05/11/2019 06:04
Một thời hưng thịnh
Chiều cuối tuần, một người quen trên huyện gọi điện nhờ tôi đi mua giùm vài tay lưới, thế là tôi phóng xe đến “xóm lưới” (ở khu vực đường Trần Hưng Đạo, đoạn từ ngã tư Trần Hưng Đạo - Trần Phú đến Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum) tìm hàng.
Thường ngày, tôi vẫn hay qua đây, nhưng lúc nào cũng vội vã nên chẳng mấy khi để ý, hôm nay mới giật mình thấy “xóm lưới” bây giờ còn ít nhà bán lưới quá. Tôi nhẩm sơ sơ được đâu khoảng 5 - 6 nhà.
Ghé vào một ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, phía trước treo rất nhiều tấm chài, lưới mới trắng tinh, đôi vợ chồng già đang cặm cụi làm hàng, thấy khách họ liền dừng tay chào mời: “Con cần mua gì”?
Sau khi giới thiệu một loạt các mặt hàng, nghe tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu thêm về nghề đan lưới, ông Trần Quang Minh (ở số nhà 160) vui vẻ kể về nghề đã tồn tại ở Kon Tum suốt 70, 80 năm nay.
|
“Khoảng những năm 40 của thế kỷ trước, người dân từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi lên Kon Tum làm ăn, sinh sống rồi mang theo cả nghề đan lưới lên. Hồi ấy, cứ vào mùa nước nổi (tức là từ tháng 7 âm lịch đến Tết Nguyên đán), rất nhiều người ở dưới miền xuôi lên đây dựng lều bạt dọc các triền sông, con suối, hàng ngày đi thả lưới đánh cá; thấy mọi việc làm ăn thuận lợi nên các gia đình rủ nhau đến đây lập nghiệp dần dà thành một xóm. Để thuận tiện cho việc đánh cá, họ mang theo cả nghề đan lưới, chủ yếu là để phục vụ công việc mưu sinh. Sau này, nhiều người ở thành phố Kon Tum rồi các huyện Sa Thầy, Đăk Tô… đến hỏi mua, từ đó, người dân thi nhau đan lưới bán ra thị trường. Nhà nhà đan chài lưới đã hình thành nên “xóm lưới”. Với những người dân sống ở thành phố Kon Tum lâu, có lẽ không ai không biết đến cái tên “xóm lưới” - ông Minh tự hào khoe.
Năm nay vừa bước qua tuổi 71, nhưng ông Minh có thâm niên 60 năm làm nghề đan lưới. Vợ ông - bà Vũ Thị Ba (năm nay 68 tuổi) từ năm 18 tuổi lập gia đình với ông cũng đã theo học nghề và gắn bó với công việc đan lưới suốt nửa thế kỷ nay.
Cách nhà ông Minh vài căn, trong ngôi nhà 3 tầng khang trang, ông Trần Thanh Để cũng đang miệt mài luồn dây, lắp phao cho tấm lưới. Thấy có người hỏi thăm về nghề, ông Để liền dừng tay kể chuyện với vẻ đầy hãnh diện: Ngày trước, người trong xóm đan lưới rồi thương lái đến lấy mang bán đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh, thậm chí bán sang cả nước bạn Lào. Cả xóm này nhà nào cũng làm lưới, trẻ nhỏ, người lớn đan lưới cả ngày, cả tối; người mua sỉ, mua lẻ lui tới tấp nập, nhộn nhịp cả xóm. Lúc nghề này còn hưng thịnh, mỗi ngày một nhà có thể bán đến vài chục tay lưới. Cũng nhờ vậy, nghề đan lưới đã giúp các gia đình nơi đây có cuộc sống ổn định.
Theo những người làm nghề, muốn có tấm lưới tốt, người đan lưới không những khéo léo, mà còn phải nhẫn nại. Khi đan lưới tuyệt đối không được đan lỗi, vì khi đã bị lỗi thì khó gỡ ra được. Trong quá trình gắn phao và chì, cần phải có kỹ thuật, đòi hỏi phải khéo tay và đặc biệt là khoảng cách phải đều nhau, để khi thả lưới đánh bắt cá, gặp dòng nước chảy lưới vẫn không có kẽ hở khiến cá lọt ra ngoài. Nói thì đơn giản vậy, nhưng để đạt được độ tinh xảo trong nghề đan lưới này thì không dễ một tý nào. Đây là công việc rất công phu, tỉ mỉ với từng sợi đan và mất nhiều thời gian, người làm nghề phải có tính cần cù, kiên nhẫn và cả kinh nghiệm của những người đi trước truyền lại.
|
Qua thời gian, nguyên liệu, mẫu mã, các công đoạn đan lưới đánh cá cũng đã khác xưa. Bây giờ, mọi người không còn đan lưới bằng tay mà thân lưới được đan dệt bằng hệ thống máy móc hiện đại nhập về từ Thành phố Hồ Chí Minh rồi làm dây rút, kẹp chì, lắp phao… Nhờ vậy mà việc làm nghề cũng bớt vất vả hơn.
Cha truyền con không nối
Sau những hồi tưởng về một thời hưng thịnh, ông Trần Thanh Để không giấu nổi nỗi buồn: Đó là chuyện của thời xưa cũ. Giờ thì, nghề đan lưới đang mai một từng ngày và chẳng biết còn duy trì được bao lâu nữa.
“Lớp trẻ bây giờ không mấy ai mặn mà với nghề này. Nhà tôi 5 đứa con, hồi bé tíu tít theo vợ chồng tôi làm nghề, vậy mà lớn lên chẳng đứa nào quan tâm đến công việc đan lưới. Thậm chí, con tôi còn khuyên vợ chồng tôi nghỉ làm, vì thu nhập chẳng đáng là bao mà lúc nào cũng bận rộn. Khổ nỗi, cái nghiệp nó “vận vào thân” nên tôi không dứt ra được, chỉ cần nghỉ vài ngày là nhớ chịu không nổi, cũng đã mấy lần tôi đem cất đồ nghề đi rồi lại mang ra làm”, ông Để bùi ngùi chia sẻ.
Nghe ông Để kể thì cả “xóm lưới” giờ chỉ còn chưa tới chục người làm nghề, tất cả đều đã ở tuổi ngoài 60, 70. Một vài người trẻ mở tiệm bán hàng, nhưng họ không làm nghề mà nhập hàng từ các tỉnh, thành khác về bán.
Cả cuộc đời gắn liền với những chiếc chài, tấm lưới, ông Trần Quang Minh không khỏi tiếc nuối: Chẳng biết vợ chồng tôi còn làm được mấy năm nữa, sau đó, nghề này chắc cũng thất truyền thôi. Nhiều lúc, tôi động viên bọn trẻ học nghề, nhưng không đứa nào quan tâm. Ngay 3 đứa con tôi cũng không đứa nào muốn nối nghề. Chúng nó không yêu, mình cũng đâu có ép được, thôi thì giữ được ngày nào hay ngày đó.
|
Thu nhập thấp, chài lưới làm ra khó tiêu thụ, trong khi công việc đòi hỏi sự cần cù, chịu khó nên những người trẻ không ai muốn gắn bó với nghề đan lưới.
Ông Minh tính toán, công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, mỗi ngày làm tới 12 - 13 tiếng mà khéo lắm cũng chỉ được 70.000 - 80.000 đồng. Chỉ có những người già như ông, bà “tham công tiếc việc” và cũng muốn giữ lấy cái nghề cha ông truyền lại nên mới gắng thêm được năm nào hay năm đó. Chưa nói, sản phẩm chài, lưới làm ra bây giờ tiêu thụ bây giờ cũng rất chậm; lác đác, lưa thưa ngày vài ba khách, có khi dăm ba ngày mới có một khách hàng, thu nhập không đủ sống nên dẫu có muốn gắn bó cũng khó.
Nghe mấy bác tiết lộ, ngoài Trung tâm thương mại thành phố Kon Tum, mấy người trong xóm mang hàng ra bán dễ hơn, thế là tôi tức tốc chạy ra hỏi thăm. Ai dè, vừa bước chân lên khu vực cầu thang, nơi có 4 - 5 người phụ nữ lớn tuổi đang ngồi bán lưới, chưa dứt lời đã bị các bà giận dỗi vì tưởng là khách mua hàng.
Bà Hạnh (63 tuổi) thở dài ngao ngán: Thời gian này đang vào mùa nước nổi mà 4 ngày nay tôi chưa bán được 1 tay lưới nào, ế ẩm lắm. Trước đây bán lưới dễ lắm, làm ra đến đâu là bán hết đến đó. Thế nhưng, mấy năm nay, có những lúc cả tuần cũng không bán được tấm nào. Nhiều lúc, tôi cũng muốn nghỉ làm, buôn bán lặt vặt gì đó, nhưng nghĩ đi, nghĩ lại tiếc cái nghề đã từng một thời nuôi sống cả gia đình nên lại nấn ná thêm.
Bên cạnh gian hàng của bà Hạnh, mấy bác phụ nữ cũng buồn bã ngồi nhìn những tay lưới, tấm chài treo mãi chẳng ai buồn hỏi. Mỗi lần có ai bước lên cầu thang là họ mong ngóng, mời chào, nhưng hầu như đều thất vọng, vì có khi người ta đi nhầm hoặc đến sửa quần áo ở mấy hàng bên cạnh.
Sự mai một nghề truyền thống của “xóm lưới” phần vì thu nhập thấp, nhưng theo những người già còn một yếu tố cũng rất quan trọng là hiện nay, nhiều nơi, người ta không muốn dùng lưới đánh cá trên sông suối, ao hồ, vì hiệu quả đánh bắt không cao mà thay vào đó là dùng xung điện, máy rà… dễ dàng hơn. Nguồn lợi thủy sản bị tận diệt, vì thế ngày càng khan hiếm nên những người đánh lưới cũng ít đi.
Chiều muộn, mang theo mấy tay lưới vừa mua về, trong tôi cứ bùi ngùi suy nghĩ và xót xa về trăn trở, tiếc nuối của các cụ cao niên ở “xóm lưới” - người đang cố níu giữ nghề của cha ông. Thế nhưng, nghĩ lại vấn đề cơm, áo, gạo, tiền chẳng phải chuyện chơi, nhiều người, nhất là những người trẻ quay lưng, rời bỏ nghề đan lưới cũng là điều dễ hiểu. Bất chợt, tôi tự hỏi, mai này liệu nghề đan lưới gắn bó suốt mấy mươi năm với người dân “xóm lưới” có còn không?
Thùy Hương