ra, chị Hường không phải là người nuôi cá mà là người bán cá cơm cho các thành viên trong Tổ hợp tác. Chị bảo rằng, mình đến đây để bán cá cơm, cá mương cho chị Lê Hồng Thanh nuôi cá. Trong việc đánh bắt cá, chị chuyên đánh bắt cá bằng công cụ lưới bát quái và dủi. Lưới bát quái thả xuống đáy lòng hồ dùng để bắt các loại cá bống và tôm. Còn dủi là để bắt cá cơm, cá mương.

Không dối lòng, chị Hường cho biết mình rất thích nuôi cá, nhưng chưa có điều kiện. “Thấy các anh, các chị trong Tổ hợp tác nuôi cá thành công, em muốn lắm. Cứ bôn ba nay đây, mai đó trên lòng hồ - Rõ khổ! Khi mô hình Tổ hợp tác mở rộng, thành lập Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản lòng hồ thủy điện Ya Ly, em xin đăng ký “một chân” trong Hợp tác xã” – giọng Huế trầm ấm, chị Hường giãi bày.

Nghe chị Hường giãi bày, chị Đỗ Thị Mùi ngồi bán cá cơm cho chị Lê Thị Hồng Thanh lên tiếng: “Cho xin thêm “một chân” trong Hợp tác xã nhé!”.

Không giấu được niềm vui, chị Thanh cười, xởi lởi: Thì sắp đến vào Hợp tác xã. Như nhà tui đây, có 3 cái thuyền, nhưng kể từ khi tham gia thành lập Tổ hợp tác, nhận lồng của xã về nuôi cá, tui tập trung cho nuôi cá, ít bươn chải việc đánh bắt. Cuộc sống đỡ vất vả, thu nhập từ nuôi cá lại cao hơn.

Ếch nổi kín mặt nước lồng nuôi. Ảnh: VN

 

Theo lời chị Thanh kể, lứa cá đầu tiên năm 2019 mặc dù nuôi chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng sau 5 tháng nuôi 9 lồng cá lóc, chị thu 14 tấn. Cá lóc bán tại thời điểm đó 48 nghìn đồng/kg, chị thu về trên 670 triệu đồng; trừ chi phí, còn lãi ròng trên 140 triệu đồng. Thành công của việc lấy cá nuôi cá của chị Thanh củng cố thêm niềm tin cho các vị lãnh đạo xã giúp Tổ hợp tác hướng đến thành lập Hợp tác xã.

Đưa cá lòng hồ đi xa

Tuy mới trải qua một lứa cá, nhưng hiện nay, chị Thanh cùng chồng là anh Võ Đình Sơn có khá nhiều kinh nghiệm nuôi cá. Trao đổi về kỹ thuật nuôi cá, chị Thanh nói như một chuyên gia. Như để chứng minh lời mình, nói đến đâu, chị đem ra cho tôi xem nào là thuốc phòng bệnh, men tiêu hóa, thuốc bổ (vi ta min)... nuôi cá.

“Đừng nghĩ con cá ở dưới nước ít bệnh. Cá cũng có nhiều thứ bệnh như: đường ruột, bệnh ghẻ bông gòn, nấm, trùng neo sống ký sinh... gây hại. Lứa đầu tiên nuôi cá, thấy cá bị bệnh gì, tôi gọi điện về quê (quê chị ở tỉnh Hậu Giang) nhờ các hộ có nhiều kinh nghiệm nuôi cá hướng dẫn cách trị bệnh. Đồng thời, các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Miền Trung tư vấn kỹ thuật thêm, công việc nuôi cá mới thuận lợi. Không nắm được bệnh và cách phòng trị bệnh cho cá thì việc nuôi cá khó thành công” - chị Thanh bộc bạch.

Không giấu nghề, hiện nay, có ai hỏi về kỹ thuật nuôi cá anh chị sẵn lòng chỉ bày tường tận. Các loại cá được gia đình anh chị nuôi nhiều hiện nay là: lóc, thát lát, diêu hồng và ếch. Tỷ lệ các loại cá nuôi trong lồng năm nay không những sống cao gấp ba năm ngoái, khỏe mạnh mà còn lớn nhanh hơn.  

 “Con cá lòng hồ Ya Ly dù là cá tự nhiên hay cá nuôi đều có tiếng thơm ngon. Thịt cá nuôi chất lượng không thua kém cá tự nhiên do các hộ nuôi cho cá ăn cá cơm, cá mương, ít cho cá ăn thức ăn công nghiệp. Cá lòng hồ thủy điện Ya Ly loài nào cũng ngon, từ lâu đã có thương hiệu”, chị Mùi quả quyết.

Nghe nói về thương hiệu, anh Võ Đình Sơn trầm ngâm và thể hiện quyết tâm: Phải đa dạng các loại cá, nhất là các loại cá có giá trị kinh tế cao và thuộc hàng đặc sản như thát lát, cá bống tai tượng, cá lăng nha... có thế mạnh ở lòng hồ. Sắp đến, tôi có kế hoạch nuôi thêm cá chình, cá lăng nha. Phải thu hút thêm nhiều hộ trong làng cùng phát triển. Phải thành lập Hợp tác xã nuôi cá theo chủ trương của xã và mở rộng hướng tiêu thụ chứ không chỉ có 6 thành viên như Tổ hợp tác hiện nay. Cùng với chính quyền địa phương, mình phải đưa thương hiệu con cá lòng hồ Ya Ly vươn xa.

Lòng hồ thủy điện Ya Ly nổi tiếng là cá lăng nha, cá anh vũ, cá thát lát, cá bống tai tượng, cá mè dinh... Cá lăng nha, cá anh vũ khi đánh bắt được các ngư dân thường bán cho các mối lái bỏ nhà hàng. Cá thát lát, cá bống tai tượng, cá mè dinh... tự nhiên cũng có giá trị kinh tế cao, nhưng rẻ hơn cá lăng nha, cá anh vũ và người dân bình thường vẫn mua được. Cá thát lát tự nhiên trong lòng hồ Ya Ly thân màu trắng bạc, nhỏ hơn cá nuôi. Thịt cá thát lát tự nhiên dai hơn, khi nấu chín có mùi thơm. Còn cá bống tai tượng, cá mè dinh lòng hồ khi nấu chín thịt mềm, béo và thơm ngon...        

Kế hoạch mở rộng việc nuôi cá, phát triển các loài cá và thành lập Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản lòng hồ thủy điện Ya Ly được các thành viên trong Tổ hợp tác và UBND xã Ya Ly cân nhắc.  “Khi thành lập Hợp tác xã, UBND xã hỗ trợ việc quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Còn tôi sẽ mua ô tô thu gom cá, đưa cá lòng hồ đi các địa phương tiêu thụ. Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm kéo điện 3 pha ra eo cá làng Chờ để giúp các hộ phát triển nghề cá được thuận lợi” - anh Sơn kiến nghị.

Gắn bó và giúp người dân thành lập Tổ hợp tác, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND xã Ya Ly rất vui khi thấy việc nuôi cá để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương đang diễn ra thuận lợi. Ông Anh cho biết: Việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện YaLy là chủ trương nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. 19 lồng cá các hộ đang nuôi hiện nay là từ Dự án "Xây dựng mô hình thương phẩm một số đối tượng cá kinh tế trên hồ chứa thủy điện Plei Krông, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy" do khu vực nuôi không còn phù hợp, UBND xã Ya Ly xin UBND huyện chuyển về địa phương năm 2019. Sau khi nuôi thí điểm 9/19 lồng cá thành công, các hộ tự đóng thêm lồng và nâng số lồng đang nuôi hiện nay lên 29 lồng.

Việc nuôi cá của các hộ năm nay được UBND huyện hỗ trợ 85.000 con cá giống (65.000 con cá lóc và 20.000 con cá thát lát), thức ăn và chuyển giao kỹ thuật nuôi cá cho các hộ thông qua Dự án Hỗ trợ phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ, chế biến sản phẩm nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện huyện Sa Thầy do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm chủ đầu tư và Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Miền Trung chủ trì thực hiện. Cá nuôi của Dự án đang phát triển tốt.

“Dự kiến cuối năm nay, UBND xã sẽ phối hợp với các hộ dân đưa con cá lòng hồ Ya Ly tham gia dự thi Chương trình Phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh và góp phần giới thiệu, giúp các hộ kết nối tiêu thụ cá”- ông Anh nêu lên quyết tâm của xã.

Miên man với lãnh đạo xã và người dân tại eo cá làng Chờ lòng hồ thủy điện Ya Ly, tôi như thấy mình đang hòa với sông nước Ya Ly.

VĂN NHIÊN

Chuyên mục khác