Miến dong thủ công tất bật vào tết

31/01/2018 08:05

Sang tháng Chạp, cơ sở miến dong của ông Nguyễn Nhân ở thôn Phương Quý I, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum lại tất bật, hoạt động hết công suất để đảm bảo lượng hàng tết.

Hoạt động hết công suất

Những ngày giáp tết, tình cờ ghé đến cơ sở sản xuất miến dong của ông Nguyễn Nhân, chúng tôi như bị quay cuồng trong vòng xoáy công việc nơi đây.

Dưới cái nắng như đổ lửa, các nhân công, mỗi người một công đoạn, ai nấy đều tất bật lọc bột, ép miến, phơi miến…

“Cả tháng nay chúng tôi hoạt động hết công suất, mỗi ngày cố gắng cho ra lò khoảng 60kg miến khô để đáp ứng nhu cầu của thị trường” – ông Nhân - Chủ cơ sở chia sẻ.

Việc làm miến dựa vào thời tiết nên thông thường, một năm cơ sở của ông Nhân chỉ hoạt động từ tháng 9 âm lịch đến tháng 4 âm lịch năm sau và trữ hàng để bán trong năm. Tuy nhiên, những tháng 10-12 âm lịch là thời điểm cơ sở hoạt động mạnh.

Hiện tại cơ sở có tất cả 6 nhân công làm cả ngày nhưng ông Nhân cho biết vẫn thiếu 2 nhân công nữa mới đủ sức sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Năm ngoái đến 20 tháng Chạp đã hết miến, bạn hàng gọi “đòi” hàng quá trời nhưng không có. Năm nay tôi mua nhiều bột để làm nhưng lại thiếu nhân công. Chúng tôi cứ cố gắng tận dụng thời gian trong ngày, làm để đủ sản phẩm đáp ứng” – ông Nhân nói.  

Làm miến dong thủ công với nhiều công đoạn vất vả

 

Đến thời điểm hiện tại, cơ sở của ông đã nhận được rất nhiều đơn hàng từ Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy và ở các tỉnh bạn: Gia Lai, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Trước nhu cầu của người dùng, cứ 4h sáng, vợ chồng ông phải chạy xe, đi giao hàng rồi trở về để kịp làm. “Ngày nào cũng làm từ tờ mờ sớm đến tối mịt mới xong. Tết năm nào cũng làm “tối đen con mắt” – ông Nhân cười.

100% bột dong loại nhất

Cầm những bó miến dong được bó bằng dây chuối để tặng khách, ông Nhân cười phấn khởi: Cái dây chuối hột bó miến là “mật mã” đó. Cầm bó miến lên, nhìn vào dây chuối, người dân biết ngay là miến ông Nhân.

Sở dĩ phải dùng “mật mã” vì ông Nhân lo sợ miến của gia đình bị nhầm lẫn so với các loại miến khác.

“Miến của gia đình tôi được làm với nguyên liệu 100% là bột củ dong (củ chuối) và các khâu làm rất an toàn, đảm bảo. Sắp đến tôi sẽ đăng ký thương hiệu, để tránh nhầm với các loại miến khác” – ông Nhân khẳng định.

Ông Nhân cho biết, ông không mua bột khô mà chỉ sử dụng bột tươi, để chắc chắn bột dong riềng Việt Nam. Dù có lò hấp khuôn, lò nước sôi trụng bột, máy ép miến nhưng đa số các công đoạn đều được làm bằng thủ công. Đặc biệt, khâu làm bột mất rất nhiều thời gian.

Sau khi mua bột tươi, ông tiến hành ngâm rồi khoáng bột, lọc bột, để lắng, lọc sạn. Công đoạn trên được ông thực hiện lặp đi lặp lại 15 lần (đối với 1 lượng bột) để loại sạn và làm sạch nhựa dong. Làm các công đoạn xong, ông nạo bỏ đi phần bột bề mặt và dưới đáy, chỉ lấy phần bột ở giữa để đảm bảo sạch sẽ.

Chất lượng bột là một trong những yếu tố quyết định đến độ ngon, dẻo, dai, màu sắc của miến nên ông Nhân rất kỹ trong việc lựa chọn bột. Ông khẳng định chỉ sử dụng bột loại nhất.

“Chúng tôi sử dụng bột nhất, “rin” để làm. Khi sử dụng bột này, miến sẽ ngon, không bị nhão, trữ quanh năm vẫn không bị gãy vụn” – ông Nhân quả quyết.

Có bột sạch, ông bắt đầu pha chế tinh bột theo liều lượng rồi bỏ vào khuôn chưng cách thủy, khuấy cho bột chín và ép tạo sợi. Từng vỉ miến ướt lần lượt được nhân công đem phơi dưới nắng tầm 4-5 tiếng. Miến khô được đem vào, cắt ngắn, tạo bó.

Miến được phơi khoảng 4-5 tiếng

 

Thông thường, 2kg bột tươi mới làm được 1kg miến khô. Vài năm trở lại đây, giá bột cao: từ 20-25 ngàn/kg, nên ông Nhân xuất ra thị trường với giá 70 ngàn đồng/kg miến khô.

“Nghề không phụ người có tâm”

Miến được làm từ bột dong loại nhất, nguyên chất, lại được làm kỳ công, đảm bảo nên rất dẻo, ngon, không bị bỡ. Hữu xạ tự nhiên hương, từ một vài người sử dụng, đến nay, miến dong của cơ sở ông Nhân trở thành địa chỉ tin cậy, nổi tiếng.

“Làm mệt nhưng thu lại cũng nhiều. Cứ đến cuối năm, gia đình tôi rủng rỉnh tiền để chi tiêu cũng như mua sắm các vật dụng cần thiết” – ông Nhân nói.

Các công đoạn lấy đi nhiều mồ hôi công sức nhưng chính những bó miến dong đã giúp gia đình ông có đủ điều kiện nuôi cả gia đình, lo cho 5 người con ăn học thành tài, có công việc ổn định.

57 tuổi với gần 40 năm gắn bó nghề làm miến, ông Nhân như nếm hết những đắng cay, ngọt bùi mà nghề mang lại. Nhấp ngụm nước chè, miên man trong dòng kí ức, ông nhớ lại: Để có được hôm nay là cả hành trình vô cùng gian nan.

Đó là một ngày năm 1981, ông Nhân sang một gia đình gốc người Hoa (hàng xóm của ông) để chơi. Thấy gia đình này làm miến, thích thú, ông bèn học lỏm cách làm.

Ròng rã mấy tháng trời quan sát, tìm hiểu, ông mới vẽ được thiết kế dàn ép, dàn khuôn. “Họ giấu bí quyết nên tôi không thể nào học được công thức pha chế bột” – ông Nhân cười.

Mấy tháng sau, dù còn lơ mơ nhưng ông quyết định trồng cây dong riềng và bắt tay vào làm. Nhớ lại ngày mày mò cách pha chế bột, ông Nhân còn rùng mình: Hồi đó mỗi ngày hư gần 20kg bột, heo ăn không hết. Mười mấy ngày làm hư, trong nhà muốn hết của luôn. Nhưng quyết tâm cao, tôi cứ mày mò, cuối cùng cũng được.

Làm miến thành công, khâu tiêu thụ cũng khiến ông Nhân đau đầu. Thoạt đầu, ông phải đi chào hàng, tặng hàng để giới thiệu sản phẩm. Dần dần, với chất lượng miến đảm bảo, ông có được nhiều bạn hàng uy tín, chất lượng không chỉ ở thành phố, các huyện mà còn ở các tỉnh thành khác.

Thấm thoắt gần 40 năm gắn bó với nghề, từ chỗ mỗi ngày chỉ làm vài kilogam, đến nay, mỗi năm, cơ sở miến dong của ông Nhân sản xuất khoảng 10 tấn miến dong khô.

Mỗi năm, gia đình ông Nhân xuất bán gần 10 tấn miến dong khô

 

“Nghề không phụ người có tâm, tất cả cơ ngơi ngày hôm nay đều nhờ những bó miến khô. Bây giờ tôi già rồi, không để mất nghề nên mấy năm nay, tôi dần truyền lại cho con trai út” – ông Nhân nói.

Theo lời ba, cậu con trai út Nguyễn Hoàng Nhật (28 tuổi) vừa phụ, vừa nối nghiệp cha.

Quần quật làm bột, lu bu ép miến cả ngày, cơ thể mệt rã rời nhưng khi hỏi về nghề, anh Nhật lại phấn khởi: Nghề này đã nuôi sống cả gia đình tôi nên khó khăn, vất vả thế nào tôi vẫn nối nghiệp.

Trưa, các nhân công vẫn tất bật, quay vòng với công việc. Bên ngoài, từng vĩ miến dong nằm trắng sân, báo hiệu một mùa tết ấm no đang về…

Bình An - Tất Thành

Chuyên mục khác