22/01/2018 20:10
Tài nghệ dùng cuốc
Chuyến công tác vừa rồi của chúng tôi ở Mường Hoong, Ngọc Linh vào đúng mùa người dân bắt đầu lấy nước, làm ruộng để chuẩn bị gieo trồng vụ mới. Anh Đinh Xuân Cường – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện tiết lộ: Vào đây, các nhà báo sẽ nhất định phải xem một loại dụng cụ nông nghiệp rất độc đáo của đồng bào Xê Đăng đó là chiếc cuốc chỉ dùng để làm ruộng bậc thang. Loại cuốc này không có trên thị trường mà do người dân nơi đây tự rèn, bán cho dân vùng này thôi và cũng chỉ người dân nơi đây mới sử dụng được chúng.
|
Lời giới thiệu của anh Cường khiến chúng tôi tò mò. Khi vừa tới nơi, thấy người dân làng Mới (xã Mường Hoong) đang làm ruộng, chúng tôi liền đề nghị cán bộ xã dẫn tới để xem ngay.
Phó Bí thư Đảng uỷ xã Mường Hoong -A Ban nhận lời làm người dẫn chuyện. Anh Ban giới thiệu: Cuốc là dụng cụ duy nhất để làm ruộng của người dân ở vùng núi Ngọc Linh này. Cái đặc biệt là loại cuốc này không giống bất kỳ một loại cuốc ở vùng nào.
Chiếc cuốc cũng có 2 phần thân và cán cuốc. Tuy nhiên, phần thân cuốc nhỏ hơn rất nhiều so với chiếc cuốc dưới đồng bẳng, nhưng dài tới gần nửa mét, nhìn qua cong gần như chiếc móc câu và khá nặng. Phần thân cuốc được thiết kế theo tỷ lệ 1/3 thân cuốc đoạn tiếp giáp để tra cán nhỏ và thẳng, 2/3 phía lưỡi cuốc to hơn và được uốn cong như vành trăng lưỡi liềm. Phần cán của chiếc cuốc cũng có chiếc dài tương đương thân cuốc chỉ khoảng 45 -50cm. Cán cuốc thường được người dân dùng bằng loại cây bời lời, cây gỗ nhỏ bào cho trơn nhẵn, vừa với tay cầm và tra vào thân cuốc rất chắc chắn.
Loại cuốc này do người Xơ Đăng rèn với kỹ thuật và bí quyết riêng, người dân nơi đây đã tạo ra những loại cuốc bền, bén. Không ai biết loại cuốc này có từ khi nào nhưng từ thế hệ người Xơ Đăng trước đến thế hệ sau đã truyền nhau để cuốc từng mảnh ruộng bậc thang. Mỗi nhà có cả chục chiếc cuốc như vậy.
Cũng theo anh A Ban: Không dễ để sử dụng loại cuốc này đâu nếu không muốn nói dùng cuốc là cả một nghệ thuật. Khi cuốc một tay phải cầm thật sâu vào tận phần cuối cùng của cán cuốc, tay kia cầm sát ngoài đầu cán, cúi người xuống thấp, đứng thật gần và cuốc từng nhát nhỏ, sâu và chắc chắn. Vì cán cuốc và thân cuốc có tỷ lệ tương đương nhau mà lại rất cong, vì vậy nếu không thạo, khéo và cẩn thận thì người cuốc sẽ bập ngay vào ống chân.
Thấy tôi có vẻ thắc mắc vì sao chiếc cuốc khó dùng như vậy mà người dân nơi đây lại sử dụng phổ biến để làm ruộng, anh A Ban tiếp lời ngay: Nó khó với người nơi khác nhưng lại thuận tiện với đặc trưng đồng ruộng của người dân ở vùng núi này. Những thửa ruộng bậc thang hẹp và dốc, mỗi bậc ruộng cách nhau từ 0,5 – 1,5m, mặt ruộng chỗ rộng thì được hơn 1m, chỗ hẹp có khi chỉ 60 – 70cm; nếu dùng chiếc cuốc cán dài thì sẽ khó để cuốc được ruộng, nhất là khi cuốc phần thành bờ sẽ không thể làm nổi. Vả lại, người dân Mường Hoong, Ngọc Linh cuốc ruộng rất sâu nhằm để tăng độ phì nhiêu cho đất nên loại cuốc dài, nhỏ sẽ dễ dàng làm được.
Còn một yếu tố nữa là ruộng miền núi dù đã san lấp, cải tạo nhưng thường trong ruộng vẫn còn rất nhiều tảng đá lớn nên chiếc cuốc nhỏ, dài sẽ len lỏi để cuốc được phần đất giữa các tàng đá.
Đúng là trong lao động người dân vùng núi Ngọc Linh đã biết sáng tạo ra loại dụng cụ phù hợp và hiệu quả.
Kỹ thuật giẫm ruộng
Nhìn những thửa ruộng bậc thang xếp tầng tầng, lớp lớp từ dưới chân suối lên đến lưng chừng núi mà người dân Mường Hoong, Ngọc Linh tạo ra, chúng tôi có thể thấy được trình độ và sự khéo léo, tài giỏi của họ trong việc làm nông nghiệp. Nhưng khó ai biết được rằng, công việc làm ruộng ở đây tất cả đều thực hiện bằng sức người và đặc biệt kỹ thuật giẫm ruộng rất điêu luyện của người dân.
|
Vào mùa làm ruộng, người dân các làng thường tập hợp nhau thành từng nhóm từ 5 – 7 nhà đổi công làm từ nhà này qua nhà khác, từ khu ruộng này qua khu ruộng khác. Sau khi cuốc ruộng xong, đắp bờ chắc chắn, người dân chuyển sang công đoạn làm đất. Họ không dùng máy móc, trâu bò để bừa hay thậm chí là cào tay để làm đất mà chỉ dùng đôi chân khoẻ mạnh, dẻo dai để giẫm ruộng.
Khi giẫm ruộng mỗi người sẽ dùng một chiếc gậy chống để hỗ trợ, một chân làm trụ, một chân giẫm, cứ thế chân này mỏi thì đổi chân qua kia. Họ vừa giẫm cho nát đất, vừa vùi gốc rạ xuống thật sâu cho mục, vừa khoả cho mặt ruộng thật phẳng. Cứ thế họ giẫm đến khi nào mảnh ruộng nhão bùn, đạt được độ mềm sánh để cấy cây lúa thì mới thôi.
Thông thường thì việc cuốc ruộng dành cho đàn ông, còn việc giẫm ruộng thì do những phụ nữ đảm trách nhiều hơn. Cũng bởi phụ nữ tỉ mẩn, khéo léo, cẩn thận hơn nên phù hợp với phần việc này.
Tôi băn khoăn hỏi Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh – A Tiên: Ở thế kỷ 21 này rồi, máy móc đủ loại mà sao ở vùng núi Ngọc Linh này người ta vẫn còn làm ruộng thủ công đến vậy. Ngay cả trâu bò được người dân nuôi rất nhiều nhưng cũng không dùng để làm ruộng. Làm như vậy thì biết đến bao giờ mới xong mùa.
A Tiên cười từ tốn giải thích: Ở đây ruộng bậc thang hẹp, thành bờ cao, đá trong ruộng còn lởm chởm nên không đưa trâu bò vào cày được, máy móc càng không thể. Vả lại, bờ ruộng cao, rất dễ vỡ nếu dùng trâu giẫm thì sẽ phá vỡ liền. Ruộng bậc thang chỉ cần một nấc thang bị sụp đổ sẽ kéo theo cả hệ thống bị sụp đổ theo nên người dân phải dùng chân giẫm cẩn thận như vậy. Mỗi năm ở đây có một mùa lúa nên công việc nhà nông cũng không đến nỗi gấp gáp, vội vàng; người dân cứ đổi công nhau từ từ làm. Làm thủ công vậy chứ có nhà làm tới cả ha ruộng chứ chẳng chơi.
Không chỉ làm ruộng thủ công, việc trồng cấy lúa ở Mường Hoong, Ngọc Linh cũng hoàn toàn dựa vào các điều kiện tự nhiên. Cây lúa lớn lên nhờ nguồn nước trời, dinh dưỡng của đất; không hề có phân bón hay thuốc trừ sâu. Do đó, sản phẩm lúa gạo ở đây có thể nói là hoàn toàn sạch.
Đúng là lên đây rồi, chúng tôi mới hiểu được chuyện cánh đồng mẫu lớn hay cơ giới hoá nông nghiệp ở một vùng núi cao, địa hình phức tạp như Ngọc Linh, Mường Hoong đều là xa vời. Bao đời nay người dân vẫn cứ bạt núi, san lấp, dùng cuốc và đôi chân dẻo dai để tạo nên những thửa ruộng hẹp men theo vành núi. Và mỗi mùa về lại cho những hạt thóc vàng no ấm nuôi sống người dân nơi đây suốt bốn mùa.
Hương Nga