20/09/2017 06:07
|
Đổi thay từ nhận thức
Trong “nhật ký giúp dân” của Chi đoàn Thanh niên Đồn Biên phòng Ia Lân ghi lại, ở Mô Rai trước đây còn hủ tục nếu người mẹ chết mà đứa con còn nhỏ thì phải chôn con theo mẹ; đến cữ người mẹ phải sinh con ngoài rừng...
Theo Phó Chủ tịch UBND xã - A Yer tiết lộ thì “không chỉ có thế đâu, trước đây, người Rơ Măm và Ja Rai ở xã này vốn có rất nhiều tục lệ như đau ốm thì cúng bái; ma chay, cưới hỏi kéo dài nhiều ngày, mổ trâu, bò, heo ăn uống linh đình; rồi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; việc học hành bị coi nhẹ... Các tập tục lạc hậu ấy đã ghì chặt lấy tư tưởng của người dân cộng với lối sản xuất chủ yếu dựa vào thiên nhiên, ý thức tự vươn lên dựng xây cuộc sống còn hạn chế làm cho đời sống cứ quanh quẩn trong đói nghèo, lạc hậu. Đây không phải là chuyện “ngày xửa ngày xưa” đâu mà nó diễn ra ở Mô Rai chỉ hơn chục năm về trước thôi”.
Đây được xem là vấn đề nóng vì hủ tục đã sâu chặt trong lòng người dân, muốn thay đổi được không phải là chuyện có thể làm trong một sớm một chiều. Song với sự nỗ lực, kiên trì của chính quyền địa phương, sự giúp sức của các đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân Mô Rai đã từng bước thay đổi. Tiêu biểu như câu chuyện của người Rơ Măm ở làng Le từng đã tồn tại rất nhiều hủ tục giờ đã trở thành làng văn hoá.
Ông A Dói - người đảng viên gương mẫu của làng Le, một trong những người đầu tiên đã dám “bước qua lời nguyền” để xuống núi lập làng rồi dẫn dắt cả dân làng đi theo, kể rằng: Ngày xưa người Rơ Măm thường ở trên lưng chừng núi cao bởi dân làng quan niệm một ngọn núi phía trên là của trời, là nơi linh thiêng con người không với tới được; phía dưới thuộc về cõi âm, người dân không sống được. Chính vì lẽ ấy mà bao đời dù chịu nhiều đói khổ, bệnh tật hoành hành, thiếu đất canh tác, cuộc sống lạc hậu… nhưng người Rơ Măm vẫn không chịu rời làng xuống núi. Sau này, với sự tuyên truyền của các chiến sĩ bộ đội; sự mạnh dạn của những người đảng viên tiên phong đi trước; dân làng Le có một cuộc cách mạng trong nhận thức và tư tưởng đó là rời núi xuống vùng đất bằng ngay sát Quốc lộ 14C lập làng.
“Từ lúc xuống làng mới, bà con Rơ Măm mình đã hiểu và loại bỏ được nhiều hủ tục, trong đám ma hạn chế giết gia súc; đặc biệt, không chôn người chết cùng dòng tộc chung một hòm nữa, ốm đau không cúng bái... Dân làng đều đã hiểu hủ tục gì bớt được thì bớt; phân biệt rõ cái nào là truyền thống và cái nào hủ tục, sự mê tín dị đoan để mà bỏ, thi đua xây dựng đời sống văn hoá...” – Ông A Dói quả quyết.
Riêng chúng tôi, ấn tượng nhất là việc nhìn thấy những đàn bò của các hộ gia đình ở làng Le thong thả về chuồng lúc chiều muộn - đây là một trong những minh chứng về sự thay đổi rõ nét trong nhận thức của người dân khi họ dám xoá bỏ lời nguyền không nuôi bò của người Rơ Măm vốn tồn tại rất lâu đời.
Không chỉ có làng Le, ở tất cả 7 làng đồng bào DTTS tại chỗ của xã Mô Rai, nhận thức của người dân đã thay đổi nhiều. Không ào ào vứt bỏ tất cả, nhưng cũng không khăng khăng giữ lại những quan niệm lạc hậu, gạn đục khơi trong, người dân Mô Rai đã biết chắt lọc, lưu giữ những tục lệ, nét văn hoá độc đáo của dân tộc mình như cồng chiêng, múa xoang, lễ mừng lúa mới, mừng nhà rông mới..., thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phù hợp với nhịp sống hiện đại. Đặc biệt, vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh nhiều, sinh dày đã được người dân hạn chế. Khi ốm đau, sinh nở mọi người đều đến Trạm Y tế xã hay Bệnh xá quân dân y Công ty 78 để khám chữa bệnh; con cái được chăm lo học hành.
“Khoảng chục năm về trước, học sinh ở đây ít em nào thích học cao, chuyện học đến lớp 8 - 9 rồi bỏ về nhà bắt vợ bắt chồng là bình thường, số em học lên cấp 3 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng bây giờ thì khác lắm rồi, các gia đình đều nỗ lực chăm lo đến việc học của con cái và ngày càng có nhiều em học lên cấp 3 rồi học các trường chuyên nghiệp. Đây là một sự thay đổi rất lớn đấy, mừng lắm các nhà báo ơi” - Thầy Nguyễn Trọng Trữ - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Trung học cơ sở Nguyễn Huệ trải lòng.
Sự thay đổi trong nhận thức của người dân là cơ sở, tiền để để tạo nên thay đổi trong hành động góp phần giúp Mô Rai đổi mới.
Mô Rai chuyển mình
Lần trở lại Mô Rai này, chúng tôi cảm nhận rất rõ bước chuyển mình đáng nể ở vùng đất xa xôi, khó khăn bậc nhất của tỉnh.
Nhìn những ngôi nhà gỗ, nhà xây khang trang dọc theo con đường trung tâm xã, những làng đồng bào DTTS sạch sẽ, những cửa hàng buôn bán mọc lên san sát, ra xa hơn là những rẫy cao su xanh bạt ngàn… là minh chứng rõ nét nhất cho những thay đổi mạnh mẽ đang diễn ra ở vùng biên giới này. Cuộc sống của người dân thực sự đã khá lên rất nhiều, nhà nhà có ti vi theo dõi thời sự trong ngày, có điện thoại di động để liên lạc; nhà nào cũng có xe máy để đi lại...
Bồi hồi nhớ lại thuở hàn vi, Chủ tịch UBND xã - Hrách Láo bày tỏ: Các nhà báo biết không; chỉ mười năm về trước thôi, Mô Rai còn nghèo nàn và hoang sơ lắm, nói về sự nghèo khó của vùng đất biên giới này thì có lẽ không đâu sánh bằng. Căn nguyên cũng bởi từ bao đời nay, đồng bào DTTS ở Mô Rai chỉ biết đốt nương phát rẫy, trỉa lúa, trồng bắp, trồng mì…, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ đời sống hằng ngày cùng với lối sống lạc hậu, nhiều hủ tục nên cái đói, cái nghèo cứ thế bám riết lấy các gia đình.
Mọi sự đổi thay ở đây được bắt đầu từ khi có bộ đội đến khai hoang trồng cao su giúp đỡ người dân thay đổi nếp nghĩ, cách sống, cách làm. Được Nhà nước đầu tư mở đường, xây dựng các công trình thủy lợi, các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế; các đơn vị bộ đội giúp dân mở đường giao thông liên thôn, khai phá đất đai, hướng dẫn bà con trồng lúa nước, trồng cây ăn trái, trồng cây cao su, chăn nuôi gia súc, gia cầm... từ đó, cuộc sống của bà con Mô Rai đã dần ấm no, thay đổi.
Năm 2006, điện lưới quốc gia được kéo về làm bừng sáng núi rừng Mô Rai, soi sáng các thôn làng người Ja Rai, Rơ Măm. Mô Rai đã và đang từng bước vượt qua những khó khăn, dần khởi sắc để bước sang một trang sử mới - trang sử xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
Còn nhớ hồi đầu những năm 2000, khi bộ đội của Công ty 78 tiến hành khảo sát trồng cao su, rồi khi Bộ đội Biên phòng xuống vận động trồng lúa nước, người dân trong xã đều tỏ ra ngờ vực; không ai nghĩ rằng, ở nơi nắng cháy này lại có loại cây phát triển được ngoài cây lúa rẫy, cây bắp, cây mì. Nhưng khi thấy các vườn cao su xanh tốt, các ruộng lúa nước của bộ đội chín vàng óng, bà con đã thay đổi suy nghĩ, tự giác làm theo rồi dần dần cũng biết trồng lúa nước, cao su… Nhất là từ năm 2007, khi xã có chủ trương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, được hỗ trợ về giống, vốn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tập huấn về kiến thức khoa học kỹ thuật, bộ đội giúp công, giúp giống vốn; người dân Mô Rai ngày càng tập trung đầu tư phát triển cây cao su, bời lời, làm lúa nước.
Để minh chứng cho lời nói của mình, Chủ tịch UBND xã- Hrách Láo dẫn chúng tôi đi thăm những vườn cao su tiểu điền xanh tốt bao các quanh làng KĐin, làng Kênh, làng Le... Tại đây, vị chủ tịch xã tranh thủ thông báo ngắn gọn: Ở Mô Rai bây giờ cây lúa rẫy, cây mì không còn nhiều như trước mà cây cao su, bời lời... mới đang lên ngôi. Toàn xã Mô Rai hiện có khoảng 3.580ha, trong đó, riêng diện tích cao su của người dân là 432ha (gần 100ha đã cho khai thác, theo kế hoạch năm nay sẽ trồng mới thêm khoảng 60ha nữa); 173ha bời lời; 75ha cây điều; 64ha mía; hơn 40ha lúa ruộng... Cùng với sản xuất, chăn nuôi cũng phát triển rất mạnh, tổng đàn trâu bò trên địa bàn xã khoảng 1.400 con, đàn heo cũng khoảng 1.500 con, đàn dê hơn 300 con... Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 12 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2011.
|
Nhìn những vườn cao su xanh mướt cho dòng nhựa trắng tinh; những khu ruộng nước trải dài mát mắt; những đàn bò, đàn dê đi chật cả đường làng..., không ai còn nghi ngờ gì về thành tựu phát triển kinh tế ở nơi đây. Nhiều gia đình đã khấm khá lên nhờ vào vườn cao su, ruộng lúa như A Dói với 5ha cao su đã khai thác 2 năm nay; ông A Glá với 7ha cao su cũng bắt đầu cho khai thác; A De hơn 3ha; A Phít đã mạnh dạn chuyển 5ha ruộng bỏ hoang sang trồng mía..., cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Không chỉ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, một số người dân của xã Mô Rai còn chọn hướng vào làm công nhân của Công ty 78 để thay đổi cuộc sống.
Mô Rai đã từng bước chuyển mình đi lên, kinh tế - văn hóa - xã hội đã khác xưa rất nhiều. Chẳng thế mà người ta nói, Mô Rai như “nàng công chúa” ngủ quên trong rừng từ rất lâu giờ mới được đánh thức và khi thức giấc rồi sẽ làm nên những kỳ tích...
Thuỳ Hương - Lê Nga
Kỳ 3: Chuyện về những ngôi làng mới