Mắt của rừng

20/05/2018 18:04

​Tôi đã mắt tròn mắt dẹt khi chứng kiến cậu kiểm lâm trẻ Nguyễn Tấn Hưng (Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Mom Ray) giới thiệu và vận hành ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, bảo vệ rừng - mà cậu tự hào gọi là "mắt của rừng". Và rất nhanh, "mắt của rừng" đã hoàn toàn chinh phục tôi bởi hiệu quả không ngờ của nó...

1. Thật tình, ban đầu tôi chỉ hơi tò mò khi nghe một cán bộ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiết lộ rằng Vườn Quốc gia Chư Mom Ray là chủ rừng đầu tiên trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ cao trong quản lý bảo vệ rừng. Càng tò mò hơn khi nghe lãnh đạo Vườn Quốc gia nửa đùa nửa thật: Thấy thiên hạ làm rầm rầm nên muốn thử xem sao. Mới đưa vào ứng dụng từ đầu năm, vừa làm vừa mò mẫm dò đường thôi.

Thế rồi, ngay sau đó, tôi đã hoàn toàn bị chinh phục bởi ứng dụng mới này. Và thật tình, tôi đã từng thoáng nghĩ, với nó, có thể rồi đây, những chuyến tuần tra dài đằng đẳng; những ngày băng núi, vượt sông, luồn rừng, ăn lùm ngủ bụi của những người bảo vệ rừng để tìm kiếm, kiểm soát vị trí rừng bị xâm hại…sẽ dần chấm dứt.

Bạn không tin ư? 

Tiếp nhận thông tin về tọa độ khu vực có dấu hiệu xâm hại rừng để kiểm tra thực địa. Ảnh: H.L

 

Trong phòng làm việc của Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray - Võ Sỹ Chung, kiểm lâm viên Nguyễn Tấn Hưng (kiêm kỹ thuật vận hành ứng dụng) đang cặm cụi bên máy tính cập nhật hình ảnh mới từ vệ tinh, sau đó so sánh với ảnh cũ được cập nhật trước đó 10 ngày. Bỗng cậu bật dậy: Báo cáo anh, có dấu hiệu phát nương rẫy ở vùng giáp ranh...

- Phóng hình ảnh lên, lấy tọa độ vị trí - anh Chung vừa ra lệnh vừa lấy điện thoại. Alô! Trạm Ba Rgốc phải không? Nam phải không? Qua theo dõi trên hệ thống, tôi phát hiện có biến động ở vùng giáp ranh, nơi này có khu vực nương rẫy cũ của người dân Sa Nhơn. Cậu cùng anh em vào kiểm tra ngay, chụp hình thực địa chuyển về cho tôi.

- Đề nghị anh cho tọa độ. Tiếng gõ bàn phím máy tính lách tách, trên màn hình hiện rõ mảng rẫy loang lổ. Tiếng Nguyễn Tấn Hưng vang lên: X= 530,143; Y= 1.595,140, giáp diện tích rừng giao khoán cho cộng đồng, thuộc khoảnh 1, tiểu khu 611.

Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn nhìn ngó ngó, Hưng tự hào: Anh thấy OK không? Em gọi nó là "mắt của rừng". Với nó, Vườn sẽ quản lý hiệu quả tài nguyên rừng với độ chính xác cao, phạm vi rộng và tiết kiệm được nhân lực, chi phí.

Còn theo anh Chung thì việc đưa ứng dụng này vào vận hành thực tế là một yêu cầu cấp bách, cần thiết. "Chúng tôi có 14 trạm quản lý bảo vệ rừng và 2 tổ cơ động, nhưng với hơn 56.000ha thì vẫn như... muối bỏ bể, trong khi áp lực lên tài nguyên rừng ngày càng tăng, đó là chưa kể địa bàn quản lý phức tạp, đồi dốc hiểm trở, đường ranh giới dài... Với tình hình ấy, phương pháp quản lý, bảo vệ rừng truyền thống đã không còn phù hợp, đòi hỏi phải có phương pháp mới, và chúng tôi chọn ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS"- anh Chung cho hay.

Theo giới thiệu sơ lược, đây là ứng dụng được sử dụng để theo dõi và quản lý tài nguyên rừng từ các số liệu đầu vào thu thập được từ ảnh vệ tinh kết hợp với số liệu điều tra thực địa, từ đó kịp thời phát hiện những biến động trong hiện trạng tài nguyên rừng, làm cơ sở cho Ban giám đốc Vườn nắm được số liệu hiện trạng tài nguyên rừng một cách nhanh chóng, chủ động xây dựng phương án quản lý bền vững tài nguyên rừng.

2. Tôi quyết định đi theo anh em Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ba Rgốc lên kiểm tra thực địa cùng với anh Võ Sỹ Chung. Trạm phó phụ trách Nguyễn Bá Nam còn khá trẻ, vui tính, bắt tay chúng tôi rồi “phán” một câu: Đi bộ các anh nhé.

Biến động tài nguyên rừng được theo dõi chặt chẽ bằng... điện thoại. Ảnh: T.H

 

Gắn bó với Vườn Quốc gia hàng chục năm, Nguyễn Bá Nam thuộc những người "nhắm mắt cũng đi trong rừng được", rừng có bao nhiêu lối mòn, bao nhiêu tảng đá, anh thuộc như trong lòng bàn tay. Ấy vậy mà cũng phải khiêm tốn nói “rừng bạt ngàn, có đi đến cuối đời cũng khó mà biết hết, đi lạc là chuyện thường".

Hóa ra là xa đến vậy, cứ bám đường mòn ngược núi lên mãi. Anh em kiểm lâm đi rừng đã quen, cứ nhẹ như không, còn vừa đi vừa trêu chọc nhau. Tôi nghe mà sống mũi thấy cay cay. Dưới tán rừng xanh đại ngàn của Vườn Quốc gia, có những con người nguyện gắn mình với màu xanh của rừng, có biết bao niềm vui, nỗi buồn, trăn trở không phải ai cũng thấu hiểu, để rồi những phút đùa vui vẫn cứ phảng phất những nét suy tư.

"Báo cáo! Đã đến vị trí. Anh em đang kiểm tra. Ít phút nữa sẽ có hình ảnh thực địa" - Nam gấp gáp. Lúc này, những anh em khác tản ra kiểm tra thực địa, chụp hình. Tôi tham lam hít thở khí trời trong lành và đầy ắp sinh khí giữa miên man cây rừng.

Nguyễn Bá Nam đã xong việc, đến cạnh tôi: Cái "anh" này hay lắm anh. Trước kia, khi có bất kỳ tác động nào vào rừng như phá rừng, cháy rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp…, chủ rừng và cơ quan chức năng phải đến địa điểm đó, dùng máy định vị ghi lại tọa độ, tiếp đó sẽ phải sử dụng thêm máy tính, bản đồ… mới xác định được diện tích, vị trí, thiệt hại.

Đơn cử như trong phòng cháy chữa cháy rừng, trước đây, nếu như có điểm cháy rừng, người dân báo tin, nguyên chuyện xác định vị trí, tọa độ để hành quân (chưa nói chuyện bị lạc đường) đã tốn bao nhiêu thời gian rồi, khi đến nơi thì đã thành đám cháy lớn. Hay như ngăn chặn chuyện phát nương làm rẫy, có đặc thù rừng nằm sát nương rẫy của dân nên không tránh khỏi tình trạng người dân lén lút mở rộng thêm, dù lực lượng có đông đến mấy, trách nhiệm đến mấy cũng khó có thể quản hết được.

Nhưng với "mắt của rừng", mọi việc sẽ khác...!

Một đốm lửa nhỏ đã có thể phát hiện và rất nhanh chóng chấm tọa độ, sau đó hướng dẫn lực lượng đến chính xác vị trí, không sợ mất phương hướng; một dấu hiệu phát nương rẫy là đã phát hiện qua so sánh ảnh vệ tinh. Anh em thì chỉ cần một điện thoại thông minh có cài sẵn các ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS.

Bên cạnh đó, sẽ khắc phục được những hạn chế của phương pháp quản lý cũ, như cập nhật trễ, không đầy đủ, thiếu dữ liệu, độ chính xác chưa cao, từ đó ngăn chặn, xử lý các hành vi tác động trái phép vào rừng, đất rừng một cách kịp thời"- anh Nam nhận xét.

Tính hiệu quả của ứng dụng này đã được kiểm chứng khi từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình an ninh rừng trên địa bàn ổn định và phát triển bền vững; các hành vi xâm hại tài nguyên rừng ở địa phương được đẩy lùi, nguy cơ cháy rừng được kiểm soát. Số lượng các vụ vi phạm giảm rõ rệt cả về số lượng và tính chất.

So với phương pháp theo dõi và báo cáo diễn biến tài nguyên rừng truyền thống, sử dụng các biểu mẫu trên giấy in, phương pháp ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS là một phương pháp cải tiến, hiện đại, hiệu quả về chi phí, tiết kiệm thời gian và dễ sử dụng. Vì vậy, chúng tôi đang nghiên cứu để có thể hoàn thiện hơn nữa - anh Chung nói.

Xung quanh tôi, rừng vẫn xanh ngằn ngặt. Và tin rằng sẽ càng xanh hơn khi được bảo vệ bởi "mắt của rừng" và những con người quả cảm.

Thành Hưng

 

Chuyên mục khác