27/12/2017 07:02
Học viên nhí
Trưa cuối tuần, chúng tôi ghé đến phòng tranh gạo Làng Hồ ở phường Thắng Lợi do chị Đặng Thị Thúy Kiều làm chủ. Khác với những ngày thường, phòng tranh nay còn có sự xuất hiện của những học viên nhí.
Chẳng hiếu động cũng chẳng chạy nhảy quanh phòng, các em say sưa, tỉ mẩn gắn từng hạt gạo lên bức tranh được vẽ sẵn bằng nét viết chì. Say mê đến nỗi chúng tôi bật đèn Flash, chụp đến chục tấm hình cũng không gây được sự chú ý.
“Mới làm quen nhưng các em thích lắm! Đến giờ cũng có vài em biết đổ keo dính, lấy nhíp nhỏ gắp từng hạt gạo, sắp xếp hình vẽ trên bức tranh rồi” – chị Kiều mở lời chào khách.
|
Lớp học vẽ, làm tranh gạo của cô Kiều mới được mở cách đây vài tháng. Từ một học viên, dần dần, đến nay lớp đã tăng lên 8 học viên nhí.
Những ngày đầu, các em đến chủ yếu để học vẽ. Có mặt tại phòng tranh, thấy các cô, các chị làm tranh say sưa cũng như phần nào thấy được nét đẹp từ những hạt gạo làng ta, các em dần thích.
Em Nguyễn Cao Thiện Nhân, 8 tuổi chia sẻ: Mới đầu mẹ cho em đến đây để học vẽ, sau cô Kiều hướng dẫn thêm cho em cách làm tranh gạo. Trước đây em chỉ nghĩ gạo để nấu thành cơm chứ không ngờ hạt gạo còn làm nên những bức tranh đẹp như thế này. Em rất thích và sẽ nói mẹ cho đi học lâu dài để biết làm tranh gạo.
Chị Phạm Thị Thu Hiền, đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Thống Nhất cho 2 cháu gái Thanh Uyên (9 tuổi) và Thiên Thanh (5 tuổi) đi học vẽ, làm tranh gạo được 4 tháng nay.
Sau những tháng học tập, chị Hiền rất vui mừng khi 2 cô cháu gái của mình rất nhanh nhẹn, vừa thích vẽ, vừa thích làm tranh gạo. “Bây giờ Thanh Uyên có thể tự vẽ, tự làm được một bức tranh gạo hoàn chỉnh theo ý tưởng của mình. Điều mừng hơn là học làm tranh gạo rèn cho các cháu tính tỉ mẩn, kiên nhẫn, cẩn thận và hiểu được hơn giá trị của hạt gạo” – chị Hiền tâm sự.
Cháu nào thích học, chị Kiều đều nhiệt tình hướng dẫn từng li, từng tí. Là người chèo lái, chị Kiều tìm cách khơi gợi ý tưởng để các cháu biết cách “đoàn kết” các hạt gạo để tạo nên một bức tranh.
“Nhiều cháu có ý tưởng rất tốt, mình vừa dạy nhưng cũng đồng thời học của các cháu. Các cháu cũng đem lại niềm vui, niềm cảm hứng cho mình”- chị Kiều nói.
Đến các học viên khuyết tật
Khi đến với phòng tranh gạo của chị Kiều, ngoài điểm nhấn những bức tranh mang đậm văn hóa đặc trưng: mái nhà rông truyền thống, dòng Đăk Bla, những bức tranh tái hiện sinh hoạt của người dân địa phương…, khách tham quan còn ấn tượng bởi hình ảnh khoảng 10 bạn trẻ khuyết tật đang cần mẫn thổi hồn quê vào từng bức tranh.
Từ vài năm trước, chị Kiều đã nhận dạy miễn phí cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật để các bạn có thêm thu nhập, chắp cánh cho những ước mơ.
|
Như cô bé xương thủy tinh Võ Thị Thanh Thảo, phường Nguyễn Trãi, sau 4 năm vừa học vừa làm, dưới sự chỉ dạy tận tình của chị Kiều, Thảo đã tự làm được những bức tranh gạo mang đậm hồn quê.
Thảo tâm sự: Làm tranh gạo nhiều công đoạn lắm mà công đoạn nào cũng yêu cầu tỉ mẩn, cẩn thận. Được chị Kiều hướng dẫn tận tình, bây giờ em đã học được tính kiên nhẫn và tự tin lên ý tưởng, làm được một bức tranh gạo chất lượng.
Em Y Chang ở làng Kon Hra Chót, phường Thống Nhất cũng được hướng dẫn và học làm tranh gạo khoảng hơn 1 năm nay. Em nói rằng, dù các công đoạn không giản đơn nhưng em sẽ cố gắng viết tiếp giấc mơ, thổi vào từng bức tranh những tấm chân tình, như một sự tri ân sâu sắc đối với quê hương.
|
Không chỉ có Thảo, Y Chang, mới đây, ngày 16/11, Dự án hòa nhập người khuyết tật giảm nhẹ rủi ro thiên tai và đa dạng hóa thu nhập do CBM (tổ chức phi chính phủ của Cộng hòa Liên bang Đức) tài trợ đã phối hợp với cơ sở tranh gạo của chị Kiều tổ chức khai giảng lớp dạy nghề cho 10 học viên là người khuyết tật trên địa bàn thành phố.
Mới tham gia học làm tranh gạo từ tháng 11, chị Y Hưng ở làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung cũng nhanh chóng bắt nhịp và luôn cố gắng để tiếp thu nghề một cách nhanh nhất.
Y Hưng nói rằng, là người khuyết tật vận động nặng, việc học và kiếm một cái nghề không hề giản đơn. Đến với lớp học tranh gạo như một cái duyên, chị sẽ cố gắng không phụ công dạy của các chị.
Trước đây, chị Phan Thị Mỹ Yến ở tổ 8, phường Duy Tân cũng học nghề may. Tuy nhiên, do khuyết tật vận động 78%, chị không gắn bó được với nghề. Khi được giới thiệu học làm tranh gạo, chị đã tham gia và rất phấn khởi. “Học làm tranh gạo rất vui, mình sẽ cố gắng tiếp thu để làm thành thạo”- chị Yến chia sẻ.
Về phần chị Kiều, chị rất tâm huyết khi truyền nghề làm tranh gạo cho bất kì ai. “Nhất là khi dạy cho các bạn khuyết tật, mình chỉ muốn dốc hết những gì mình có, giúp các bạn biết thả hồn, tỉ mẩn, kì công để biết cách làm ra một đứa con tinh thần” - chị Kiều chia sẻ.
Khóa học kéo dài trong 3 tháng nhưng chị Kiều nói rằng, sau thời gian học, nếu các bạn có nguyện vọng, chị sẽ cố gắng tạo điều kiện để các bạn làm thành thạo hơn, có thu nhập để nuôi sống bản thân.
“Hiện tại mình đang ấp ủ ý tưởng phát triển phòng tranh gắn với lĩnh vực du lịch. Mình cũng cần sự chung sức của những bạn thật sự tâm huyết” – chị Kiều bày tỏ.
Tranh gạo mộc mạc, giản dị, song nhìn vào đó, ai nấy đều cảm thấy ấm áp, nhẹ nhàng như đang đi giữa một vùng quê thanh bình, yên tĩnh. Với nhiều bạn trẻ khuyết tật, tranh gạo không chỉ là niềm đam mê mà còn là con đường để các bạn tự nuôi sống bản thân, hòa nhập với cộng đồng.
Bình An