24/10/2017 06:01
Những chuyện kể rì rầm
Ngôi nhà của già A Cố nằm trên triền đồi Xi Mon, cạnh Trường Tiểu học xã Xốp, trước mặt là nhà rông văn hóa của làng cao sừng sững, cánh đồng lúa chín vàng óng và con suối Đăk Song trong vắt đang cuồn cuộn chảy. Từ sân nhà già A Cố, có thể phóng tầm mắt bao quát hết cả làng Xốp Dùi đang dần có của ăn của để.
Trong nhà, bếp lửa đã nhen lên từ lúc nào. Già A Cố ngồi vững chãi như gốc xà nu, dù đã gần 80 tuổi. Gỗ thông? tôi hít hà. A Chớp - thôn phó thôn Xốp Dùi cười cười: Thơm không? Củi gỗ thông cháy rừng rực, thỉnh thoảng nổ lép bép, bắn tung ra những tràng hoa lửa. Thơm thật. Khuôn mặt A Chớp, A Đối- Phó Chủ tịch UBND xã Xốp cũng ánh lên trong lửa.
|
Khói bếp bốc lên, gặp mưa cứ quanh quẩn trên mái nhà, rồi lại sà xuống bếp. Tiếng kể chuyện rì rầm của già A Cố, mùi thơm củi thông và hơi khói khiến không gian trở nên huyền ảo, như đưa mọi người về những ngày tháng lịch sử. Ngày xưa, cũng những bếp lửa bập bùng củi thông như thế này sưởi ấm dân làng...
Xốp Dùi thuở ấy chỉ khoảng 40 nóc nhà, dựa vào núi Kon Lộ, ba bề bốn bên là núi, là rừng, biệt lập như một ốc đảo giữa đại ngàn. Ngôi làng nguyên sơ nép mình dưới trùng trùng bóng xà nu, những vách nhà sàn ám khói xà nu và những đứa trẻ cũng thô tháp muội khói xà nu…
Thế rồi Pháp đến đóng đồn ở Đăk Tả, xây ngục Đăk Glei, bắt phu xây đồn, bắt dân các làng đi xâu, nộp thuế; trâu bò, heo gà, rượu của các làng bị cướp bằng hết.
“Phải đánh Pháp, không có mai mốt Pháp vào làng ăn hết trâu bò. Chúng nó bụng đứa nào cũng to thế chắc phải ăn hết ba con bò mới no…” - Đêm đêm bên bếp lửa, người già nói với nhau. Chứng kiến cảnh thực dân Pháp vừa trấn áp dã man, vừa lừa phỉnh và dụ dỗ đồng bào, A Mét (A Môn, Đinh Môn) rất căm giận và suy nghĩ rất nhiều để tìm ra cách đánh Pháp.
Nhưng Pháp biết làm con diều sắt, làm ra súng bắn núi núi lở; tên bắn, mác chém nó không chết, đánh nó làm sao? Nghe tin Săm Brăm nhờ có nước Xu mà đánh được Pháp, A Mét băng rừng đi tìm. Không gặp, ông trở về giả cách đi làm cu li cho Pháp để lấy đồng xu với niềm tin có nó, súng đạn Pháp sẽ không thể đụng đến…
Qua một lần rình bắn Pháp, A Mét nhận ra Pháp chẳng phải là con cháu Yàng. Pháp có súng, có diều sắt nhưng vào rừng sâu thì mắt cũng như mù, thế là ông bàn dời làng vào núi Kon Lộ tổ chức rào làng kháng chiến.
Dựa vào thế hiểm trở, vào làng chỉ một lối độc đạo, A Mét hướng dẫn dân làng đặt bẫy, gài chông phục kích Pháp… Hàng bao năm trời, Pháp chỉ vào làng được một lần. Không khuất phục được Xốp Dùi, trái lại Pháp không biết bao lần bị đòn đau.
Hồi ấy, A Cố còn nhỏ, đứng chưa cao bằng cây súng, nhưng đã căm ghét bôk (dân làng gọi Pháp như vậy) lắm, vì A Cố thấy Pháp vào làng, bắt người già dẫn đường đi tìm cán bộ, người già không đi, thế là Pháp tra tấn dã man. Người già không đi tiếp tế cán bộ được, đến lượt trẻ con như A Cố. Sau này A Cố vào du kích, rồi đi dân công hỏa tuyến.
Cho đến những năm 1949-1950, toàn bộ người dân làng Xốp Dùi đều được đứng trong các tổ chức. Các em nhỏ thuộc đội thiếu niên cứu quốc; thanh niên thì vào du kích; các mẹ, các chị nằm trong hội những người đi lấy củi, hội phát rẫy, đàn ông lớn tuổi thì vào hội đi săn...để phục vụ cách mạng.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân Xốp Dùi đã một lòng một dạ theo Đảng, quyết tâm đánh giặc đến cùng. Du kích xã Xốp là một trong những điển hình bắn máy bay Mỹ, trong vòng 3 năm (từ năm 1969 đến năm 1971) du kích xã Xốp đã bắn rơi 5 chiếc máy bay trên bầu trời xã Xốp...
Lửa xà nu còn sáng mãi...
Trời vừa hửng nắng thì một thanh niên bước vào, dáng người thấp đậm, chắc như đá tảng. Lắc lắc mái tóc rậm rì cho bay bớt nước mưa, anh sà vào bếp lửa. A Đối giới thiệu ngắn gọn: A Rơn, con út của già Mết đấy, cũng là con rể của già A Cố đây.
Với người dân xã Xốp, chuyện về cụ Mết nhiều lắm, kể cả đêm không hết. Dù đã trở thành một huyền thoại, một con người của lịch sử, khí chất hào hoa rất riêng của một chiến binh Tà Rẻ vẫn vẹn nguyên trong cụ. Năm 1985 ở tuổi 72, cụ Mết vẫn còn được một phụ nữ Tà Rẻ yêu mến, bắt làm chồng và sinh trai út A Rơn.
|
Bây giờ con cháu ở xã Xốp vẫn truyền nhau câu chuyện vui về ông. Chuyện rằng, sau này ông làm “cán bộ to”, đi họp về toàn truyền đạt bằng miệng. Ông hóm hỉnh: Tao đi họp, người ta nói gì, tao lấy lá rừng nút tai bên trái lại, nghe tai bên phải, sau đó cũng lấy lá rừng nút lại, khi về, tao mở lá rừng ra, thế là không sót chữ nào nhé.
A Rơn ngồi bó gối, cười hiền khi nghe kể về cha mình. Không hiểu sao, nhìn gương mặt góc cạnh ấy, tôi lại liên tưởng về cái đêm dân làng Xô Man đứng lên đánh Pháp dưới sự dẫn dắt của cha anh.
Ngoài sân lại rậm rịch bước chân. A Ruổi - Chủ tịch xã Xốp bước vào, cùng đi với anh còn có già A Nhóa, A Bố, A Xuân - những Tnú của làng từ thời làm bẫy chông, cầm súng đánh giặc. Cả hai đều được A Mết bảo: Mình phải cầm giáo, phải vào bộ đội đánh giặc. Ðuổi được giặc, cả làng mình, cả nước mình mới được tự do, được sung sướng...
Bây giờ sướng lắm rồi, già A Bố cười hào sảng. Ðường ô tô đã vào tận làng. Nhiều nhà có xe máy, tivi, tủ lạnh. Dân làng Xốp Dùi đã đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng quê hương, trước cũng vậy, bây giờ cũng vậy, chỉ nghe theo Ðảng, theo Bác Hồ, không nghe kẻ xấu...
Chúng tôi theo A Nhóa, A Bố ra bãi núi nhìn về làng cũ. Những đỉnh núi vẫn mờ sương nhưng làng Xô Man ngày nào hiện đang quây quần bên con nước Đăk Song, cuộc sống đã đổi thay nhiều. Nhà ngói mới khang trang, trường học, trạm xá đã được xây dựng. Trên những hố bom, bãi đạn, đồn bốt giặc năm nào, nay đã xanh mùa màng, cây trái.
Con em làng Xốp Dùi đến trường, tập những nét chữ đầu tiên trên trang giấy trắng, không phải dùng “khói xà nu nhuộm bảng đen học chữ” như các thế hệ cha anh trong chiến tranh. Xung quanh trường, rừng xà nu vẫn nối tiếp nhau, rì rầm trong gió, kể em nghe chuyện một thời cây xà nu cũng biết bảo vệ dân làng, xung phong, diệt giặc.
Theo Chủ tịch A Ruổi, trong những năm qua, từ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước như chương trình 135, 167, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất…đời sống nhân dân làng Xốp Dùi đổi thay từng ngày. Đến nay, thôn có hơn 30ha lúa nước, 30ha cà phê, 40ha bời lời… Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đường nội thôn cơ bản đã được bê tông hóa...
Điều mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Xốp nói chung, làng Xốp Dùi nói riêng mong muốn nhất hiện nay là được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư làm đường lên Khu di tích lịch sử làng kháng chiến để thuận lợi cho việc thăm viếng cũng như tu bổ, bảo vệ.
“Nhiều đoàn khách tìm về xã, mong được lên thăm Khu di tích nhưng đành chịu, vì đường núi khó đi, mùa mưa thì không thể đi nổi. Nếu có đường đi thuận lợi, xã Xốp sẽ có tiềm năng phát triển du lịch” - A Ruổi chia sẻ.
Ra tới đầu làng Xốp Nghét, nơi có cổng chào và tấm bảng chỉ đường vào Khu di tích làng kháng chiến, tôi nói anh bạn đồng nghiệp dừng xe lại để chụp tấm ảnh kỷ niệm. Nhìn những dải mây xám màu cổ tích đang phủ dần dãy Xi Mon, tôi như nghe trong gió tiếng của núi nước, tiếng của hồn người xưa bất khuất vọng về…
Và tôi thầm hứa với mình, sẽ trở lại đây, lên thăm làng kháng chiến khi những cơn mưa rừng không còn chặn lối!
Thành Hưng