19/09/2017 06:02
Ai ở Mô Rai sẽ không muốn ra, ai ở ngoài thì chẳng muốn vào, cũng bởi Mô Rai xa xôi và cách trở. Thế nhưng, chỉ cần nhắc đến hai chữ Mô Rai thôi, nhiều người sẽ nghĩ ngay về một mảnh đất anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ; đồng bào Rơ Măm, Ja Rai nơi đây dũng cảm và hết lòng vì cách mạng.
Ghập ghềnh đường lên Mô Rai
Chuyến công tác lên Mô Rai những ngày cuối tháng 8 làm tôi cứ nhớ mãi về vùng biên giới xa xôi phía tây của tỉnh này, bởi cho đến giờ việc ra vào Mô Rai vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Từ thành phố Kon Tum đến Mô Rai chừng hơn 90 cây số, quãng đường ấy chẳng có gì đáng ngại với cánh phóng viên chúng tôi nếu như đường sá thuận lợi. Thế nhưng, với 2/3 quãng đường toàn những cung đường trắc trở khiến cho Mô Rai trở nên xa xôi hơn.
|
Qua khỏi thị trấn Sa Thầy đến xã Rờ Kơi, chúng tôi bắt đầu đối diện với những đoạn đường khó. Chị bạn đồng nghiệp căng mình ghì tay lái, toát mồ hôi lách chiếc xe qua những quãng đường lởm chởm đá, “con ngựa sắt” cứ nảy lên trượt xuống như không chịu nghe theo sự điều khiển của người cầm lái.
Ấy vậy mà vẫn chưa là gì, hành trình gian khó của chúng tôi chỉ thực sự bắt đầu khi từ Tỉnh lộ 675 đi vào Quốc lộ 14C băng qua vùng lõi rừng quốc gia Chư Mom Ray.
Tôi đổi lái cho chị đồng nghiệp, bởi đã nhiều lần đến Mô Rai tôi hiểu rõ con đường này kinh khủng thế nào, nó có thể làm chùn tay bất kỳ một lái xe nào, ngay cả với phượt thủ.
Những đoạn đường đá cuội như những chiếc tô, chén ăn cơm, bình đựng trà trải dài; thỉnh thoảng lại gặp một quãng đường đất lầy lội hằn những vệt bánh xe tải trũng sâu; rồi những ổ voi, ổ trâu sâu hoắm luôn chực chờ để “nuốt chửng” chiếc xe nếu lao xuống.
Tôi phải xả bớt hơi bánh xe để lốp đỡ căng vì khi đi trên đoạn đường đá cứ nảy lên như hờn giận, chiếc mũ bảo hiểm cũng theo nhịp dội vào đầu người ngồi trên xe.
Cứ thế, chúng tôi xé đường 14C đi giữa bao la núi rừng, chiếc xe máy ì ạch trượt qua từng viên đá, rãnh lầy, hố sâu, không ít lần nó chẳng chịu nghe theo sự điều khiển của đôi tay làm chị em tôi sém chút “đo đường”.
Đường càng đi càng vắng lặng, lâu lắm chúng tôi mới gặp một vài xe chở gỗ "lặc lè” leo dốc trở ra và gặp những chiếc xe máy của mấy anh chị “công ty 2 sọt” chở thực phẩm đi vào xã. Vài người dân chắc có việc quan trọng phải ra huyện, ai nấy đều nhìn chúng tôi với ánh mắt ái ngại, hiếu kỳ.
Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, chảy thành giọt xuống mắt cay xè, vào miệng mặn đắng. Tôi vừa căng mình ghì tay lái, vừa phập phồng lo lắng, lo nhất chính là việc bị hỏng xe. Giữa rừng núi hoang vu, chúng tôi - hai người phụ nữ chưa một lần cầm đến một dụng cụ sửa xe, biết nhờ vả ai đây. Nhưng rồi “bụng bảo dạ”, tôi tự trấn an mình “không sao đâu, mình đã bảo dưỡng xe rất kỹ càng trước khi đi rồi mà, chắc vào đến gần xã đường sẽ bớt khó hơn”. Tôi đếm từng cột ki lô mét bên vệ đường, mỗi ki lô mét trôi qua tôi lại thấy lòng nhẹ nhõm hơn.
Khi đến làng Rẽ - làng đầu tiên của xã Mô Rai, thấy những mái nhà dân thấp thoáng sau những tán cây ăn trái, tôi mới vững tâm vì từ đây nếu có khó khăn gì, chúng tôi sẽ nhờ vả được bà con trong xã.
Đường vẫn rất khó đi, thậm chí còn khó hơn cả chặng đường dài mà chúng tôi đã đi qua. Chiếc xe máy cứ nẩy lên như muốn hất cả hai chúng tôi xuống đường. Lâu rồi không trở lại, đúng là Quốc lộ 14C – con đường huyết mạch của Mô Rai kinh hoàng hơn những gì tôi nghĩ.
Xuất phát từ thành phố Kon Tum lúc 7h sáng, vậy mà gần 12h trưa chúng tôi mới có mặt ở trung tâm xã Mô Rai. Phó Chủ tịch UBND xã - A Yer vẫn chờ ở trụ sở, tay bắt mặt mừng, anh vồn vã hỏi han: Đường đi khó lắm phải không? Các chị đi vào đây chắc mệt lắm hả? Tôi phục 2 người phụ nữ này thật đấy, đúng là các tay lái Trường Sơn đây. Ngay cả người dân trong xã, không phải ai cũng có thể điều khiển xe máy đi trên Quốc lộ 14C này được đâu.
Rót nước mời khách, tăng thêm số quạt để xua đi cái nóng oi bức vùng biên, anh A Yer nói thêm: Các chị vẫn gặp may đấy, mấy hôm nay mưa tạnh, đường khô ráo nhiều nên mới vào xã được chứ cách đây khoảng 1 tuần thôi, người dân trong xã gần như bị cô lập, khó có phương tiện nào có thể ra vào được suốt gần 1 tháng trời. Khó khăn, bức bối vô cùng. Mấy thầy cô giáo sau kỳ nghỉ hè từ huyện về trường nhưng không thể đi được đường 14C cũng như đi tắt từ hướng Sa Sơn lên mà phải đi vòng qua Gia Lai, lên huyện Ia H’Drai rồi mới lên đây, chắc cũng phải 220 cây số. Mặc dù, đoạn từ xã Ia Dom sang đây cũng vẫn còn nhiều quãng rất khó đi, song cũng đỡ hơn chút ít.
Hớp miếng nước trà, bỗng A Yer chuyển sang vẻ trầm ngâm. Anh trải lòng: Đường xá khó khăn, giao thông cách trở khiến cuộc sống của người dân trong xã chịu nhiều thiệt thòi, khổ nhất là khi ốm đau nặng hay khi có việc phải ra huyện, xuống phố. Rồi hàng hoá nông sản làm ra khó tiêu thụ, bị ép giá; hàng hoá nhu yếu phẩm nhiều khi bị đứt quãng. Điều này cũng phần nào làm cản trở hành trình phát triển đi lên của xã.
Mấy hôm nay ở thành phố Kon Tum mưa nhiều, nghĩ đến Mô Rai, lòng tôi lại càng xót xa.
Chuyện kể của những người con cách mạng
Mô Rai xa xôi, gian khó là vậy, nhưng đồng bào Rơ Măm, Ja Rai nơi đây rất tự hào về truyền thống cách mạng của mảnh đất này. Đây là vùng đất anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ.
Mấy ngày ở lại Mô Rai, chúng tôi cố gắng tìm hiểu, nghe chính những người con cách mạng kể về những tháng năm gian khó mà oai hùng của quân và dân trong xã.
|
Phó Chủ tịch UBND xã - A Yer tình nguyện nhận nhiệm vụ làm “sứ giả” đưa chúng tôi đến gặp những vị lão thành cách mạng. Người mất, người còn; người còn nhớ, người đã quên; người tai không nghe rõ, người không còn sức để kể, người thì đi vắng...
Đánh vật với những đoạn đường đá từ làng này qua làng khác, qua hết nhà này đến nhà khác cả mấy tiếng đồng hồ mà không gặt hái được kết quả gì khiến chúng tôi muốn nản lòng.
May thay, khi đến gặp cụ A Đáo (làng Tang), ông vẫn còn khá nhanh nhẹn và minh mẫn. Già A Đáo (dân tộc Ja Rai) năm nay 74 tuổi, là bệnh binh và đã có 46 năm tuổi Đảng. Ông tham gia cách mạng từ lúc mới 14 tuổi, 17 tuổi đi bộ đội và đã trải qua nhiều vị trí công tác tại H67 (mật danh của huyện Sa Thầy) trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đến năm 1980 ông về nghỉ phục viên...
Rót chén nước trà thơm phức mời khách, kéo cái đòn đưa chúng tôi, già A Đáo bảo: Chúng mày uống nước đi cho đỡ khô cái miệng, ngồi xuống đây cho đỡ mỏi cái chân rồi tao kể chuyện cho mà nghe, chuyện dài lắm nên chúng mày đừng có vội...
Nói rồi, đôi mắt ông nhìn xa xăm ra ngọn núi trước nhà như để tìm về một miền ký ức, già A Đáo chậm rãi: Mô Rai bây giờ tiền thân là 2 xã Ia Mô và Ia H’Rai hợp lại. Trong kháng chiến, phong trào cách mạng ở vùng này mạnh lắm, người dân làng Tang cũng như các làng khác đều một lòng một dạ đi theo cách mạng. Mỗi gia đình, mỗi làng là một cơ sở nuôi giấu cán bộ, một địa chỉ phục vụ kháng chiến. Hồi ấy, sân bay của Mỹ đóng ngay ở vị trí làng Tang cũ, địch truy lùng, đánh bom dữ lắm, dân làng liên tục phải di chuyển hết cánh rừng này đến cánh rừng khác, vào tận trong núi sâu để tránh sự phát hiện của kẻ thù, che chở cho cán bộ, quyết tâm chết sống cùng bộ đội.
“Chúng mày biết không, ngày ấy dân làng ai cũng đói khổ nhưng vẫn sẵn sàng góp từng gùi bắp, hạt lúa, con trâu, con bò để ủng hộ cách mạng; không tiếc bất kỳ một thứ gì. Nhiều thanh niên của làng và trong cả vùng này đã tình nguyện xin nhập ngũ, thậm chí có nhiều bà mẹ đã dắt con mình đến xin cho được tham gia chiến đấu” - già A Đáo xúc động kể.
Từ làng Tang, chúng tôi lại kỳ cạch di chuyển hơn chục cây số để đến làng Le, tìm đến nhà ông A Glá - nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Mô Rai, ông đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất... May thay, hôm ấy trời sụt sùi mưa nên ông không đi rẫy.
|
Nghe ý định của chúng tôi, ông A Glá vui lắm: Vậy là, chúng mày là nhà báo ở dưới tỉnh lên hả. Ừ, tao nghĩ mấy đứa phải đi, nghe và viết lại những điều này để nhiều người biết và lưu lại sau này cho con cháu chúng nó đọc chứ chúng tao già, chết đi còn ai kể chuyện nữa.
Lật lại từng trang hồi ức, ông A Glá chậm rãi kể: Trong kháng chiến chống Mỹ, người Rơ Măm ở làng Le nói riêng và đồng bào DTTS ở đây rất dũng cảm, kiên cường. Tất cả các làng đều theo cách mạng, dù chịu nhiều gian khó, nguy hiểm nhưng ai cũng một lòng một dạ tin theo Đảng, theo Bác Hồ, nghe lời bộ đội.
Hồi ấy, làng Le ở tít trên núi cao, vậy mà cứ liên tục phải di chuyển để tránh sự phát hiện của kẻ thù; mọi người, mọi nhà phải lẩn trốn trong rừng, đi đào củ rừng, đi săn con thú, trồng mì, lúa rẫy để nuôi những chiến sĩ hoạt động cách mạng; rồi làm liên lạc cho bội đội. Bọn địch truy lùng dữ lắm, không phát hiện ra bộ đội ta, chúng điên cuồng phá hết mì, lúa của dân làng trồng; nhiều khi trồng lúa đến lúc được thu chúng đốt hết; mì trồng lên chưa kịp nhổ thì chúng phá tan tành...
Như cách nói của ông A Glá, chúng tôi hiểu Mô Rai đến bây giờ vẫn còn nhiều cái khó nói gì đến những năm chiến tranh. Nhưng mảnh đất này chưa bao giờ thiếu tình yêu và niềm tin dành cho cách mạng, thiếu đi những người con dám xả thân cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chẳng thế mà xã Mô Rai hai lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương anh hùng, rất nhiều gia đình trong xã đều thuộc gia đình chính sách.
Minh chứng rõ nhất cho một Mô Rai anh hùng đó là trên Bia tưởng niệm của xã, hàng trăm liệt sĩ được Tổ quốc ghi công, có những người còn rất trẻ và đa phần các gia đình ở đây đều có người được ghi tên trên tấm bia vinh quang nhưng cũng đầy đau thương và nước mắt này. Tấm bia như một tượng đài sừng sững giữa đại ngàn, nhắc nhớ một thời oanh liệt, hào hùng của Mô Rai...
Hành trình đến Mô Rai thật khó khăn, nhưng những ngày ở lại xã chúng tôi cảm nhận được sự thân thiện và nồng hậu của người dân nơi đây. Đêm đầu tiên ở lại vùng đất biên giới xa xôi này, trong ngôi nhà gỗ của ông A Glá, mấy người già quây quần bên ché rượu cần, thỉnh thoảng vít cần rít một hơi thật dài rồi trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe về chuyện đất, chuyện người nơi đây - một Mô Rai dù còn nhiều khó khăn những rất đỗi tự hào…
Bài và ảnh: Thuỳ Hương - Lê Nga